Nhận biết ung thư buồng trứng qua dấu hiệu mất kinh nguyệt
Ung thư buồng trứng là gì?
Mỗi phụ nữ có hai buồng trứng, nằm ở hai bên tử cung. Buồng trứng là một cơ quan trong hệ sinh dục nữ, chịu trách nhiệm sản xuất các nội tiết tố (hormone) estrogen và progesterone.
Đôi khi, buồng trứng hình thành nên các khối tăng trưởng bất thường. Đa phần thì những khối tăng trưởng này là lành tính (u nang), có nghĩa là không phải ung thư và sẽ tồn tại ở trong hoặc trên buồng trứng. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp thì khối u ở buồng trứng lại là u ác tính, có nghĩa ung thư. Một trong những triệu chứng mà phụ nữ có thể gặp phải khi buồng trứng có khối u là chu kỳ kinh nguyệt thay đổi bất thường, ví dụ như mất kinh.
Vậy cụ thể, ung thư buồng trứng và mất kinh nguyệt có mối liên hệ như thế nào?
Thế nào là mất kinh nguyệt?
Mất kinh nguyệt là tình trạng xảy ra khi một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không có kinh nguyệt, có thể chỉ trong một tháng hoặc lâu hơn.
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên có kinh của lần này đến ngày đầu tiên có kinh của lần kế tiếp. Ở hầu hết phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 21 đến 35 ngày. Độ dài chu kỳ sẽ không thay đổi nhiều giữa các tháng nhưng việc kinh nguyệt tháng này bị trễ hoặc sớm lên vài ngày so với tháng trước không có gì là bất thường cả. Ở nhiều người, chu kỳ kinh nguyệt không cố định và độ dài thay đổi theo từng tháng.
Do đó, phụ nữ nên theo dõi chu kỳ kinh của mình để xác định khoảng thời gian có thể bắt đầu hành kinh mỗi tháng. Có thể dùng cách đơn giản là đánh dấu lên lịch hoặc dùng các ứng dụng theo dõi trên điện thoại. Cách này sẽ giúp biết được chu kỳ kinh có đều hay không và có thể phát hiện ra khi bị mất kinh nguyệt. Nếu đột nhiên bị mất kinh nguyệt mà không phải mang thai thì nên đi khám bác sĩ, đặc biệt là khi chu kỳ kinh nguyệt trước đây vẫn diễn ra đều đặn.
Mất kinh nguyệt và nguy cơ ung thư buồng trứng
Đa phần thì mất kinh nguyệt không phải là vấn đề đáng lo ngại. Mang thai, căng thẳng, tập thể dục cường độ cao, lượng mỡ trong cơ thể quá ít hoặc mất cân bằng nội tiết tố đều có thể khiến kinh nguyệt trở nên bất thường.
Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, chu kỳ kinh nguyệt không đều lại là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Và điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có kinh nguyệt thất thường có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao gấp đôi so với những người có kinh nguyệt đều đặn hàng tháng. Nguy cơ này cũng tăng theo tuổi tác.
Kinh nguyệt không đều hay mất kinh nguyệt không phải là dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, cần đi khám nếu nghi ngờ mình bị ung thư buồng trứng hoặc nhận thấy những thay đổi không bình thường trong chu kỳ kinh.
Dấu hiệu của ung thư buồng trứng
Đa số người bệnh đều không nhận thấy dấu hiệu nào ở giai đoạn đầu của ung thư buồng trứng. Nếu có thì các dấu hiệu ung thư buồng trứng cũng rất giống với các vấn đề khác, ví dụ như hội chứng ruột kích thích. Các dấu hiệu không bộc lộ rõ và chỉ xuất hiện thoáng qua. Vì lý do này mà bệnh thường được phát hiện muộn và làm giảm hiệu quả điều trị.
Cần đi khám ngay nếu các dấu hiệu dưới đây xuất hiện thường xuyên và kéo dài:
- Đau bụng hoặc đau ở vùng chậu
- Chướng bụng
- Chán ăn
- Cảm thấy nhanh no khi ăn
- Buồn tiểu thường xuyên
- Đau đớn khi quan hệ tình dục
- Khó chịu ở dạ dày
- Mệt mỏi kéo dài
- Táo bón
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
Dù là bất kỳ bệnh nào thì việc chẩn đoán sớm cũng là điều rất quan trọng. Bệnh càng được phát hiện và điều trị sớm thì tiên lượng sẽ càng khả quan.
Các yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Việc biết được những yếu tố nguy cơ của mình cũng như các dấu hiệu sớm của ung thư buồng trứng sẽ giúp phát hiện bệnh ngay từ sớm và từ đó cải thiện triển vọng điều trị.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng gồm có:
Tuổi tác: Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Theo thống kê, một nửa số phụ nữ bị ung thư buồng trứng là những người trên 63 tuổi.
Cân nặng: Những phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn so với những người có cân nặng khỏe mạnh. Béo phì là khi có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên.
Chủng tộc: Phụ nữ da trắng có nguy cơ ung thư buồng trứng cao hơn so với các nhóm chủng tộc khác.
Tiền sử gia đình: Từ 5 đến 10% số ca ung thư buồng trứng có liên quan đến một số đột biến gen cụ thể. Một trong những đột biến gen đó là BRCA. Những phụ nữ mang đột biến gen BRCA1 có 35 đến 70% nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
Không sử dụng biện pháp tránh thai: Thuốc tránh thai đường uống có thể làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Thời gian sử dụng càng lâu thì nguy cơ càng thấp và điều này vẫn tiếp tục ngay cả khi đã ngừng uống thuốc. Tuy nhiên, phải uống thuốc trong ít nhất từ 3 đến 6 tháng thì mới bắt đầu có được lợi ích này.
Thuốc hỗ trợ sinh sản: nếu như thuốc tránh thai có thể giảm nguy cơ ung thư buồng trứng thì nghiên cứu cho thấy các loại thuốc hỗ trợ sinh sản lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Ngoài ra, phụ nữ vô sinh cũng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn so với những người có khả năng sinh sản bình thường.
Liệu pháp hormone: Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, liệu pháp estrogen được sử dụng sau mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Tiền sử sản khoa: Những phụ nữ mang thai đủ tháng lần đầu ở tuổi 35 trở lên hoặc chưa từng sinh con có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Những người có con trước tuổi 26 sẽ có nguy cơ thấp hơn. Nguy cơ giảm dần sau mỗi lần mang thai đủ tháng và cho con bú.
Đau bụng kinh: Đau bụng kinh thay thống kinh mức độ vừa đến nặng là một vấn đề mà rất nhiều phụ nữ gặp phải khi đến kỳ kinh nguyệt. Một nghiên cứu cho thấy rằng đau bụng kinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô buồng trứng. Đây là loại ung thư buồng trứng phổ biến nhất.
Sàng lọc ung thư buồng trứng
Cũng giống như tất cả các bệnh ung thư khác, ung thư buồng trứng càng được chẩn đoán và điều trị sớm thì tiên lượng sẽ cảng cao. Khoảng 94% phụ nữ bắt đầu điều trị ung thư buồng trứng ngay từ giai đoạn đầu có thể sống trên 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Nhưng chỉ có khoảng 20% trường hợp ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân là do các dấu hiệu của bệnh này thường mơ hồ, không đặc trưng nên thường bị bỏ qua hoặc được cho là các nguyên nhân vô hại khác.
Khi đi khám, bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa và làm xét nghiệm Pap. Khi sờ nắn bằng tay, bác sĩ sẽ kiểm tra được kích thước và hình dạng của buồng trứng. Phương pháp này giúp chẩn đoán ung thư buồng trứng hoặc ung thư ở các cơ quan khác trong hệ sinh dục ở giai đoạn đầu.
Sàng lọc
Các phương pháp sàng lọc có thể phát hiện bệnh ở những người chưa có triệu chứng. Hai phương pháp có thể phát hiện ung thư buồng trứng là siêu âm qua đường âm đạo và xét nghiệm máu tìm kháng nguyên ung thư 125 (CA-125). Mặc dù các phương pháp này có thể phát hiện khối u trước khi các triệu chứng xuất hiện nhưng vẫn chưa được chứng minh là có thể làm giảm tỷ lệ tử vong của phụ nữ bị ung thư buồng trứng nên không được khuyến nghị thực hiện định kỳ cho những người có nguy cơ mức trung bình. Hiện tại chưa có phương pháp tiêu chuẩn nào để sàng lọc ung thư buồng trứng nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm ra những biện pháp để có thể phát hiện sớm căn bệnh này.
Tóm tắt bài viết
Ung thư buồng trứng thường không có triệu chứng cho đến khi đã chuyển sang các giai đoạn sau. Tuy nhiên, việc nhận biết những triệu chứng thường gặp có thể giúp phát hiện bệnh từ sớm. Nên đi khám ngay nếu đột nhiên mất kinh nguyệt dù không mang thai và nghi ngờ mình có thể bị ung thư buồng trứng, đặc biệt là khi thuộc nhóm có nguy cơ cao.
Liệu chướng bụng - cảm giác căng tức ở bụng và bụng hơi phình to hơn so với bình thường – có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng không?
Buồng trứng là một cơ quan sinh sản ở phụ nữ và là nơi tạo ra trứng cùng các nội tiết tố nữ (estrogen và progesterone). Ung thư buồng trứng xảy ra khi các tế bào ở buồng trứng trở nên bất thường và nhân lên mất kiểm soát rồi tạo thành khối u ác tính.
Ung thư buồng trứng là bệnh ung thư phát sinh từ buồng trứng – cơ quan tạo trứng và sản xuất các nội tiết tố nữ.
Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn cuối thì bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm di truyền tìm các đột biến gen BRCA, đặc biệt là khi có thành viên khác trong nhà cũng mắc ung thư buồng trứng.
Đôi khi phụ nữ cần cắt bỏ buồng trứng vì một số lý do như u nang buồng trứng hay ung thư buồng trứng.