1

Dấu hiệu của các vấn đề về tim mạch khi tập thể dục

Duy trì vận động là một cách hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt là những người mắc bệnh tim, tập thể dục không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Cần nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch khi tập thể dục để xử trí kịp thời.
Hình ảnh 19 Dấu hiệu của các vấn đề về tim mạch khi tập thể dục

Tổng quan

Lối sống ít vận động là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch. Theo Liên đoàn Tim mạch Thế giới(WHF), thiếu vận động có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên đến 50%.

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa
  • bệnh tiểu đường tuýp 2
  • huyết áp cao (tăng huyết áp)
  • hút thuốc
  • cholesterol cao
  • béo phì
  • tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim

Giảm thiểu được các yếu tố nguy cơ này có thể giúp hạn chế nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, và nhu cầu thực hiện các thủ thuật tim mạch như phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Duy trì vận động là một cách hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Thường xuyên thực hiện các bài tập aerobic như đi bộ đã được chứng minh là có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Phương pháp này thậm chí còn có thể loại bỏ một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch vì nó giúp giảm cân và hạ huyết áp.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt là những người mắc bệnh tim, tập thể dục không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Trong quá trình tập luyện, hãy tìm hiểu thêm về dấu hiệu của các vấn đề tim mạch và những phương pháp để ngăn ngừa và điều trị.

Vì sao cần thận trọng khi tập thể dục?

Tập thể dục rất quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tim và an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là nếu:

  • bác sĩ xác định rằng bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim
  • bạn vừa trải qua nhồi máu cơ tim hoặc các vấn đề về tim khác
  • trước đây bạn không hoạt động thể chất thường xuyên

Người mắc bệnh tim thường có thể tập thể dục an toàn nếu được bác sĩ đánh giá trước. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp bị bệnh tim đều phù hợp để tập thể dục. Nếu mới bắt đầu, bạn nên tập từ từ để tránh tác dụng phụ. Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện kế hoạch tập thể dục mới và có thể tập dưới sự giám sát y tế nếu cần.

Mặc dù có các biện pháp phòng ngừa nhưng vẫn rất khó có thể dự đoán các vấn đề sức khỏe mà bạn có thể gặp phải khi tập thể dục. Vì vậy, quan trọng là cần nhận biết các dấu hiệu cảnh báo vấn đề tim mạch để bảo vệ sức khỏe.

Các dấu hiệu cảnh báo vấn đề tim mạch

Kể cả khi bạn đã từng bị nhồi máu cơ tim thì tình trạng này vẫn có thể tái phát và xuất hiện các triệu chứng hoàn toàn khác. Hãy ngừng tập và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

Khó chịu ở ngực

Nhồi máu cơ tim thường khởi phát bằng cơn đau ngực đột ngột và dữ dội, nhưng cũng có thể chỉ là cảm giác khó chịu, áp lực, bóp nghẹt hoặc đầy ở giữa ngực. Triệu chứng có thể xuất hiện rồi biến mất, khiến việc nhận biết trở nên khó khăn hơn. Nếu tình trạng kéo dài hơn vài phút, hãy ngừng tập và đến gặp bác sĩ.

Khó thở

Cảm giác hụt hơi bất thường kèm đau ngực khi vận động có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Khó thở có thể xuất hiện trước hoặc thậm chí không kèm theo đau ngực.

Chóng mặt, choáng váng

Mặc dù hoạt động thể chất có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt là khi bạn không quen với việc tập thể dục, nhưng nếu cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng thì cần cẩn trọng những dấu hiệu cảnh báo này và ngừng tập ngay lập tức.

Rối loạn nhịp tim

Cảm giác tim đập không đều, bỏ nhịp, hoặc đập nhanh thình thịch có thể là do vấn đề tim mạch. Khi tập luyện, nếu nhận thấy nhịp tim bất thường thì hãy đi khám ngay.

Cảm thấy khó chịu ở các vùng khác trên cơ thể

Ngoài vùng ngực, vấn đề về tim mạch có thể gây đau hoặc khó chịu ở các vùng khác trên cơ thể, như cánh tay, lưng, cổ, hàm, hoặc bụng. Triệu chứng có thể lan từ bộ phận này sang bộ phận khác, chẳng hạn như từ ngực, hàm hoặc cổ đến vai, cánh tay hoặc lưng.

Đổ mồ hôi bất thường

Đổ mồ hôi tuy là hiện tượng bình thường khi tập thể dục, nhưng cảm giác buồn nôn hoặc đổ mồ hôi lạnh có thể là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim. Một số người bị nhồi máu cơ tim cũng cho biết họ còn có cảm giác lo âu hoặc sợ hãi bất thường.

Gọi cấp cứu

Trong trường hợp nghi ngờ có vấn đề về tim mạch, thời gian là yếu tố quyết định, mỗi giây phút đều quan trọng. Đừng chần chừ hay cố gắng hoàn thành bài tập mà hãy tìm sự trợ giúp y tế ngay nếu thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào được liệt kê trước đó.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo không nên chờ quá 5 phút rồi mới gọi cấp cứu nếu thấy có triệu chứng nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp tim ngừng đập, cần có đội ngũ y tế có chuyên môn và thiết bị cần thiết để phục hồi nhịp tim.

Nếu bạn không thể gọi cấp cứu, hãy nhờ ai đó đưa bạn đến bệnh viện ngay lập tức. Tránh tự lái xe trừ khi không còn lựa chọn nào khác.

Chuẩn bị khi đến phòng cấp cứu

Nếu bạn cần đến phòng cấp cứu sau khi có triệu chứng đáng lo ngại trong lúc tập thể dục, hãy chuẩn bị để trả lời các thông tin sau:

  • Triệu chứng đau hoặc khó chịu bắt đầu từ lúc nào?
  • Bạn đang làm gì khi triệu chứng bắt đầu?
  • Cơn đau dữ dội ngay lập tức hay mức độ tăng dần theo thời gian?
  • Bạn có nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào khác kèm theo đau, chẳng hạn như buồn nôn, đổ mồ hôi, chóng mặt, hoặc hồi hộp không?
  • Trên thang điểm từ 1 đến 10 (10 là mức nghiêm trọng nhất), bạn thấy mình đang bị đau ở mức nào?

Thông tin càng chính xác sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất để có thể cứu sống bạn.

Kết luận

Khoảng 600.000 người Mỹ tử vong do bệnh tim mỗi năm. Tập thể dục là một cách hữu hiệu để giảm nguy cơ này, nhưng cần thực hiện một cách cẩn thận. Bạn nên sử dụng thiết bị đo nhịp tim khi tập luyện, giữ nhịp tim trong khoảng 60–80% nhịp tim tối đa.

Hãy luôn chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo về vấn đề tim mạch trong khi tập thể dục và báo cáo ngay với bác sĩ nếu cần.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Hạ cholesterol giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch

Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.

Bạn biết gì về động mạch trong cơ thể?
Bạn biết gì về động mạch trong cơ thể?

Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?

Nguồn protein nào tốt nhất cho tim mạch?
Nguồn protein nào tốt nhất cho tim mạch?

Khoa học đã chứng minh protein tốt cho sức khỏe tim mạch nhưng việc chọn được nguồn protein tốt nhất lại không phải điều dễ dàng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây