1

Hội chứng bàng quang nhút nhát là gì?

Hội chứng bàng quang nhút nhát (shy bladder hay paruresis) là một dạng rối loạn lo âu xã hội, trong đó người bệnh cảm thấy căng thẳng, lo âu mỗi khi phải đi tiểu mà có người khác ở gần. Kết quả là người bệnh gặp khó khăn hoặc thậm chí không thể tiểu tiện ở những nơi công cộng.
Hội chứng bàng quang nhút nhát là gì? Hội chứng bàng quang nhút nhát là gì?

Điều này khiến những người mắc hội chứng bàng quang nhút nhát tránh việc tiểu tiện khi ở bên ngoài. Hội chứng này còn gây cản trở việc lấy mẫu nước tiểu làm xét nghiệm.

Ước tính có hàng chục triệu người mắc hội chứng bàng quang nhút nhát trên thế giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ cho đến người già.

Hội chứng bàng quang nhút nhát có thể điều trị được. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, các triệu chứng và cách điều trị vấn đề này.

Triệu chứng của hội chứng bàng quang nhút nhát

Những người mắc hội chứng bàng quang nhút nhát sợ phải đi tiểu ở nhà vệ sinh công cộng hoặc bên cạnh người khác, ngay cả khi ở nhà. Thậm chí, chỉ cần nghĩ đến dùng nhà vệ sinh công cộng là đã khiến người bệnh đổ mồ hôi, tim đập nhanh, run rẩy hoặc ngất xỉu. Cho dù có cố đi, người bệnh cũng gặp khó khăn hoặc không thể tiểu được. Thông thường, những người mắc hội chứng bàng quang nhút nhát sẽ tìm cách để tránh phải dùng chung nhà vệ sinh với người khác, ví dụ như:

  • Nhịn tiểu để tránh phải sử dụng nhà vệ sinh ở những nơi công cộng như công viên, nhà hàng, quán cafe,…
  • Uống ít nước để tránh phải đi tiểu nhiều
  • Tìm những phòng vệ sinh trống hoặc nhà vệ sinh chỉ có một bồn cầu
  • Canh lúc không có người trong nhà vệ sinh để đi tiểu
  • Về nhà vào giờ nghỉ trưa để đi vệ sinh
  • Đi tiểu ở nhà để không phải dùng nhà vệ sinh công cộng khi ra ngoài

Nếu bạn thường xuyên gặp phải những triệu chứng này hoặc phải thay đổi các hoạt động hàng ngày do tâm lý e ngại dùng nhà vệ sinh công cộng thì đã đến lúc bạn nên đi khám bác sĩ.

Nguyên nhân gây hội chứng bàng quang nhút nhát

Hội chứng bàng quang nhút nhát được phân loại là một dạng rối loạn lo âu xã hội hay ám ảnh sợ xã hội. Lo âu và sợ hãi là những cảm xúc đi kèm hội chứng bàng quang nhút nhát. Có nhiều yếu tố được cho là góp phần gây nên chứng rối loạn này:

  • Các yếu tố môi trường, chẳng hạn như từng bị người khác trêu chọc hoặc quấy rối khi sử dụng nhà vệ sinh
  • Rối loạn lo âu do khuynh hướng di truyền
  • Yếu tố về sinh lý, chẳng hạn như tiền sử mắc các bệnh ảnh hưởng đến khả năng tiểu tiện

Mặc dù được coi là một dạng rối loạn lo âu xã hội nhưng hội chứng bàng quang nhút nhát không phải một bệnh tâm thần. Tuy nhiên, hội chứng bàng quang nhút nhát có thể là dấu hiệu chỉ ra một vấn đề về sức khỏe tâm thần tiềm ẩn cần phải điều trị.

Điều trị hội chứng bàng quang nhút nhát

Phương pháp điều trị hội chứng bàng quang nhút nhát thường gồm có sự kết hợp giữa liệu pháp điều trị tâm lý và dùng thuốc. Người bệnh sẽ được thăm khám xem có mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng đi tiểu hay không. Sau khi xác nhận chẩn đoán hội chứng bàng quang nhút nhát, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp cho người bệnh dựa trên nguyên nhan và các triệu chứng cụ thể.

Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để khắc phục vấn đề về bàng quang hay các rối loạn về tâm thần thần. Tuy nhiên, thuốc không phải lúc nào cũng là giải pháp phù hợp và hơn nữa, việc dùng thuốc chưa được chứng minh là có hiệu quả điều trị hội chứng bàng quang nhút nhát.

Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị hội chứng bàng quang nhút nhát gồm có:

  • Thuốc giảm lo âu, chẳng hạn như các thuốc nhóm benzodiazepin, gồm alprazolam, diazepam…
  • Thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như fluoxetine, paroxetine hoặc sertraline
  • Thuốc đối kháng thụ thể alpha adrenergic, giúp làm giãn cơ bàng quang để người bệnh đi tiểu dễ dàng hơn, chẳng hạn như tamsulosin
  • Thuốc điều trị bí tiểu, chẳng hạn như bethanechol

Thuốc cần tránh

Bên cạnh sử dụng các loại thuốc kể trên để điều trị triệu chứng bàng quang nhút nhát, người bệnh cần tránh các loại thuốc gây khó khăn cho việc tiểu tiện. Ví dụ về những loại thuốc này gồm có:

Thuốc kháng cholinergic, chẳng hạn như:

  • atropin
  • glycopyrrolate

Thuốc noradrenalin (làm tăng lượng norepinephrine trong cơ thể), chẳng hạn như:

  • venlafaxine
  • nortriptylin
  • bupropion
  • atomoxetine

Nhiều loại thuốc trong số này được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm.

Trị liệu tâm lý

Các phương pháp trị liệu tâm lý cho hội chứng bàng quang nhút nhát gồm có liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy). Trong liệu pháp này, người bệnh sẽ trao đổi với chuyên gia trị liệu về những tác động của hội chứng bàng quang nhút nhát đến hành vi và suy nghĩ, từ đó chuyên gia sẽ đưa ra các biện pháp giúp người bệnh giảm bớt cảm giác sợ hãi, căng thẳng. Quá trình trị liệu có thể gồm từ 6 đến 10 buổi. Ước tính, 85% người điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi có thể kiểm soát thành công hội chứng bàng quang nhút nhát.

Biến chứng của hội chứng bàng quang nhút nhát

Hội chứng bàng quang nhút nhát có thể dẫn đến các biến chứng cả về mặt tâm lý và thể chất. Về mặt thể chất, nhịn tiểu quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và suy yếu các cơ sàn chậu giúp kiểm soát việc tiểu tiện. Nếu giảm lượng nước uống để tránh phải đi tiểu, người bệnh sẽ có nguy cơ bị sỏi thận, sỏi tuyến nước bọt và sỏi mật.

Tâm lý lo sợ sẽ khiến người bệnh thay đổi đáng kể hành vi của mình để tránh phải dùng nhà vệ sinh công cộng. Điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũng như các mối quan hệ xã hội khác.

Hội chứng bàng quang nhút nhát có chữa khỏi được không?

Hội chứng bàng quang nhút nhát là một tình trạng có thể điều trị được. Các phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh giảm bớt cảm giác lo âu, căng thẳng và đi tiểu dễ dàng hơn ở nơi công cộng. Tuy nhiên, quá trình điều trị sẽ mất thời gian, có thể từ vài tháng đến vài năm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho hội chứng bàng quang tăng hoạt
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho hội chứng bàng quang tăng hoạt

Có thể kiểm soát các triệu chứng bàng quang tăng hoạt bằng các biện pháp khắc phục tại nhà như thảo dược, tập luyện và liệu pháp hành vi.

Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến hội chứng bàng quang tăng hoạt?
Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến hội chứng bàng quang tăng hoạt?

Ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, nồng độ estrogen sụt giảm đáng kể. Điều này khiến các mô hỗ trợ tạng chậu trở nên suy yếu và có thể dẫn đến chứng bàng quang tăng hoạt.

Các biến chứng của bàng quang tăng hoạt (OAB)
Các biến chứng của bàng quang tăng hoạt (OAB)

Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - OAB) là một tình trạng mạn tính với các triệu chứng có thể làm gián đoạn các hoạt động bình thường vào ban ngày và gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm. Không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu về thể chất, bàng quang tăng hoạt còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Mặc dù tình trạng này thường có thể điều trị được nhưng việc tìm ra phương pháp điều trị phù hợp có thể sẽ mất thời gian.

Ung thư bàng quang: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư bàng quang: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ung thư bàng quang là bệnh ung thư bắt đầu ở tế bào của bàng quang. Ung thư bàng quang gây ra các triệu chứng về tiết niệu cùng các triệu chứng khác như đau lưng và mệt mỏi. Việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn và loại ung thư.

Triệu chứng và điều trị ung thư bàng quang giai đoạn cuối
Triệu chứng và điều trị ung thư bàng quang giai đoạn cuối

Ung thư bàng quang giai đoạn cuối còn được là ung thư bàng quang di căn, có nghĩa là ung thư đã lan ra khỏi bàng quang đến các cơ quan khác. Việc điều trị ung thư giai đoạn cuối rất khó khăn. Bài viết dưới đây là những thông tin cơ bản về ung thư bàng quang giai đoạn cuối, gồm có các triệu chứng, những lựa chọn điều trị hiện có, biến chứng và tiên lượng của người bệnh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây