Điểm Khác Biệt Giữa HPV và HSV
HPV và HSV là gì?
HPV hay vi-rút u nhú ở người (human papillomavirus) và HSV (virus herpes simplex) đều là những vi-rút phổ biến lây truyền qua đường tình dục. Nhiễm HSV và HPV có nhiều điểm tương đồng nên khi gặp các triệu chứng, nhiều người không biết mình bị nhiễm loại vi-rút nào.
HPV và HSV đều có thể gây ra các vùng tổn thương ở bộ phận sinh dục nhưng đôi khi, cả hai loại virus này đều không biểu hiện triệu chứng. Nhiễm HPV phổ biến hơn nhiều so với HSV. Trên thực tế, gần như tất cả những người có quan hệ tình dục đều từng bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Nhiều người thậm chí còn bị nhiễm cả HPV và HSV.
Dưới đây là một số điểm tương đồng và khác biệt của hai loại vi-rút này cùng những biện pháp ngăn ngừa.
So sánh HPV và HSV
HPV |
HSV |
|
Triệu chứng | Mụn cóc là triệu chứng phổ biến nhất. Tuy nhiên, HPV cũng có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. | HSV cũng có thể không biểu hiện triệu chứng nhưng thường gây hình thành mụn rộp và những vết loét hoặc ngứa ngáy và đau ngay sau khi nhiễm virus. |
Công cụ chẩn đoán | Có phương pháp xét nghiệm HPV và có thể được thực hiện trong quá trình làm xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung). Nếu như có mụn cóc thì bác sĩ chỉ cần kiểm tra trực quan là có thể chẩn đoán nhiễm HPV. | Bác sĩ kiểm tra các vùng bị tổn thương và lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán bằng cách phương pháp nuôi cấy vi-rút. |
Phương pháp điều trị | Không có cách nào có thể tiêu diệt vi-rút nhưng có thể điều trị được mụn cóc. Mụn cóc do nhiễm HPV có thể được xử lỳ bằng cách dùng thuốc hoặc thực hiệc các thủ thuật loại bỏ trực tiếp nếu cần thiết. | Cũng không có cách nào để tiêu diệt HSV nhưng thuốc kháng vi-rút có thể điều trị các triệu chứng và làm giảm các đợt bùng phát. |
Ngăn ngừa | Không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ nhiễm HPV nhưng quan hệ tình dục an toàn sẽ giúp làm giảm đáng kể nguy cơ và nên khám sàng lọc định kỳ, đặc biệt là sàng lọc ung thư cổ tử cung để phát hiện bệnh từ sớm. | Sử dụng các biện pháp bảo vệ bất cứ khi nào quan hệ tình dục, dù là quan hệ đường miệng, đường âm đạo hay đường hậu môn để ngăn ngừa nhiễm HSV và mụn rộp. |
Triệu chứng
Dưới đây là những triệu chứng của HPV và HSV
Triệu chứng nhiễm HPV
Nhiều người nhiễm HPV không có bất kỳ biểu hiện, triệu chứng nào nên không hề biết mình đã nhiễm vi-rút.
Nếu có thì triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm HPV là mụn cóc. Tuy nhiên, có hơn 150 chủng HPV khác nhau và mỗi chủng lại gây ra những triệu chứng không giống nhau. Vì vậy các triệu chứng gặp phải sẽ phụ thuộc vào chủng vi-rút cụ thể bị nhiễm. Ví dụ, chủng HPV 6 và 11 gây mụn cóc trong khi những chủng khác như HPV 16 và 18 lại làm nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư khoang miệng, ung thư âm hộ, ung thư dương vật hay ung thư hậu môn.
HPV chủ yếu gây mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Mụn cóc có thể hình thành đơn lẻ hoặc thành cụm và có hình dạng sần sùi giống như súp lơ.
Các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục cũng có thể gây mụn cóc ở miệng và cổ họng.
Các triệu chứng nhiễm HSV
Có hai loại virus herpes simplex là HSV-1 và HSV-2. Cả hai đều có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, gây hình thành mụn rộp ở miệng và ở bộ phận sinh dục.
Giống như HPV, HSV cũng có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nàon hoặc nếu có thì các triệu chứng chỉ rất nhẹ nên người bệnh không phát hiện ra. Hơn nữa, các triệu chứng nhẹ khi bị nhiễm HSV còn tương tự như triệu chứng của các vấn đề khác, chẳng hạn như:
- Nổi mụn hoặc các vấn đề về da
- Lông mọc ngược
- Bệnh cúm
Khi mụn rộp do nhiễm HSV xuất hiện xung quanh miệng thì được gọi là mụn rộp môi hay herpes môi với các dấu hiệu thường gặp như:
- Các biểu hiện giống như bị cúm, ví dụ sưng hạch bạch huyết và nhức đầu
- Đỏ, sưng, đau hoặc ngứa ở vị trí sắp có mụn rộp
- Nổi mụn nước gây đau ở trên môi hoặc bên dưới mũi. Những mụn nước này sau đó sẽ vỡ ra và trở thành vết loét gây đau đớn. Sau vài ngày, vết loét sẽ đóng vảy và lành lại
Khi mụn rộp xuất hiện xung quanh bộ phận sinh dục thì được gọi là mụn rộp hay herpes sinh dục. Các dấu hiệu của mụn rộp sinh dục gồm có:
- Các biểu hiện giống như cúm, gồm có sưng hạch bạch huyết, sốt, ớn lạnh và nhức đầu
- Cảm giác nóng hoặc châm chích ở vị trí sắp có mụn rộp
- Đau và ngứa ở bộ phận sinh dục
- Nổi mụn đỏ hoặc mụn nước. Sau đó mụn vỡ ra và trở thành vết loét đau đớn. Vết loét sẽ dần đóng vảy và lành lại
- Đau chân hoặc thắt lưng
- Đau rát khi đi tiểu
Khi vào trong cơ thể, cả HSV và HPV đều có thể ở trạng thái “ngủ đông”, nghĩa là vi-rút vẫn tồn tại nhưng không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào ra ngoài.
Con đường lây nhiễm
HPV và HSV đều lây truyền qua sự tiếp xúc da, bao gồm cả sự tiếp xúc khi quan hệ tình dục (cả qua đường âm đạo, hậu môn và đường miệng). Ngoài tiếp xúc trực tiếp với người mang vi-rút, việc chạm vào bất cứ thứ gì có dính hai loại vi-rút này cũng là một con đường lây nhiễm.
Có thể bị nhiễm virus herpes simplex khi dùng chung dụng cụ ăn uống, khăn, son hoặc hôn người bị mụn rộp môi.
Khi một người bị mụn rộp môi quan hệ tình dục đường miệng thì sẽ lây truyền vi-rút sang cho bạn tình của mình. Mụn rộp sinh dục có thể lây truyền ngay cả khi không có triệu chứng. Đó là lý do tại sao cần sử dụng các biện pháp bảo vệ bất cứ khi nào quan hệ tình dục.
Trong một số trường hợp, HPV và HSV có thể lây từ mẹ sang con trong thời gian mang thai hoặc trong quá trình sinh nở. Nếu được chẩn đoán nhiễm những vi-rút này từ trước khi mang thai thì sẽ cần theo dõi đặc biệt trong suốt thai kỳ.
Những ai có thể bị nhiễm HPV và HSV?
Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HPV và HSV. Nếu quan hệ tình dục không an toàn, ví dụ như không sử dụng bao cao su thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ càng cao.
Cả HPV và HSV đều có thể lây truyền ngay cả khi không có triệu chứng nên dù có hay không có mụn rộp và mụn cóc thì vẫn cần sử dụng các biện pháp phòng ngừa như đeo bao cao su.
Nguy cơ sẽ càng cao hơn nữa ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu,ví dụ như nhiễm HIV/AIDS hoặc đang dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch, ví dụ như thuốc chống thải ghép sau phẫu thuật ghép tạng.
Nguy cơ lây truyền HSV khi không có triệu chứng
Cho dù có xuất hiện triệu chứng hay không thì vẫn có thể lây truyền vi-rút bình thường. Tuy nhiên, nguy cơ lây truyền vào các đợt bùng phát triệu chứng, có nghĩa là đang có mụn rộp sẽ cao hơn so với khi không có triệu chứng.
Chẩn đoán
Nếu gần đây đã quan hệ tình dục không an toàn với một người mới, có bất kỳ biểu hiện bất thường nào và lo lắng về nguy cơ nhiễm HPV hoặc HSV thì nên đến bệnh viện làm xét nghiệm.
Chẩn đoán nhiễm HPV
Nếu bị nhiễm các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục thì bác sĩ có thể chẩn đoán bằng phương pháp thăm khám lâm sàng, có nghĩa là kiểm tra các vùng tổn thương. Các chủng HPV ảnh hưởng đến cổ tử cung và làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện trong quá trình làm xét nghiệm Pap định kỳ. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ tư vấn về tần suất nên làm xét nghiệm Pap phù hợp.
Không có phương pháp xét nghiệm sàng lọc nào có thể phát hiện HPV ở nam giới. Do đó, chỉ có thể chẩn đoán nhiễm HPV khi có mụn cóc.
Chẩn đoán HSV
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng hoặc lấy mẫu bệnh phẩm và tiến hành nuôi cấy để phát hiện nhiễm HSV. Kết quả sẽ cho biết loại HSV bị nhiễm là HSV-1 hay HSV-2. Dựa trên loại vi-rút và vị trí bị mụn rộp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị
Điều trị các triệu chứng nhiễm HPV
Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều không cần điều trị. Vi-rút sẽ biến mất sau một vài năm. Tuy nhiên, vẫn có các phương pháp để điều trị các triệu chứng nhiễm HPV.
Ở một số người, mụn cóc sinh dục do HPV tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Nhưng nếu cần thiết thì có thể dùng thuốc để giảm bớt ảnh hưởng của mụn cóc. Các loại thuốc này gồm có:
- imiquimod (Aldara, Zyclara)
- podofilox (Condylox)
- sinecatechins (Veregen)
Cũng có thể xử lý mụn cóc sinh dục bằng cách bôi axit trichloroacetic, axit bicloroacetic, hoặc sử dụng phương pháp phẫu lạnh (dùng nitơ lỏng để phá hủy mụn cóc).
Ngoài ra còn có lựa chọn cắt bỏ trực tiếp mụn cóc. Tất cả những phương pháp này đều chỉ có thể loại bỏ mụn cóc chứ không tiêu diệt được vi-rút gây bệnh. Khi làm xét nghiệm, nếu phát hiện các chủng HPV nguy cơ cao (các chủng làm tăng nguy cơ ung thư) thì sẽ cần theo dõi định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và can thiệp.
Điều trị triệu chứng nhiễm HSV
Hiện chưa có cách chữa khỏi dứt điểm bệnh mụn rộp do nhiễm HSV nhưng có phương pháp điều trị để làm giảm các triệu chứng và hạn chế khả năng lây truyền vi-rút sang cho bạn tình.
Cần dùng thuốc kháng vi-rút để làm giảm tần suất các đợt bùng phát và giảm nhẹ các triệu chứng. Một số loại thuốc kháng vi-rút được dùng phổ biến gồm có:
- acyclovir (Zovirax)
- famciclovir (Famvir)
- valacyclovir (Valtrex)
Các biến chứng
Các biến chứng do nhiễm HPV
Ở những người khỏe mạnh, cơ thể có khả năng tự chống lại vi-rút nên sau một thời gian là vi-rút sẽ biến mất mà không gây ra bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch bị suy yếu sẽ dễ gặp phải các vấn đề khi bị nhiễm HPV.
Vấn đề lớn nhất khi bị nhiễm HPV là ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác ở bộ phận sinh dục, gồm có:
- Ung thư hậu môn
- Ung thư âm hộ và âm đạo
- Ung thư dương vật
HPV cũng có thể gây ung thư khoang miệng nếu bị nhiễm vi-rút ở miệng.
Ung thư không xảy ra ngay sau khi nhiễm HPV mà phát triển từ từ qua vài năm. Một số người chỉ biết mình bị nhiễm vi-rút khi được chẩn đoán mắc ung thư. Nguy cơ mắc ung thư phụ thuộc vào chủng HPV bị nhiễm.
Sàng lọc các bệnh ung thư liên quan đến HPV và làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục định kỳ sẽ giúp phát hiện bệnh từ sớm và điều trị kịp thời.
Các biến chứng do nhiễm HSV
Các biến chứng của mụn rộp do nhiễm HSV gồm có:
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vì những vi khuẩn, vi-rút hay ký sinh trùng gây ra những bệnh này sẽ dễ dàng thâm nhập qua vết loét.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu và các vấn đề khác ở hệ tiết niệu, chẳng hạn như sưng niệu đạo
- Viêm màng não do HSV có thể gây phản ứng viêm ở não và dịch não tủy nhưng biến chứng này rất hiếm khi xảy ra
- Viêm trực tràng, đặc biệt là ở nam giới
Khi trẻ sơ sinh bị lây nhiễm virus từ mẹ trong thời kỳ mang thai thì sẽ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng, dẫn đến tổn thương não bộ, mù lòa và thậm chí tử vong.
Phòng ngừa
Phòng ngừa HPV
Cả nam giới và nữ giới đều được khuyến nghị tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV. Vắc-xin giúp làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm một số chủng HPV nguy cơ cao gây ung thư. Vắc-xin có loại 2 mũi và loại 3 mũi. Để đảm bảo hiệu quả và khả năng bảo vệ tối đa thì cần phải tiêm đủ số mũi theo quy định.
Nên chọn loại vắc-xin HPV nào?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị tất cả trẻ em 11 và 12 tuổi đều nên tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV. Trong độ tuổi từ 11 đến 14 thì nên tiêm vắc-xin loại hai mũi. Mũi thứ hai được tiên trong vòng một năm sau mũi đầu.
Nếu đã quá tuổi được khuyến nghị tiêm chủng thì vẫn có thể tiêm nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Những người trong độ tuổi từ 15 đến 45 nên tiêm đủ ba mũi để đảm bảo sự bảo vệ tối đa.
Phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi nên sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ. Điều này giúp phát hiện sớm những dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Khuyến nghị về tần suất xét nghiệm sàng lọc như sau:
- Phụ nữ dưới 21 tuổi: chưa cần làm xét nghiệm.
- Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi: làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần
- Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi: nếu chỉ xét nghiệm Pap thì thực hiện 3 năm một lần còn nếu xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap cùng lúc thì thực hiện 5 năm một lần.
- Phụ nữ trên 65 tuổi: Có thể không cần làm xét nghiệm Pap nữa.
Ngăn ngừa HPV, HSV và các bệnh lây qua đường tình dục khác
Điều quan trọng nhất để ngăn ngừa tất cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục, gồm có cả HPV và HSV là quan hệ tình dục an toàn bằng cách:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
- Sử dụng màng chắn miệng hoặc bao cao su khi quan hệ tình dục đường miệng
- Xét nghiệm sàng lọc định kỳ
- Yêu cầu bạn tình cũng đi làm xét nghiệm
Mặc dù sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục là điều rất quan trọng nhưng bao cao su không thể tạo sự bảo vệ tuyệt đối khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các bệnh này vẫn có thể lây truyền qua sự tiếp xúc ở những vùng da không được bao cao su che phủ. Nếu được chẩn đoán nhiễm HPV hoặc HSV thì cần báo với bạn tình để đi làm xét nghiệm và điều trị.
Tóm tắt bài viết
HPV và HSV là hai loại vi-rút có một số điểm giống nhau, ví dụ như có triệu chứng chung là xuất hiện các vùng tổn thương ở bộ phận sinh dục và cả hai cũng đều có thể không biểu hiện triệu chứng.
Mặc dù chưa có cách chữa trị triệt để HSV và HPV nhưng HPV có thể biến mất khỏi cơ thể và HSV có thể ở trạng thái không hoạt động trong suốt nhiều năm.
Khi đã biết mình bị nhiễm một trong hai loại vi-rút này thì cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi quan hệ tình dục.
Khi phát hiện nhiễm HPV thì cần đi khám định kỳ để phát hiện sớm các tế bào ung thư hoặc tiền ung thư.
>>> Tham khảo bài viết:
Phân biệt mụn thịt và mụn cóc ở bộ phận sinh dục đều là những vấn đề thường gặp. Vì cùng xuất hiện ở vùng kín và có vẻ ngoài tương đối giống nhau nên chúng thường bị nhầm lẫn với nhau.
Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc phẳng tự biến mất mà không để lại biến chứng nào. Tuy nhiên, dù tự biến mất hay được điều trị thì mụn cóc cũng đều có thể quay trở lại.
HPV là nguyên nhân gây ra tất cả các loại mụn cóc, bao gồm cả mụn cóc dạng sợi mảnh.
Ngăn ngừa mụn cóc và vết chai là cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho bạn. Cách điều trị của loại mụn này ra sao. Hãy cùng theo dõi bài viết để biết chuyên gia chia sẻ, tư vấn nhé!