Mụn cóc dạng sợi mảnh: Nguyên nhân, đặc điểm và cách xử lý
Mụn cóc dạng sợi mảnh là gì?
Mụn cóc dạng sợi mảnh hay mụn cóc Filiform có đặc điểm khác với hầu hết các loại mụn cóc. Chúng có hình dạng dài và mảnh, nhô lên khoảng 1 - 2mm khỏi bề mặt da, có thể có màu nâu, hồng đỏ hoặc trùng màu da. Mụn cóc dạng sợi mảnh thường xuất hiện xung quanh mí mắt và môi nên còn được gọi là mụn cóc trên mặt.
Mụn cóc dạng sợi mảnh là do virus u nhú ở người (HPV) gây ra và có thể lây lan. Virus gây mụn cóc chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc da, đặc biệt những vùng da có vết thương hở sẽ càng dễ bị nhiễm virus. Mặc dù mụn cóc lành tính và không phải là ung thư nhưng chúng gây ngứa ngáy, khó chịu và đôi khi còn gây đau.
Dưới đây là những đặc điểm nhận dạng, cách điều trị và ngăn ngừa mụn cóc dạng sợi mảnh.
Đặc điểm
Mụn cóc dạng sợi mảnh khác với các loại mụn cóc còn lại. Chúng có hình dạng dài, thường xuất hiện trên môi, mí mắt và cổ, đôi khi còn mọc trên ngón tay và cẳng chân. Loại mụn cóc này cũng có thể lây lan nhanh chóng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Mụn cóc dạng sợi mảnh thường không đau và có thể được chẩn đoán bằng cách quan sát trực quan. Tuy nhiên, khi mụn cóc hình thành ở những vùng nhạy cảm, ví dụ như những vùng có nếp gấp da thì sẽ gây ngứa, chảy máu, đau và kích ứng.
Nguyên nhân gây mụn cóc dạng sợi mảnh
HPV là nguyên nhân gây ra tất cả các loại mụn cóc, bao gồm cả mụn cóc dạng sợi mảnh. Có hơn 100 chủng HPV khác nhau nhưng chỉ một số chủng gây hình thành mụn cóc dạng sợi mảnh, đó là HPV 1, 2, 4, 27 và 29. Tuy nhiên, kể cả khi bị nhiễm một trong những chủng virus này thì cũng chưa chắc là sẽ bị mụn cóc.
HPV lây lan như thế nào?
HPV có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc da trực tiếp hoặc tiếp xúc với các đồ vật có dính virus. Nguy cơ lây nhiễm HPV sẽ cao hơn nếu như:
- có vết thương hở trên da
- hệ miễn dịch bị suy yếu
- da ấm và ẩm
HPV cũng có thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể.
Biện pháp xử lý
Tất cả các phương pháp điều trị hiện nay đều chỉ có tác dụng loại bỏ mụn cóc chứ không điều trị được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, đó là HPV. Hiện tại vẫn chưa có cách nào có thể chữa khỏi dứt điểm khi nhiễm virus này mà mới chỉ có vắc-xin chống lại một số chủng nhất định. Tuy nhiên, các loại vắc-xin hiện nay đều không ngăn ngừa được các chủng HPV gây ra mụn cóc dạng sợi mảnh mà chỉ có tác dụng đối với các chủng gây mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung.
Ở hầu hết mọi người, mụn cóc Filiform sẽt tự biến mất theo thời gian nhờ hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt virus. Nếu như mụn cóc không biến mất thì có thể đi khám bác sĩ để loại bỏ. Mụn cóc ở ngón tay và bàn tay thường dễ xử lý hơn so với mụn cóc ở mặt. Có thể loại bỏ mụn cóc bằng những biện pháp dưới đây.
Phẫu thuật
Hầu hết mụn cóc được loại bỏ bằng phương pháp đốt hoặc phẫu thuật:
- Cắt bỏ mụn có: sử dụng dao hoặc dụng cụ khác để cạo hoặc cắt mụn cóc khỏi bề mặt da. Có thể sẽ cần thực hiện nhiều lần để có thể loại bỏ hoàn toàn.
- Đốt điện và cạo bỏ: sử dụng dòng điện để đốt mụn cóc. Đây là một phương pháp phổ biến để xử lý mụn cóc dạng sợi mảnh. Bác sĩ sẽ cạo mụn cóc trước hoặc sau khi đốt điện.
- Liệu pháp áp lạnh: Đây cũng là một phương pháp trị mụn cóc phổ biến, trong đó dùng nitơ lỏng để làm đông cứng mô mụn cóc và khiến cho nốt mụn bong ra. Thủ thuật này không quá đau nhưng sẽ cần thực hiện nhiều lần thì mới có thể loại bỏ được mụn cóc. Liệu pháp áp lạnh có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn như sưng tấy hoặc làm thay đổi màu da ở vùng được điều trị.
- Bôi Cantharidin: Đây là phương pháp mà bác sĩ bôi cantharidin lên mụn cóc. Chất này gây hình thành mụn nước ở bên dưới mụn cóc và sẽ khiến cho mụn cóc bị “chết”. Sau một tuần, nốt mụn sẽ được loại bỏ bằng cách cắt.
Ở những người có hệ miễn dịch kém do tuổi tác cao hoặc mắc những bệnh gây suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS thì việc điều trị mụn cóc sẽ khó khăn hơn.
Với những trường hợp mụn cóc khó điều trị thì sẽ cần dùng đến những biện pháp như:
- Đốt bằng laser
- Bôi chất hóa học làm bong mụn cóc
- Tiêm thuốc
- Liệu pháp miễn dịch
Điều trị mụn cóc tại nhà
Đôi khi có thể tự điều trị mụn cóc tại nhà nhưng những biện pháp này thường chỉ phù hợp với những loại mụn cóc khác vì mụn cóc dạng sợi mảnh khó điều trị hơn.
Không nên sử dụng những biện pháp điều trị tại nhà nếu:
- bị tiểu đường và mụn cóc mọc ở chân. Bệnh tiểu đường có thể gây mất cảm giác nên dễ bị thương trong quá trình điều trị mà không hay biết.
- mụn cóc hình thành trên mặt hoặc một khu vực nhạy cảm của cơ thể.
Nếu mụn cóc dạng sợi không phải ở trên mặt hoặc một khu vực nhạy cảm của cơ thể thì có thể thử các biện pháp khắc phục dưới đây. Lưu ý, không được để cho bất kỳ ai khác sử dụng những món đồ đã chạm vào mụn cóc và cũng không dùng những món đồ này cho những khu vực khác của cơ thể.
Axit salicylic
Các loại kem bôi axit salicylic nồng độ thấp có thể mua được tại hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Đầu tiên, thoa nước ấm lên mụn cóc để làm mềm nốt mụn. Sau đó, thoa kem axit salicylic lên. Cần thực hiện đều đặn hàng ngày và có thể phải sau một vài tuần thì mụn cóc mới biến mất hoàn toàn.
Phương pháp đông lạnh mụn cóc
Sử dụng bộ dụng cụ để làm đông lạnh mụn cóc. Phương pháp này cũng tương tự như liệu pháp áp lạnh được thực hiện tai bệnh viện nhưng an toàn hơn nên người bệnh có thể tự mua dụng cụ thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, dụng cụ đông lạnh chỉ có tác dụng với mụn cóc trên tay.
Thuốc bôi
Có thể dùng các loại thuốc bôi như 5-fluorouracil, imiquimod và benzoyl peroxide để làm cho mụn cóc dần bong ra.
Giấm táo
Axit axetic trong giấm táo có tác dụng loại bỏ mụn cóc dần dần. Nhúng bông gòn hoặc gạc vào giấm táo và đắp lên mụn cóc trong một vài phút. Ngừng sử dụng ngay nếu cảm thấy nóng rát.
Mụn cóc dạng sợi mảnh có lây không?
Mặc dù mụn cóc dạng sợi mảnh lành tính và thường không gây đau đớn, khó chịu nhưng rất dễ lây. Mụn cóc có thể lây từ bộ phận này sang các bộ phận khác của cơ thể hoặc sang người khác, đặc biệt là khi có vết thương hở. Cần đi khám bác sĩ để điều trị nếu đã thử những biện pháp khắc phục tại nhà nhưng mụn cóc vẫn không biến mất. Mụn cóc do HPV gây ra không phát triển thành ung thư.
Cách ngăn ngừa mụn cóc
Tránh nhiễm HPV gây mụn cóc và ngăn ngừa mụn cóc lây lan bằng những biện pháp dưới đây.
Tránh nhiễm HPV
- Tiêm vắc-xin HPV. Vắc-xin có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục là HPV 6 và 11.
- Làm xét nghiệm HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Phần lớn những người nhiễm HPV đều không biết mình có virus do không có triệu chứng. Trong thời gian đầu, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng không gây ra bất kỳ thay đổi bất thường nào.
- Sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn như bao cao su, màng chắn miệng và không quan hệ với nhiều người.
Ngăn ngừa mụn cóc lây lan
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi chạm vào mụn cóc.
- Không chọc mụn cóc.
- Che mụn cóc bằng băng keo.
- Giữ khô các khu vực xung quanh mụn cóc.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác
Cần đến bệnh viện khám ngay nếu nghi ngờ mình mới bị nhiễm HPV. HPV thường không biểu hiện triệu chứng nên sẽ vô tình tiếp tục lây truyền virus sang cho người khác.
Tóm tắt bài viết
Các loại mụn cóc, bao gồm cả mụn cóc dạng sợi mảnh lành tính và ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh thì mụn cóc có thể tự biến mất sau một thời gian. Mặc dù vậy nhưng mụn cóc rất dễ lây lan, có thể gây khó chịu và làm mất thẩm mỹ. Nếu không muốn chờ mụn tự khỏi và tránh lây lan thì nên can thiệp điều trị.
Mụn cóc sinh dục là một vấn đề do nhiễm HPV gây ra. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và có thể điều trị được.
HPV và HIV đều lây truyền qua đường tình dục nhưng đây là hai loại virus khác nhau hoàn toàn.
Mụn cóc có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, trong đó có hậu môn.
HPV có thể tồn tại trên các bề mặt và xâm nhập vào cơ thể của người tiếp xúc. Virus cũng có thể lây lan từ bộ phận này sang các bộ phận khác nên cần vệ sinh thân thể cẩn thận và rửa tay thường xuyên khi bị mụn cóc quanh móng.
Có 5 loại mụn cóc chính. Mỗi loại xuất hiện trên những bộ phận khác nhau của cơ thể và có những đặc điểm nhận dạng riêng.