1

Chướng bụng có phải là một dấu hiệu của ung thư buồng trứng?

Liệu chướng bụng - cảm giác căng tức ở bụng và bụng hơi phình to hơn so với bình thường – có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng không?
Chướng bụng có phải là một dấu hiệu của ung thư buồng trứng? Chướng bụng có phải là một dấu hiệu của ung thư buồng trứng?

Chướng bụng là một hiện tượng không hiếm gặp trong cuộc sống hàng ngày, có thể xảy ra sau khi ăn các loại thực phẩm tạo ra nhiều khí hoặc trước và trong thời gian có kinh nguyệt. Đa phần thì hiện tượng này sẽ tự hết mà không cần phải can thiệp gì cả. Tuy nhiên, tình trạng chướng bụng kéo dài dai dẳng mà không cải thiện thì lại là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư buồng trứng.

Chướng bụng do ung thư buồng trứng sẽ khiến cho bụng phình lên rõ rệt và ấn lên thấy cứng. Hiện tượng này thường đi kèm với các triệu chứng khác như sụt cân không rõ nguyên nhân hay chán ăn.

Dưới đây là mối liên hệ giữa chướng bụng và ung thư buồng trứng cùng với các nguyên nhân gây chướng bụng khác.

Tại sao ung thư buồng trứng gây chướng bụng?

Khi bị ung thư buồng trứng, nguyên nhân gây chướng bụng có khả năng là do cổ trướng. Cổ trướng là tình trạng dịch tích tụ trong khoang phúc mạc (khoảng không gian giữa phúc mạc thành và phúc mạng tạng).

Cổ trướng thường xảy ra khi các tế bào ung thư đã lan đến phúc mạc. Phúc mạc là lớp màng bao phủ toàn bộ bề mặt trong của thành bụng và các cơ quan bên trong ổ bụng. Lớp màng bao phủ mặt trong thành bụng được gọi là phúc mạc thành và lớp màng bao phủ các cơ quan nội tạng được gọi là phúc mạc tạng.

Cổ trướng cũng có thể xảy ra khi khối u chặn một phần hệ bạch huyết, khiến dịch không thể thoát ra bình thường và ứ đọng lại.

Chướng bụng là một trong những triệu chứng đầu tiên của ung thư buồng trứng mà người bệnh có thể nhận thấy nhưng khi có triệu chứng này thì bệnh thường không còn ở giai đoạn đầu nữa.

Các triệu chứng khác của ung thư buồng trứng

Nhận biết các dấu hiệu ban đầu của ung thư buồng trứng là điều rất quan trọng vì càng được phát hiện và điều trị sớm thì triển vọng càng cao. Tuy nhiên, bệnh này lại thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn khi tế bào ung thư đã lan sang các khu vực khác của cơ thể (di căn).

Chỉ có khoảng 20% trường hợp ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở giai đoạn đầu.

Ngoài chướng bụng, ung thư buồng trứng còn có những dấu hiệu khác như:

  • Đau vùng chậu hoặc đau bụng
  • Đi tiểu nhiều hoặc bí tiểu
  • Cảm giác no dù mới chỉ ăn ít
  • Chán ăn
  • Người mệt mỏi
  • Đau lưng
  • Khó chịu ở dạ dày
  • Ợ nóng
  • Táo bón
  • Đau đớn khi quan hệ
  • Thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, chẳng hạn như ra máu nhiều hoặc kinh nguyệt không đều
  • Sụt cân

Các nguyên nhân khác gây chướng bụng

Mặc dù chướng bụng là một trong các dấu hiệu của ung thư buồng trứng nhưng còn có nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây ra hiện tượng căng tức ở bụng. Những nguyên nhân này gồm có:

Tích tụ khí

Sự tích tụ quá nhiều khí trong đường ruột sẽ gây chướng bụng. Khí này có thể đến từ các loại thực phẩm, thói quen ăn quá nhanh hoặc nói chuyện khi ăn và là hiện tượng bình thường nhưng nếu khí tích tụ quá nhiều thì sẽ gây khó chịu.

Táo bón

Chướng bụng là một vấn đề thường gặp khi bị táo bón. Ngoài ra, táo bón còn gây ra những vấn đề khác như đau bụng.

Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một bệnh đường ruột phổ biến, gây ra những triệu chứng như:

  • Chướng bụng
  • Đau bụng
  • Co thắt ở bụng dưới
  • Tiêu chảy hoặc táo bón

Ngoài ra, nhiều bệnh rối loạn đường ruột khác cũng gây chướng bụng.

Liệt dạ dày

Liệt dạ dày (gastroparesis) là một chứng bệnh mà chức năng co thắt của dạ dày không bình thường, khiến cho quá trình tiêu hóa thức ăn mất nhiều thời gian hơn.

Ngoài chướng bụng, liệt dạ dày còn có triệu chứng là mất cảm giác ngon miệng, nhanh no, sụt cân không chủ đích, buồn nôn, nôn ói, trào ngược axit, đau bụng,…

Loạn khuẩn ở ruột non

Loạn khuẩn ở ruột non (small intestinal bacterial overgrowth – SIBO) là tình trạng mà vi khuẩn đường ruột trong ruột non sinh sôi, phát triển quá mức.

Nguy cơ gặp phải vấn đề này sẽ tăng cao nếu đã từng phẫu thuật ở đường ruột hoặc bị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy.

Hành kinh

Chướng bụng là một trong những hiện tượng phổ biến xảy ra ngay trước, trong thời gian có kinh nguyệt và vào thời điểm rụng trứng.

Các hiện tượng khác cũng thường đi kèm với chướng bụng khi có kinh nguyệt còn có:

  • Đau bụng dưới
  • Ngực căng đau
  • Mệt mỏi
  • Thèm ăn
  • Đau đầu
  • Da dầu, nổi mụn trứng cá
  • Mỏi lưng

Nguyên nhân khác

Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây ra cảm giác chướng bụng, ví dụ như:

  • Ăn quá nhiều
  • Ăn nhiều muối hoặc đường
  • Uống nước ngọt có ga
  • Tăng cân
  • Dùng một số loại thuốc ví dụ như aspirin, thuốc trị tiêu chảy, thuốc giảm đau nhóm opioid…

Khi nào cần đi khám?

Mặc dù chướng bụng dai dẳng là một trong những triệu chứng phổ biến của ung thư buồng trứng nhưng nhiều phụ nữ lại không đi khám khi gặp triệu chứng này do nghĩ rằng đây chỉ là một hiện tượng bình thường.

Trên thực tế, một cuộc khảo sát cho thấy chỉ có một phần ba phụ nữ đi khám khi có dấu hiệu chướng bụng kéo dài.

Nên đến gặp bác sĩ ngay nếu tình trạng chướng bụng:

  • kéo dài suốt một vài ngày không đỡ
  • ở mức độ nghiêm trọng
  • ngày càng nặng hơn
  • kèm theo các triệu chứng khác

Nếu tình trạng chướng bụng kéo dài suốt vài tuần liên tục thì chắc chắn là điều không bình thường và cần đến bệnh viện khám ngay.

Chẩn đoán nguyên nhân gây chướng bụng

Một số phương pháp được sử dụng để chẩn đoán nguyên nhân gây chướng bụng dai dẳng gồm có:

  • Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ sờ nắn và gõ lên bụng để phát hiện sự tích tụ chất lỏng, sưng hoặc có khối u.
  • Xét nghiệm máu: để tìm các dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) hoặc xét nghiệm tìm kháng nguyên ung thư 125 (CA-125).
  • Chẩn đoán hình ảnh: có thể sẽ cần siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp CT để quan sát bên trong ổ bụng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể.
  • Nội soi đại tràng: đây là thủ thuật đưa ống nội soi vào qua trực tràng để bác sĩ có thể quan sát bên trong ruột.
  • Nội soi đường tiêu hóa trên: ống nội soi được đưa vào qua đường miệng để quan sát thực quản, dạ dày và một phần của ruột non.
  • Xét ngiệm mẫu phân: để chẩn đoán một số vấn đề xảy ra ở đường tiêu hóa.
  • Các phương pháp khác: tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các phương pháp khác.

Biện pháp giảm chướng bụng

Có thể ngăn ngừa và giảm chướng bụng bằng cách điều trị nguyên nhân gây nên triệu chứng này. Có thể chỉ cần thay đổi thói quen ăn uống hoặc dùng thuốc, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Nếu đầy hơi, chướng bụng là do tích tụ khí thì nên tránh một số loại thực phẩm như:

  • Các món làm từ bột mì
  • Hành, tỏi
  • Các loại đậu
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa
  • Các loại quả như táo, mận, mơ,…
  • Súp lơ
  • Nhai kẹo cao su

Một số biện pháp tự nhiên để khắc phục tình trạng đầy chướng bụng gồm có uống trà bạc hà, trà hoa cúc hoặc uống tinh bột nghệ. Tập thể dục thường xuyên cũng có thể cải thiện tình trạng khó chịu này.

Nên ăn chậm hơn và không vừa ăn vừa nói để không nuốt quá nhiều không khí vào bụng. Ngoài ra, nên chia nhỏ ba bữa lớn thành các bữa nhỏ hơn trong ngày.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống để giảm chướng bụng.

Dùng thuốc

Có thể điều trị chứng chướng bụng do tích tụ khí bằng một số loại thuốc không kê đơn hoặc kê đơn.

Điều trị chướng bụng do ung thư buồng trứng

Nếu chướng bụng là do ung thư buồng trứng thì các phương pháp điều trị như hóa trị có thể làm giảm tình trạng ứ đọng dịch và giảm các triệu chứng liên quan.

Ngoài ra có thể cần dẫn lưu dịch tích tụ để giảm bớt cảm giác khó chịu.

Tóm tắt bài viết

Chướng bụng là một hiện tượng phổ biến mà hầu như ai cũng đã từng gặp phải. Có nhiều nguyên nhân gây chướng bụng khác nhau và ung thư buồng trứng chỉ là một trong số đó. Nếu chỉ thi thoảng mới bị chướng bụng và không đi kèm biểu hiện bất thường nào khác thì khả năng đây không phải điều đáng lo ngại. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, tiếp diễn trong thời gian dài và kèm theo một số biểu hiện khác thì nên đi khám để tìm ra nguyên nhân.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ung thư, dấu hiệu
Tin liên quan
Nhận biết ung thư buồng trứng qua dấu hiệu mất kinh nguyệt
Nhận biết ung thư buồng trứng qua dấu hiệu mất kinh nguyệt

Kinh nguyệt không đều hay mất kinh nguyệt không phải là dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, cần đi khám nếu nghi ngờ mình bị ung thư buồng trứng hoặc nhận thấy những thay đổi không bình thường trong chu kỳ kinh.

Cắt buồng trứng có những rủi ro nào?
Cắt buồng trứng có những rủi ro nào?

Đôi khi phụ nữ cần cắt bỏ buồng trứng vì một số lý do như u nang buồng trứng hay ung thư buồng trứng.

Ung thư buồng trứng: Tiên lượng, tuổi thọ và tỷ lệ sống theo từng giai đoạn
Ung thư buồng trứng: Tiên lượng, tuổi thọ và tỷ lệ sống theo từng giai đoạn

Khi bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng, có lẽ điều đầu tiên nhiều phụ nữ nghĩ đến là có chữa khỏi được không và mình còn sống được bao lâu.

Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 còn sống được bao lâu?
Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 còn sống được bao lâu?

Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối của bệnh ung thư buồng trứng. Ở giai đoạn này, ung thư đã lan rộng (di căn) ra ngoài hệ sinh dục và vùng chậu đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây