Những điều cần biết về phẫu thuật mở thông niệu quản ra da
Mở thông niệu quản ra da là một trong những loại phẫu thuật được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị ung thư bàng quang.
Một giải pháp thay thế cho mở thông niệu quản ra da là chuyển lưu nước tiểu tự chủ. Trong ca phẫu thuật này, bác sĩ sử dụng một đoạn ruột để tạo ra túi chứa nước tiểu bên trong cơ thể. Túi chứa này có thể thay thế cho bàng quang hoặc cũng được nối với một lỗ mở trên da để đưa nước tiểu ra ngoài.
Khi nào cần mở thông niệu quản ra da?
Mở thông niệu quản ra da được thực hiện trong những trường hợp bàng quang đã bị cắt bỏ hoặc không còn hoạt động do:
- Ung thư bàng quang
- Dị tật bẩm sinh, ví dụ như tật nứt đốt sống hoặc teo bàng quang
- Tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang
- Viêm bàng quang mạn tính
- Chấn thương tủy sống
Chuẩn bị trước phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải khám sức khỏe để đảm bảo kiểm tra xem có đủ điều kiện phẫu thuật hay không. Quá trình khám sức khỏe thường gồm có:
- Xét nghiệm máu
- Điện tâm đồ (EKG)
- Chụp X-quang lồng ngực
Bác sĩ sẽ xác định vị trí tạo lỗ mở trên thành bụng. Lỗ mở được tạo ở khu vực bằng phẳng và bệnh nhân có thể dễ dàng tiếp cận. Bệnh nhân sẽ được giải thích kỹ về quy trình phẫu thuật cũng như cách sử dụng túi chứa nước tiểu.
Bệnh nhân cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, bao gồm cả thuốc kê đơn lẫn thuốc không kê đang dùng. Nếu đang dùng thuốc chống đông máu hoặc các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến ca phẫu thuật thì sẽ phải tạm ngừng ít nhất một tuần trước phẫu thuật. Bệnh nhân còn phải kiêng rượu bia và thuốc lá để giảm nguy cơ biến chứng và tăng tốc độ phục hồi sau phẫu thuật.
Bệnh nhân có thể sẽ phải chuyển sang chế độ ăn lỏng trong một ngày và ngừng ăn uống trong 6 – 8 tiếng trước ca phẫu thuật. Vào buổi tối trước ca phẫu thuật, bệnh nhân cần tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng kháng khuẩn.
Quá trình phẫu thuật
Bệnh nhân được gây mê toàn thân nên sẽ hoàn toàn không cảm thấy đau đớn trong suốt ca phẫu thuật.
Bác sĩ cắt một đoạn ruột non (hồi tràng) nhỏ, sau đó nối phần còn lại với nhau để bệnh nhân tiêu hóa thức ăn và đại tiện bình thường.
Một đầu của hồi tràng được nối vào niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang). Đầu kia của hồi tràng được nối với lỗ mở trên da. Nước tiểu sẽ chảy từ niệu quản qua hồi tràng đến lỗ mở rồi chảy vào bên trong túi chứa mà bệnh nhân đeo bên ngoài cơ thể.
Ca phẫu thuật kéo dài từ 3 đến 5 giờ.
Phục hồi sau phẫu thuật
Bệnh nhân sẽ phải ở lại bệnh viện từ 4 đến 7 ngày sau ca phẫu thuật. Trong vài ngày đầu, vết mổ ở bụng sẽ được đặt ống dẫn lưu để loại bỏ dịch tích tụ ra khỏi bụng.
Bệnh nhân sẽ không được ăn uống trong vòng vài ngày. Thay vào đó, chất dinh dưỡng sẽ được truyền qua đường tĩnh mạch.
Trước khi xuất viện, bệnh nhân sẽ được kê thuốc giảm đau cũng như hướng dẫn tháo lắp túi chứa nước tiểu và chăm sóc vết thương.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân nên đứng lên đi lại thường xuyên nhưng không nên hoạt động mạnh và nâng vật nặng trong khoảng 4 tuần.
Chăm sóc vết mổ
Rửa khu vực xung quanh vết mổ bằng xà phòng kháng khuẩn không mùi, sau đó thấm nhẹ bằng khăn sạch cho khô. Sau khi tháo băng thì bệnh nhân có thể tắm nhưng không nên ngâm mình trong nước cho đến khi vết mổ lành hoàn toàn.
Trước khi xuất viện, bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn cách chăm sóc lỗ mở trên da. Ngay sau ca phẫu thuật, lỗ mở sẽ bị đỏ và dẫn thu nhỏ lại sau 6 đến 8 tuần. Bệnh nhân có thể sẽ phải đo kích thước lỗ mở mỗi tuần một lần để xem lỗ mở có bị rộng ra hay không.
Sử dụng túi chứa nước tiểu và miếng ngăn cách có kích thước phù hợp. Miếng ngăn cách có kích thước quá nhỏ sẽ làm biến dạng và làm hỏng lỗ mở. Nếu sử dụng miếng ngăn cách có kích thước quá lớn, nước tiểu có thể bị rò rỉ bên dưới và gây kích ứng da.
Thay túi chứa nước tiểu thường xuyên để tránh bị kích ứng hoặc rò rỉ nước tiểu. Nên đổ nước tiểu trong túi khi túi đầy từ 1/3 đến 1/2 để không bị rò rỉ. Khi thay túi, hãy làm sạch vùng da xung quanh lỗ mở bằng nước và thấm nhẹ cho khô.
Rủi ro khi mở thông niệu quản ra da
Xung quanh lỗ mở có thể sẽ bị chảy máu một chút sau phẫu thuật. Điều này là bình thường. Nhưng hãy báo cho bác sĩ nếu bị chảy máu bên trong lỗ mở hoặc máu chảy liên tục trong 5 đến 10 phút.
Ngoài ra, sau ca phẫu thuật mở thông niệu quản ra da, bệnh nhân còn có thể gặp phải các vấn đề khác như:
- Sưng ở bộ phận sinh dục và chân
- Một lượng nhỏ chất lỏng chảy qua dương vật hoặc âm đạo trong vài ngày sau ca phẫu thuật.
- Nước tiểu chảy qua lỗ mở gây kích ứng da. Do đó nên sử dụng miếng ngăn cách giữa da và túi chứa nước tiểu để bảo vệ da.
Mặc dù hiếm gặp nhưng phẫu thuật mở thông niệu quản ra da có thể gây ra các vấn đề như:
- Nhiễm trùng
- Cục máu đông
- Viêm phổi
Báo cho bác sĩ hoặc đến ngay bệnh viện nếu bệnh nhân nhận thấy các triệu chứng sau:
- Chảy máu nhiều từ lỗ mở
- Loét da hoặc kích ứng da nghiêm trọng
- Thay đổi kích thước lỗ mở, đặc biệt là khi lỗ mở đột nhiên lớn hơn hoặc nhỏ hơn từ 1cm trở lên
- Lỗ mở chuyển màu tím, đen hoặc trắng
- Lỗ mở có mùi bất thường
- Bụng phình to hoặc đau
- Sốt
- Nước tiểu có máu hoặc có mùi hôi
Cuộc sống sau khi mở thông niệu quản ra da
Khi bàng quang đã bị cắt bỏ hoặc bị tổn thương và không còn chứa được nước tiểu, phẫu thuật mở thông niệu quản ra da sẽ giúp loại bỏ nước tiểu khỏi cơ thể để bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường.
Sau khi mở thông niệu quản ra da, bệnh nhân sẽ phải đeo một chiếc túi chứa nước tiểu bên mình. Bệnh nhân sẽ không thể đi tiểu bình thường giống như khi phẫu thuật chuyển lưu nước tiểu tự chủ.
Thường sẽ phải mất một thời gian để bệnh nhân quen với việc loại bỏ nước tiểu qua lỗ mở trên da. Chỉ sau vài lần, việc tháo túi chứa nước tiểu sẽ trở nên dễ dàng hơn. Hầu hết mọi người đều có thể sinh hoạt bình thường, bao gồm cả tập thể dục và bơi lội sau khi mở thông niệu quản ra da.
Chuyển lưu dòng tiểu là một thủ thuật được thực hiện phổ biến trong điều trị ung thư bàng quang. Mặc dù thủ thuật này mang lại lợi ích lớn cho người bệnh nhưng cũng dẫn đến nhiều thay đổi trong cuộc sống hàng ngày. Sau khi phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu, người bệnh sẽ cần lưu ý một số điều để đảm bảo sức khỏe tốt và duy trì sinh hoạt bình thường.
Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.
Siêu âm tuyến tiền liệt được sử dụng để kiểm tra tình trạng tuyến tiền liệt và phát hiện các vấn đề bất thường như ung thư hay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt).
Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt là giải pháp điều trị tốt nhất trong những trường hợp khối u nằm bên trong tuyến tiền liệt và chưa xâm lấn khu vực xung quanh. Ca phẫu thuật được thực hiện nhằm loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư trước khi lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi các tế bào ác tính phát triển bất thường hình thành nên khối u ở tuyến tiền liệt. Ung thư có thể lan sang các cấu trúc lân cận và khu vực khác của cơ thể, được gọi là ung thư tuyến tiền liệt di căn.