1

Liều dùng Admelog là bao nhiêu?

Admelog thuộc nhóm thuốc có tên là chất tương tự insulin tác dụng nhanh. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về liều dùng Admelog cũng như là hàm lượng và cách sử dụng thuốc.
Liều dùng Admelog là bao nhiêu? Liều dùng Admelog là bao nhiêu?

Admelog là gì?

Admelog là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 ở người lớn và tiểu đường type 1 ở trẻ em từ 3 tuổi trở lên.

Hoạt chất trong Admelog là insulin lispro (hoạt chất là thành phần giúp thuốc có tác dụng điều trị bệnh). Admelog có dạng dung dịch lỏng để tiêm dưới da hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.

Admelog thuộc nhóm thuốc có tên là chất tương tự insulin tác dụng nhanh. Chất tương tự insulin là dạng tổng hợp của insulin – loại hormone được tạo ra bởi tuyến tụy, có chức năng kiểm soát lượng đường trong máu.

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về liều dùng Admelog cũng như là hàm lượng và cách sử dụng thuốc.

Lưu ý, liều dùng được đề cập trong bài viết này là liều dùng Admelog tiêu chuẩn mà nhà sản xuất đưa ra. Người bệnh cần sử dụng thuốc đúng liều mà bác sĩ kê.

Liều dùng Admelog

Dưới đây là liều dùng phổ biến của Admelog. Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp cho mỗi người bệnh.

Admelog có thể được tiêm dưới da (người bệnh tự thực hiện) hoặc truyền qua đường tĩnh mạch (thực hiện bởi nhân viên y tế).

Admelog có dạng lọ hay dạng bút tiêm?

Admelog có cả dạng lọ và dạng bút tiêm.

Có hai loại lọ Admelog:

  • Lọ 10ml chứa 1.000 đơn vị insulin
  • Lọ 3ml chứa 300 đơn vị insulin

Bút tiêm Admelog là dạng bút tiêm dùng một lần có chứa sẵn 3ml dung dịch thuốc, có tên là SoloStar. Mỗi bút chứa 300 đơn vị insulin. Để biết thêm thông tin về bút tiêm Admelog, vui lòng đọc phần “Câu hỏi thường gặp” ở bên dưới.

Hàm lượng của Admelog

Admelog chỉ có một mức hàm lượng U-100, có nghĩa là mỗi 1ml dung dịch thuốc chứa 100 đơn vị insulin.

Liều dùng thông thường

Liều dùng Admelog phụ thuộc vào một số yếu tố dưới đây:

  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh tiểu đường
  • Mức đường huyết hiện tại và mức đường huyết cần duy trì
  • Chế độ ăn uống (lượng carbohydrate)
  • Lối sống (mức độ hoạt động thể chất)
  • Tần suất và cường độ tập thể dục
  • Các vấn đề sức khỏe khác mà người bệnh đang mắc
  • Độ nhạy insulin (mức độ phản ứng với insulin của các tế bào cơ thể)

Bác sĩ thường bắt đầu kê Admelog từ liều thấp và sau đó sẽ điều chỉnh liều dùng dần dần dựa trên mức đường huyết và nhu cầu insulin cho đến khi đạt đến liều dùng phù hợp nhất cho người bệnh.

Dưới đây là liều dùng thường được sử dụng hoặc liều dùng được khuyến nghị của Admelog nhưng hãy dùng đúng liều mà bác sĩ kê. Bác sĩ sẽ xác định liều dùng phù hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân.

Liều dùng để điều trị tiểu đường type 1

Nhà sản xuất Admelog không cung cấp hướng dẫn về liều dùng, chẳng hạn như liều dùng thông thường hay liều dùng tối đa của thuốc. Liều dùng Admelog cần được điều chỉnh theo nhu cầu insulin cụ thể của từng người.

Trước khi bắt đầu điều trị bằng insulin, bác sĩ sẽ giúp người bệnh tính toán tổng nhu cầu insulin hàng ngày. Liều insulin cần dùng mỗi ngày được tính dựa trên khối lượng cơ thể và các yếu tố cá nhân đã nêu ở trên.

Thông thường, insulin tác dụng kéo dài chiếm một nửa tổng liều insulin hàng ngày và nửa còn lại là insulin tác dụng nhanh, chẳng hạn như Admelog.

Liều dùng Admelog để điều trị tiểu đường type 1 tùy thuộc vào mục tiêu insulin, các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng, chế độ ăn uống và các yếu tố khác. Bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể về liều dùng và cách điều chỉnh liều dùng dựa trên mức đường huyết.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), liều dùng insulin tác dụng nhanh để điều trị bệnh tiểu đường type 1 thường là từ 0,4 đến 1 đơn vị insulin cho mỗi kg khối lượng cơ thể.

Thông thường, người bệnh cần tiêm Admelog trước bữa ăn 15 phút hoặc ngay sau khi ăn. Nếu dùng máy bơm insulin, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách sử dụng.

Liều dùng để điều trị tiểu đường type 2

Nhà sản xuất Admelog không cung cấp hướng dẫn về liều dùng, chẳng hạn như liều dùng thông thường hay liều dùng tối đa của thuốc. Liều dùng Admelog cần được điều chỉnh theo nhu cầu insulin cụ thể của từng người.

Nhà sản xuất Admelog không có hướng dẫn cụ thể về liều dùng Admelog để điều trị tiểu đường type 2. Liều dùng thuốc cần được điều chỉnh dựa trên mức đường huyết, các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng cũng như các yếu tố khác được nêu bên trên.

Theo khuyến nghị của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, liều khởi đầu thông thường của insulin tác dụng nhanh là 4 đơn vị hoặc 10% liều insulin tác dụng kéo dài. Người bệnh nên tiêm insulin tác dụng nhanh 15 phút trước bữa ăn lớn nhất trong ngày hoặc ngay sau bữa ăn. Mục đích sử dụng các loại insulin tác dụng nhanh như Admelog là để kiểm soát lượng đường trong máu sau khi ăn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về liều dùng Admelog để điều trị tiểu đường type 2, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tính liều dùng và cách điều chỉnh liều dùng dựa trên mức đường huyết.

Liều dùng Admelog cho trẻ em

Admelog được sử dụng cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên mắc bệnh tiểu đường type 1. Loại thuốc này không dành cho trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 2.

Nhà sản xuất Admelog không cung cấp thông tin về liều dùng cho trẻ em. Bác sĩ sẽ xác định liều dùng phù hợp cho trẻ dựa trên các yếu tố như lượng đường trong máu, chế độ ăn uống và cân nặng.

Nếu bố mẹ hoặc người chăm sóc có thắc mắc về liều dùng Admelog của trẻ cũng như là cách điều chỉnh liều dùng, hãy hỏi trực tiếp bác sĩ để giải đáp.

Có thể dùng Admelog lâu dài không?

Admelog là một phương pháp điều trị lâu dài cho bệnh tiểu đường. Nếu cảm thấy Admelog an toàn và hiệu quả thì người bệnh có thể sử dụng thuốc về lâu dài.

Điều chỉnh liều dùng

Liều dùng Admelog sẽ được điều chỉnh theo một số yếu tố như:

  • Chuyển từ một loại thuốc khác sang Admelog
  • Độ nhạy insulin (mức độ mà các tế bào cơ thể phản ứng với insulin)
  • Mức đường huyết
  • Chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục
  • Các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng
  • Có vấn đề về gan hoặc thận

Một số câu hỏi thường gặp về liều dùng Admelog

Dưới đây là câu trả lời cho một số thắc mắc phổ biến về liều dùng Admelog.

Có hướng dẫn nào mà tôi có thể tham khảo để điều chỉnh liều dùng Admelog không?

Nhà sản xuất Admelog không cung cấp hướng dẫn về liều dùng hay cách điều chỉnh liều dùng thuốc. Lý do là vì liều dùng Admelog cần được điều chỉnh dựa trên các yếu tố cá nhân như loại bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu, tuổi tác, cân nặng và một số yếu tố khác.

Để hiểu rõ hơn về các yếu tố quyết định liều dùng Admelog, vui lòng đọc phần “Liều dùng Admelog” ở bên trên.

Bác sĩ sẽ tư vấn hình thức sử dụng Admelog phù hợp nhất với người bệnh (dạng lọ 10ml, 3ml hoặc dạng bút tiêm).

Người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn cách tính liều Admelog và cách điều chỉnh liều dùng để kiểm soát đường huyết một cách hiệu quả.

Admelog SoloStar là gì? Liều dùng Admelog SoloStar và liều dùng Admelog dạng lọ có khác nhau không?

Admelog SoloStar là tên của bút tiêm Admelog. Đây là loại bút tiêm insulin dùng một lần có chứa sẵn 3ml dung dịch thuốc. Mỗi bút chứa 300 đơn vị insulin.

Loại bút tiêm này cho phép người bệnh chọn liều dùng từ 1 đến 80 đơn vị. Mỗi lần bấm bút là 1 đơn vị insulin. Điều này giúp người bệnh có thể chọn chính xác liều cần tiêm mà không cần phải rút thuốc từ lọ như khi sử dụng bơm kim tiêm.

Liều dùng bút tiêm sẽ khác với liều dùng Admelog dạng lọ. Admelog dạng lọ có thể được sử dụng theo nhiều cách:

  • Tiêm dưới da
  • Truyền qua đường tĩnh mạch sau khi thuốc được pha loãng. Hình thức sử dụng này được thực hiện bởi nhân viên y tế.
  • Dùng cùng máy bơm insulin. Máy sẽ liên tục đưa thuốc vào cơ thể.

Lọ Admelog 10ml chứa 1.000 đơn vị insulin. Bút tiêm chứa 300 đơn vị insulin.

Lưu ý, phải thay kim mới mỗi lần tiêm và không được dùng chung bút tiêm insulin với bất cứ ai.

Nếu Admelog không hiệu quả thì có thể tăng liều lên không?

Khi mới bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ giúp người bệnh tính toán liều dùng và hướng dẫn cách điều chỉnh liều dùng dựa trên mức đường huyêt. Liều dùng thuốc cũng sẽ tùy thuộc vào việc người bệnh đã từng sử dụng insulin trước đây hay chưa.

Thời gian để Admelog phát huy tác dụng phụ thuộc vào lượng đường trong máu và các yếu tố khác như:

  • Độ nhạy insulin (mức độ đáp ứng với insulin của các tế bào cơ thể)
  • Chức năng gan hoặc thận

Người bệnh tiêm Admelog trước bữa ăn 15 phút hoặc ngay sau bữa ăn để kiểm soát lượng đường trong máu. Thuốc sẽ bắt đầu có tác dụng nhanh chóng (trong khoảng 5 đến 15 phút) và tác dụng có thể kéo dài khoảng 4 đến 6 giờ sau tiêm.

Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, gồm có căng thẳng, nhiễm trùng và các vấn đề sức khỏe khác mà người bệnh đang mắc. Vì vậy, nếu thấy đường huyết tăng cao đột ngột thì phải gọi ngay cho bác sĩ.

Nếu đường huyết vẫn trong phạm vi an toàn thì có thể bác sĩ sẽ đề nghị tăng liều tạm thời hoặc điều chỉnh liều dùng các loại thuốc khác mà người bệnh đang sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá tất cả các loại thuốc người bệnh đang dùng và trao đổi về chế độ ăn uống cũng như lối sống.

Dùng Admelog quá liều có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ như hạ đường huyết nghiêm trọng (lượng đường trong máu rất thấp) và tình trạng này rất nguy hiểm. Hãy báo cho bác sĩ nếu cảm thấy Admelog không kiểm soát được mức đường huyết.

Các yếu tố ảnh hưởng đến liều dùng Admelog

Liều dùng Admelog phụ thuộc vào một số yếu tố sau đây:

  • loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiểu đường
  • tuổi tác
  • cân nặng
  • chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục
  • tình trạng sức khỏe tổng thể

các bệnh lý mà người bệnh đang mắc ngoài bệnh tiểu đường (xem lại phần “Điều chỉnh liều dùng” trong mục “Liều dùng Admelog” bên trên)

Cách sử dụng Admelog

Admelog có dạng dung dịch lỏng có thể được sử dụng theo nhiều cách.

Người bệnh có thể tự tiêm Admelog vào dưới da ở đùi, bắp tay, mông hoặc bụng. Thông thường, người bệnh cần tiêm thuốc trước bữa ăn 15 phút hoặc ngay sau bữa ăn. Nên thay đổi vị trí tiêm mỗi lần để tránh xảy ra phản ứng tại vị trí tiêm.

Admelog cũng có thể được truyền qua đường tĩnh mạch. Hình thức sử dụng này cần được thực hiện bởi nhân viên y tế.

Và Admelog cũng có thể được dùng với máy bơm insulin. Đây là một thiết bị nhỏ mà người bệnh đeo trên người, có tác dụng liên tục đưa lượng insulin ổn định vào cơ thể trong suốt cả ngày. Người bệnh có thể sử dụng thêm insulin tác dụng nhanh vào trước bữa ăn để kiểm soát lượng đường trong máu sau khi ăn. Nếu lựa chọn máy bơm insulin, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách tính liều dùng thuốc chính xác. Nên thay Admelog trong máy bơm insulin ít nhất 1 lần một tuần.

Cần làm gì khi quên tiêm thuốc?

Admelog được tiêm trước bữa ăn 15 phút hoặc ngay sau bữa ăn. Nếu quên tiêm Admelog vào những thời điểm này và vừa mới ăn chưa đầy 2 giờ thì hãy tiêm thuốc ngay. Nhưng nếu đã quá 2 tiếng kể từ khi ăn xong thì hãy bỏ qua liều đã quên. Tiêm Admelog khi bụng đói có thể gây hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).

Nếu không tiêm Admelog, lượng đường trong máu có thể sẽ tăng cao (tăng đường huyết). Người bệnh cần theo dõi các triệu chứng của tăng đường huyết như:

  • Mệt mỏi (thiếu năng lượng)
  • Khát nước
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Nhìn mờ

Có thể đặt chuông báo hay lời nhắc trên điện thoại để tránh quên tiêm thuốc.

Cần làm gì khi dùng thuốc quá liều?

Không được tiêm Admelog vượt quá liều mà bác sĩ kê. Dùng thuốc quá liều có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Triệu chứng tiêm Admelog quá liều

Tiêm Admelog quá liều có thể gây hạ đường huyết nghiêm trọng với các triệu chứng như:

  • Chóng mặt
  • Run tay
  • Tim đập nhanh
  • Đói cồn cào
  • Đổ mồ hôi
  • Da nhợt nhạt
  • Buồn nôn, nôn
  • Co giật
  • Bất tỉnh

Tiêm Admelog quá liều còn có thể gây hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp) với các triệu chứng như:

Táo bón

  • Mệt mỏi
  • Tim đập nhanh
  • Chuột rút cơ
  • Yếu cơ

Cách xử trí khi tiêm Admelog quá liều

Cần báo ngay cho bác sĩ khi tiêm Admelog quá liều. Nếu như có các triệu chứng nghiêm trọng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Liều dùng Fiasp là bao nhiêu?
Liều dùng Fiasp là bao nhiêu?

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về liều dùng Fiasp cũng như là hàm lượng và cách sử dụng thuốc.

Liều dùng thuốc Tresiba là bao nhiêu?
Liều dùng thuốc Tresiba là bao nhiêu?

Bài viết dưới đây cung cấp thông tin chi tiết về liều dùng khuyến nghị của Tresiba, gồm có dạng thuốc, hàm lượng thuốc và cách sử dụng.

Liều dùng Humalog là bao nhiêu?
Liều dùng Humalog là bao nhiêu?

Humalog được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn và trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2. Có hai loại là Humalog và Humalog Mix.

Liều dùng Tradjenta là bao nhiêu?
Liều dùng Tradjenta là bao nhiêu?

Tradjenta là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Giống như nhiều loại thuốc trị tiểu đường khác, Tradjenta cũng được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục để kiểm soát đường huyết một cách hiệu quả.

Liều dùng Trulicity là bao nhiêu?
Liều dùng Trulicity là bao nhiêu?

Trulicity là một loại thuốc được sử dụng để giúp giảm lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây