1

Hội chứng niệu đạo là gì?

Hội chứng niệu đạo (urethral syndrome) là một tình trạng ảnh hưởng đến niệu đạo, ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Ở nam giới, niệu đạo còn có chức năng dẫn tinh dịch ra khỏi đầu dương vật khi xuất tinh. Hội chứng niệu đạo có đặc trưng là niệu đạo bị viêm hoặc bị kích ứng.
Hội chứng niệu đạo là gì? Hội chứng niệu đạo là gì?

Hội chứng niệu đạo còn được gọi là nhiễm khuẩn niệu có triệu chứng (symptomatic abacteriuria). Tình trạng này có nhiều triệu chứng giống như viêm niệu đạo, gồm có đau bụng, đi tiểu nhiều lần và đau khi đi tiểu. Cả hai tình trạng đều gây kích ứng niệu đạo. Viêm niệu đạo thường xảy ra do nhiễm vi khuẩn hoặc virus trong khi hội chứng niệu đạo thường không xác định được nguyên nhân.

Hội chứng niệu đạo có thể xảy ra ở người trưởng thành ở mọi độ tuổi nhưng phổ biến nhất là ở phụ nữ.

Nguyên nhân gây hội chứng niệu đạo

Hội chứng niệu đạo có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân phổ biến gồm có hẹp niệu đạo, kích ứng hoặc chấn thương niệu đạo.

Những nguyên nhân có thể gây kích ứng niệu đạo gồm có:

  • Sử dụng các sản phẩm có mùi thơm ở vùng kín, chẳng hạn như nước hoa, xà phòng, xịt khử mùi, tạo bọt bồn tắm, băng vệ sinh…
  • Sử dụng thuốc diệt tinh trùng
  • Ăn một số thực phẩm và đồ uống như đồ ăn cay, thực phẩm có tính axit, caffeine, đồ uống có cồn…
  • Hóa trị và xạ trị

Chấn thương niệu đạo có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:

  • Quan hệ tình dục hoặc thủ dâm
  • Sử dụng màng ngăn âm đạo
  • Sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san
  • Đạp xe hoặc cưỡi ngựa
  • Các hoạt động khác gây va đập ở vùng chậu

Nếu nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn hoặc virus thì tình trạng này được coi là viêm niệu đạo. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, xét nghiệm không phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu vậy thì tình trạng này được gọi là hội chứng niệu đạo.

Các yếu tố nguy cơ

Mặc dù người trưởng thành ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào cũng có thể bị hội chứng niệu đạo nhưng nguy cơ sẽ cao hơn nếu:

  • bị nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng thận do vi khuẩn
  • dùng một số loại thuốc
  • quan hệ tình dục không dùng bao cao su
  • mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)
  • có quan hệ tình dục (đối với phụ nữ)

Triệu chứng của hội chứng niệu đạo

Ở cả nam giới và phụ nữ, hội chứng niệu đạo gây ra các triệu chứng như:

  • Đau bụng dưới
  • Cảm giác căng tức, khó chịu ở bụng
  • Buồn tiểu đột ngột, dữ dội
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Tiểu khó
  • Đau khi đi tiểu
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Máu trong nước tiểu

Ngoài ra còn có một số triệu chứng chỉ xảy ra ở nam giới:

  • Sưng đau tinh hoàn
  • Đau khi xuất tinh
  • Máu trong tinh dịch
  • Dịch tiết bất thường từ dương vật

Ở phụ nữ, hội chứng niệu đạo còn gây khó chịu ở vùng âm hộ.

Chẩn đoán hội chứng niệu đạo

Không có phương pháp nào có thể chẩn đoán trực tiếp hội chứng niệu đạo. Bác sĩ thường đưa ra chẩn đoán sau khi loại trừ các nguyên nhân khác cũng có triệu chứng tương tự, ví dụ như nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn.

Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng và bệnh sử. Tiếp theo là khám lâm sàng và xét nghiệm nước tiểu. Tùy vào nhận định của bác sĩ mà người bệnh còncó thể cần làm xét nghiệm máu và/hoặc siêu âm vùng chậu.

Nếu các phương pháp điều trị bước đầu không hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi để kiểm tra bên trong niệu đạo.

Điều trị hội chứng niệu đạo

Mục tiêu điều trị hội chứng niệu đạo là làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng tái phát. Các phương pháp điều trị gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc và đôi khi cần phẫu thuật.

Thay đổi lối sống

Người bệnh cần ngừng sử dụng các sản phẩm và hoạt động có thể gây kích ứng hoặc chấn thương niệu đạo, chẳng hạn như ngừng sử dụng thuốc diệt tinh trùng và đạp xe đường dài.

Điều trị bằng thuốc

Dưới đây là các nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị hội chứng niệu đạo:

  • Thuốc kháng sinh, thường được sử dụng nếu bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây ra các triệu chứng là do nhiễm trùng
  • Thuốc gây tê tại chỗ, chẳng hạn như phenazopyridine và lidocain
  • Thuốc chống co thắt, chẳng hạn như hyoscyamine và oxybutynin
  • Thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như amitriptyline và nortriptyline. Các loại thuốc này tác động lên dây thần kinh, giúp làm giảm các cơn đau mạn tính
  • Thuốc chẹn alpha, chẳng hạn như doxazosin và prazosin, giúp làm giãn các cơ trong mạch máu, nhờ đó cải thiện lưu lượng máu

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, người bệnh cần phải làm phẫu thuật hoặc thủ thuật nong niệu đạo để mở rộng niệu đạo. Phẫu thuật chỉ được thực hiện khi các triệu chứng là do hẹp niệu đạo. Hẹp niệu đạo có thể xảy ra do chấn thương, viêm và mô sẹo.

Phòng ngừa hội chứng niệu đạo

Sau khi điều trị hội chứng niệu đạo, người bệnh có thể thực hiện các cách sau đây để ngăn vấn đề tái phát:

  • Tránh các sản phẩm gây kích ứng niệu đạo
  • Sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục
  • Xét nghiệm khi nghi ngờ bệnh lây truyền qua đường tình dục và điều trị ngay khi biết mình mắc bệnh
  • Đi tiểu càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục
  • Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào niêu đạo
  • Không mặc quần ôm sát
  • Mặc đồ lót bằng vải cotton
  • Vệ sinh vùng kín hàng ngày

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các cơ quan trong đường tiết niệu. Triệu chứng phụ thuộc vào khu vực bị nhiễm trùng trong đường tiết niệu.

Cách giảm triệu chứng đau thắt do nhiễm trùng đường tiết niệu
Cách giảm triệu chứng đau thắt do nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn, thường là từ cơ quan sinh dục hoặc hậu môn, xâm nhập vào đường tiết niệu. Mặc dù phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhưng nam giới cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Cách làm giảm triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vào ban đêm
Cách làm giảm triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vào ban đêm

Bạn có thể giảm đau do nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách uống thuốc kê đơn và sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như chườm ấm.

Cystin niệu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Cystin niệu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Mặc dù cystin niệu là một bệnh lý mạn tính, có nghĩa là kéo dài suốt đời nhưng các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 18 – 25,. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp triệu chứng xuất hiện ngay ở giai đoạn sơ sinh hoặc thanh thiếu niên.

Viêm niệu đạo: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm niệu đạo: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm niệu đạo thường gây đau khi đi tiểu và buồn tiểu liên tục. Viêm niệu đạo đa phần là do nhiễm vi khuẩn gây ra.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây