1

Phân biệt bệnh vẩy nến và mụn rộp sinh dục

Khi vùng da xung quanh bẹn đột nhiên bị đau rát, ngứa hoặc đỏ và kéo dài suốt một vài ngày không đỡ thì tuyệt đối đừng lờ đi. Đó có thể là triệu chứng của một vấn đề bất thường, chẳng hạn như bệnh vẩy nến sinh dục hoặc mụn rộp sinh dục.
Phân biệt bệnh vẩy nến và mụn rộp sinh dục Phân biệt bệnh vẩy nến và mụn rộp sinh dục

Dưới đây là những điều cần biết về hai bệnh này, gồm có các dấu hiệu nhận biết, các yếu tố nguy cơ và biện pháp điều trị.

So sánh

Có thể sẽ khó mà phân biệt giữa bệnh vẩy nến và mụn rộp sinh dục nếu không đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, hai bệnh này vẫn có một số điểm khác biệt cơ bản như sau:

Vẩy nến sinh dục Mụn rộp sinh dục
Có những vùng da căng bóng, mịn và phẳng. Nổi mụn nước và vết loét.
Xuất hiện những mảng da đỏ, bên trên màu trắng bạc ở vùng mu (dưới lông mu) hoặc ở đùi trong sau khi có các tác nhân kích hoạt, chẳng hạn như căng thẳng. Các triệu chứng xuất hiện từ 2 đến 10 ngày sau khi quan hệ tình dục với người bị bệnh.
Triệu chứng còn có thể xuất hiện ở sau đầu gối hoặc dưới ngực. Người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng giống như bệnh cúm.

Triệu chứng

Triệu chứng bệnh vẩy nến

Vẩy nến là một bệnh tự miễn di truyền với nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Có nhiều loại bệnh vẩy nến khác nhau.

Loại vẩy nến phổ biến nhất, bệnh vẩy nến thể mảng xảy ra do quá trình sản sinh tế bào da tăng nhanh hơn nhiều lần do với bình thường. Các tế bào này tích tụ trên bề mặt da và tạo ra các vùng da dày, cứng.

5 triệu chứng chính của bệnh vẩy nến thể mảng gồm có:

  • Các mảng da đỏ, dày và cứng, bề mặt màu trắng bạc
  • Da khô, nứt nẻ
  • Ngứa ngáy hoặc rát ở các vùng da bị tổn thương
  • Móng tay dày, rỗ
  • Cứng hoặc sưng khớp

Các vùng bị ảnh hưởng thường là:

  • Cùi chỏ
  • Đầu gối
  • Da đầu
  • Thắt lưng

Một loại bệnh vẩy nến khác cũng xảy ra ở bộ phận sinh dục là vẩy nến nghịch đảo. Loại vẩy nến này có triệu chứng là những vùng da mịn, khô, đỏ và bóng ở những vùng có nếp gấp da. Vẩy nến nghịch đảo không gây hình thành những mảng da dày, cứng giống như vẩy nến thể mảng.

Triệu chứng mụn rộp

Mụn rộp sinh dục là một bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể có hoặc không biểu hiện triệu chứng. Do đôi khi không có triệu chứng nên nhiều người không biết mình mắc bệnh và tiếp tục lây truyền cho người khác.

Nếu có thì các triệu chứng của bệnh mụn rộp thường là đau rát, ngứa và nhức xung quanh bộ phận sinh dục. Các triệu chứng này có thể bắt đầu từ 2 đến 10 ngày sau khi nhiễm virus gây bệnh.

Ngoài ra, mụn rộp còn có những triệu chứng khác như:

  • Nổi những sẩn đỏ hoặc mụn nước màu trắng
  • Mụn nước vỡ ra tạo thành vết loét đau đớn, thậm chí còn chảy máu
  • Đóng vảy khi vết loét và mụn nước lành lại

Trong giai đoạn đầu khi mới nhiễm virus, người bệnh thường bị sưng hạch bạch huyết, sốt, nhức đầu và các triệu chứng khác giống như cúm. Hiện tượng đau, ngứa và nổi mụn nước chỉ xảy ra ở bộ phận sinh dục.

Ở phụ nữ bị mun rộp sinh dục, mụn nước hình thành ở âm đạo, cơ quan sinh dục ngoài hoặc cổ tử cung. Ở nam giới thì triệu chứng mụn rộp thường xuất hiện ở trên đùi, dương vật, bìu hoặc niệu đạo. Phụ nữ và nam giới đều có thể bị mụn rộp cả ở mông, hậu môn hoặc miệng.

Nếu không được điều trị, mụn rộp sinh dục sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác và những bệnh như viêm bàng quang, viêm màng não hoặc viêm trực tràng. Những phụ nữ bị mụn rộp sinh dục có thể lây bệnh sang cho con khi sinh.

Các yếu tố nguy cơ

Bệnh vẩy nến

Vì vẩy nến là một bệnh tự miễn nên không lây từ người sang người.

Nguy cơ bị vẩy nên sẽ tăng cao hơn nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến còn có:

  • Căng thẳng kéo dài
  • Béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Nhiễm virus và vi khuẩn, chẳng hạn như HIV

Bệnh mụn rộp

Một người sẽ có nguy cơ cao bị mụn rộp sinh dục nếu quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng với người bị bệnh.

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Càng quan hệ tình dục với nhiều người thì nguy cơ bị mụn rộp sinh dục càng tăng.

Phương pháp điều trị

Điều trị bệnh vẩy nến

Bệnh vẩy nến hiện chưa có cách chữa trị khỏi nên nếu mắc thì sẽ phải sống chung với bệnh trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, có thể làm giảm các triệu chứng bệnh bằng các loại thuốc uống và thuốc bôi. Do bộ phận sinh dục là một khu vực nhạy cảm nên cần đi khám để bác sĩ kê thuốc. Không được tự ý mua và sử dụng thuốc. Một số loại thuốc thường được dùng để trị bệnh vẩy nến sinh dục gồm có:

  • Kem steroid
  • Chế phẩm nhựa than (coal tar)
  • Retinoid
  • Vitamin D
  • Thuốc ức chế miễn dịch

Một lựa chọn khác là liệu pháp điều trị bằng ánh sáng. Phương pháp này sử dụng tia cực tím (UV) với liều lượng thấp để cải thiện các mảng da bị tổn thương. Đây là phương pháp phổ biến để điều trị bệnh vẩy nến thể mảng nhưng cần cẩn thận khi sử dụng cho những vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục.

Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và tiền sử bệnh trước khi chỉ định phương pháp điều trị.

Khi đã xác định được các tác nhân kích hoạt triệu chứng bệnh vẩy nến thì hãy cố gắng tránh xa. Các tác nhân kích hoạt có thể là bất cứ thứ gì trong cuộc sống hàng ngày, từ rượu bia, căng thẳng cho đến một số loại thuốc đang dùng.

Hãy theo dõi những lần xuất hiện triệu chứng và đối chiếu với những hành động, chế độ ăn và thuốc đã dùng trước đó.

Điều trị mụn rộp

Giống như bệnh vẩy nến, hiện cũng chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh mụn rộp. Tuy nhiên, các triệu chứng thường nhẹ dần đi và nhanh khỏi hơn theo thời gian.

Có nhiều loại thuốc giúp rút ngắn thời gian và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát. Khi có biểu hiện thì cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán vấn đề và kê thuốc điều trị phù hợp.

Một điều quan trọng trong quá trình điều trị là phải quan hệ tình dục an toàn để tránh lây truyền bệnh mụn rộp sang người khác. Dưới đây là 3 bước quan hệ tình dục an toàn:

  1. Thông báo cho bạn tình về tình trạng bệnh của mình
  2. Sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ lây bệnh
  3. Khi đang trong đợt bùng phát thì cần rửa tay thường xuyên và không chạm vào vết loét để ngăn virus lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể

Ngay cả khi không có triệu chứng thì bệnh mụn rộp vẫn có thể lây truyền sang người khác.

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ ngay khi phát hiện thấy có những dấu hiệu bất thường trên da mãi không khỏi. Chỉ khi xác định được đúng vấn đề thì mới có biện pháp điều trị phù hợp để kiểm soát các triệu chứng.

Việc có vấn đề về da ở bộ phận sinh dục và các nơi khác trên cơ thể sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Nếu có quan hệ tình dục thì nên đi làm xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, khi được chẩn đoán mắc bệnh mụn rộp hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác thì cần thành thật thông báo với bạn tình của mình và thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Phân biệt HSV-1 và HSV-2
Phân biệt HSV-1 và HSV-2

Hầu hết các trường hợp nhiễm HSV đều không có triệu chứng, vì vậy nên nhiều người mang virus mà không hề hay biết và tiếp tục lây truyền virus sang người khác.

Phân biệt lông mọc ngược và mụn rộp
Phân biệt lông mọc ngược và mụn rộp

Sẩn đỏ và mụn nước ở vùng quanh bộ phận sinh dục có thể là dấu hiệu của mụn rộp hay herpes nhưng cũng có thể chỉ là lông mọc ngược. Vậy làm thế nào để phân biệt được?

Phân biệt loét miệng thông thường và mụn rộp miệng
Phân biệt loét miệng thông thường và mụn rộp miệng

Các tổn thương ở khoang miệng do bệnh mụn rộp và loét miệng thông thường trông khá giống nhau nên sẽ dễ bị nhầm lẫn nhưng thực ra đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Nhận biết triệu chứng herpes qua dịch tiết sinh dục
Nhận biết triệu chứng herpes qua dịch tiết sinh dục

Một trong các triệu chứng của herpes sinh dục là âm đạo hoặc dương vật tiết dịch bất thường. Điều này khiến virus càng dễ lây truyền hơn.

Phân biệt mụn rộp môi và mụn trứng cá trên mặt
Phân biệt mụn rộp môi và mụn trứng cá trên mặt

Mụn rộp môi và mụn trứng cá trên mặt có một số đặc điểm khá giống nhau và đều đau đớn, khó chịu nhưng đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, từ nguyên nhân cho đến cách điều trị. Vậy làm thế nào để phân biệt được?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây