1

Lợi ích của vitamin D đối với Covid-19

Hiện tại vẫn chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu bệnh Covid-19 nhưng một số nghiên cứu đã đánh giá tác động của việc bổ sung vitamin D hoặc sự thiếu hụt vitamin D đến nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2.
Lợi ích của vitamin D đối với Covid-19 Lợi ích của vitamin D đối với Covid-19

Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chất dinh dưỡng này rất cần thiết đối với chức năng hệ miễn dịch. Vì thế, một giả thuyết được đặt ra là liệu việc bổ sung vitamin D có thể giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19 hay không.

Mặc dù căn bệnh này hiện vẫn chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu nhưng các biện pháp phòng ngừa như tăng cường sức đề kháng và giữ vệ sinh có thể giảm đáng kể nguy cơ nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) – nguyên nhân gây Covid-19.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung đủ vitamin D có thể giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh đường hô hấp nói chung.

Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, những bệnh nhân Covid-19 có nồng độ vitamin D trong máu cao sẽ có nguy cơ gặp phải biến chứng và tử vong thấp hơn so với những người bị thiếu hụt vitamin D. (1)

Bài viết dưới đây sẽ giải thích vai trò của vitamin D đối với sức khỏe hệ miễn dịch và lý do tại sao việc bổ sung chất dinh dưỡng này có thể ngăn ngừa các bệnh hô hấp.

Vai trò của vitamin D đối với hệ miễn dịch

Vitamin D là một chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ miễn dịch - tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật.

Vitamin này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đáp ứng miễn dịch. Vitamin D có cả đặc tính chống viêm và điều hòa miễn dịch.

Vitamin D tăng cường chức năng của các tế bào miễn dịch, gồm có tế bào T và đại thực bào – các tế bào có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.

Trên thực tế, lượng vitamin D thấp sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bệnh tật và các rối loạn liên quan đến miễn dịch.

Ví dụ, sự thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, gồm có bệnh lao, hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), cũng như là nhiễm trùng đường hô hấp do virus và vi khuẩn. (2)

Hơn nữa, thiếu hụt vitamin D còn dẫn đến suy giảm chức năng phổi và ảnh hưởng đến khả năng chống nhiễm trùng đường hô hấp của cơ thể.

Tóm tắt: Vitamin D có vai trò rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch. Sự thiếu hụt vitamin này có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bệnh tật.

Lợi ích của vitamin D đối với bệnh Covid-19

Hiện tại vẫn chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu bệnh Covid-19 nhưng một số nghiên cứu đã đánh giá tác động của việc bổ sung vitamin D hoặc sự thiếu hụt vitamin D đến nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong máu từ 30 ng/mL trở lên có thể làm giảm nguy cơ xảy ra các biến cố bất lợi và tử vong ở những bệnh nhân bị Covid-19. Nghiên cứu này phân tích dữ liệu của 235 ca bệnh Covid-19 được nhập viện điều trị.

Ở những bệnh nhân trên 40 tuổi, những người có đủ vitamin D có nguy cơ bị các biến cố bất lợi, ví dụ như hôn mê, thiếu oxy và tử vong thấp hơn 51.5% so với những người bị thiếu hụt vitamin D. (3)

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng thiếu hụt vitamin D có thể gây hại cho chức năng miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp.

Ngoài ra, theo một số nghiên cứu thì bổ sung vitamin D có thể tăng cường đáp ứng miễn dịch và khả năng chống lại nhiễm trùng đường hô hấp nói chung.

Một bản đánh giá gần đây gồm có 11.321 người tham gia đến từ 14 quốc gia đã chứng minh rằng bổ sung vitamin D làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) ở cả những người bị thiếu hụt và người đủ vitamin D. (4)

Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy việc bổ sung vitamin D giúp làm giảm 12% nguy cơ mắc ARI. Vitamin D mang lại lợi ích lớn nhất ở những người bị thiếu hụt.

Hơn nữa, cũng theo bản đánh giá này thì việc bổ sung vitamin D sẽ cho hiệu quả ngăn ngừa ARI ở mức cao nhất khi dùng liều lượng thấp đều đặn hàng ngày và kém hiệu quả hơn khi dùng liều lượng lớn nhưng không đều.

Bổ sung vitamin D cũng đã được chứng minh là giúp làm giảm tỷ lệ tử vong ở người lớn tuổi - những đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh đường hô hấp như Covid-19.

Hơn nữa, sự thiếu hụt vitamin D còn là yếu tố góp phần làm tăng hiện tượng “bão cytokine”. (5)

Cytokine là các protein có vai trò rất quan trọng của hệ miễn dịch. Chúng có cả đặc tính gây viêm và chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật.

Tuy nhiên, cytokine có thể gây ra tổn thương mô trong một số trường hợp nhất định.

Bão cytokine là hiện tượng giải phóng các cytokine gây viêm một cách không kiểm soát. Cytokine gây viêm được giải phóng khi hệ miễn dịch phát hiện nhiễm trùng nhưng quá nhiều cytokine gây viêm có thể dẫn đến tổn thương mô nghiêm trọng, làm tăng tốc độ tiến triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Trên thực tế, đây là nguyên nhân chính gây suy đa tạng, hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) và là một yếu tố quan trọng đối với sự tiến triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh Covid-19.

Ví dụ, ở những bệnh nhân Covid-19 nặng, cơ thể có một lượng lớn cytokine, đặc biệt là interleukin-1 (IL-1) và interleukin-6 (IL-6). (6)

Thiếu hụt vitamin D có thể gây suy giảm chức năng miễn dịch và tăng “bão cytokine”.

Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng sự thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng do Covid-19. Mặt khác, việc bổ sung vitamin D có thể làm giảm các biến chứng liên quan đến các bão cytokine và tình trạng viêm không kiểm soát ở những người bị Covid-19. (7)

Hiện tại, nhiều thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành đánh giá tác động của việc bổ sung vitamin D (với liều lượng lên đến 200.000 IU) ở những bệnh nhân Covid-19.

Có một điều chắc chắn rằng nếu chỉ bổ sung vitamin D thì sẽ không đủ để ngăn ngừa Covid-19.

Tuy nhiên, thiếu hụt vitamin D sẽ làm suy giảm sức đề kháng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp nói chung và Covid-19 nói riêng.

Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì thiếu hụt vitamin D đang là một vấn đề phổ biến trên thế giới, đặc biệt là những người lớn tuổi – nhóm đối tượng vốn có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến Covid-19.

Vì những lý do này nên các chuyên gia y tế khuyến nghị nên làm xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ vitamin D để xem mình có bị thiếu hụt hay không. Tùy thuộc vào nồng độ vitamin D trong máu mà sẽ cần bổ sung từ 1.000 – 4.000 IU mỗi ngày. Tuy nhiên, những người bị thiếu hụt nghiêm trọng sẽ cần dùng liều cao hơn để đưa lượng vitamin D trong cơ thể về mức bình thường và sau đó giảm liều để duy trì.

Theo hầu hết các chuyên gia thì nồng độ vitamin D trong máu cần được giữ trong khoảng từ 30 – 60 ng/mL (75 – 150 nmol/L). (8)

Tóm tắt: Mặc dù nghiên cứu vẫn đang được tiến hành nhưng một số bằng chứng cho thấy rằng bổ sung vitamin D có thể tăng cường sức khỏe miễn dịch và làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng ở những người bị Covid-19.

Tóm tắt bài viết

Vitamin D có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, gồm có cải thiện chức năng hệ miễn dịch.

Nghiên cứu khoa học cho thấy rằng bổ sung vitamin D có thể bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là ở những người bị thiếu hụt và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm ở những người bị Covid-19.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xác định liệu vitamin D có thể ngăn ngừa nhiễm virus corona hay không.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: lợi ích
Tin liên quan
Vitamin D có thể cải thiện thói quen tập thể dục
Vitamin D có thể cải thiện thói quen tập thể dục

Nồng độ vitamin D cao có thể làm tăng hiệu suất sử dụng oxy của cơ thể và điều này sẽ giúp cải thiện thói quen tập thể dục.

Vitamin D có thể làm giảm hội chứng ruột kích thích
Vitamin D có thể làm giảm hội chứng ruột kích thích

Các nghiên cứu đã phát hiện ra tình trạng thiếu hụt vitamin D ở nhiều người bị hội chứng ruột kích thích và việc bổ sung vitamin này có thể làm giảm các triệu chứng bệnh.

Mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh tiểu đường tuýp 2
Mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh tiểu đường tuýp 2

Các nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D và mức insulin.

Bôi kem chống nắng làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D?
Bôi kem chống nắng làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D?

Chúng ta đều biết rằng bôi kem chống nắng là điều cần thiết, đặc biệt là vào mùa hè để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và ngăn ngừa các vấn đề như cháy nắng, sạm nám và ung thư da. Tuy nhiên, vì cơ thể tổng hợp vitamin D khi da tiếp xúc với nắng nên nếu bôi kem chống nắng thì liệu có bị thiếu hụt vitamin D hay không?

Vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Theo các chuyên gia, vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh phổi ở những người bị thiếu hụt loại vitamin này.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây