1

Nguyên nhân gây đau khi bị suy thận mạn giai đoạn cuối

Hầu hết những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối đều bị đau, thường là ở xương và cơ. Các cơn đau thường là do biến chứng của bệnh hoặc cũng có thể là do tác dụng phụ của điều trị.
Nguyên nhân gây đau khi bị suy thận mạn giai đoạn cuối Nguyên nhân gây đau khi bị suy thận mạn giai đoạn cuối

Suy thận mạn giai đoạn cuối hay bệnh thận mạn giai đoạn cuối xảy ra khi thận không còn thực hiện được các chức năng để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Khoảng 60 đến 70% người mắc suy thận mạn giai đoạn cuối bị đau và gần như tất cả những người phải nhập viện để điều trị suy thận mạn đều gặp triệu chứng đau đớn. (1)

Trong bài viết này, cùng tìm hiểu các nguyên nhân phổ biến gây đau ở người bị suy thận mạn giai đoạn cuối.

Suy thận cấp tính và suy thận mạn tính

Có hai loại suy thận là suy thận cấp tính và suy thận mạn tính.

Suy thận cấp là tình trạng thận đột ngột bị tổn thương và suy giảm chức năng. Suy thận cấp là một vấn đề phổ biến ở những người phải nằm viện để điều trị các bệnh lý khác, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim hoặc viêm phổi. Hầu hết các trường hợp suy thận cấp đều có thể hồi phục chức năng thận và các triệu chứng như đau đớn thường biến mất sau khi điều trị.

Mặt khác, suy thận mạn là tình trạng chức năng thận giảm dần và vĩnh viễn không thể hồi phục. Suy thận mạn thường xảy ra do các bệnh lý gây ảnh hưởng đến chức năng thận như cao huyết áp và tiểu đường. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh sẽ dần tiến triển sang suy thận mạn giai đoạn cuối. Người bị suy thận mạn có nguy cơ bị đau kéo dài cao hơn suy thận cấp.

Nguyên nhân gây đau ở người bị suy thận mạn giai đoạn cuối

Đau là một triệu chứng phổ biến của suy thận mạn giai đoạn cuối. Đau có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân chính gồm có:

Rối loạn khoáng chất và xương

Rối loạn khoáng chất và xương là một biến chứng phổ biến của suy thận mạn. Biến chứng này đặc biệt phổ biến ở những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối và cần phải lọc máu.

Rối loạn khoáng chất và xương không phải lúc nào cũng có triệu chứng nhưng khi tình trạng tiến triển nặng, người bệnh sẽ bị đau nhức xương và khớp.

Canxi hóa mạch máu và hoại tử da

Canxi hóa mạch máu và hoại tử da là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng xảy ra ở những người mắc suy thận mạn giai đoạn cuối. Tình trạng này gây ra các tổn thương đau đớn trên bề mặt da.

Những phụ nữ đang có các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và béo phì có nguy cơ bị canxi hóa mạch máu và hoại tử da cao hơn.

Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Suy thận mạn, nhất là suy thận mạn giai đoạn cuối có thể làm hỏng các dây thần kinh từ não và tủy sống đến các vùng khác trên cơ thể, dẫn đến bệnh lý thần kinh ngoại biên.

Bệnh lý thần kinh ngoại biên gây ra những rối loạn về cảm giác, ví dụ như cảm giác như kim châm, tê, nóng và đau nhức ở tứ chi.

Bệnh màng ngoài tim

Màng ngoài tim là một túi mỏng chứa dịch lỏng bảo vệ tim, bao gồm cả gốc của các động mạch mang máu từ tim.

Suy thận mạn giai đoạn cuối có thể dẫn đến các vấn đề về màng ngoài tim như:

  • Viêm màng ngoài tim do urê huyết
  • Tràn dịch màng tim
  • Viêm màng ngoài tim co thắt

Mỗi bệnh lý này đều gây đau ngực và cơn đau tăng lên khi hít vào.

Bệnh thận đa nang di truyền theo gen trội trên nhiễm sắc thể thường

Nhiều loại bệnh thận nguyên phát gây ra triệu chứng đau, trong đó có bệnh thận đa nang di truyền theo gen trội trên nhiễm sắc thể thường (ADPKD). Đây là một bệnh di truyền hiếm gặp có đặc trưng là hình thành các cụm u nang trên thận.

Đau là một triệu chứng phổ biến ở người bị bệnh thận đa nang. Người bệnh có thể bị đau do:

  • U nang bị nhiễm trùng, chảy máu hoặc vỡ
  • U nang phát triển
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Sỏi thận

Lọc máu

Lọc máu là một phương pháp điều trị quan trọng cho người bị suy thận mạn giai đoạn cuối nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây ra các cơn đau. Nhiều người bệnh phải lọc máu cho biết họ bị chuột rút, đau bụng và đau ở vị trí chọc kim.

Bệnh nền

Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối thường mắc nhiều bệnh lý khác và những bệnh lý này có thể gây đau, ví dụ như:

  • Bệnh thần kinh đái tháo đường
  • Bệnh động mạch ngoại biên thiếu máu cục bộ
  • Thiếu xương
  • Loãng xương

Cách giảm đau do suy thận mạn giai đoạn cuối

Có nhiều cách để kiểm soát cơn đau do suy thận mạn giai đoạn cuối. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau, loại, tần suất và mức độ đau đớn.

Người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu bị đau thường xuyên hoặc dữ dội. Các phương pháp điều trị gồm có thuốc và vật lý trị lý.

Các lọai thuốc thường được dùng để giảm đau cho người bị suy thận mạn giai đoạn cuối gồm có:

  • acetaminophen
  • gabapentinoid
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Một số thuốc giảm đau nhóm opioid, chẳng hạn như buprenorphine hoặc hydromorphone
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI)
  • Thuốc giảm đau tại chỗ
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng

Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào. Chức năng thận kém sẽ làm thay đổi nồng độ thuốc trong máu cũng như tác dụng của thuốc. Do đó, bác sĩ sẽ phải điều chỉnh liều dùng thuốc cho phù hợp. Một số thuốc giảm đau nhóm opioid như codeine và morphine không an toàn cho những người bị suy thận mạn.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thử các phương pháp dưới đây để giảm bớt đau đớn do suy thận mạn giai đoạn cuối:

  • Châm cứu
  • Liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback)
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy)
  • Tập thể dục
  • Thiền
  • Vật lý trị liệu
  • Tập yoga

Tóm tắt bài viết

Đau là một triệu chứng phổ biến ở những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Suy thận mạn giai đoạn cuối đa phần không trực tiếp gây đau nhưng có thể gây ra một số biến chứng gây đau như bệnh lý thần kinh ngoại biên, bệnh thận đa nang hay canxi hóa mạch máu và hoại tử da. Đau cũng có thể là một tác dụng phụ của phương pháp lọc máu.

Các phương pháp giảm đau gồm có dùng thuốc và vật lý trị liệu. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau.

Để duy trì sức khỏe và bảo tồn chức năng thận, người bệnh cần ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát tốt các bệnh lý gây ảnh hưởng đến chức năng thận tiểu đường hoặc cao huyết áp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: nguyên nhân, giai đoạn
Tin liên quan
Tại sao suy thận mạn giai đoạn cuối gây lú lẫn?
Tại sao suy thận mạn giai đoạn cuối gây lú lẫn?

Những người bị suy thận nặng có thể bị lú lẫn cũng như các vấn đề về khả năng nhận thức khác.

Ung thư biểu mô tế bào thận giai đoạn cuối: Điều trị và tiên lượng
Ung thư biểu mô tế bào thận giai đoạn cuối: Điều trị và tiên lượng

Mặc dù ung thư biểu mô tế bào thận giai đoạn cuối không còn khả năng chữa khỏi nhưng vẫn có các phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận Giai Đoạn Cuối: Tiên Lượng Và Các Phương Pháp Điều Trị
Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận Giai Đoạn Cuối: Tiên Lượng Và Các Phương Pháp Điều Trị

Ung thư thận là bệnh ung thư bắt đầu ở tế bào thận. Ung thư thận giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối có nghĩa là ung thư đã lan từ thận đến các cơ quan khác. Tiên lượng ở giai đoạn này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có loại ung thư thận và mức độ đáp ứng với điều trị.

Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm cầu thận hay viêm thận là một bệnh lý nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức. Có hai loại viêm cầu thận là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây