1

Khi nào cần sử dụng ống thông tiểu?

Ống thông tiểu được sử dụng trong những trường hợp không thể tự đi tiểu. Nếu bàng quang không được làm trống, nước tiểu sẽ tích tụ và chèn ép lên thận. Theo thời gian, điều này sẽ dần gây tổn thương và làm giảm chức năng thận, có thể dẫn đến suy thận và gây nguy hiểm.
Khi nào cần sử dụng ống thông tiểu? Khi nào cần sử dụng ống thông tiểu?

Ống thông tiểu là gì?

Ống thông tiểu là ống rỗng, mềm được đặt qua niệu đạo vào bàng quang để dẫn nước tiểu từ bàng quang vào túi chứa ở bên ngoài cơ thể. Ống thông tiểu có nhiều kích cỡ, chủng loại và chất liệu như cao su, nhựa dẻo (PVC) hay silicone.

Đa phần ống thông tiểu được sử dụng tạm thời trong một thời gian ngắn cho đến khi người bệnh có thể tự đi tiểu. Tuy nhiên, người lớn tuổi và những người bị thương tật vĩnh viễn hoặc bệnh nặng có thể cần sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài hơn hoặc sử dụng vĩnh viễn.

Ống thông tiểu được sử dụng khi nào?

Ống thông tiểu thường được sử dụng khi người bệnh:

  • không kiểm soát được việc đi tiểu
  • bị tiểu không tự chủ
  • bị bí tiểu

Những lý do khiến người bệnh không thể tự đi tiểu gồm có:

Đường tiết niệu bị tắc nghẽn, gây cản trở dòng nước tiểu, điều này có thể xảy ra do:

  • Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận
  • Cục máu đông
  • Phì đại tuyến tiền liệt nghiêm trọng
  • Phẫu thuật tuyến tiền liệt
  • Phẫu thuật ở vùng sinh dục, chẳng hạn như phẫu thuật gãy xương hông hoặc cắt tử cung
  • Tổn thương các dây thần kinh của bàng quang
  • Tổn thương tủy sống
  • Bị các bệnh làm suy giảm chức năng thần kinh, chẳng hạn như chứng sa sút trí tuệ
  • Sử dụng các loại thuốc làm giảm khả năng co bóp của cơ bàng quang, điều này khiến bàng quang không thể đẩy nước tiểu ra ngoài
  • Nứt đốt sống

Các loại ống thông tiểu

Có ba loại ống thông tiểu chính là:

  • Ống thông tiểu bên trong
  • Ống thông tiểu bên ngoài
  • Ống thông tiểu ngắn hạn

Ống thông tiểu bên trong

Ống thông tiểu bên trong là loại ống thông tiểu được đặt trong bàng quang. Loại ống thông tiểu này còn được gọi là ống thông tiểu Foley, ống thông tiểu trên mu hay ống thông tiểu niệu đạo. Ống thông tiểu bên trong có thể được sử dụng ngắn hạn hoặc dài hạn.

Ống thông tiểu bên trong thường được đưa vào bàng quang qua niệu đạo. Đôi khi, ống thông được đưa vào bàng quang qua một lỗ nhỏ ở bụng. Loại ống thông tiểu bên trong này được gọi là ống thông tiểu trên mu (suprapubic catheter).

Đầu ống thông tiểu có gắn một quả bóng nhỏ được bơm căng bằng nước để ngăn ống trượt ra khỏi vị trí. Quả bóng này sẽ được làm xẹp khi cần rút ống thông.

Ống thông tiểu bên ngoài

Ống thông tiểu bên ngoài hay còn gọi là ống thông bao dương vật là loại ống thông tiểu được đặt bên ngoài cơ thể. Loại ống thông tiểu này thường được dùng cho nam giới không bị bí tiểu nhưng bị giảm khả năng vận động hoặc nhận thức, chẳng hạn như chứng sa sút trí tuệ.

Ống thông tiểu bên ngoài gồm có một phần trông giống như bao cao su bao phủ đầu dương vật và một ống dài dẫn nước tiểu từ bộ phận này đến túi đựng.

Ống thông tiểu bên ngoài thường thoải mái hơn và ít có nguy cơ nhiễm trùng hơn so với ống thông tiểu bên trong. Ống thông tiểu bên ngoài thường phải thay hàng ngày nhưng hiện nay cũng có những loại ít phải thay hơn. Những loại này ít gây kích ứng da hơn so với loại ống thông cần phải tháo ra và đặt lại hàng ngày.

Ống thông tiểu ngắn hạn

Trong một số trường hợp, người bệnh chỉ cần đặt ống thông tiểu trong một thời gian ngắn sau phẫu thuật cho đến khi có thể tự đi tiểu được. Khi người bệnh có thể tự đi tiểu, ống thông sẽ được rút ra. Loại đặt thông tiểu này được gọi là đặt thông tiểu ngắn hạn hay đặt thông tiểu ngắt quãng.

Trước khi xuất viện về nhà, người bệnh và người chăm sóc sẽ được hướng dẫn cách đặt ống thông. Ống thông tiểu ngắt quãng có thể được đặt qua niệu đạo hoặc qua một lỗ được tạo ra ở bụng dưới.

Rủi ro khi đặt ống thông tiểu

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Đặt ống thông tiểu là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, điều quan trọng là phải làm sạch ống thông thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau đầu
  • Nước tiểu đục do có mủ
  • Nóng rát niệu đạo hoặc vùng sinh dục
  • Nước tiểu rò rỉ từ ống thông
  • Máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Đau hoặc nhức thắt lưng

Rủi ro khác

Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu là vấn đề phổ biến nhất phát sinh trong thời gian sử dụng ống thông tiểu nhưng ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải các vấn đề khác như:

  • Dị ứng với vật liệu của ống thông, chẳng hạn như cao su
  • Sỏi bàng quang (ít gặp nhưng có thể xảy ra nếu đặt ống thông tiểu trong thời gian dài)
  • Máu trong nước tiểu
  • Tổn thương niệu đạo hoặc bàng quang
  • Tổn thương thận (do đặt ống thông tiểu trong thời gian dài)
  • Nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, thận
  • Co thắt và đau bàng quang, có cảm giác giống cơn đau quặn bụng
  • Máu hoặc các mảnh vụn bị mắc kẹt bên trong ống thông tiểu, có thể do ống thông tiểu bị tắc nghẽn
  • Ống thông tiểu bị rò rỉ, điều này có thể xảy ra do tắc nghẽn trong ống thông hoặc do rặn mạnh khi đại tiện

>>> Tìm thêm về nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu

Yếu tố nguy cơ

Một số rủi ro của việc đặt ống thông tiểu là không thể tránh khỏi nhưng người bệnh có thể giảm thiểu nguy cơ gặp phải những vấn đề này bằng cách chú ý vệ sinh cẩn thận, uống nhiều nước, điều chỉnh chế độ ăn uống và ngăn ngừa tắc nghẽn bên trong ống thông.

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra vấn đề không mong muốn trong thời gian sử dụng ống thông tiểu:

  • Không uống đủ nước: Điều này có thể dẫn đến mất nước và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Nước tiểu sẫm màu là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu nước.
  • Chế độ ăn ít chất xơ: Ăn ít chất xơ có thể dẫn đến táo bón. Việc phải rặn mạnh khi đại tiện có thể gây rò rỉ ống thống tiểu. Để giảm nguy cơ xảy ra điều này thì người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như rau củ, ngũ cốc và trái cây.
  • Ống thông tiểu biến dạng: Ống thông tiểu bị xoắn, gập cong hay túi đựng nước tiểu xô lệch đều có thể dẫn đến tắc nghẽn hoặc rò rỉ.
  • Không giữ vệ sinh cơ thể và ống thông: Nếu không thể tự vệ sinh thân thể hoặc ống thông thì người bệnh nên nhờ người thân giúp đỡ. Vệ sinh kém có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Chăm sóc ống thông tiểu

Có loại ống thông tiểu dùng một lần và ống thông tiểu dùng nhiều lần. Đối với ống thông tiểu dùng nhiều lần, hãy làm sạch ống thông và khu vực ống thông đi vào cơ thể bằng xà phòng và nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Ống thông dùng một lần được đựng trong túi vô trùng nên chỉ cần làm sạch cơ thể trước khi đưa ống thông vào. Khi cần thay ống thông, chỉ cần rút ống thông cũ ra và đặt ống thông mới vào mà không cần vệ sinh ống thông.

Người bệnh nên uống nhiều nước để ngăn ngừa nhiễm trùng. Khi uống đủ nước, nước tiểu sẽ có màu nhạt.

Đổ bỏ nước tiểu trong túi đựng cách 8 tiếng một lần hoặc thường xuyên hơn nếu thấy túi đã đầy. Pha hỗn hợp giấm và nước hoặc thuốc tẩy và nước, sau đó đổ vào một chai xịt để làm sạch túi đựng nước tiểu.

Tóm tắt bài viết

Ống thông tiểu được sử dụng để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài trong những trường hợp người bệnh không thể tự đi tiểu, bị tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu. Đặt ống thông tiểu giúp ngăn nước tiểu tích tụ trong bàng quang và gây tổn thương thận. Ống thông tiểu có thể được sử dụng ngắn hạn hoặc dài hạn, được đặt bên trong hoặc bên ngoài, tùy thuộc vào tình trạng và nhu cầu cá nhân của mỗi người.

Mặc dù ống thông tiểu rất hữu ích nhưng nếu không được làm sạch cẩn thận thì có thể sẽ gây ra các vấn đề không mong muốn. Vấn đề phổ biến nhất có thể phát sinh trong thời gian sử dụng ống thông tiểu là nhiễm trùng đường tiết niệu. Người bệnh nên đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng như đi tiểu nhiều lần, đau buốt khi đi tiểu, nước tiểu dục hoặc có máu, sốt, ớn lạnh…

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: sử dụng, khi nào
Tin liên quan
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu điều trị bằng cách nào?
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu điều trị bằng cách nào?

Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu là tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm từ ống thông tiểu và bị viêm. Điều này chủ yếu xảy ra do ống thông tiểu bên trong.

Thuốc lợi tiểu được sử dụng khi nào?
Thuốc lợi tiểu được sử dụng khi nào?

Thuốc lợi tiểu là những loại thuốc giúp làm tăng sự đào thải nước và muối ở thận. Có ba loại thuốc lợi tiểu. Thuốc lợi tiểu chủ yếu được sử dụng để điều trị cao huyết áp nhưng ngoài ra còn được sử dụng cho các mục đích khác.

Nguyên nhân nào gây tiểu buốt, tiểu rát?
Nguyên nhân nào gây tiểu buốt, tiểu rát?

Tiểu buốt hay tiểu rát là từ dùng chung cho hiện tượng đau đớn, nóng rát hoặc buốt mỗi khi đi tiểu.

Són tiểu do tăng áp lực là gì?
Són tiểu do tăng áp lực là gì?

Tiểu không tự chủ do áp lực xảy ra khi các cơ hỗ trợ bàng quang (cơ sàn chậu) và các cơ điều tiết giải phóng nước tiểu (cơ vòng niệu đạo) bị suy yếu

Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào?
Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào?

Tiểu són do tiểu không hết bãi là xảy ra phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Gần một nửa số người bị vấn đề này là người trên 65 tuổi.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây