1

NHỮNG BIỆN PHÁP KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Bài giảng sản phụ khoa Tập 2_ĐHYHN_Năm 2020

Kế hoạch hoá gia đình (family planning) là nỗ lực có ý thức của các cặp vợ chồng để điều chỉnh số con và khoảng cách sinh con theo ý muốn. Kế hoạch hoá gia đình thường bao hàm việc sử dụng các biện pháp nhằm kiểm soát sinh đẻ để tránh tăng dân số, nhưng cũng bao gồm cả nỗ lực giúp cho các cặp vợ chồng khó sinh đẻ. Vì thế người ta chia kế hoạch hoá gia đình ra làm hai hướng: kế hoạch hoá gia đình dương tính nằm tăng phát triển dân số và kế hoạch hoá gia đình âm tính nhằm làm giảm phát triển dân số. Tình hình phát triển dân số của nước ta buộc phải tiến hành kế hoạch hoá gia đình âm tính tức là nhấn mạnh đến các biện pháp tránh thai. Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ đề cập đến các biện pháp tránh thai. Theo tính chất tác dụng, người ta chia các biện pháp tránh thai ra hai loại: tránh thai tạm thời và tránh thai vĩnh viễn.

- Tránh thai tạm thời:

+ Cho nữ giới:

  •  Màng ngăn âm đạo, mũ cổ tử cung, bao cao su nữ.
  •  Thuốc diệt tinh trùng, bọt đặt âm đạo.
  •  Vô kinh cho bú.
  •  Dụng cụ tử cung tránh thai
  • Thuốc nội tiết tránh thai

+ Cho nam giới:

  •  Xuất tinh ra ngoài.
  • Bao cao su nam.

+ Cho cả nam và nữ:

  •  Kiêng giao hợp định kỳ.

- Tránh thai vĩnh viễn:

  • Thôi sản nữ và thôi sản nam (còn gọi là đình sản).

I. CÁC BIỆN PHÁP TRÁNH THAI TRUYỀN THỐNG

1.1. Xuất tinh ngoài âm đạo (giao hợp ngắt quãng)

- Phương pháp xuất tinh ngoài âm đạo đòi hỏi sự chủ động của nam giới trong lúc giao hợp. Dương vật được rút nhanh chóng ra khỏi âm đạo trước lúc có phóng tinh. Phương pháp này được sử dụng rất rộng rãi ở một số nước phát triển và đang phát triển.

- Cơ chế tác dụng: không cho phép tỉnh trùng gặp được noãn, ngăn cản hiện tượng thụ tinh.

- Tỉ lệ thất bại: khoảng 5-25 thai nghén cho 100 người sử dụng phương pháp này trong năm đầu tiên.

- Lợi ích:

  •  Không có ảnh hưởng dài hạn hay toàn thân.
  •  Phương pháp này luôn sẵn sàng, không cần chi phí, không đòi hỏi phải huấn luyện. Các bất lợi:
  •  Tỷ lệ thất bại khá cao, đòi hỏi phải tuân thủ rất chặt chẽ tất các hành động trong lúc giao hợp. Đặc biệt đòi hỏi sự quyết tâm, dứt khoát của nam giới, yếu tố tiên quyết cho sự thành công của phương pháp.
  •  Phương pháp này hoàn toàn không phù hợp với những người bị xuất tinh sớm.

1.2. Kiêng giao hợp định kỳ

Kiêng giao hợp định kỳ là chọn thời điểm giao hợp cách xa những ngày phóng noãn, nhằm mục đích tinh trùng sống không gặp được noãn sống Phương pháp này đôi khi sử dụng kết hợp cùng với một số phương pháp khác như: xuất tinh ngoài âm đạo, vách ngăn... Trong trường hợp này hiệu quả tránh thai sẽ tăng lên.

- Phương pháp tính theo nhịp lịch có tỉ lệ thất bại khá cao (5-40 thai nghén cho 100 phụ nữ/năm) (1981). Phương pháp này ít có hiệu quả, đôi khi gây khó khăn cho cặp vợ chồng vì phải kiêng giao hợp khá lâu. Vì thế năm 1982 IPPF (International Planned Parenthood Federation) đã kết luận rằng: phương pháp này không được xem là một phương pháp kế hoạch hoá gia đình có hiệu quả.

- Phương pháp Ogino (1928) - Knaus (1930): kiêng giao hợp ngày thứ 9 đến ngày thứ 19 của vòng kinh 28 ngày. Cần phải theo dõi liên tiếp hai vòng kinh trước đó để đánh giá mức độ đều của vòng kinh. Phương pháp này không có hiệu quả, không thực hiện được ở những người có vòng kinh không đều.

- Phương pháp ghi thân nhiệt do Ferin đề xuất năm 1947 dựa trên cơ sở phát hiện ra đường cong thân nhiệt hai thì trong chu kỳ kinh nguyệt có phóng noãn của Van de Velde (1904). Theo phương pháp này, chỉ được giao hợp sau khi tăng thân nhiệt 2 ngày, giới hạn của phương pháp chỉ cho biết giai đoạn sau phóng noãn.

- Phương pháp chất nhầy cổ tử cung (phương pháp Billings): không giao hợp khi người phụ nữ có chất nhầy trong âm đạo (đưa hai ngón tay vào âm đạo thấy có chất nhầy ở giữa hai ngón tay) cho đến 4 ngày sau khi hết chất nhầy ẩm ướt.

+ Tỉ lệ thất bại: nếu áp dụng thường xuyên thất bại vào khoảng 10-30 thai nghén cho 100 phụ nữ sử dụng trong một năm. Phương pháp tính theo nhịp lịch có tỉ lệ thất bại cao hơn một chút. Hiệu quả tránh thai còn phụ thuộc vào sự quyết tâm và sự cam kết của hai vợ chồng.

+ Lợi ích:

  • Hiệu quả khá cao, một khi thực hiện tốt đúng theo yêu cầu, hiệu quả đạt trên 90%.
  •  Không tốn kém.
  •  Không có ảnh hưởng dài hạn hay toàn thân.
  •  Không đòi hỏi phải sử dụng thuốc hay dụng cụ.
  •  Nâng cao hiểu biết về chu kỳ sinh sản, có thể sử dụng để làm tăng khả năng thụ thai khi cần thiết.

- Bất lợi:

  •  Đòi hỏi phải kiêng giao hợp nhiều ngày trong một chu kỳ kinh nguyệt, rất khó áp dụng trong trường hợp kinh nguyệt không đều.
  •  Cần phải theo dõi chu kỳ kinh nguyệt vài tháng trước khi quyết định áp dụng phương pháp.
  •  Không phù hợp với cặp vợ chồng sống xa nhau, không giao hợp thường xuyên.
  • Tỉ lệ thất bại khá cao.
  •  Cần phải hướng dẫn, huấn luyện để sử dụng có hiệu quả phương pháp này. Người phụ nữ có khả năng xác định được thời kỳ có khả năng sinh sản của mình.

1.3. Phương pháp tránh thai vô kinh cho bú (LAM - lactational amenorrhea method)

- Cho con bú sữa mẹ là cách dinh dưỡng lý tưởng nhất cho con, đồng thời cũng giúp người phụ nữ đẻ thưa ra. Phương pháp cho bú vô kinh chỉ có hiệu quả khi có điều kiện sau:

  •  Chưa có kinh nguyệt trở lại.
  •  Người phụ nữ phải nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn.
  •  Đứa trẻ dưới 6 tháng tuổi.

- Nếu một trong ba điều kiện trên không bảo đảm thì phải áp dụng ngay một phương pháp tránh thai bổ trợ khác. Một khi tuân thủ đầy đủ các yêu cầu trên, phương pháp tránh thai này đạt hiệu quả tới 98%. Phương pháp có thể bắt đầu ngay sau khi đẻ, kinh tế, dễ thực hiện, phù hợp với mọi tôn giáo và văn hoá. Đây là phương pháp tránh thai rất đáng được khuyến khích ở các nước đang phát triển, kinh tế còn nhiều khó khăn bởi vì:

  •  Sữa mẹ có vai trò dinh dưỡng tốt nhất cho con.
  • Bú mẹ có tác dụng tránh thai hơn tất cả các phương pháp tránh thai khác cộng lại.
  •  Là một phương pháp tránh thai quan trọng trong 6 tháng đầu, với hiệu quả cao.

II. CÁC PHƯƠNG PHÁP TRÁNH THAI VÁCH NGĂN

2.1. Bao cao su nam (condom)

- Là phương pháp tránh thai áp dụng cho nam giới, ngày càng được khuyến cáo sử dụng rộng rãi nhằm mục đích tránh thai và đề phòng các bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục. Bao cao su nam được sử dụng ở các nước phát triển. Phương pháp tránh thai hoàn toàn có hồi phục, tác dụng tránh thai chỉ có mỗi khi sử dụng bao cao su. Bao cao su là một phương pháp tránh thai có hiệu quả và động viên nam giới tham gia vào việc tránh thai, chia sẻ trách nhiệm kế hoạch hoá gia đình.

- Bao cao su được lắp vào dương vật khi đã căng cứng, trước lúc đưa vào âm đạo. Động tác lắp nhẹ nhàng tránh gây rách bao. Sau khi đã phóng tinh phải rút dương vật và bao cao su ra ngay.

- Ở những cặp vợ chồng có kinh nghiệm sử dụng và thực sự muốn sử dụng thì tỉ lệ thất bại vào khoảng 3 thai nghén cho 100 phụ nữ sử dụng trong một năm. Tỉ lệ thất bại có thể cao hơn trong năm đầu. Nguyên nhân thất bại là do sử dụng không đều đặn hay không đúng quy cách, bao cao su đã bị hư hỏng do điều kiện bảo quản kém. Ngày nay tỉ lệ thất bại có giảm đi nhiều vì người ta đã sử dụng thêm chất diệt tinh trùng đồng thời là chất bôi trơn. Dùng bao cao su nam có tác dụng rất lớn đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai, Trichomonas, Chlamydia, Herpes và nhất là HIV). Tuy nhiên khả năng bảo vệ không phải là tuyệt đối. Người ta còn thấy rằng bao cao su có tác dụng đề phòng và cải thiện tổn thương nghi ngờ ở cổ tử cung, bảo vệ phụ nữ khỏi bị ung thư cổ tử cung và viêm nhiễm tiểu khung.

- Lợi ích:

  •  Không có ảnh hưởng toàn thân hay dài hạn.
  •  Hiệu quả tránh thai cao khi sử dụng đúng cách.
  •  Người sử dụng dễ dàng tiếp cận (bán rộng rãi trên thị trường), có thể kiểm tra được chất lượng.
  •  Là một phương pháp tốt phòng tránh các bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục kể cả HIV/AIDS.

- Bất lợi:

  • Cần phải bảo quản đúng cách, ở những nơi quá nóng, ẩm, có ánh sáng mặt trời, thời gian bảo quản trên 3 năm làm giảm chất lượng bao cao su, có nguy cơ dễ bị rách khi sử dụng.
  • Chỉ dùng được một lần, sau khi giao hợp cần tìm chỗ vứt bỏ.
  • Có thể ảnh hưởng đến khoái cảm trong lúc giao hợp.
  • Cần phải có nguồn cung cấp đều đặn.
  • Đôi khi có người bị dị ứng với latex.

2.2. Tránh thai trong âm đạo

- Có nhiều phương pháp như màng ngăn âm đạo, bao cao su nữ, viên sủi, kem, miếng sốp, viên đặt... Cơ chế tác dụng có thể là màng ngăn cơ học, màng ngăn lý học, nhưng bao giờ cũng có kèm theo chất diệt tinh trùng được bổ sung vào. Tất cả các biện pháp này đều có tác dụng tránh thai nhất thời, dễ dàng phục hồi sau khi ngừng sử dụng.

- Thuốc diệt tinh trùng là những hoá chất mà hoạt chất có thể là một trong các chất sau: clorua benzalkonium (BZK), hexyl-resorcinol, 9-nonoxynol (N9). Các thuốc có thể có nhiều dạng như kem, bọt, giấy, viên đạn, viên sủi bọt được đặt vào âm đạo. Cơ chế tác dụng: làm bất hoạt tinh trùng và về mặt vật lý chặn không cho tinh trùng vào cổ tử cung. Thuốc còn tác dụng diệt vi khuẩn. Muốn tăng tác dụng tránh thai đối với các thuốc diệt tinh trùng, nên đặt trước khi giao hợp khoảng 10 phút, đặt sâu vào trong âm đạo, tiếp xúc với cổ tử cung. Bảo vệ tránh thai bắt đầu 10-15 phút sau khi đặt và thường có hiệu quả trong 1 giờ. Để có kết quả tối đa nên dùng thuốc phối hợp với một màng ngăn. Tránh tắm rửa trong vòng 6 giờ sau khi giao hợp. Trong trường hợp sử dụng đúng cách, tỉ lệ thất bại không vượt quá 5 thai nghén cho 100 phụ nữ/năm (1984).

- Lợi ích: 

  •  Không có ảnh hưởng dài hạn hay toàn thân.
  • Thích hợp cho những cặp vợ chồng không thường xuyên giao hợp, sống xa
  •  Có thể hạn chế một số bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Bất lợi:

  •  Cần có nguồn cung cấp đáng tin cậy, giá thành tương đối đắt.
  •  Tỉ lệ thất bại còn khá cao.
  •  Có thể gây một số phản ứng phụ tại chỗ (ngứa, kích thích, bỏng rát...), ngoại lệ có thể gặp hội chứng choáng nhiễm độc.

III. THUỐC VIÊN TRÁNH THAI

Thuốc viên tránh thai là một phương pháp tránh thai có hồi phục. Tuy theo thành phần của viên thuốc người ta có thể chia ra các loại sau:

  •  Viên tránh thai phối hợp: trong thành phần có estrogen và progestin.
  •  Viên progestin: trong thành phần chỉ có progestin.

3.1. Viên tránh thai phối hợp

3.1.1. Các dạng thuốc

- Nếu dựa vào hàm lượng estrogen chứa trong viên thuốc, người ta có thể chia ra các loại sau:

  •  Viện tránh thai liều lớn: hàm lượng ethinyl-estradiol (EE) có trong mỗi viên thuốc là 50mg. Viên estro-progestatif cổ điển chứa 50mg ethinyl-estradiol (EE), có dạng kết hợp hay dạng kế tiếp (viên chứa 50mg ethinyl-estradiol đầu tiên xuất hiện năm 1964). Progestin là thành phần tránh thai chủ yếu, estrogen bổ sung nhằm tránh tác dụng gây ra máu thấm giọt của progestin.
  •  Viên tránh thai liều nhỏ: hàm lượng ethinyl-estradiol (EE) chứa trong mỗi viên thuốc là từ 20-40mg (viên chứa 30mg ethinyl-estradiol xuất hiện đầu tiên năm 1974). Chính vì estrogen trong viên thuốc đã gây ra các tác dụng không mong muốn, do đó người ta ngày càng cố gắng hạ thấp liều lượng estrogen trong mỗi viên thuốc.

- Nếu dựa vào cách phối hợp giữa hai loại nội tiết estrogen và progestin, người ta có thể chia ra các loại sau:

  •  Viên tránh thai phối hợp: hàm lượng ethinyl-etradiol và progestatif giống nhau trong mọi viên của vỉ thuốc (eugynon, ovidon, microgynon, rigevidon, marvelon...).
  •  Dạng kế tiếp: phần đầu của vỉ thuốc là các viên chỉ chứa estrogen, phần sau của vỉ thuốc là các viên chứa cả estrogen và progestatif.
  •  Hai pha: hàm lượng ethnyl-estradiol và progestatif thay đổi một lần trong vỉ thuốc.
  •  Ba pha: hàm lượng ethnyl-estradiol và progestatif thay đổi hai lần trong vỉ thuốc.

3.1.2. Cơ chế tác dụng

- Tác dụng tránh thai là do nhiều cơ chế phối hợp, bổ sung lẫn nhau. Tác dụng quan trọng nhất là ức chế phóng noãn do ức chế cả trục dưới đồi - tuyến yên, dẫn đến ức chế chế tiết FSH, làm mất đỉnh LH. Các hormon chứa trong viên thuốc làm thay đổi cấu trúc của nội mạc tử cung thường gây teo nội mạc do tác dụng của progestin, không thích hợp cho trứng làm tổ. Viên thuốc tránh thai thường làm chất nhầy cổ tử cung đặc quánh lại ngăn cản tinh trùng xâm nhập vào buồng tử cung. Vai trò nổi trội của từng cơ chế khác nhau tuỳ theo loại thuốc. Nói tóm lại viên thuốc tránh thai tác động lên ba nơi, một ở trung tâm dưới đồi - tuyến yên, hai ở nội mạc tử cung, ba là chất nhầy cổ tử cung.

3.1.3. Hiệu quả tránh thai

- Hiệu quả của viên thuốc tránh thai phải nói là tuyệt vời, với điều kiện uống đều đặn, không được quên. Nói chung tỉ lệ thất bại rất thấp, chỉ số Pearl nhỏ hơn 1, có nghĩa là có dưới 1 trường hợp có thai ngoài ý muốn trong số 100 phụ nữ sử dụng trong 1 năm, cụ thể:

  • Viên cổ điển: 0,15-0,45 thai nghén cho 100 phụ nữ/năm.
  •  Viên liều nhỏ: 0,4-0,7 thai nghén cho 100 phụ nữ/năm.

- Lợi ích:

  •  Kinh nguyệt đều, giảm lượng máu kinh, giảm hiện tượng thống kinh, giảm nang buồng trứng cơ năng (giảm 270 lần) và viêm vòi tử cung, giảm hội chứng trước kinh, giảm ung thư buồng trứng và nội mạc tử cung (loại viên kết hợp) (giảm 2 lần), giảm các bệnh vú lành tính (giảm 4 lần) và có thể cả ung thư vú, giảm viêm khớp dạng thấp. Người ta đã quan sát thấy tỉ lệ chửa ngoài tử cung giảm đi khi dùng viên thuốc tránh thai (giảm 90%). Không có nguy cơ tăng bệnh lý tim mạch, bệnh lý gan với điều kiện không hút thuốc lá.
  •  Hiệu quả tránh thai cao, phương pháp tránh thai có hồi phục, dễ sử dụng.

- Bất lợi:

  •  Hoàn toàn không có liên quan đến giao hợp.
  •  Cần cung cấp đều đặn viên thuốc.
  •  Làm giảm lượng sữa mẹ, nên không được dùng khi đang cho con bú.
  •  Đôi khi gây cảm giác như nghén.
  •  Rối loạn điều hoà chuyển hoá đường gây tăng insulin, dung nạp đường giảm đi có xu hướng tăng đường máu. Estrogen và cả progesteron có thể là nguyên nhân.
  •  Tăng triglycerid và cholesterol do tác dụng của ethinyl-estradiol lên gan. Mức độ tác dụng phụ thuộc vào nồng độ estrogen. Estrogen gây giảm LDL cholesterol (low-density lipoprotein) và gây tăng HDL cholesterol (high-density lipoprotein), hậu quả làm tăng bệnh lý tim mạch. Người ta thấy tỉ lệ cao viêm tắc tĩnh mạch sâu và huyết khối động mạch phổi ở những người dùng viên thuốc tránh thai (cao gấp 3-11 lần so với người không dùng).
  •  Tăng đông máu mà chưa biết chính xác cơ chế, làm tăng độ kết dính tiểu cầu, làm tăng tổng hợp và một số yếu tố đông máu. Cuối cùng viên thuốc tránh thai loại này làm tăng nguy cơ bị tắc mạch huyết khối.
  •  Gây ứ mật, vàng da do ứ mật, làm tăng sỏi túi mật. Chống chỉ định dùng viên thuốc tránh thai khi trong tiền sử có những dấu hiệu này.
  •  Riêng đối với viên thuốc tránh thai loại kế tiếp vì phần đầu không có progestatif hình như làm tăng tỉ lệ mắc ung thư nội mạc tử cung sau này. Chính vì lý do này mà không nên sử dụng loại viên này kéo dài trong nhiều năm.
  •  Có thể gây ra một số biến chứng hiếm gặp về tuần hoàn. Nguy cơ tăng lên đối với phụ nữ trên 35 tuổi nghiện thuốc lá hoặc có các vấn đề sức khoẻ khác.

3.1.4. Chống chỉ định dùng viên thuốc tránh thai

- Chống chỉ định tuyệt đối:

  •  Đang có thai dù rằng người ta không thấy tác hại của viên thuốc tránh thai đối với mẹ hoặc thai khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai.
  •  Thời kỳ cho con bú vì có khả năng ảnh hưởng đến tiết sữa, tăng nguy cơ bị huyết khối và trẻ sơ sinh có thể bị ảnh hưởng khi phải tiếp xúc với hormon steroid.
  •  Tiền sử huyết khối động mạch hay tĩnh mạch.
  •  Bệnh lý có nguy cơ bị huyết khối: bệnh tim mạch, phải nằm lâu tại chỗ, phẫu thuật lớn.
  •  Tiền sử hay hiện tại có thiếu máu cơ tim.
  •  Tăng huyết áp.
  •  Tai biến mạch máu não (tiền sử hay đang điều trị).
  •  Tăng lipid máu.
  •  Đái tháo đường lệ thuộc insulin.
  •  Bệnh lý gan tiến triển, tiền sử vàng da ứ mật khi có thai, tiền sử ngứa khi có thai, viêm gan virus, xơ gan, ung thư gan.
  •  Bệnh lý của nguyên bào nuôi (chửa trứng, chorio).
  •  Các bệnh ung thư thuộc nội tiết: ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú.
  •  Nghiện thuốc lá ở người trên 35 tuổi.

- Chống chỉ định tương đối:

  •  Béo phì.
  •  Tiền sử gia đình có tăng lipid máu, đái tháo đường, tai biến mạch máu não.
  •  Trong khi có thai tăng cân quá mức hay bị huyết áp cao.
  •  Cường tuyến giáp trạng.
  •  U xơ tử cung.
  •  Đái tháo đường không lệ thuộc insulin.

3.1.5. Một số tình huống khi dùng viên thuốc tránh thai

  •  Quên uống thuốc: nếu quên một viên vào buổi tối thì uống bù viên quên vào sáng ngày hôm sau, tối hôm sau vẫn uống như thường lệ. Nếu quên uống từ hai viên trở lên thì tốt nhất là ngừng thuốc, vứt vỉ thuốc dở đi, đợi ra máu do tụt nội tiết rồi bắt đầu dùng vỉ thuốc mới.
  •  Có cần ngừng tạm thời định kỳ viên thuốc tránh thai không ? Không cần thiết nếu mọi theo dõi vẫn bình thường. Cho đến nay không có lý lẽ khoa học nào buộc phải ngừng tạm thời có định kỳ viên thuốc tránh thai. Chỉ ngừng dùng thuốc khi muốn có con, phải phẫu thuật (ngừng trước khi mổ 4 tuần) và khi có dấu hiệu bất thường (nhức đầu, đau vú, huyết áp cao...) Người ta khuyên nên ngừng thuốc thước khi có thai ít nhất là 3 tháng để nội mạc tử cung trở về bình thường, hạn chế tỉ lệ đa thai do hiệu ứng nhảy vọt. Có thai khi đang dùng thuốc (vì quên thuốc), diễn biến của thai nghén hoàn toàn bình thường, không có chỉ định phá thai.
  •  Sau nạo, hút thai nên chỉ định dùng loại viên kế tiếp để giúp cho nội mạc tử cung tái tạo tốt, hạn chế dính buồng tử cung.

3.2. Viên tránh thai chỉ có progestin

- Các dạng thuốc:

  •  Liều nhỏ, dùng liên tục không có ngày nghỉ thuốc, bắt đầu uống vào ngày đầu của vòng kinh, nên uống vào một giờ trong ngày (tốt nhất là uống vào bữa ăn tối).
  •  Liều lớn: các progestatif đơn thuần lớn có thể dùng để tránh thai. Chính Pincus, Chang và Rock đã đề xuất phương pháp tránh thai bằng progestatif đơn thuần, liều lớn vào năm 1954. Các progestatif như Lutenyl (nomegestrol), Surgestone (promegeston), Androcur (cyproteron), Luteran (chlormadion) dùng từ ngày thứ 5-25 của vòng kinh cho phép tránh thai an toàn như viên estro- progestatif. Tuy nhiên sử dụng các progestatif ở dạng này nhằm mục đích điều trị là chủ yếu, tác dụng tránh thai mặc nhiên có.

- Cơ chế tác dụng: làm quánh đặc chất nhầy cổ tử cung, ngăn cản tinh trùng xâm nhập lên buồng tử cung, làm teo nội mạc tử cung không thích hợp cho trứng làm tổ, ức chế phóng noãn, làm cho hoàng thể tiêu sớm. Viên progestatif đơn thuần liều nhỏ có rất ít tác dụng không mong muốn. Vì thuốc ức chế không hoàn toàn trục dưới đồi - tuyến yên, vẫn có chế tiết estrogen nội sinh nên chống chỉ định trong trường hợp có bệnh vú. Khi mới dùng loại thuốc này có thể có rồi loạn kinh nguyệt: kinh không đều, vô kinh, ra máu giữa kỳ kinh... Có thể sử dụng viên thuốc này khi đang cho con bú mà không ảnh hưởng đến tiết sữa.

- Tỉ lệ thất bại:

  •  Progestin liều nhỏ, dùng liên tục: 1-1,6 thai nghén cho 100 phụ nữ sử dụng năm.
  • Progestin liều lớn: 0,5 thai nghén cho 100 phụ nữ sử dụng năm.

- Lợi ích:

  •  Hiệu quả tránh thai cao, phương pháp có hồi phục, không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
  •  Không làm giảm lượng sữa mẹ, hoàn toàn có thể dùng được trong giai đoạn đang cho con bú.
  • Phù hợp với những phụ nữ có chống chỉ định dùng estrogen (đái đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch...).

- Bất lợi:

  • Cần phải cung cấp đều đặn viên thuốc.
  • Hiệu quả không cao bằng viên thuốc tránh thai kết hợp.
  •  Đôi khi gây chảy máu thấm giọt.

- Ngoài ra còn viên thuốc tránh thai khẩn cấp nên dùng cho những giao hợp không thường xuyên. Phương pháp tránh thai khẩn cấp phổ biến nhất đã được sử dụng ở nhiều quốc gia trong vòng 20 năm qua là uống tăng liều viên thuốc tránh thai kết hợp. Cụ thể có thể dùng các loại như: rigevidon, ideal, microgynon... với liều như sau:

  •  Uống 4 viên trong vòng 72 giờ sau cuộc giao hợp không được bảo vệ (liều khởi đầu này uống càng sớm càng tốt, nên uống trong vòng 8 giờ sau giao hợp).
  • Uống 4 viên nữa sau liều thứ nhất 12 giờ đồng hồ.
  • Nếu là viên cổ điển chứa 50mcg thì dùng 2 lần cách nhau 12 giờ, mỗi lần 2 viên.

- Một phương pháp khác là dùng viên postinor chứa 750mcg levonorgestrel: uống 1 viên trong vòng 72 giờ sau cuộc giao hợp không được bảo vệ, uống thêm 1 viên sau liều thứ nhất 12 giờ đồng hồ.

- Phương pháp tránh thai khẩn cấp ngăn ngừa hầu hết các trường hợp thụ thai nhưng không có hiệu quả hoàn toàn 100%. Nó chỉ ngăn ngừa được 3/4 số trường hợp mang thai lẽ ra phải xảy ra.

- Viên thuốc tránh thai là một phương pháp tránh thai có hiệu quả rất cao, sử dụng đơn giản. Tuy nhiên cần tôn trọng chống chỉ định và một hệ thống cung cấp thuốc thường xuyên cho khách hàng.

3.3. Thuốc tiêm tránh thai

  • Thuốc tiêm tránh thai là một phương pháp có hiệu quả cao, tác dụng lâu dài, có hồi phục, bảo đảm sự kín đáo và tiện lợi cho người dùng. Phương pháp này có thể dùng cho phụ nữ đang cho con bú sau khi sinh được 6 tuần.
  • Depo-provera (DMPA - medroxyprogesteron acetat) 150mg tiêm bắp một mũi có tác dụng tránh thai trong 3 tháng.
  • Noristerat (norethisteron enantat) 200mg tiêm bắp, ba mũi đầu tiêm cách nhau 8 tuần, các mũi tiếp theo tiêm cách nhau 12 tuần hoàn toàn đảm bảo tác dụng tránh thai.
  • Cả hai loại thuốc này đều có bản chất là progestatif, tác dụng tránh thai là nhờ làm teo nội mạc tử cung, làm quánh đặc chất nhầy cổ tử cung và ức chế phóng noãn. Tỉ lệ thất bại vào khoảng 1 thai nghén cho 100 phụ nữ năm. Tác dụng không mong muốn là gây ra máu thấm giọt hoặc gây vô kinh. Có trường hợp nội mạc tử cung bị teo dẫn đến băng kinh nhất là khi sử dụng kéo dài nhiều năm, lúc đó cần được bổ sung estrogen kịp thời để điều trị. Không nên chỉ định dùng phương pháp tránh thai này cho người đang có bất thường về kinh nguyệt.

3.4. Mảnh ghép tránh thai

  • Mảnh ghép tránh thai là phương pháp tránh thai có hồi phục, được dùng phổ biến ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Indonesia. Mảnh ghép gồm có 6 thanh, mỗi thanh chứa 6mg levonorgestrel, vỏ bằng silastic. Progestatif nhả ra với tốc độ chậm. Khi mới cấy, lượng progestin được giải phóng mỗi ngày khoảng 80mg. Sau một số năm lượng progestin giải phóng hàng ngày chỉ còn khoảng 25mg. Vì thế tác dụng tránh thai giảm dần đi theo thời gian. Progestin làm ức chế phóng noãn, làm đặc chất nhầy cổ tử cung ngăn cản tinh trùng xâm nhập lên cao và làm teo nội mạc tử cung không thuận lợi cho trứng làm tổ. Thời gian tác dụng trong 5 năm. Tỉ lệ thất bại thấp: 0,2 thai nghén cho 100 người sử dụng trong năm đầu. Hiệu quả này có giảm đi đôi chút đối với phụ nữ nặng trên 70kg. Nhược điểm chính của phương pháp này là kinh ít, vô kinh hay gây ra máu giữa kỳ kinh. Ngoài ra có thể gặp nhức đầu, chóng mặt, tăng cân và nang buồng trứng lành tính. Mảnh ghép dùng được cả khi đang cho con bú. Gần đây xuất hiện implanon chỉ có một thanh dài 4cm, đường kính 2mm chứa 68mg etonogestrel mà chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học là desogestrel. Hiệu quả tránh thai trong thời gian 3 năm. Hàm lượng hormon giải phóng ra khỏi thanh trong thời gian đầu là 60m g/ngày, ở cuối năm thứ hai giảm còn 30mg/ngày. Hiệu quả tránh thai rất cao, người ta đã theo dõi 53.530 vòng kinh không xảy ra trường hợp thất bại nào.

IV. DỤNG CỤ TỬ CUNG

4.1. Mở đầu

  • Từ những năm 1960, dụng cụ tử cung đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới như một phương pháp tránh thai mà cơ chế tác dụng của nó người ta đã biết từ rất lâu.
  • Dụng cụ tử cung (DCTC) còn gọi là vòng tránh thai được sử dụng rộng rãi nhất ở nước ta. DCTC làm bằng chất dẻo, có chứa muối barium, vì vậy cản quang với tia X. Hiện nay để làm tăng khả năng tránh thai, người ta tiêm vào DCTC đồng (năm 1969), bạc, hormon (progestatif năm 1977)...

4.2. Phân loại DCTC

- Phân loại theo hình dạng:

  •  DCTC kín: vòng Ota, vòng Dana...
  •  DCTC ho: TCu, Multiload...

- Phân loại theo cấu trúc:

  •  DCTC không có hoạt chất: thế hệ đầu tiên của DCTC, có cấu tạo bằng polyethylen (Dana, Lippes...).
  •  DCTC có đồng (vòng TCu) xuất hiện vào giữa những năm 70, có nhiều dạng khác nhau. Đồng có hoạt tính sinh học, giúp cho DCTC vẫn giữ được hoạt tính trong khi kích thước nhỏ đi. Đặt DCTC này ít gây đau hơn, ít gây khó chịu hơn nhưng tỉ lệ rơi DCTC cao hơn so với loại DCTC không có hoạt chất. DCTC loại TCu 380A (đưa vào sử dụng năm 1988, đồng có tiết diện 380mm) có thời gian tác dụng kéo dài 10 năm. Vòng Nova T với sợi dây kim loại là hỗn hợp của đồng và bạc có thời gian tác dụng trong 5 năm.
  •  DCTC có chứa progestatif. Vòng Progestasert có hình chữ T, thân chữ T là nơi chứa progesteron, hormon này giải phóng từ từ phát huy tác dụng tránh thai. Vòng này có tác dụng trong 5 năm. DCTC loại này làm cho lượng máu kinh ít đi, đôi khi gây ra chảy máu giữa kỳ kinh. Gần đây xuất hiện vòng Mirena chứa levonorgestrel có tác dụng trong 5 năm.

Hiện nay chúng ta sử dụng phổ biến các loại DCTC là: TCu 380A (thời gian sử dụng là 10 năm), Multiload 375 (5 năm) và Multiload 250 (3 năm).

4.3. Cơ chế tác dụng của DCTC

Cơ chế tác dụng của DCTC nhất là loại DCTC không có hoạt chất chưa hoàn toàn sáng tỏ. DCTC gây phản ứng viêm tại chỗ, làm thay đổi chức năng của nội mạc tử cung, dẫn đến phản ứng của lysosom lên phôi nang, có thể có hiện tượng thực bào lên tinh trùng. Thực tế lâm sàng người ta đã quan sát thấy tỉ lệ có thai tăng lên khi dùng DCTC phối hợp các thuốc chống viêm. Đây là cơ chế tác dụng tránh thai đầu tiên của DCTC. Người ta còn kể ra vai trò của DCTC làm thay đổi hoạt động nhu động của vòi tử cung, trứng về buồng tử cung sớm hơn bình thường không phù hợp giai đoạn của niêm mạc tử cung đón trứng làm tổ. Nhưng cũng có nhiều tác giả phản đối cơ chế này. Đối với DCTC có hoạt chất, đồng có tác dụng gây độc cho giao tử (cụ thể là gây độc cho tinh trùng), gây biến đổi mạnh niêm mạc tử cung cản trở trứng làm tổ ở buồng tử cung, làm thay đổi thành phần chất nhầy cổ tử cung, cản trở tinh trùng xâm nhập lên buồng tử cung. DCTC chứa progestatif có ảnh hưởng đến nhu động của vòi tử cung, chất nhầy cổ tử cung, thay đổi tính chất của nội mạc tử cung. Hậu quả các yếu tố này trở nên bất lợi cho quá trình thụ tinh và làm tổ của trứng.

4.4. Đặt, tháo, thay DCTC

  • Đặt, tháo DCTC vào lúc mới sạch kinh là thời điểm tốt nhất vì cổ tử cung hé, thao tác dễ dàng và quan trọng hơn cả là chưa có hiện tượng thụ thai. Không nên đặt DCTC ngay sau đẻ vì tỉ lệ tụt DCTC rất cao. Người ta khuyến cáo nên đặt DCTC ít nhất sau đẻ 8 tuần (giảm tỉ lệ tụt DCTC và giảm tỉ lệ thủng tử cung). Sau nạo thai, hút thai cũng nên đợi hành kinh trở lại một lần rồi mới đặt DCTC.
  • Thay DCTC: đối với DCTC không có hoạt tính có thể để rất lâu trong tử cung. DCTC loại TCu 380A có tác dụng trong vòng 10 năm. Các loại DCTC chứa progestatif nên thay hàng năm

4.5. Chỉ định dùng DCTC

  • Lý tưởng là dùng cho phụ nữ đã có con, bộ máy sinh dục bình thường, có nguyện vọng muốn tránh thai. Tử cung có sẹo mổ lấy thai vẫn đặt được DCTC.

4.6. Chống chỉ định

- Chống chỉ định tuyệt đối:

  •  Có thai.
  •  Nhiễm khuẩn đường sinh dục.
  •  Rối loạn đông máu.
  •  Bệnh lý tim mạch.
  •  Ung thư cơ quan sinh dục.

- Chống chỉ định tương đối:

  • Buồng tử cung bất thường (u xơ, dị dạng...).
  •  Đang được điều trị bằng thuốc chống đông máu.
  •  Tiền sử nhiễm khuẩn đường sinh dục trên.
  •  Tiền sử chửa ngoài tử cung.
  •  Chưa có con.

4.7. Biến chứng của DCTC

  •  Đau tiểu khung hay gặp do tử cung có cơn co, dùng thuốc giảm đau không đặc hiệu cho kết quả tốt. Đôi khi do DCTC quá to, tử cung co bóp có xu hướng tống DCTC ra ngoài.
  •  Thống kinh có thể gặp đối với DCTC bất hoạt hay có đồng vị nồng độ prostaglandin cao. Gặp trường hợp này có thể đổi loại DCTC nhiều khi có kết quả. Rối loạn kinh nguyệt là nhược điểm hay gặp nhất, chiếm 10-15% số trường hợp buộc phải tháo DCTC trong năm đầu sau khi đặt. Điều trị bằng thuốc chống tiêu sợi huyết, thuốc bảo vệ thành mạch và thuốc kháng prostaglandin. thông thường nhất là tháo DCTC để thay bằng loại DCTC khác hay dùng biện pháp tránh thai khác.
  •  Tụt DCTC từ 5-20% trong năm đầu sử dụng. Các yếu tố có ảnh hưởng đến tỉ lệ tụt DCTC là: tuổi, số lần đẻ, loại DCTC, kinh nghiệm của người đặt, thời điểm đặt DCTC... Hầu hết hay gặp tụt DCTC trong vòng 3 tháng đầu sau khi đặt. Có đến 20% số trường hợp tụt DCTC mà không biết.
  •  Thủng tử cung rất ít gặp (khoảng 1,2/1000 lần đặt). Phát hiện ngay lúc đặt thì lấy DCTC và điều trị bảo tồn tử cung
  •  DCTC chui vào ổ bụng có thể là vào ổ bụng ngay lúc đặt (thủng tử cung DCTC vào ổ bụng mà không phát hiện ra) hay chui dần dần trong thời gian sau này. Chẩn đoán được là vì không thấy DCTC trong tử cung (siêu âm không thấy, lấy DCTC không được), chụp tử cung có bơm thuốc cản quang thấy DCTC ở ngoài tử cung. Cách xử trí là DCTC đặc biệt là loại DCTC kín hay có đồng.Có thể mở bụng hay dùng nội soi để lấy DCTC trong ổ bụng.
  •  Nhiễm khuẩn sinh dục là một biến chứng nặng có thể gây vô sinh. Tỉ lệ mắc thay đổi tuỳ theo thống kê từ 3-9%. Nguy cơ nhiễm khuẩn ở người mang DCTC cao hơn so với người dùng viên thuốc tránh thai hay những người không dùng biện pháp tránh thai. Bệnh sinh của nhiễm khuẩn là do vai trò của vi chấn thương, thay đổi viêm ở nội mạc tử cung, dây của DCTC đã phá vỡ hàng rào ngăn cách ở cổ tử cung, đôi khi còn là yếu tố dẫn truyền nhiễm khuẩn. Khởi đầu thường kín đáo (đau tiểu khung, sốt nhẹ, rong huyết, chất nhầy cổ tử cung đục, bẩn..), điều trị bằng kháng sinh phối hợp cho kết quả tốt, chưa cần phải tháo DCTC. Nếu điều trị không tốt có thể dẫn đến viêm vòi tử cung, áp xe buồng trứng, viêm phúc mạc tiểu khung.
  •  Có thai cùng với DCTC gặp với tỉ lệ từ 0,5-5 phụ nữ cho 100 người sử dụng trong một năm. Tỉ lệ sảy thai với nguy cơ bị nhiễm khuẩn là rất cao. Không bắt buộc phải tháo DCTC trong trường hợp muốn giữ thai. Cuộc chuyển dạ không có gì đặc biệt.
  • DCTC và chửa ngoài tử cung: người mang DCTC có nguy cơ bị chửa ngoài tử cung cao gấp 4-5 lần so với người mang DCTC. Điều đó cho thấy DCTC có tác dụng không cho thai làm tổ trong buồng tử cung nhưng không ngăn được thai làm tổ ở ngoài buồng tử cung. Tuy nhiên không có một nghiên cứu nào thật chắc chắn khẳng định DCTC gây ra chửa ngoài tử cung.

4.8. Có thai lại sau tháo DCTC

Một khi muốn có thai thì tháo DCTC. Nói chung thủ thuật tháo DCTC rất đơn giản. Tỉ lệ có thai lại sau tháo DCTC:

  •  30% sau 1 tháng.
  •  50% sau 3 tháng.
  •  70% sau 1 năm.
  •  90% sau 2 năm.
  •  10% bị vô sinh thứ phát có thể do nhiễm khuẩn vòi tử cung.

4.9. Hiệu quả tránh thai

  • Đối với loại DCTC không có hoạt chất, hiệu quả tránh thai đạt 95-96% phụ nữ/năm (chỉ số Pearl). Hiệu quả tránh thai còn cao hơn nữa khi sử dụng DCTC có hoạt chất (kim loại hay nội tiết) đạt tới 99% phụ nữ/năm. Ở nước ta hiện nay, DCTC là phương pháp tránh thai được sử dụng phổ biến nhất, hiệu quả tránh thai cao, ý nghĩa lớn về kinh tế.

V. TRIỆT SẢN NAM, NỮ

Phương pháp tránh thai bằng phẫu thuật có thể áp dụng cho nữ giới hoặc cho nam giới. Cho đến nay nói chung triệt sản vẫn được coi là phương pháp tránh thai vĩnh viễn, không hồi phục. Cần nắm vững vấn đề này và tiến hành tư vấn đầy đủ cho cặp vợ chồng khi có yêu cầu triệt sản. Họ biết chắc chắn rằng không thể có khả năng sinh đẻ sau khi đã triệt sản (nếu không mổ nối lại vòi tử cung hoặc ống dẫn tinh).

5.1. Triệt sản nữ

Nguyên tắc của triệt sản nữ là làm gián đoạn hai vòi tử cung dẫn đến noãn không gặp được tinh trùng, hiện tượng thụ tinh không xảy ra.

5.1.1. Thời điểm triệt sản

  •  Trong lúc mổ lấy thai, triệt sản vì lý do y học (bệnh mạn tính nặng, thương tổn đường sinh dục...).
  •  Sau đẻ đường âm đạo, đáy tử cung còn ở cao gần rốn, kỹ thuật triệt sản dễ dàng, không kéo dài thời gian nằm viện. Nên tiến hành triệt sản trong vòng 72 giờ sau khi đẻ nhằm hạn chế nhiễm khuẩn ngược dòng ở vòi tử cung. Triệt sản sau đẻ có một số hạn chế như: có thể bị chảy máu sau đẻ, tình trạng sức khoẻ của đứa trẻ chưa thật chắc chắn...
  •  Triệt sản sau nạo thai, hút thai. Chỉ nên tiến hành triệt sản khi bảo đảm chắc chắn không sót thai, sót rau.
  •  Triệt sản trong một vòng kinh bình thường, tốt nhất nên tiến hành thủ thuật ở nửa đầu của vòng kinh, nhằm đảm bảo khách hàng chưa có thai

 5.1.2. Triệt sản có thể thực hiện qua

  •  Mở bụng thông thường (triệt sản trong khi tiến hành mổ lấy thai, mổ chửa ngoài tử cung, mổ khối u buồng trứng...).
  •  Mở bụng nhỏ (minilap) được áp dụng trong trường hợp chỉ làm triệt sản hai vòi tử cung với một đường rạch bụng dài khoảng 3-4cm. Phương pháp này hay được thực hiện khi người ta tiến hành chiến dịch triệt sản cho một số đông khách hàng ở một địa điểm tại chỗ nào đó (chỉ cần gây tê tại chỗ đồng thời có cần nâng, và quay tử cung).
  •  Đường âm đạo: đi qua cùng đồ sau của âm đạo để tới hai vòi tử cung. Nhiều phẫu thuật viên không quen với phương pháp này. Không khuyến cáo thực hiện phương pháp này khi triệt sản cho số đông khách hàng và chưa quen
  • làm tốt.
  • Qua nội soi ổ bụng: nhược điểm của phương pháp là cần có trang bị dàn máy nội soi, kíp phẫu thuật viên được huấn luyện thành thạo với phẫu thuật nội soi. Phương pháp này cũng không thể thực hiện cho số đông khách hàng trong một chiến dịch được.
  •  Qua soi buồng tử cung, có nhiều cách thức triệt sản như bơm silastic vào hai vòi tử cung, đặt dụng cụ vào vòi tử cung (J. Hamou), dùng laser YAG phá huỷ phần kẽ vòi tử cung (phương pháp này có tỉ lệ thất bại khá cao, khoảng 10-30%).

5.1.3. Các kỹ thuật triệt sản hai vòi tử cung

Các kỹ thuật thắt, cắt hai vòi tử cung thường được làm ở đoạn eo của vòi tử cung, cách sừng tử cung khoảng độ 2cm, ở khoảng vô mạch của mạc treo vòi tử cung.

  •  Phương pháp Pomeroy đơn giản, được áp dụng phổ biến nhất. Nhấc một đoạn eo vòi tử cung lên, buộc lại với nhau và cắt phần vòi tử cung vừa mới nhấc lên (khoảng 1cm). Sau khi cắt xong, hai đầu vòi tử cung còn lại nằm cạnh như khẩu súng hai nòng. Một điểm hết sức quan trọng là dùng chỉ tiêu (catgut) để buộc vòi tử cung đã cắt cụt (ở 2 đầu). Sau này chỉ tiêu đi, hai đầu của vòi tử cung nằm cách xa nhau. Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay ở nước ta. Ngoài ra còn nhiều kỹ thuật triệt sản khác như: phương pháp Irving, phương pháp Parkland, phương pháp Madlener, phương pháp Kroener.
  •  Triệt sản qua soi ổ bụng bằng cách dùng vòng Yoon (1973) kẹp Bleier (1977), kẹp Hulka-Clemens (Hulka - 1973), kẹp Filshie hoặc đốt nhiệt, dao điện lưỡng cực hay đơn cực (nên dùng dao điện lưỡng cực có nhiều ưu điểm hơn so với dao điện đơn cực).

5.1.4. Tỉ lệ thất bại của một số phương pháp triệt sản qua nội soi

Đốt bằng dao đơn cực                                3,5/1000

Đốt bằng dao lưỡng cực                             1,1/1000

Đốt nhiệt                                                    0,21/1000

Vòng Yoon                                                1-16/1000

Kẹp Hulka                                                    <5/1000

Kẹp Filshie                                             0,9-4,9/1000

 

  • Trong những năm gần đây có thể tiến hành nối lại hai vòi tử cung sau triệt sản bằng vi phẫu thuật, triệt sản nữ hiện này được coi là phương pháp tránh thai có hồi phục. Cần chú ý tư vấn để khách hàng hiểu được vấn đề trên trước khi quyết định sử dụng dịch vụ này. Kết quả nối lại vòi tử cung phụ thuộc vào mức độ vòi tử cung đã bị phá huỷ, nói chung tỉ lệ thành công khoảng > 70% số trường hợp được nối lại vòi tử cung (nếu triệt sản đúng cách, đầu trong vòi còn ≥ 3cm là dễ thành công).

5.2. Triệt sản nam

  • Nguyên tắc của triệt sản nam là cắt hai ống dẫn tinh là đường dẫn tinh trùng từ túi tinh đến ống phóng tinh. Sau khi thắt ống dẫn tinh, khi có xuất tinh thì tinh dịch không còn chứa tinh trùng ở trong đó.
  • Triệt sản nam bằng cách thắt hai ống dẫn tinh. Phương pháp phổ biến hiện nay là phương pháp không dùng dao mổ do tác giả Li Shun-Quang ở Trung Quốc đề xuất (1974). Thủ thuật nhanh chóng, người bệnh có thể về nhà ngay. So với triệt sản nữ, triệt sản nam ít nguy hiểm hơn, ít tai biến hơn, giá thành rẻ hơn. Chi phí cho triệt sản nam chỉ bằng 1/4 so với triệt sản nữ. Nhược điểm của triệt sản nam là tác dụng của triệt sản không xuất hiện ngay.
  • Sau thủ thuật thắt ống dẫn tinh phải chờ 12 tuần hoặc phải xuất tinh 15- 20 lần cho tinh trùng ở phần cuối của ống dẫn tinh thoát ra hết mới có tác dụng tránh thai. Vì thế trong khoảng thời gian này phải dùng một biện pháp tạm thời khác. Tỉ lệ thất bại của triệt sản nam vào khoảng 1% (1975).

5.3. Ưu nhược điểm của triệt sản

5.3.1. Ưu điểm

  •  Một phương pháp tránh thai có hiệu quả rất cao, khách hàng an tâm, không còn băn khoăn gì về việc sử dụng biện pháp tránh thai.
  •  Hiệu quả kinh tế của phương pháp này rất cao, một phương pháp tránh hai “không hồi phục”, một phương pháp tránh thai vĩnh viễn.
  •  Không có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ, không mong muốn.
  •  Hoàn toàn không ảnh hưởng đến giao hợp, không ảnh hưởng đến ham muốn tình dục, khoái cảm. Thậm chí còn làm tăng nhu cầu tình dục vì không còn phải lo lắng bị có thai ngoài ý muốn.

5.3.2. Nhược điểm

  •  Là một can thiệp phẫu thuật dù là tiểu phẫu, cho nên có nguy cơ của phẫu thuật: nhiễm khuẩn, nguy cơ gây mê và giảm đau...
  •  Cần phải có một kíp cán bộ y tế được huấn luyện chu đáo, cần phải có trang thiết bị nhất định.
  •  Triệt sản nam luôn được coi như một phương pháp tránh thai không có khả năng hồi phục.
  •  Đã có phẫu thuật nối lại phục hồi ống dẫn tinh nhưng kết quả không cao vì hiện tượng miễn dịch do kháng thể kháng tinh trùng tăng nên khó có tinh trùng đủ cho thụ thai tự nhiên. Nếu cần thì làm hỗ trợ sinh sản (PESA hoặc TESA, ICSI).

Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai đạt hiệu quả cao, ít có tác dụng không mong muốn, chi phí ở mức độ chấp nhận được. Nhiều quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế nỗ lực, cố gắng áp dụng thật rộng rãi về các biện pháp tránh thai nhằm kiểm soát hiện tượng gia tăng dân số. Về phía khách hàng có quyền được thông tin chi tiết đầy đủ, có quyền được tiếp cận và tự do chọn lựa biện pháp tránh thai phù hợp.

Bài viết nghiên cứu có thể bạn quan tâm
TƯ VẤN VỀ CÁC BIỆN PHÁP KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH
  •  1 năm trước

Bài giảng sản phụ khoa Tập 1_ĐHYHN_Năm 2020

Xét nghiệm xác định đột biến thalassemia - Bộ y tế 2017
  •  1 năm trước

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Huyết học - Truyền máu - Miễn dịch - Dị ứng - Sinh học phân tử - Bộ y tế 2017

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐÌNH CHỈ THAI NGHÉN
  •  1 năm trước

Bài giản sản phụ khoa Tập 2_ĐHYHN_Năm 2020

Vi khuẩn vi hiếu khí nuôi cấy và định danh bằng phương pháp thông thường - Bộ y tế 2018
  •  1 năm trước

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Vi sinh - Bộ y tế 2018

Nghiệm pháp đánh giá rối loạn nuốt tại giường cho người bệnh tai biến mạch máu não - Bộ y tế 2014
  •  1 năm trước

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Nội khoa, chuyên ngành Thần kinh - Bộ y tế 2014

Tin liên quan
Những điều cần biết khi dừng các biện pháp tránh thai
Những điều cần biết khi dừng các biện pháp tránh thai

Nếu bạn đang nghĩ đến việc cố gắng mang thai sớm, thì đây là một vài điều bạn cần biết về việc dừng các biện pháp tránh thai.

Những căn bệnh biến mất có phải nhờ áp dụng biện pháp vệ sinh tốt hơn?
Những căn bệnh biến mất có phải nhờ áp dụng biện pháp vệ sinh tốt hơn?

Nguồn dinh dưỡng chất lượng hơn và áp dụng biện pháp vệ sinh tốt hơn thực sự đã cải thiện cuộc sống của chúng ta - chúng ta đang cao hơn, khỏe mạnh hơn và sạch sẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhìn vào tỷ lệ mắc bệnh thực tế trong nhưng năm qua, không còn nghi ngờ gì nữa, vắc xin mới là yếu tố đóng vai trò chính trong hiệu quả làm suy giảm các ca bệnh mà chúng phòng chống.

Mòn men răng và các biện pháp phục hồi
Mòn men răng và các biện pháp phục hồi

Nguyên nhân và cách điều trị mòn men răng

Kế hoạch B - quyết định của một bà mẹ đơn thân
Kế hoạch B - quyết định của một bà mẹ đơn thân

Câu chuyện về việc một phụ nữ quá tuổi, quyết định có con bằng việc thụ tinh trong tử cung, và tinh trùng được mua từ một người đàn ông.

6 biện pháp lành mạnh đối phó với chứng thèm ăn khi mang bầu
6 biện pháp lành mạnh đối phó với chứng thèm ăn khi mang bầu

Nhiều phụ nữ khao khát được ăn các thực phẩm đặc biệt trong thời kỳ mang thai. Và một số có thể muốn ăn bông cải xanh, chuối hoặc bột yến mạch, thì hầu hết thường "bấn loạn" với những hình ảnh bánh quy, socola hay kem nhảy múa trong đầu.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm
Nếu ngại chọc ối thì còn biện pháp nào nữa không?
  •  2 năm trước
  •  1 trả lời
  •  1653 lượt xem

Em mang thai 12 tuần 5 ngày, tầm soát trước sinh cho kết quả: Độ mờ da gáy: 2.1 mm. Tỷ lệ bệnh down: 1/174. Bác sĩ tư vấn tuần thứ 16 đến chọc ối để kiểm tra xem thế nào. Vậy, chọc ối có nguy hiểm không và tỷ lệ sẩy thai là bao nhiêu ạ? Nếu không chọc ối thì còn phương pháp nào để xác định nữa hay không?

Thai 21 tuần, siêu âm để xác định những gì vậy?
  •  2 năm trước
  •  1 trả lời
  •  1154 lượt xem

Em mang thai 21 tuần, đi siêu âm để khảo sát hình thái học thai nhi, bác sĩ chỉ ghi: chưa thấy bất thường. Mong bs giải thích cho em biết rõ hơn với ạ?

Những bệnh mạn tính nào ảnh hưởng đến khả năng sinh sản?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  1117 lượt xem

Tôi có nghe nói, người nào mắc bệnh mạn tính sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tôi đang chuẩn bị lên kế hoạch có em bé nên điều này làm tôi vô cùng lo lắng. Bác sĩ có thể cho tôi biết những bệnh mạn tính nào ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không ạ? Cảm ơn bác sĩ!

Có thể tập luyện vào những ngày dễ thụ thai nhất không?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  809 lượt xem

- Thưa bác sĩ, tôi có thể tập luyện vào những ngày nhạy, dễ thụ thai nhất không ạ? Cảm ơn bác sĩ!

Người bị chứng đau nửa đầu cần lưu ý những gì trước khi mang thai?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  783 lượt xem

-Thưa bác sĩ, tôi bị chứng đau nửa đầu. Tôi cần lưu ý những điều gì trước khi chuẩn bị mang thai ạ? Cảm ơn bác sĩ!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây