1

Phân biệt loét miệng thông thường và mụn rộp miệng

Các tổn thương ở khoang miệng do bệnh mụn rộp và loét miệng thông thường trông khá giống nhau nên sẽ dễ bị nhầm lẫn nhưng thực ra đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Phân biệt loét miệng thông thường và mụn rộp miệng Phân biệt loét miệng thông thường và mụn rộp miệng

Loét miệng thông thường chỉ xảy ra ở mô mềm của miệng, chẳng hạn như trên lợi (nướu) hoặc bên trong má. Chúng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, ví dụ như tổn thương bên trong miệng do những hoạt động hàng ngày hay thiếu hụt vitamin.

Triệu chứng mụn rộp miệng chủ yếu xảy ra trên và xung quanh môi nên còn được gọi là mụn rộp môi nhưng đôi khi các nốt mụn rộp và vết loét còn xuất hiện cả bên trong khoang miệng. Nguyên nhân gây mụn rộp miệng là do nhiễm virus herpes simplex (HSV).

Vậy cụ thể làm thế nào để nhận biết triệu chứng mụn rộp miệng và loét miệng thông thường? Dưới đây là một số điểm khác biệt.

Đặc điểm nhận biết

Loét miệng thông thường

Loét miệng thông thường chỉ xảy ra ở bên trong khoang miệng. Các vết loét có thể hình thành ở các vị trí như:

  • Lợi (nướu)
  • Bên trong má hoặc môi
  • Trên hoặc dưới lưỡi
  • Vòm miệng mềm (vùng mô mềm ở phía sau vòm miệng)

Đôi khi sẽ có cảm giác nóng hoặc ngứa ở vị trí sắp có vết loét.

Vết loét thường có hình tròn hoặc hình bầu dục với phần giữa màu trắng hoặc vàng và có viền màu đỏ xung quanh.

Vết loét miệng thông thường có nhiều kích thước từ nhỏ đến lớn. Vết loét lớn sẽ gây đau và lâu lành hơn.

Loét miệng dạng ecpet (herpetiform canker sore) là một loại loét miệng ít gặp, xuất hiện thành từng đám và mỗi vết loét có kích thước nhỏ. Loại loét miệng này thường xảy ra ở độ tuổi trưởng thành.

Mụn rộp miệng

Bệnh mụn rộp miệng hay herpes miệng gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, phụ thuộc vào việc mới bị nhiễm HSV hay đã bị nhiễm được một thời gian dài.

Những người mới bị nhiễm virus sẽ gặp những triệu chứng như:

  • Nóng rát hoặc châm chích, sau đó hình thành các vết loét gây đau trên hoặc xung quanh môi, trong miệng, bên dưới mũi hoặc các vùng khác trên mặt
  • Đau họng, đặc biệt là khi nuốt
  • Sốt
  • Đau nhức cơ thể
  • Đau đầu
  • Buồn nôn
  • Sưng hạch bạch huyết

Nếu đã nhiễm virus được một thời gian dài thì các triệu chứng sẽ xuất hiện thành từng đợt. Mỗi một lần như vậy được gọi là một đợt bùng phát. Mỗi đợt bùng phát thường gồm có giai đoạn như sau:

  1. Xuất hiện những dấu hiệu bất thường báo hiệu mụn rộp sắp hình thành như cảm giác nóng, châm chích hoặc ngứa
  2. Nổi các nốt mụn rộp mềm, chứa dịch và đau đớn
  3. Mụn rộp vỡ ra, chảy dịch và tạo thành vết loét
  4. Vết loét đóng vảy và dần lành lại
  5. Mụn rộp miệng thường lành sau từ 1 đến 2 tuần và không để lại sẹo

Làm thế nào để phân biệt?

Có thể dựa trên vị trí của vết loét để nhận biết đó là loét miệng thông thường hay vết loét do bệnh mụn rộp miệng. Loét miệng thông thường chỉ xuất hiện bên trong khoang miệng còn mụn rộp thường xảy ra ở bên ngoài miệng, xung quanh môi.

Rất nhiều trẻ nhỏ bị nhiễm HSV từ nụ hôn của người lớn. Sau khi bị nhiễm virus, trẻ em dưới 5 tuổi có thể sẽ xuất hiện triệu chứng hình thành vết loét bên trong khoang miệng mà đôi khi bị nhầm lẫn với loét miệng thông thường.

Nguyên nhân

Loét miệng thông thường

Việc thi thoảng bên trong khoang miệng xuất hiện vết loét có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nhưng không giống như mụn rộp miệng, các vết loét này không lây, có nghĩa là không truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống.

Khoang miệng có thể bị loét do những nguyên nhân như:

  • Tổn thương bên trong miệng do những hoạt động hàng ngày, ví dụ như đụng phải khi đánh răng hoặc cắn phải khi ăn
  • Thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin B12, sắt hoặc folate (vitamin B9)
  • Sử dụng kem đánh răng hoặc nước súc miệng có chứa sodium lauryl sulfate
  • Căng thẳng
  • Sự dao động nồng độ nội tiết tố, chẳng hạn như vào kỳ kinh nguyệt
  • Phản ứng với một số loại thực phẩm như chocolate, các loại hạt hoặc thức ăn cay
  • Các vấn đề ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, chẳng hạn như bệnh lupus ban đỏ và bệnh viêm ruột

Mụn rộp miệng

Mụn rộp ở miệng là do nhiễm HSV gây ra. Phần lớn các trường hợp mụn rộp miệng là do HSV-1. Mặc dù HSV-2 chủ yếu gây mụn rộp sinh dục nhưng cũng có thể gây ra mụn rộp ở miệng.

HSV rất dễ lây. Nguy cơ lây truyền ở mức cao nhất khi đang có mụn rộp (đang trong đợt bùng phát) nhưng virus cũng có thể lây truyền ngay cả khi không có triệu chứng.

HSV-1 có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp với mụn rộp, dịch miệng và khi dùng chung dụng cụ ăn uống, khăn lau hay bàn chải đánh răng. Khi quan hệ tình dục đường miệng, HSV-2 có thể lây từ bộ phận sinh dục sang miệng hoặc môi và HSV-1 có thể lây từ miệng sang bộ phận sinh dục.

Không phải cứ bị nhiễm HSV là sẽ bị mụn rộp nhưng một số yếu tố khiến triệu chứng bùng phát sau khi nhiễm virus gồm có:

  • Căng thẳng
  • Mệt mỏi
  • Bị cúm hoặc cảm lạnh
  • Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
  • Thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như mang thai hay trong kỳ kinh nguyệt
  • Tổn thương ở vùng bị nhiễm virus, ví dụ như kích ứng, làm răng hoặc phẫu thuật thẩm mỹ

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ nếu vết loét ở vùng miệng:

  • có kích thước lớn bất thường
  • không lành sau hai tuần
  • tái phát thường xuyên
  • gây khó khăn khi ăn uống
  • đi kèm với triệu chứng sốt cao

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ có thể phân biệt triệu chứng của bệnh mụn rộp miệng và loét miệng thông thường dựa trên tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng.

Để xác nhận chẩn đoán mụn rộp miệng thì sẽ cần lấy mẫu bệnh phẩm từ vết loét để làm xét nghiệm HSV.

Nếu bị lở miệng tái phát thường xuyên thì sẽ cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, dị ứng thực phẩm hoặc các vấn đề về miễn dịch.

Cách điều trị

Loét miệng thông thường

Các vết loét nhỏ thường không cần điều trị và sẽ tự lành trong vòng từ 1 đến 2 tuần.

Đối với các vết loét lớn hơn và gây đau đớn thì có một số lựa chọn điều trị như sau:

  • Bôi các loại thuốc trị viêm loét miệng trực tiếp lên vết loét, đặc biệt là những loại có chứa các thành phần hoạt tính như benzocaine, hydrogen peroxide và fluocinonide
  • Dùng nước súc miệng có chứa dexamethasone - một loại steroid có tác dụng giảm đau và sưng tấy
  • Dùng thuốc đường uống, chẳng hạn như steroid, nếu đã dùng thuốc bôi mà không hiệu quả

Với những trường hợp loét nặng thì có thể sẽ cần sử dụng hóa chất hoặc đốt điện để phá hủy vùng mô bị hỏng ờ vết loét và giúp đẩy nhanh tốc độ lành lại

Nếu nguyên nhân gây loét miệng là do các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng thì sẽ cần điều trị vấn đề đó hoặc bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết.

Mụn rộp miệng

Giống như loét miệng thông thường, triệu chứng mụn rộp miệng cũng thường tự khỏi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, có một số phương pháp điều trị giảm bớt các triệu chứng khó chịu và tăng tốc độ chữa lành ở vùng bị tổn thương:

  • Dùng thuốc bôi có chứa lidocain hoặc benzocain để giảm đau
  • Dùng các loại thuốc trị mụn rộp môi không kê đơn có chứa docosanol để triệu chứng nhanh khỏi
  • Dùng thuốc kháng virus theo đơn, chẳng hạn như acyclovir, valacyclovir và famciclovir

Bao lâu thì khỏi?

Cả loét miệng thông thường và loét do mụn rộp miệng đều sẽ tự khỏi trong vòng từ một đến hai tuần. Nếu dùng thuốc phù hợp thì sẽ nhanh khỏi hơn.

Nếu tình trạng loét miệng không khỏi sau hai tuần thì nên đi khám bác sĩ.

Ngăn ngừa

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây loét miệng và có thể ngăn ngừa bằng cách cố gắng tránh gây tổn thương khoang miệng trong những hoạt động hàng ngày, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất, chủ ý đến những sản phẩm dùng cho vùng miệng và tránh căng thẳng.

Loét miệng thông thường sẽ tự lành lại sau từ 1 - 2 tuần.

Mụn rộp miệng là do nhiễm HSV gây ra. Một khi đã bị nhiễm thì virus sẽ ở trong cơ thể suốt đời. Một số người dù bị nhiễm HSV nhưng không bao giờ bị mụn rộp trong khi lại có nhiều người phải trải qua những đợt bùng phát triệu chứng liên tục.

Vào mỗi đợt bùng phát, triệu chứng mụn rộp miệng sẽ tự khỏi sau vài tuần còn nếu dùng thuốc kháng virus thì sẽ lành lại nhanh hơn. Cần đặc biệt lưu ý tránh tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân khi đang có mụn rộp vì điều này sẽ làm lây truyền virus sang người khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: mụn rộp, loét miệng
Tin liên quan
Phân biệt mụn rộp sinh dục và mụn trứng cá ở vùng kín
Phân biệt mụn rộp sinh dục và mụn trứng cá ở vùng kín

Cả mụn trứng cá vùng kín và mụn rộp sinh dục đều có biểu hiện là những nốt mụn màu đỏ. Cả hai đều gây ngứa ngáy, khó chịu và đều có thể hình thành cả trên mông. Tuy nhiên, mụn trứng cá và mụn rộp là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau với những đặc điểm riêng biệt.

Phân biệt HSV-1 và HSV-2
Phân biệt HSV-1 và HSV-2

Hầu hết các trường hợp nhiễm HSV đều không có triệu chứng, vì vậy nên nhiều người mang virus mà không hề hay biết và tiếp tục lây truyền virus sang người khác.

Phân biệt lông mọc ngược và mụn rộp
Phân biệt lông mọc ngược và mụn rộp

Sẩn đỏ và mụn nước ở vùng quanh bộ phận sinh dục có thể là dấu hiệu của mụn rộp hay herpes nhưng cũng có thể chỉ là lông mọc ngược. Vậy làm thế nào để phân biệt được?

Phân biệt mụn rộp môi và mụn trứng cá trên mặt
Phân biệt mụn rộp môi và mụn trứng cá trên mặt

Mụn rộp môi và mụn trứng cá trên mặt có một số đặc điểm khá giống nhau và đều đau đớn, khó chịu nhưng đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, từ nguyên nhân cho đến cách điều trị. Vậy làm thế nào để phân biệt được?

Điểm Khác Biệt Giữa HPV và HSV
Điểm Khác Biệt Giữa HPV và HSV

Điểm khác biệt giữa HPV và HSV là gì? Chúng đều có thể gây ra các vùng tổn thương ở bộ phận sinh dục nhưng đôi khi, cả hai loại virus này đều không biểu hiện triệu chứng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây