Điều trị mụn cóc quanh móng bằng cách nào?
Mụn cóc quanh móng là gì?
Mụn cóc quanh móng là loại mụn cóc hình thành xung móng tay hoặc móng chân. Ban đầu chúng có kích thước nhỏ, chỉ lớn hơn đầu kim một chút và từ từ to lên thành nốt mụn lớn, thô ráp, xù xì giống như súp lơ. Cuối cùng, chúng lan rộng thành cụm gồm nhiều mụn cóc.
Mụn cóc quanh móng thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là những người có thói quen cắn móng tay. Loại mụn cóc này rất khó loại bỏ nhưng phải bắt đầu điều trị ngay khi phát hiện thấy. Giống như tất cả các loại mụn cóc khác, mụn cóc quanh móng là do HPV (virus u nhú ở người) gây ra.
Đặc điểm nhận biết
Mụn cóc quanh móng không gây đau khi còn nhỏ. Nhưng chúng sẽ trở nên đau đớn khi to lên. Loại mụn cóc này còn gây cản trở sự phát triển bình thường của móng và làm tách lớp da xung quanh móng. Móng sẽ dần dần bị biến dạng do mụn cóc.
Nguyên nhân
Tất cả các loại mụn cóc đều do HPV gây ra. Có hơn 150 chủng HPV khác nhau và các chủng cụ thể gây mụn cóc quanh móng là HPV 1, 2, 4, 5, 7, 27 và 57.
Tìm hiểu thêm: Các chủng HPV phổ biến
HPV có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở. Đó là lý do tại sao những người thường hay cắn móng tay hay cậy da quanh móng lại dễ bị mụn cóc. Nguy cơ bị mụn cóc quanh móng cũng cao hơn nếu thường xuyên phải nhúng tay trong nước, ví dụ như những người phải rửa bát trong nhà hàng.
Những người có hệ miễn dịch suy yếu cũng dễ bị mụn cóc hơn và một khi đã bị thì sẽ lâu khỏi hơn. Ngoài ra, một yếu tố nguy cơ nữa là viêm da dị ứng.
HPV rất dễ lây lan. Có thể bị nhiễm virus này khi chạm trực tiếp vào mụn cóc hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn lau, bấm móng tay, găng tay,… với người bị mụn cóc.
Virus có thể tồn tại trên các bề mặt và xâm nhập vào cơ thể của người tiếp xúc. Virus cũng có thể lây lan từ bộ phận này sang các bộ phận khác nên cần vệ sinh thân thể cẩn thận và rửa tay thường xuyên khi bị mụn cóc quanh móng.
Điều trị mụn cóc quanh móng bằng cách nào?
Nếu nghi ngờ bị mụn cóc quanh móng thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Nếu mụn cóc lan dưới móng tay đến lớp giường móng (nail bed) thì sẽ gây tổn thương vĩnh viễn và dẫn đến nhiễm nấm.
Không có cách nào chữa trị dứt điểm mụn cóc. Các phương pháp điều trị đều chỉ nhằm mục đích loại bỏ những nốt mụn hiện có và chấm dứt các triệu chứng đi kèm chứ không thể tiêu diệt được virus gây ra vấn đề.
Mụn cóc quanh móng là dạng mụn cóc khó điều trị. Chúng có thể tái phát và lây lan xa hơn, ngay cả sau khi đã điều trị.
Các phương pháp điều trị mụn cóc quanh móng gồm có:
Axit salicylic
Axit salicylic là phương pháp điều trị mụn cóc được nhiều nghiên cứu chứng minh về tính hiệu quả nhất. Axit salicylic tác động chậm và cần sử dụng liên tục trong thời gian lên đến 12 tuần. Cơ chế hoạt động của loại axit này là phá hủy vùng da bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chính vì thế nên một trong các tác dụng phụ là kích ứng da. Axit salicylic có cả dạng không kê đơn nhưng tốt nhất nên đi khám và hỏi bác sĩ xem có nên sử dụng hay không, tần suất sử dụng như thế nào.
Liệu pháp áp lạnh
Liệu pháp áp lạnh là phương pháp điều trị sử dụng nitơ lỏng để làm đông lạnh mô mụn cóc. Phương pháp này cần ít lần điều trị hơn so với axit salicylic. Một liệu trình thường chỉ gồm từ 3 đến 4 buổi. Tỷ lệ thành công của phương pháp dùng axit salicylic và liệu pháp áp lạnh là như nhau, khoảng 50 đến 70%. Cũng có thể kết hợp liệu pháp áp lạnh với axit salicylic nhưng sẽ dễ bị nổi mụn rộp hoặc đổi màu da.
Tiêm kháng nguyên
Tiêm kháng nguyên quai bị hoặc nấm Candida cũng là một phương pháp trị mụn cóc. Các kháng nguyên sẽ kích hoạt hệ miễn dịch tấn công mụn cóc. Trước khi sử dụng phương pháp điều trị này, bác sĩ sẽ kiểm tra để đảm bảo cơ thể phát triển đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên da. Các tác dụng phụ có thể xảy ra là ngứa ngáy, mẩn đỏ và nóng rát.
Phương pháp khác
Các phương pháp khác để trị mụn cóc quanh móng còn có đốt bằng laser carbon dioxide (CO2) hoặc laser nhuộm xung màu và phương pháp dùng kết hợp các loại thuốc bôi.
Các nhà nghiên cứu cũng đang trong quá trình phát triển liệu pháp kháng virus đặc hiệu đối với HPV.
Bao lâu thì khỏi?
Mục cóc quang móng không dễ điều trị do hình thành ở vị trí đặc biệt. Loại mụn cóc này cũng có tỷ lệ tái phát khá cao, bất kể điều trị bằng phương pháp nào. Nói chung, thường cần điều trị trong khoảng từ 3 đến 4 tháng thì mới thấy hiệu quả. Ngay cả khi không điều trị thì hơn một nửa số trường hợp mụn cóc trên da đều tự biến mất trong vòng 1 năm và 2/3 trường hợp biến mất trong vòng khoảng 2 năm.
Các biến chứng có thể xảy ra
Mụn cóc quanh móng có thể gây tổn thương vĩnh viễn và làm biến dạng móng tay, móng chân. Mụn cóc cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm quanh móng – một dạng nhiễm trùng mô mềm.
Ngăn ngừa mụn cóc quanh móng
Điều rất quan trọng cần thực hiện để tránh bị mụn cóc là vệ sinh cẩn thận.
Mụn cóc rất dễ lây và virus có thể lan truyền ngay cả khi mụn cóc đang được điều trị. Để ngăn ngừa mụn cóc quanh móng nói riêng và mụn cóc nói chung thì cần:
- Rửa tay thường xuyên
- Không cắn móng tay hay bóc da quanh móng
- Mang găng tay bảo vệ khi phải ngâm nước trong thời gian dài
- Khử trùng dụng cụ cắt móng tay trước khi sử dụng
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm hoặc đồ cắt móng tay với người khác
- Không chạm vào mụn cóc của người khác
Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc phẳng tự biến mất mà không để lại biến chứng nào. Tuy nhiên, dù tự biến mất hay được điều trị thì mụn cóc cũng đều có thể quay trở lại.
Có 5 loại mụn cóc chính. Mỗi loại xuất hiện trên những bộ phận khác nhau của cơ thể và có những đặc điểm nhận dạng riêng.
Mụn cóc trên lưỡi thường không cần phải điều trị mà tự khỏi nhưng có thể phải mất nhiều năm.
Đến nay vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm khi nhiễm HPV nhưng có nhiều biện pháp để điều trị các triệu chứng do vi-rút này gây ra.
Mặc dù HPV thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng một số chủng gây ra mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) trong khi một số chủng khác lại có thể dẫn đến một số bệnh ung thư ví dụ như ung thư cổ tử cung.