1

Lý do phụ nữ mãn kinh nên bổ sung probiotic

Một số nghiên cứu cho thấy probiotic có thể giúp làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mãn kinh.
Lý do phụ nữ mãn kinh nên bổ sung probiotic Lý do phụ nữ mãn kinh nên bổ sung probiotic

Mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên trong quá trình lão hóa ở phụ nữ nhưng đối với nhiều người, đây là một giai đoạn đầy khó khăn. Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có thể gặp phải các triệu chứng như tình trạng bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, mệt mỏi cũng như những thay đổi về thể chất như tăng cân.

Các triệu chứng xảy ra trong thời kỳ mãn kinh ở mỗi phụ nữ là khác nhau. Một số người không gặp phải bất cứ triệu chứng nào, một số chỉ có các triệu chứng nhẹ trong khi một số lại phải trải qua các triệu chứng nghiêm trọng.

Các triệu chứng này thường xuất hiện từ vài năm trước khi kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn (giai đoạn tiền mãn kinh). Càng gần đến thời điểm mãn kinh, các triệu chứng sẽ giảm dần và có thể biến mất sau mãn kinh. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn hậu mãn kinh, phụ nữ lại phải đối mặt với nguy cơ mắc nhiều bệnh tật như loãng xương và bệnh tim mạch.

Một số nghiên cứu cho thấy probiotic có thể giúp làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mãn kinh.

Các lợi ích của probiotic đối với phụ nữ mãn kinh

Giảm bốc hỏa và đổ mồ hôi

Vùng dưới đồi trong não là khu vực điều hòa hệ nội tiết và nhiệt độ cơ thể.

Sự sụt giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh có thể làm thay đổi hoạt động của vùng dưới đồi và dẫn đến các triệu chứng vận mạch.

Các triệu chứng vận mạch xảy ra khi các mạch máu thay đổi kích thước đột ngột và điều này khiến cho thân nhiệt tăng lên. Hậu quả là các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi.

Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2017 trên 62 phụ nữ cho thấy rằng bổ sung probiotic cùng với một số loại thảo dược như cỏ ba lá đỏ (red clover) có thể giúp làm giảm các triệu chứng vận mạch. (1)

Cỏ ba lá đỏ là một loại cây thuộc họ đậu có chứa isoflavone, một chất có tác dụng tương tự như hormone estrogen.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ và tâm trạng

Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ruột và não trao đổi tín hiệu với nhau thông qua hệ thần kinh, hệ miễn dịch và hệ nội tiết. Các loại vi khuẩn có lợi trong đường ruột có thể tác động đến tâm trạng.

Thay đổi cảm xúc, tâm trạng, bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm đều là những triệu chứng thường gặp trong thời kỳ mãn kinh. Những triệu chứng này có thể gây cản trở giấc ngủ.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020 đã tìm thấy bằng chứng cho thấy rằng vi khuẩn có lợi có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng như tâm trạng ở những người bị chứng rối loạn lo âu và trầm cảm. (2)

Giảm nguy cơ nhiễm trùng âm đạo

Âm đạo bình thường có độ pH thấp, nghĩa là có tính axit nhẹ. Điều này ngăn vi khuẩn có hại sinh sôi, phát triển là gây nhiễm trùng.

Ở độ tuổi sinh sản, hormone estrogen thúc đẩy sự phát triển của Lactobacilli, một loại vi khuẩn có lợi trong âm đạo. Lactobacilli giúp duy trì độ pH âm đạo ở mức thấp để ngăn nhiễm trùng.

Sự thiếu hụt estrogen trong và sau mãn kinh có thể làm tăng độ pH âm đạo và điều này tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại như Enterobacter, Escherichia coli, Candida và Gardnerella phát triển. Khi phát triển quá mức, những vi khuẩn này sẽ gây nhiễm trùng âm đạo.

Theo một số nghiên cứu, bổ sung probiotic một mình hoặc kết hợp với thuốc kháng khuẩn có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng âm đạo và các triệu chứng liên quan, chẳng hạn như thay đổi về khí hư và mùi khó chịu.

Ngăn ngừa loãng xương

Hormone estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự chắc khỏe của xương và nồng độ estrogen thấp sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương.

Nguy cơ loãng xương còn tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, chủng tộc, tiền sử gia đình, chế độ ăn uống, lối sống và tình trạng sức khỏe tổng thể.

Trên toàn cầu, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người có nguy cơ bị gãy xương do loãng xương.

Không sử dụng các sản phẩm thuốc lá và bổ sung đủ canxi cùng với vitamin D hàng ngày có thể làm chậm quá trình mất xương và giảm nguy cơ loãng xương.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy rằng bổ sung probiotic có thể giúp làm tăng mật độ khoáng xương ở cột sống thắt lưng ở những phụ nữ sau mãn kinh. (3)

Hỗ trợ giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh

Ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, phụ nữ sẽ dễ bị tăng cân hơn do sự suy giảm nồng độ estrogen và chức năng buồng trứng.

Ở độ tuổi này, khối lượng cơ sẽ giảm dần, sự phân bố mỡ trong cơ thể có sự thay đổi và mỡ bắt đầu tích tụ nhiều hơn ở vùng bụng.

Nhiều mỡ bụng sẽ làm tăng nguy cơ kháng insulin và rối loạn lipid máu.

Lối sống ít vận động và chế độ ăn nhiều chất béo, muối và đường cũng có thể góp phần gây tăng cân, tích tụ mỡ bụng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như rối loạn chuyển hóa.

Ngoài ra, stress và sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và dẫn đến thói quen ăn uống không lành mạnh. Đây cũng là những nguyên nhân gây tăng cân trong thời kỳ mãn kinh.

Nghiên cứu cho thấy thành phần vi khuẩn trong ruột già có thể góp phần gây ra các bệnh chuyển hóa. Những người thừa cân hoặc béo phì dễ bị viêm, kháng insulin và tích tụ mỡ thừa hơn.

Một số chủng lợi khuẩn được cho là có thể củng cổ niêm mạc ruột bằng cách giảm viêm, ngoài ra còn giúp giảm nguy cơ béo phì và nhiều bệnh mạn tính.

Cụ thể, probiotic có thể hỗ trợ giảm cân bằng cách làm tăng axit béo chuỗi ngắn, tăng số lượng vi khuẩn có lợi, giảm tình trạng viêm và sự tích tụ mỡ, đồng thời cải thiện độ nhạy insulin.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy rằng bổ sung probiotic trong thời gian ngắn (dưới 12 tuần) có thể góp phần giúp giảm cân, chỉ số khối cơ thể (BMI) và tỷ lệ mỡ trong cơ thể. (4)

Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về lợi ích của probiotic đối với việc giảm cân đều có quy mô nhỏ và mới chỉ thực hiện trên những người bị thừa cân hoặc béo phì.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ hơn về vai trò của probiotic trong việc giảm cân.

Các cách bổ sung probiotic

Bạn có thể bổ sung probiotic bằng cách ăn các loại thực phẩm lên men như sữa chua, kefir, dưa muối, kim chi và kombucha hoặ dùng men vi sinh.

Các loại thực phẩm chứa probiotic tự nhiên thường được dung nạp tốt khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải.

Mặc dù men vi sinh có nguy cơ gây tác dụng phụ cao hơn nhưng các tác dụng phụ đa phần là nhẹ và thường tự hết sau vài ngày đến vài tuần.

Bạn nên bắt đầu dùng từ liều thấp và tăng dần liều dùng theo thời gian để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ.

Các tác dụng phụ tạm thời của men vi sinh gồm có:

  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Táo bón
  • Khát nước
  • Đau đầu

Nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc không đỡ sau một thời gian sử dụng thì hãy ngừng sử dụng men vi sinh và theo dõi. Nếu các triệu chứng tiếp tục kéo dài dai dẳng dù đã ngừng dùng men vi sinh thì bạn nên đi khám.

Lưu ý, chỉ bổ sung probiotic là chưa đủ để giảm cân. Bạn cần kết hợp cả điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục.

Nên bổ sung những lợi khuẩn nào?

Hệ vi sinh vật trong cơ thể gồm có cả vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi.

Bifidobacterium animalis là một loại vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong ruột già. Bổ sung loại vi khuẩn này thông qua chế độ ăn hoặc men vi sinh có thể làm giảm mỡ bụng, một trong những yếu tố chính liên quan đến rối loạn chuyển hóa.

Lactobacillus gasseri là một loại vi khuẩn có trong âm đạo. Các nghiên cứu cho thấy bổ sung Lactobacillus gasseri có thể giúp giảm cân.

Bạn cũng có thể dùng synbiotic, hỗn hợp gồm cả probiotic và prebiotic (thức ăn của probiotic). Synbiotic có tác dụng hỗ trợ giảm cân và chống viêm.

Nếu bạn chọn ăn các loại thực phẩm chứa probiotic, chẳng hạn như sữa chua hay kefir, hãy nhớ đọc thông tin trên nhãn và chọn những sản phẩm có chứa vi khuẩn sống.

Tóm tắt bài viết

Probiotic có thể giúp làm giảm các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi và giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến mãn kinh như nhiễm trùng âm đạo và loãng xương. Ngoài ra, probiotic còn hỗ trợ giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Có hai cách để bổ sung probiotic, đó là ăn thực phẩm lên men và uống men vi sinh.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ hơn về các lợi ích của probiotic đối với sức khỏe.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Teo âm đạo sau mãn kinh có những triệu chứng như thế nào ở chị em. Cách điều trị vấn đề này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé

Sức khỏe thay đổi như thế nào sau mãn kinh?
Sức khỏe thay đổi như thế nào sau mãn kinh?

Sau khi mãn kinh (được gọi là giai đoạn hậu mãn kinh), phụ nữ sẽ gặp phải rất nhiều thay đổi về cơ thể và sức khỏe. Để duy trì sức khỏe trong giai đoạn sau mãn kinh, bạn cần biết được những thay đổi này và chuẩn bị một cách tốt nhất.

Tiền mãn kinh ảnh hưởng đến kinh nguyệt như thế nào?
Tiền mãn kinh ảnh hưởng đến kinh nguyệt như thế nào?

Những thay đổi của thời kỳ tiền mãn kinh diễn ra không theo quy luật nên sẽ có ảnh hưởng đến sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.

Mãn kinh có những triệu chứng nào?
Mãn kinh có những triệu chứng nào?

Một số ít phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh mà không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nhưng đa số đều phải trải qua những vấn đề gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Phân biệt tiền mãn kinh và mãn kinh
Phân biệt tiền mãn kinh và mãn kinh

Cả tiền mãn kinh và mãn kinh đều là những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Ở những giai đoạn này chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi xảy đến với cơ thể và không ít trong số đó có ảnh hưởng đến cuộc sống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây