1

Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có lợi cho đường ruột như thế nào?

Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng chế độ ăn dựa trên thực vật hoặc chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải mang lại một số lợi ích cho hệ vi sinh vật đường ruột.
Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có lợi cho đường ruột như thế nào? Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có lợi cho đường ruột như thế nào?

Có hàng nghìn tỷ vi khuẩn và các vi sinh vật khác sống trong hệ tiêu hóa của con người. Chúng cùng tồn tại và tạo thành hệ vi sinh đường ruột.

Nhiều loại vi khuẩn trong hệ vi sinh vật này đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, chúng giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong thức ăn, tăng cường tính toàn vẹn của ruột và giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.

Một nghiên cứu mới được trình bày tại UEG Week 2019 cho thấy chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải, trong đó có nhiều cá và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như trái cây, rau, ngũ cốc, các loại đậu và các loại hạt, có thể giúp các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển mạnh. (1)

Khi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Groningen (Hà Lan) đánh giá thói quen ăn uống và vi khuẩn đường ruột của hơn 1.400 người tham gia, họ nhận thấy rằng chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải giúp hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh hơn. Những người theo chế độ ăn này còn có nồng độ chất chỉ điểm phản ứng viêm trong máu thấp hơn.

Điều này đã cho thấy tác dụng của chế độ ăn nhiều thực phẩm từ thực vật trong việc ngăn ngừa các bệnh về đường ruột, chẳng hạn như bệnh viêm ruột (IBD).

Laura Bolte - một nghiên cứu viên chính của nghiên cứu và một chuyên gia dinh dưỡng cho biết: “Tìm hiểu về các loại thực phẩm và hệ vi khuẩn đường ruột giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và bệnh đường ruột.”

“Kết quả chỉ ra rằng bằng cách tác động đến hệ vi sinh vật đường ruột, chế độ ăn uống có thể là một phương pháp hiệu quả để điều trị hoặc kiểm soát các bệnh về đường ruột.” - cô nói thêm.

Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải giúp giảm viêm

Nghiên cứu của Bolte có bốn nhóm người tham gia, gồm có cả những người khỏe mạnh và người mắc các bệnh về đường tiêu hóa như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và hội chứng ruột kích thích.

Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng là hai dạng bệnh viêm ruột, xảy ra do tình trạng viêm mãn tính trong ruột. Hội chứng ruột kích thích cũng là một bệnh về đường ruột và cũng có liên quan đến phản ứng viêm.

Để tìm ra mối liên hệ giữa chế độ ăn uống, hệ vi sinh vật đường ruột và tình trạng viêm ruột, các nhà nghiên cứu đã cho người tham gia điền phiếu khảo sát gồm các câu hỏi về thực phẩm ăn hàng ngày và sau đó tiến hành lấy mẫu phân.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều mối liên hệ giữa thói quen ăn uống, hệ vi sinh vật đường ruột và các dấu hiệu của tình trạng viêm ruột.

Những người theo chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải – một chế độ ăn có nhiều trái cây, rau, đậu, ngũ cốc, hạt và cá – có nhiều vi khuẩn có lợi trong đường ruột hơn. Những vi khuẩn này giúp tổng hợp các chất dinh dưỡng thiết yếu, sản xuất năng lượng cho các tế bào trong ruột già và giảm viêm. Chế độ ăn có nhiều thực phẩm từ thực vật này còn có liên quan đến sự giảm nồng độ chất chỉ điểm phản ứng viêm trong phân.

Trong khi đó, những người theo chế độ ăn nhiều thịt, đường tinh luyện hoặc thức ăn nhanh lại có số lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột thấp hơn và nồng độ chất chỉ điểm phản ứng viêm cao hơn.

Julie Stefanski - người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn cho biết: “Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một chế độ ăn uống có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và tăng tuổi thọ cũng mang lại lợi ích cho hệ tiêu hóa.”

“Nghiên cứu này củng cố cho số lượng bằng chứng ngày càng tăng cho thấy rằng đường ruột khỏe mạnh và việc tăng cường số lượng vi khuẩn có lợi là điều cần thiết để ngăn ngừa và điều trị nhiều bệnh mãn tính.” cô Stefanski cho biết thêm.

Vẫn cần nghiên cứu thêm

Nghiên cứu nói trên bổ sung thêm vào một số lượng nghiên cứu lớn chứng minh rằng chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải và các chế độ ăn uống nhiều thực phẩm từ thực vật khác có lợi cho sức khỏe của con người.

Ngoài các lợi ích về tim mạch và giảm nguy cơ ung thư, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những chế độ ăn uống này giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm ruột và nghiên cứu mới bên trên có thể giúp giải thích tại sao.

Theo tiến sĩ Arun Swaminath, giám đốc chương trình nghiên cứu về bệnh viêm ruột tại Bệnh viện Lenox Hill (New York, Mỹ): “Từ lâu chúng ta đã biết rằng những người ăn ít thịt đỏ và ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có nguy cơ mắc bệnh viêm ruột thấp hơn, bao gồm cả bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, phải đến nghiên cứu này thì chúng ta mới hiểu lý do tại sao. Có vẻ như tác dụng tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột là một trong những lý do mà chế độ ăn nhiều thực phẩm từ thực vật giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm ruột.”

Để hiểu thêm về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống, hệ vi sinh vật đường ruột và sức khỏe đường ruột thì vẫn cần phải nghiên cứu thêm. Đặc biệt, sẽ cần tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để xác minh mối liên hệ được nêu ra trong nghiên cứu này.

Tiến sĩ Swaminath giải thích: “Bảng câu hỏi về các loại thực phẩm trong chế độ ăn có thể có hàng trăm câu trả lời khác nhau và dữ liệu về hệ vi sinh vật cũng vậy. Do đó, rất khó để biết được liệu rằng chế độ ăn uống có thực sự tác động đến hệ vi sinh đường ruột không hay kết quả của nghiên cứu chỉ là do sự trùng hợp.”

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần phải đánh giá chi tiết về dữ liệu và phương pháp luận của họ, sau đó tiến hành lại một lần nữa trong các thử nghiệm lâm sàng. Tốt nhất nên cho người tham gia thực hiện những chế độ ăn uống đó và theo dõi sự thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột theo thời gian."

Để kiểm chứng kết quả nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Groningen đang lên kế hoạch thực hiện một thử nghiệm nhằm kiểm tra tác động của chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải đến sức khỏe đường ruột ở những người mắc bệnh Crohn.

Một nghiên cứu tương tự cũng đang được tiến hành tại Mỹ, trong đó các nhà nghiên cứu so sánh lợi ích của chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải và chế độ ăn kiêng carbohydrate cụ thể (Specific Carbohydrate Diet) ở những người trưởng thành mắc bệnh Crohn. (2)

Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ

Trong khi các nghiên cứu về mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và chế độ ăn uống vẫn đang tiếp tục, tiến sĩ Swaminath và Stefanski đưa ra khuyến nghị rằng những bệnh nhân viêm ruột nên thực hiện theo chế độ ăn kiêng mà bác sĩ hướng dẫn.

Một số người bị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng có các đoạn ruột hẹp và điều này gây khó khăn khi đại tiện. Những người này nên theo chế độ ăn ít chất xơ.

Tuy nhiên, ở những người không bị hẹp ruột, việc ăn nhiều chất xơ sẽ có lợi cho sức khỏe đường ruột. Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng sẽ có hướng dẫn cụ thể về loại thực phẩm nào nên ăn và loại thực phẩm nào cần kiêng.

Tiến sĩ Stefanski nói: “Một số loại thực phẩm và cách chế biến sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh trong khi một số loại khác lại có thể khiến cho các triệu chứng bệnh trở nên nặng hơn.”

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tác dụng của cà phê đối với bệnh tiểu đường
Tác dụng của cà phê đối với bệnh tiểu đường

Mặc dù cà phê có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ tiểu đường cho những người chưa mắc nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thức uống này có thể gây nguy hiểm cho những người đã bị bệnh tiểu đường tuýp 2.

Cà phê có gây nổi mụn trứng cá không?
Cà phê có gây nổi mụn trứng cá không?

Nhiều người có thói quen uống một ly cà phê sau bữa sáng để khởi đầu ngày mới tràn đầy năng lượng hoặc uống vào đầu giờ chiều để lấy lại sự tỉnh táo, giảm buồn ngủ nhưng có ý kiến lo ngại uống nhiều cà phê sẽ có hại cho làn da, ví dụ như gây nổi mụn trứng cá.

Hội chứng ruột kích thích có được ăn sữa chua không?
Hội chứng ruột kích thích có được ăn sữa chua không?

Tác động của sữa chua đến hội chứng ruột kích thích ở mỗi người là khác nhau. Không phải ai bị bệnh này cũng gặp phải các triệu chứng giống nhau nên có thể sữa chua sẽ giúp giảm các triệu chứng hoặc cũng có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.

Vitamin D có thể làm giảm hội chứng ruột kích thích
Vitamin D có thể làm giảm hội chứng ruột kích thích

Các nghiên cứu đã phát hiện ra tình trạng thiếu hụt vitamin D ở nhiều người bị hội chứng ruột kích thích và việc bổ sung vitamin này có thể làm giảm các triệu chứng bệnh.

Mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh tiểu đường tuýp 2
Mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh tiểu đường tuýp 2

Các nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D và mức insulin.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây