1

Gãy mắt cá chân trong: Dấu hiệu và cách điều trị

Mắt cá chân là phần xương nhô lên ở vị trí giao cẳng chân với bàn chân. Phần xương nhô lên ở mặt trong của cẳng chân gọi là mắt cá chân trong. Đó thực ra không phải là một xương riêng biệt mà là phần cuối của xương xương chày hay xương ống chân.
Gãy mắt cá chân trong: Dấu hiệu và cách điều trị Gãy mắt cá chân trong: Dấu hiệu và cách điều trị

Mắt cá chân trong là xương lớn nhất trong ba xương hình thành nên mắt cá chân. Hai xươngcòn lại là mắt cá chân ngoài và mắt cá chân sau.

Khi chỉ có xương mắt cá chân trong bị gãy thì được gọi là gãy xương “đơn độc” nhưng đa phần, xương mắt cá chân trong bị gãy cùng với một hoặc cả hai xương mắt cá chân còn lại. Gãy xương mắt cá chân còn có thể đi kèm chấn thương dây chằng ở chân.

Khi xương bị nứt hoặc gãy nhưng các mảnh xương không bị lệch khỏi vị trí thì được gọi là gãy xương do mỏi hay do căng thẳng.

Gãy xương do mỏi ở mắt cá chân trong thường khó phát hiện.

Gãy mắt cá chân là một trong những loại gãy xương phổ biến nhất ở người lớn và thường xảy ra với mắt cá chân trong. Gãy mắt cá chân phổ biến hơn ở phụ nữ (gần 60%) so với nam giới. Hơn một nửa số ca gãy mắt cá chân ở người trưởng thành là do té ngã và 20% là do tai nạn giao thông.

Gãy mắt cá chân cũng là một dạng chấn thương phổ biến ở trẻ em. Độ tuổi cao nhất của các trường hợp gãy mắt cá chân ở trẻ em là 11 đến 12 tuổi. Gãy mắt cá chân ở trẻ em thường xảy ra trong khi chơi các môn thể thao có sự thay đổi hướng chuyển động đột ngột.

Triệu chứng gãy mắt cá chân trong

Các triệu chứng của gãy mắt cá chân trong gồm có:

  • Đau dữ dội ngay sau khi khi xương bị gãy
  • Sưng quanh mắt cá chân
  • Bầm tím
  • Đau khi ấn lên mắt cá chân
  • Không thể đứng hay cử động bên chân bị gãy xương
  • Mắt cá chân bị biến dạng

Chẩn đoán gãy mắt cá chân trong

Bác sĩ có thể chẩn đoán gãy mắt cá chân thông qua quan sát và sờ nắn mắt cá chân, sau đó bệnh nhân có thể cần chụp X-quang.

Có một số ý kiến tranh cãi về việc liệu có cần chụp X-quang để xác định gãy xương mắt cá chân hay không.

Khi tình trạng sưng không nghiêm trọng và mắt cá chân vẫn có thể chịu được trọng lực thì khả năng bị gãy xương là rất thấp.

Bác sĩ có thể sử dụng quy tắc Ottawa để xác định xem có cần chụp X-quang để kiểm tra mắt cá chân hay không.

Quy tắc Ottawa

Quy tắc Ottawa được tạo ra vào những năm 1990 nhằm hạn chế việc sử dụng phòng cấp cứu không cần thiết. Quy tắc này giúp bác sĩ đánh giá sơ bộ tình trạng chấn thương ở mắt cá chân và từ đó xác định người bệnh có cần chụp X-quang hay không. Theo quy tắc Ottawa, chỉ cần chụp X-quang mắt cá chân khi:

  • người bệnh bị đau xung quanh mắt cá chân và tại một số điểm nhất định trên xương chày hoặc xương mác, hoặc
  • người bệnh không thể đứng thẳng trên chân bị thương và không thể bước được quá 4 bước tại thời điểm kiểm tra.

Quy tắc Ottawa còn giúp xác định xem có cần chụp X-quang bàn chân hay không.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quy tắc Ottawa giúp phát hiện phần lớn các ca gãy mắt cá chân, đồng thời giảm đáng kể số trường hợp phải sử dụng phòng cấp cứu không cần thiết. Tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp gãy mắt cá chân bị bỏ sót.

Điều trị gãy mắt cá chân trong

Điều trị khẩn cấp

Điều quan trọng là phải nhanh chóng đến ngay bệnh viện khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào nghi là gãy mắt cá chân.

Nếu có vết thương thì phải băng lại bằng gạc vô trùng. Không nên chườm đá trong trường hợp gãy xương nghiêm trọng kèm trật khớp vì nhiệt độ lạnh có thể làm tổn thương mô mềm.

Nếu nghi ngờ gãy xương, nhân viên y tế sẽ cố định mắt cá chân bằng nẹp.

Nếu có dấu hiệu cho thấy có tổn thương bên trong và khớp bị trật, nhân viên y tế sẽ tiến hành nắn chỉnh khớp để ngăn ngừa tổn thương mô mềm. Nếu bị tổn thương mô mềm thì có thể sẽ phải trì hoãn phẫu thuật. Tình trạng này còn có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hơn.

Bàn chân bị tím tái (lưu lượng máu đến bàn chân bị giảm) là một dấu hiệu cho thấy cần phải thực hiện nắn chỉnh khớp ngay lập tức.

Điều trị tại bệnh viện

Không phải trường hợp gãy xương mắt cá chân nào cũng cần phải phẫu thuật. Những trường hợp gãy xương nhẹ có thể không cần phẫu thuật mà chỉ cần bó bột cẳng - bàn chân ngắn hoặc đeo nẹp.

Nếu dây thần kinh hoặc mạch máu bị tổn thương, bác sĩ sẽ cần phải nắn chỉnh xương bị gãy càng sớm càng tốt. Việc nắn chỉnh xương mà không cần phẫu thuật được gọi là nắn xương kín.

Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng nẹp để giữ cố định xương ở đúng vị trí trong quá trình liền lại. Nếu bị gãy xương mắt cá chân nghiêm trọng, người bệnh có thể phải mang giày nẹp chân.

Người bệnh có thể cần dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng, đặc biệt là khi có vết thương hở.

Phẫu thuật

Hầu hết các ca gãy mắt cá chân trong đều cần phải phẫu thuật ngay cả khi xương chỉ bị di lệch tối thiểu (các mảnh xương gãy cách nhau từ 2mm trở lên). Lý do là vì màng xương (lớp màng mỏng bao quanh xương) sẽ lọt vào khe hở giữa hai đầu gãy và điều này không biểu hiện trên ảnh chụp X-quang. Nếu không loại bỏ đi phần màng xương này thì xương sẽ không thể liền hoàn toàn.

Thông thường, ca phẫu thuật được tiến hành khi người bệnh được gây mê toàn thân hoặc gây tê vùng. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể về nhà ngay mà không cần nằm viện.

Nếu các đầu xương gãy bị lệch khỏi vị trí, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp mở nắn kết hợp xương bên trong (open reduction internal fixation - ORIF).

Mở nắn có nghĩa là bác sĩ sẽ tạo đường rạch tiếp cận đến vị trí xương bị gãy và đưa các đầu xương gãy về đúng vị trí.

Kết hợp xương bên trong có nghĩa là sử dụng nẹp, vít, thanh hoặc đinh để giữ xương cố định các đầu xương gãy trong khi lành lại.

Biến chứng của gãy mắt cá chân trong

Bầm tím (tụ máu) và chết tế bào (hoại tử) ở rìa vết thương là những biến chứng thường gặp nhất.

Nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật là 2%.

Trong trường hợp gãy xương nghiêm trọng có di lệch xương, áp lực bên trong có thể làm chết các tế bào mô mềm xung quanh mắt cá chân (hoại tử). Điều này có thể dẫn đến mất mô vĩnh viễn.

Người bị gãy mắt cá chân trong có khoảng 10% nguy cơ bị viêm khớp mắt cá chân về sau này.

Hồi phục sau khi bị gãy mắt cá chân trong

Không cần phẫu thuật

Ngay cả khi không cần phẫu thuật thì cũng phải mất một thời gian người bệnh mới có thể hoạt động bình thường sau khi bị gãy mắt cá chân trong. Ngay sau khi điều trị bảo tồn, người bệnh có thể thực hiện một số hoạt động chịu sức nặng nhẹ. Bác sĩ sẽ cho biết về thời điểm có thể hoạt động trở lại và mức độ. Dồn trọng lực lên mắt cá chân bị thương sẽ làm chậm quá trình hồi phục hoặc gây ra chấn thương mới.

Thông thường phải mất ít nhất 6 tuần để xương liền lại. Người bệnh có thể sẽ phải chụp X-quang để theo dõi quá trình liền xương. Việc chụp X-quang cần thực hiện thường xuyên hơn nếu xương được nắn chỉnh không cần phẫu thuật.

Hồi phục sau phẫu thuật

Nếu cần phải phẫu thuật, thời gian hồi phục sẽ lâu hơn. Hầu hết mọi người có thể khôi phục các hoạt động thường ngày trong vòng 3 đến 4 tháng sau phẫu thuật nhưng phải tránh các hoạt động nặng như chơi thể thao trong thời gian dài hơn.

Sau phẫu thuật, người bệnh nên đứng dậy đi lại. Bác sĩ sẽ xác định mức trọng lực mà chân có thể chịu, từ đó hướng dẫn người bệnh những chuyển động phù hợp. Khi xương liền lại theo thời gian, chân sẽ dần chịu được trọng lực lớn hơn. Sau đó, người bệnh nên cân nhắc tập vật lý trị liệu để khôi phục khả năng chuyển động ở mắt cá chân và cải thiện sức mạnh của các cơ.

Người bệnh có thể sẽ phải đeo nẹp chân bên ngoài sau khi phẫu thuật.

Tùy từng trường hợp mà dụng cụ kết hợp xương sẽ được để nguyên hoặc tháo ra.

Bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp giúp kiểm soát cơn đau, gồm có dùng thuốc giảm đau (kê đơn hoặc không kê đơn, tùy mức độ đau đớn).

Mặc dù gãy mắt cá chân trong là một dạng chấn thương khá nghiêm trọng nhưng đa số trường hợp đều hồi phục hoàn toàn và hiếm khi xảy ra biến chứng.

Điều quan trọng là phải tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ và không nên cử động chân quá nhiều khi xương còn chưa liền. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề mới và thậm chí cần phẫu thuật lại.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau cơ xơ hóa là bệnh lý gây đau tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây