1

Khi Nào Cần Truyền Sắt Qua Tĩnh Mạch?

Truyền sắt qua tĩnh mạch là một biện pháp để tăng lượng sắt trong cơ thể một cách nhanh chóng. Phương pháp truyền sắt mang lại hiệu quả tức thì thay vì tăng lượng sắt từ từ như khi dùng các chế phẩm bổ sung dạng uống hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống.
Khi Nào Cần Truyền Sắt Qua Tĩnh Mạch? Khi Nào Cần Truyền Sắt Qua Tĩnh Mạch?

Truyền sắt qua tĩnh mạch là gì?

Truyền sắt qua tĩnh mạch là phương pháp bổ sung sắt trực tiếp vào cơ thể qua đường mạch máu.

Phương pháp này thường được bác sĩ chỉ định để điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Đa số các trường hợp thiếu máu do thiếu sắt đều được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, ăn nhiều thực phẩm giàu sắt và dùng chế phẩm bổ sung sắt, thường là dạng viên uống nhưng một số trường hợp cần phải truyền sắt qua tĩnh mạch, ví dụ như:

  • Những người không thể bổ sung sắt qua đường uống
  • Những người không thể hấp thụ sắt hiệu quả qua đường ruột
  • Những người không thể hấp thụ đủ sắt do mất máu
  • Những người cần tăng lượng sắt nhanh chóng để ngăn ngừa các biến chứng hoặc tránh phải truyền máu

Cần chuẩn bị gì trước khi truyền sắt tĩnh mạch?

quy trinh chuan bi
Quy trình chuẩn bị trước khi truyền sắt qua đường tĩnh mạch

Bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về những gì cần chuẩn bị trước khi truyền sắt. Dưới đây là một số lưu ý cơ bản:

  • Ăn uống đầy đủ vì không cần phải nhịn ăn trước khi truyền chất
  • Nếu đang phải uống thuốc thì vẫn có thể uống bình thường nhưng nên thông báo cho bác sĩ vì có thể sẽ cần phải ngừng một số loại thuốc nhất định

Hãy giữ tinh thần thư giãn, thoải mái vì quá trình truyền sắt rất an toàn và sẽ không gây đau đớn.

Quy trình truyền sắt qua tĩnh mạch

Quy trình truyền sắt qua tĩnh mạch phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Trước tiên, nhân viên y tế sẽ sử dụng kim tiêm để đưa một ống mảnh gọi là kim catheter vào tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay. Sau đó, nhân viên y tế sẽ rút kim tiêm ra, để lại kim catheter trong tĩnh mạch.

Kim catheter được gắn với một ống dài nối với túi chứa dịch sắt. Sắt được hòa loãng với nước muối sinh lý. Dung dịch này được bơm vào tĩnh mạch hoặc sử dụng trọng lực để từ từ nhỏ giọt xuống ống và đi vào trong tĩnh mạch.

Vị trí kim đâm qua da sẽ chỉ có cảm giác hơi nhói lúc ban đầu và căng trong quá trình truyền.

Thông thường, nhân viên y tế sẽ thử truyền một lượng nhỏ trước để đảm bảo không xảy ra phản ứng bất lợi. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải dừng ngay và không thể tiếp tục quy trình.

Quá trình truyền sắt mất bao lâu?

truyen sat vao tinh mach
Nhãn

Quá trình truyền sắt qua tĩnh mạch có thể mất từ 3 đến 4 tiếng và bạn cần phải ngồi hoặc nằm yên một chỗ trong suốt khoảng thời gian này. Đôi khi, quá trình truyền sắt có thể lâu hơn một chút, tùy thuộc vào mức độ điều trị mà bác sĩ chỉ định. Tốc độ truyền chậm giúp ngăn ngừa các vấn đề không mong muốn.

Thường phải truyền sắt vài lần để đưa lượng sắt trong cơ thể về mức bình thường, mỗi lần cách nhau vài ngày hoặc vài tuần. Truyền sắt qua tĩnh mạch mất nhiều thời gian và thường tốn kém hơn các phương pháp điều trị thiếu máu khác.

Tác dụng phụ

Sau khi truyền sắt qua tĩnh mạch, bạn có thể sinh hoạt trở lại bình thường ngay lập tức, thậm chí có thể làm việc lại nếu thấy khỏe.

Tuy nhiên có thể sẽ phát sinh một số tác dụng phụ sau khi truyền sắt. Hầu hết các tác dụng phụ thường gặp đều ở mức độ nhẹ, ví dụ như:

  • Những thay đổi tạm thời về vị giác
  • Đau đầu
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau cơ và khớp
  • Khó thở
  • Ngứa và phát ban
  • Tăng hoặc giảm huyết áp hoặc nhịp tim
  • Cảm giác nóng hoặc sưng tại vị trí đâm kim

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Sau khi truyền sắt tĩnh mạch có thể phát sinh một số vấn đề hiếm gặp nhưng nghiêm trọng do ngộ độc sắt. Các triệu chứng ngộ độc sắt có thể xuất hiện nhanh chóng, đôi khi còn có sốc phản vệ hoặc xảy đến từ từ. Ngộ độc sắt xảy ra chậm dần dần có thể dẫn đến thừa sắt trong các mô cơ thể.

Liều thử nghiệm và tốc độ truyền chậm là những biện pháp để ngăn ngừa vấn đề này. Liều thử nghiệm là bước rất quan trọng trong những trường hợp có tiền sử dị ứng thuốc. Nhân viên y tế sẽ sử dụng liều thử nghiệm để theo dõi xem người bệnh có phản ứng bất thường nào hay không. Những phản ứng này gồm có:

  • Sốc phản vệ
  • Sốc
  • Tụt huyết áp nghiêm trọng
  • Choáng
  • Mất ý thức

Truyền sắt và tiêm sắt

tiem sat
Truyền sắt và tiêm sắt vào cơ thể

Truyền sắt là phương pháp đưa dung dịch sắt hòa loãng qua kim truyền vào tĩnh mạch một cách từ từ. Tiêm sắt là phương pháp đưa một liều sắt nhất định vào cơ bằng kim tiêm. Tiêm sắt thường được thực hiện ở mông. Quá trình truyền sắt thường phải mất vài tiếng, trong khi phương pháp tiêm sắt chỉ mất vài giây là đã có thể đưa toàn bộ liều sắt cần thiết vào cơ thể.

Truyền sắt qua tĩnh mạch thường ít đau hơn so với tiêm sắt. Ngoài ra, phương pháp tiêm có thể gây chảy máu (xuất huyết) trong cơ và đổi màu da. Vì những vấn đề này nên bác sĩ thường ưu tiên phương pháp truyền sắt hơn là tiêm sắt để điều trị thiếu máu do thiếu sắt.

Truyền sắt qua tĩnh mạch khi mang thai

Nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai tăng lên do cần phải cung cấp sắt cho cả thai nhi. Khi thai nhi hấp thụ chất sắt, lượng sắt trong cơ thể người mẹ sẽ giảm xuống và có thể dẫn đến thiếu máu. Vì lý do này nên đôi khi bác sĩ chỉ định truyền sắt qua tĩnh mạch cho phụ nữ mang thai.

Phương pháp truyền tĩnh mạch thường được lựa chọn thay cho phương pháp bổ sung qua đường uống vì các chế phẩm bổ sung sắt qua đường uống có thể gây ra tác dụng phụ về tiêu hóa. Tuy nhiên, truyền sắt thường được thực hiện vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào đảm bảo tính an toàn của việc truyền sắt qua tĩnh mạch trong 3 tháng đầu.

Lợi ích của truyền sắt qua tĩnh mạch

Truyền sắt qua tĩnh mạch là một biện pháp để tăng lượng sắt trong cơ thể một cách nhanh chóng. Phương pháp truyền sắt mang lại hiệu quả tức thì thay vì tăng lượng sắt từ từ như khi dùng các chế phẩm bổ sung dạng uống hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống. Điều này rất hữu ích trong những trường hợp thiếu máu trầm trọng.

Những lợi ích của phương pháp truyền sắt qua tĩnh mạch gồm có tăng năng lượng và giúp hô hấp dễ dàng hơn. Người bệnh sẽ bắt đầu nhận thấy những thay đổi này trong vòng một vài tuần sau khi truyền sắt. Hiệu quả kéo dài được bao lâu còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt và các phương pháp bổ sung sắt khác đang sử dụng.

Ví dụ, tình trạng mất máu thường xuyên, chẳng hạn như do kinh nguyệt ra nhiều, có thể dẫn đến thiếu sắt mãn tính. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà hiệu quả có được sau khi truyền sắt qua tĩnh mạch có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm.

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định kết hợp thêm với các phương pháp bổ sung sắt khác, chẳng hạn như dùng viên uống sắt và thay đổi chế độ ăn uống để duy trì hiệu quả lâu hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cà phê có tính axit hay tính kiềm?
Cà phê có tính axit hay tính kiềm?

Độ pH hay nói cách khác là tính axit mạnh hay yếu của cà phê phụ thuộc vào một số yếu tố như quá trình rang hạt, cách pha chế và kích thước hạt sau khi xay.

Hiểu về tình trạng dị ứng sữa chua
Hiểu về tình trạng dị ứng sữa chua

Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua về dị ứng đậu phộng hay dị ứng hải sản nhưng bạn đã bao giờ nghe nói đến dị ứng sữa chua chưa?

Vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Theo các chuyên gia, vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh phổi ở những người bị thiếu hụt loại vitamin này.

Lợi ích của vitamin D đối với tình trạng đau nhức xương khớp
Lợi ích của vitamin D đối với tình trạng đau nhức xương khớp

Vì vitamin D quan trọng đối với sự phát triển của xương nên nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu về lợi ích của việc bổ sung vitamin D đối với tình trạng đau nhức xương khớp.

Tiêm truyền vitamin C: Lợi ích và rủi ro
Tiêm truyền vitamin C: Lợi ích và rủi ro

Vitamin C dạng tiêm truyền thường chỉ được sử dụng để khắc phục tình trạng thiếu vitamin C cho những người không thể bổ sung qua đường uống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây