Phân biệt HSV-1 và HSV-2
Mức độ phổ biến
Virus herpes simplex (HSV) là loại virus vô cùng phổ biến.
Ước tính cứ 2 người trưởng thành ở Mỹ thì có 1 người bị mụn rộp miệng (herpes miệng) – một bệnh do virus herpes simplex loại 1 (HSV-1) gây ra.
Và cứ 8 người Mỹ trong độ tuổi từ 14 đến 49 thì có 1 người bị mụn rộp sinh dục – bệnh do virus herpes simplex loại 2 (HSV-2) gây ra.
Tuy nhiên, cả HSV-1 và HSV-2 đều có thể xuất hiện ở cả vùng sinh dục hoặc miệng. Một người cũng có thể bị nhiễm cả hai loại HSV này cùng một lúc.
Không phải lúc nào bị nhiễm HSV cũng bị mụn rộp miệng hay mụn rộp sinh dục. Một số người mặc dù mang virus nhưng không bao giờ gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong khi lại có những người phải trải qua những đợt bùng phát thường xuyên.
Dưới đây là một số thắc mắc phổ biến kèm theo lời giải đáp về virus HSV-1 và HSV-2.
Tại sao lại có nhiều người bị nhiễm HSV như vậy?
Hầu hết các trường hợp nhiễm HSV đều không có triệu chứng, vì vậy nên nhiều người mang virus mà không hề hay biết và tiếp tục lây truyền virus sang người khác.
Hơn nữa, HSV rất dễ lây.
Loại virus này có thể lây khi hôn, quan hệ tình dục đường miệng hoặc tiếp xúc giữa bộ phận sinh dục.
HSV-1
Nhiều người bị nhiễm HSV-1 từ rất sớm, thậm chí từ trước khi 5 tuổi.
Trong những trường hợp này, virus lây truyền qua sự tiếp xúc gần giữa người lớn với trẻ nhỏ.
Ví dụ, cha hoặc mẹ bị mụn rộp ở miệng có thể truyền virus cho con khi hôn hoặc dùng chung ống hút, dụng cụ ăn uống hay bất kỳ đồ vật nào khác có dính virus.
Một người khi bị nhiễm HSV-1 sẽ có thể tiếp tục truyền virus sang người khác bất kể có đang bị mụn rộp hay không.
HSV-2
HSV-2 gây mụn rộp sinh dục và thường lây truyền qua đường tình dục.
Virus này có thể lây qua sự tiếp xúc gần với bộ phận sinh dục, tinh dịch, dịch tiết âm đạo hoặc vết loét trên da của người nhiễm HSV-2.
Cũng như HSV-1, HSV-2 có thể lây truyền bất kể có mụn rộp, vết loét hay các triệu chứng khác hay không.
Số phụ nữ bị mụn rộp sinh dục do nhiễm HSV-2 cao hơn nam giới. Lý do là bởi virus này dễ lây truyền từ dương vật sang âm đạo hơn là từ âm đạo sang dương vật.
Sự khác biệt giữa HSV-1 và HSV-2
Hiểu một cách đơn giản, HSV-1 chủ yếu gây ra mụn rộp ở miệng hay còn gọi là mụn rộp môi và HSV-2 gây mụn rộp sinh dục.
Tuy nhiên, HSV-1 cũng có thể gây hình thành mụn rộp ở bộ phận sinh dục giống như HSV-2.
Những mụn rộp và vết loét do nhiễm HSV, bất kỳ là loại nào, đều gây nóng rát, ngứa ngáy và đau đớn.
HSV-2 chủ yếu gây mụn rộp và vết loét ở bộ phận sinh dục, kèm theo những triệu chứng khác như sưng hạch bạch huyết, đau nhức cơ thể và sốt.
Mặc dù HSV-2 cũng có thể gây nổi mụn rộp trên mặt nhưng ít phổ biến hơn so với mụn rộp ở bộ phận sinh dục.
Nếu chỉ nhìn vào triệu chứng thì rất khó xác định là do HSV-1 hay HSV-2 gây ra.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ phải lấy mẫu dịch hoặc mẫu mô từ vùng tổn thương và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Ngoài ra, một số trường hợp còn phải làm xét nghiệm máu.
HSV-2 có gây mụn rộp miệng không??
Cả HSV-1 và HSV-2 đều có thể gây ra mụn rộp ở quanh miệng và vùng mặt.
Mặc dù HSV-1 là thủ phạm chính nhưng HSV-2 cũng có thể gây nổi mụn rộp ở những vị trí này.
Mụn rộp miệng có giống với loét miệng thông thường không?
Mụn rộp miệng do HSV không giống như loét miệng thông thường. Mỗi vấn đề này là do những nguyên nhân khác nhau gây ra và có những biểu hiện không giống nhau. Cụ thể như sau:
Mụn rộp miệng:
- Do virus herpes simplex gây ra
- Thường hình thành ở bên ngoài miệng, chẳng hạn như bên dưới lỗ mũi hoặc trên môi
- Nổi sẩn đỏ và mụn nước
- Thường mọc thành cụm
- Gây cảm giác nóng rát và ngứa ngáy
- Sau một thời gian mụn nước sẽ vỡ ra, chảy dịch và tạo thành vết loét đau đớn
- Vết loét dần đóng vảy và lành lại
- Có thể phải mất từ 2 đến 4 tuần mới lành lại hoàn toàn
Loét miệng thông thường:
- Có thể do phản ứng dị ứng với thực phẩm hoặc hóa chất, chế độ ăn uống thiếu chất hoặc tổn thương nhẹ do những hoạt động thường ngày.
- Có thể hình thành ở bất cứ vị trí nào bên trong miệng, chẳng hạn như trên lợi (nướu), mặt trong của má, bên trong môi hoặc dưới lưỡi
- Có hình tròn hoặc hình bầu dục
- Thường có màu vàng hoặc trắng với viền đỏ xung quanh
- Có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành cụm
- Thường chỉ sau 1 đến 2 tuần là lành lại hoàn toàn
HSV-1 và HSV-2 có lây truyền giống nhau không?
HSV-1 lây khi tiếp xúc trực tiếp. Virus này có thể hiện diện trong hoặc xung quanh nốt mụn rộp ở miệng, trong dịch miệng (ví dụ như nước bọt) và trong dịch tiết sinh dục (vi dụ như tinh dịch).
Một số con đường mà HSV-1 lây truyền gồm có:
- Hôn
- Dùng chung dụng cụ ăn uống
- Dùng chung son
- Quan hệ tình dục đường miệng
HSV thường gây ra vấn đề ở khu vực mà nó tiếp xúc đầu tiên với cơ thể.
Vì vậy, nếu một người bị mụn rộp miệng và quan hệ tình dục đường miệng thì virus sẽ lây truyền và gây hình thành mụn rộp ở bộ phận sinh dục của người kia.
Mặt khác, HSV-2 thường lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả tiếp xúc với vùng da ở bộ phận sinh dục và tiếp xúc với dịch tiết sinh dục (tinh dịch và dịch tiết âm đạo).
Các con đường lây truyền HSV-2 gồm có:
- Quan hệ tình dục qua đường miệng
- Quan hệ tình dục qua đường âm đạo
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
Bao lâu sau khi phơi nhiễm thì có triệu chứng?
Khi một người bị nhiễm HSV, virus sẽ di chuyển trong cơ thể đến các tế bào thần kinh gần tủy sống, được gọi là hạch rễ lưng tủy sống.
Ở một số người, virus sau khi vào cơ thể sẽ ở trạng thái không hoạt động và không bao giờ gây ra bất kỳ triệu chứng hay vấn đề nào.
Tuy nhiên, ở nhiều người thì virus sẽ được kích hoạt và hoạt động theo chu kỳ, gây nổi mụn nước và vết loét. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra ngay sau khi nhiễm HSV.
Các chuyên gia hiện vẫn chưa lý giải được tại sao có người bị mụn rộp ở miệng hoặc bộ phận sinh dục khi nhiễm HSV trong khi có người lại không bị và điều gì khiến virus đột nhiên hoạt động rồi gây ra các triệu chứng. Tuy nhiên, sau khi nhiễm HSV thì triệu chứng nổi mụn nước thường xảy ra khi:
- Đang phải chịu căng thẳng nghiêm trọng
- Thời tiết lạnh hoặc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
- Sau khi nhổ răng
- Nồng độ nội tiết tố có sự dao động, ví dụ như khi đang mang thai hoặc vào kỳ kinh nguyệt
- Khi bị sốt
- Đang mắc các bệnh nhiễm trùng khác
Sau một vài lần, người bệnh sẽ có thể xác định được các tác nhân gây bùng phát triệu chứng và biết cách tránh. Tuy nhiên cũng có đôi khi triệu chứng xuất hiện mà không có yếu tố kích hoạt rõ ràng nào cả.
Có nên làm xét nghiệm HSV định kỳ không?
Các tổ chức y tế lớn như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) không khuyến nghị làm xét nghiệm HSV định kỳ, trừ khi có các triệu chứng.
Nhiều trường hợp nhận được kết quả xét nghiệm dương tính giả và điều này dẫn đến lo lắng, hoảng sợ.
Làm sao để biết mình có bị nhiễm HSV hay không?
Hầu hết những người bị nhiễm HSV đều không biết, trừ khi nổi mụn nước hoặc có vết loét trên miệng hoặc bộ phận sinh dục. Những vết loét này gây cảm giác nóng rát, ngứa và đau.
Nếu nghi ngờ có thể mình đã bị nhiễm HSV và muốn kiểm tra thì hãy đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn về việc làm xét nghiệm.
Nhiễm HSV còn có thể quan hệ tình dục không?
Vẫn có thể quan hệ tình dục khi nhiễm HSV-1 hoặc HSV-2.
Tuy nhiên, nếu đang có mụn rộp thì cần ngừng quan hệ tình dục và mọi hình thức tiếp xúc thân mật. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền virus sang người khác.
Ví dụ, nếu bị mụn rộp môi thì không hôn và không quan hệ tình dục đường miệng.
Khi đang có mụn rộp sinh dục thì phải tránh tất cả các hình thức quan hệ tình dục cho đến khi bệnh khỏi hẳn.
Mặc dù khi không có triệu chứng thì virus ít có khả năng lây lan hơn nhưng vẫn nên quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su và các biện pháp bảo vệ khác, chẳng hạn như màng chắn miệng để giảm tối đa nguy cơ lây lan virus.
Các biện pháp khác để tránh lây truyền HSV
Khi bị mụn rộp do nhiễm HSV thì sẽ cần dùng các loại thuốc kháng virus, chẳng hạn như:
- acyclovir (Zovirax)
- famciclovir (Famvir)
- valacyclovir (Valtrex)
Những loại thuốc này có tác dụng ức chế virus và giảm nguy cơ lây truyền.
Trong một số ít trường hợp, HSV có thể lây từ mẹ sang con khi mang thai hoặc trong quá trình sinh nở.
Nếu bị nhiễm HSV và đang mang thai hay dự định có thai thì cần báo với bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp giảm nguy cơ lây truyền virus sang con.
Có thể chữa khỏi không?
Hiện chưa có cách nào có thể chữa khỏi dứt điểm mụn rộp do nhiễm HSV. Các loại thuốc kháng virus chỉ có thể ức chế hoạt động của virus chứ không thể tiêu diệt được virus.
Hiện cũng chưa có vắc-xin ngăn ngừa loại virus này.
Khi bị nhiễm HSV thì cần giữ cho hệ miễn dịch cơ thể khỏe mạnh để ngăn ngừa các triệu chứng bùng phát. Bên cạnh đó, cần dùng thuốc kháng virus để giảm tần suất, mức độ nghiêm trọng và rút ngắn các đợt bùng phát.
Còn có những loại virus herpes nào?
Trên thực tế, còn có một số loại virus herpes khác thuộc cùng một họ với HSV-1 và HSV-2. Họ virus này được gọi là Herpesviridae.
HSV-1 và HSV-2 còn được gọi là human herpes virus 1 (HHV-1) và human herpesvirus 2 (HHV-2).
Các loại human herpes virus khác gồm có:
- Human herpesvirus 3 (HHV-3): Còn được gọi là virus varicella zoster. Loại virus này gây ra bệnh thủy đậu.
- Human herpesvirus 4 (HHV-4): Còn được gọi là virus Epstein-Barr. Loại virus này gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (infectious mononucleosis).
- Human herpesvirus 5 (HHV-5): Còn được gọi là cytomegalovirus. Loại virus này gây ra các triệu chứng như mệt mỏi và đau nhức cơ.
- Human herpesvirus 6 (HHV-6): Virus này gây ra một căn bệnh nghiêm trọng ở trẻ nhỏ được gọi là “bệnh thứ sáu”, hay còn được gọi là bệnh ban đào với triệu chứng là sốt cao và phát ban.
- Human herpesvirus 7 (HHV-7): Loại virus này tương tự như HHV-6 và là thủ phạm của một số trường hợp bệnh ban đào.
- Human herpesvirus 8 (HHV-8): Loại virus này góp phần gây ra một căn bệnh nghiêm trọng được gọi là ung thư Kaposi, có thể dẫn đến ung thư mô liên kết.
Những loại virus herpes này (chẳng hạn như HHV-3) thường lây nhiễm từ khi còn nhỏ.
Tóm tát bài viết
Nhiễm HSV là một vấn đề rất phổ biến. Hầu hết mọi người đều mang một loại virus herpes nào đó và thậm chí có người còn bị nhiễm nhiều loại cùng một lúc.
Đợt bùng phát triệu chứng đầu tiên sau khi nhiễm HSV thường là nặng nhất. Các lần sau sẽ nhẹ hơn.
Thông thường, sau khi kết thúc đợt bùng phát đầu tiên thì các triệu chứng sẽ không xuất hiện lại trong suốt nhiều tháng tiếp theo.
Khi bị nhiễm HSV và bị mụn rộp thì cần dùng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ để giảm các đợt bùng phát và hạn chế nguy cơ lây truyền.
Sẩn đỏ và mụn nước ở vùng quanh bộ phận sinh dục có thể là dấu hiệu của mụn rộp hay herpes nhưng cũng có thể chỉ là lông mọc ngược. Vậy làm thế nào để phân biệt được?
Các tổn thương ở khoang miệng do bệnh mụn rộp và loét miệng thông thường trông khá giống nhau nên sẽ dễ bị nhầm lẫn nhưng thực ra đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Mụn rộp môi và mụn trứng cá trên mặt có một số đặc điểm khá giống nhau và đều đau đớn, khó chịu nhưng đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, từ nguyên nhân cho đến cách điều trị. Vậy làm thế nào để phân biệt được?
Điểm khác biệt giữa HPV và HSV là gì? Chúng đều có thể gây ra các vùng tổn thương ở bộ phận sinh dục nhưng đôi khi, cả hai loại virus này đều không biểu hiện triệu chứng.
Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi bị nhiễm virus hoặc virus cũng có thể ở trạng thái không hoạt động suốt nhiều năm trong cơ thể.