Cách nhận biết bệnh mụn rộp (herpes)
Mụn rộp là gì?
Mụn rộp hay herpes là một bệnh do virus gây ra. Có hai loại mụn rộp là mụn rộp ở miệng và mụn rộp sinh dục. Cả hai đều phổ biến.
Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi bị nhiễm virus hoặc virus cũng có thể ở trạng thái không hoạt động suốt nhiều năm trong cơ thể. Các triệu chứng vào đợt bùng phát đầu tiên thường nghiêm trọng nhất và giảm dần vào những đợt bùng phát sau.
Mụn rộp là bệnh có thể lây truyền. Khi phát hiện thấy có những mụn nước hay vết loét quanh miệng hoặc bộ phận sinh dục thì nên đi khám bác sĩ ngay lập tức để kiểm tra đó có phải là mụn rộp hay không.
Mụn rộp miệng
Hiệp hội Sức khỏe Tình dục Hoa Kỳ (The American Sexual Health Association) ước tính rằng khoảng một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị mụn rộp ở miệng.
Mụn rộp ở miệng thường do virus herpes simplex loại 1 (HSV-1) gây ra. Không phải ai bị nhiễm virus cũng có triệu chứng nhưng khi có thì triệu chứng là nổi những nốt mụn nước và vết loét ở quanh miệng.
Mụn rộp ở miệng lây truyền khi tiếp xúc với virus hiện diện trong các nốt mụn rộp, nước bọt hoặc quanh và trong khoang miệng người bị bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra khi tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như hôn hoặc dùng chung vật dụng cá nhân, ví dụ như son môi hoặc dụng cụ ăn uống.
Mụn rộp miệng thường xảy ra ở người trẻ tuổi và virus có thể truyền miệng người này sang bộ phận sinh dục của người kia khi quan hệ tình dục đường miệng.
Mụn rộp sinh dục
Mụn rộp sinh dục là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do HSV-1 hoặc HSV-2 gây ra. Các chủng virus này có thể truyền từ bộ phận sinh dục người này sang miệng người kia khi quan hệ tình dục đường miệng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính rằng cứ 6 người trong độ tuổi từ 14 đến 49 ở Hoa Kỳ thì có 1 người bị mụn rộp sinh dục.
Mụn rộp sinh dục dễ lây truyền từ nam sang nữ hơn nên phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn một chút.
Triệu chứng mụn rộp
Các triệu chứng mụn rộp có thể chỉ rất nhẹ, đến mức nhiều người không nhận ra là mình mắc bệnh và vô tình lại tiếp tục lây truyền sang người khác.
HSV-2
Dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh mụn rộp sinh dục do HSV-2 gây ra là nổi các nốt mụn nước.
Những mụn nước này thường xuất hiện trên âm hộ, dương vật, xung quanh hậu môn hoặc bên trong đùi nhưng ngoài ra còn có thể có ở âm đạo, cổ tử cung hoặc tinh hoàn.
Sau một thời gian, mụn nước sẽ bị vỡ và trở thành vết loét gây ngứa ngáy, đau đớn ở bộ phận sinh dục, đau khi đi tiểu, đặc biệt là khi nước tiểu chạm vào vết loét và khó đi tiểu nếu niệu đạo bị tắc nghẽn.
Tuy nhiên, các triệu chứng không phải lúc nào cũng nghiêm trọng như vậy. Thay vì nổi mụn nước và lở loét thì một số người chỉ bị những triệu chứng nhẹ giống như mụn trứng cá, côn trùng cắn hay lông mọc ngược.
Phụ nữ khi bị mụn rộp sinh dục còn có thể gặp hiện tượng dịch tiết âm đạo (khí hư) giống như bị nhiễm trùng nấm men (đặc, màut trắng đục và vón cục). Ở nam giới, mụn rộp sinh dục có thể gây những triệu chứng giống như nấm bẹn hay nấm da đùi.
Vào đợt bùng phát đầu tiên sau khi nhiễm HSV, người bệnh thường có những biểu hiện giống như bị cúm, ví dụ như:
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ họng, dưới cánh tay hoặc gần bẹn
- Đau đầu
- Đau nhức cơ thể
- Người mệt mỏi
- Sốt
- Ớn lạnh
HSV-1
Khi bị nhiễm HSV-1 thì có thể sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu có thì chủ yếu là nổi mụn rộp quanh miệng và trên môi. HSV-1 còn có thể gây lở loét bên trong khoang miệng nhưng triệu chứng này rất ít khi xảy ra.
Các vết loét gây châm chích, ngứa và nóng rát. Các vết loét trong và xung quanh miệng còn gây đau khi ăn uống nhưng thường khỏi sau khoảng một vài tuần.
Giống như HSV-2, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng giống như cúm vào đợt bùng phát đầu tiên sau nhiễm HSV-1. Các đợt bùng phát có thể xảy ra thường xuyên, chỉ cách nhau một vài tuần nhưng cũng có những trường hợp không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào trong suốt nhiều năm kể từ khi bị nhiễm virus.
HSV-1 cũng có thể gây mụn rộp sinh dục. Virus này có thể lây truyền từ miệng người này đến bộ phận sinh dục người kia khi quan hệ tình dục đường miệng. Virus cũng có thể lây lan khi đụng vào vết loét ở miệng và sau đó lại chạm tay lên bộ phận sinh dục.
Nhiễm HSV-1 cũng gây ra một số triệu chứng chung giống như các triệu chứng khi nhiễm HSV-2.
HSV còn có thể lây nhiễm vào mắt và gây những triệu chứng như đau, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, mờ mắt và đỏ quanh mắt.
Bao lâu thì có triệu chứng?
Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 2 tuần kể từ khi bị nhiễm HSV.
Đợt bùng phát triệu chứng đầu tiên thường là nặng nhất. Ban đầu, người bệnh sẽ có một số biểu hiện giống như cúm. Sau đó sẽ cảm thấy ngứa hoặc có cảm giác khó chịu xung quanh bộ phận sinh dục hoặc miệng ở những vị trí mà các mụn nước sắp xuất hiện.
Các đợt bùng phát tiếp theo trong tương lai sẽ nhẹ hơn và khỏi nhanh hơn.
Nhiều người cho rằng mụn rộp chỉ lây khi có triệu chứng. Tuy nhiên, trên thực tế là virus gây bệnh có thể lây truyền kể cả khi không có bất cứ biểu hiện rõ rệt nào. Vì thế nên nhiều người bị bệnh này mà không hề hay biết.
Nguyên nhân và tác nhân kích hoạt
Không phải lúc nào cũng có thể biết trước được đợt bùng phát mụn rộp sắp xảy ra. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cảnh báo phổ biến gồm có châm chích, ngứa và đau. Những cảm giác này có thể xuất hiện từ 1 đến 2 ngày trước khi mụn nước bắt đầu hình thành.
Sau khi bị nhiễm HSV-2 thì người bệnh thường phải trải qua từ 4 đến 5 đợt bùng phát triệu chứng mỗi năm. Tần suất xảy ra các đợt bùng phát ở mỗi người là khác nhau nhưng thường thưa dần theo thời gian.
Những người nhiễm HSV-1 thường trải qua số đợt bùng phát ít hơn.
Các đợt bùng phát có thể xảy ra do những tác nhân tác động như:
- Ốm
- Căng thẳng
- Mệt mỏi
- Chế độ ăn
- Ma sát ở bộ phận sinh dục
- Dùng steroid để điều trị các bệnh khác
Triệu chứng mụn rộp miệng có thể xuất hiện khi tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời.
Sau một vài lần, người bệnh sẽ xác định được các tác nhân kích hoạt cụ thể và biết cách tránh.
Khi nào cần đi khám?
Khi có bất kỳ triệu chứng nào nghi là bệnh mụn rộp thì cần đi khám càng sớm càng tốt. Khi chưa thể đi khám thì cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây truyền virus sang các vị trí khác trên cơ thể và sang cho người khác.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng bên ngoài nhưng đôi khi sẽ cần làm xét nghiệm máu hoặc nuôi cấy virus.
Điều trị triệu chứng mụn rộp
Hiện chưa có cách nào có thể chữa khỏi dứt điểm bệnh mụn rộp nhưng có thể điều trị được triệu chứng.
Biện pháp khắc phục tại nhà
Dưới đây là một số biện pháp mà người bệnh có thể tự thực hiện để cảm thấy dễ chịu hơn khi bùng phát triệu chứng mụn rộp và ngăn ngừa lan truyền virus:
- Dùng thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen
- Tránh tiếp xúc da và dùng chung đồ dùng cá nhân cho đến khi các tổn thương lành hẳn.
- Không chạm vào các vết thương và rửa tay thật sạch khi nhỡ chạm vào.
- Giữ cho toàn bộ vùng bị tổn thương được sạch sẽ và khô ráo. Nếu bị mụn rộp ở bộ phận sinh dục thì không nên ngâm mình trong bồn tắm.
- Mặc đồ lót rộng rãi, thoáng khí khi đang có mụn rộp ở bộ phận sinh dục.
- Nghỉ ngơi nhiều.
Điều trị bằng thuốc
Mụn rộp cần điều trị bằng thuốc kháng virus để làm giảm tần suất, rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát.
Mặc dù các loại thuốc này đều không loại bỏ được virus herpes nhưng có thể ngăn virus tiếp tục sinh sôi.
Ngoài ra cần dùng thêm các loại thuốc điều trị mụn rộp tại chỗ để giảm cảm giác ngứa ngáy, châm chích và đau.
Để rút ngắn thời gian của đợt bùng phát thì nên bắt đầu điều trị trong vòng 24 giờ kể từ khi có các triệu chứng đầu tiên, chẳng hạn như ngay khi bắt đầu có cảm giác châm chích.
Nếu dùng thuốc kháng virus thì các triệu chứng thường khỏi nhanh hơn từ 1 - 2 ngày so với khi không điều trị. Thuốc còn giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Với những trường hợp có từ 6 đợt bùng phát trở xuống mỗi năm thì thường chỉ cần dùng thuốc khi có triệu chứng.
Với những trường hợp mà các đợt bùng phát xảy ra thường xuyên hơn thì có thể sẽ cần dùng thuốc kháng virus từ 6 - 12 tháng liên tục.
Việc dùng những loại thuốc này trong thời gian dài sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh mụn rộp cho người khác.
Biện pháp ngăn ngừa
Dưới đây là những biện pháp để tránh nhiễm và lây truyền bệnh mụn rộp:
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su, màng chắn miệng khi quan hệ tình dục
- Không quan hệ tình dục khi đang có triệu chứng
- Không hôn và quan hệ tình dục đường miệng khi bị mụn rộp quanh miệng
- Rửa tay kỹ, đặc biệt là sau khi chạm vào vùng bị tổn thương
Một trong các triệu chứng của herpes sinh dục là âm đạo hoặc dương vật tiết dịch bất thường. Điều này khiến virus càng dễ lây truyền hơn.
Mặc dù hiện nay chưa có cách chữa trị dứt điểm herpes sinh dục nhưng bệnh này có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc.
Khi vùng da xung quanh bẹn đột nhiên bị đau rát, ngứa hoặc đỏ và kéo dài suốt một vài ngày không đỡ thì tuyệt đối đừng lờ đi. Đó có thể là triệu chứng của một vấn đề bất thường, chẳng hạn như bệnh vẩy nến sinh dục hoặc mụn rộp sinh dục.
Giống như herpes sinh dục, herpes hậu môn cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác. Khả năng lây truyền sẽ cao nhất khi có mụn nước và vết loét ở trong hoặc xung quanh hậu môn.
Viêm giác mạc do herpes là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương giác mạc dẫn đến mù lòa. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời khi bị nhiễm HSV thì hoàn toàn có thể được kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại cho giác mạc.