Phân biệt mụn rộp môi và mụn trứng cá trên mặt
Đặc điểm nhận biết
Có thể phân biệt được mụn rộp và mụn trứng cá qua cách hình thành và đặc điểm của nốt mụn. Dưới đây là một số điểm khác biệt:
Mụn rộp môi | Mụn trứng cá |
Thường chủ yếu hình thành ở môi dưới và môi trên. | Thường xuất hiện quanh miệng hoặc những vị trí khác trên mặt. |
Đi kèm cảm giác ngứa, nóng và châm chích. | Đau khi chạm lên nốt mụn. |
Có dạng những mụn nước nhỏ, mềm và thường mọc thành cụm. | Có dạng mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng, mọc đơn lẻ. |
Chẩn đoán mụn rộp và mụn trứng cá
Bác sĩ có thể chẩn đoán mụn rộp môi dựa trên quan sát trực quan. Nhưng để xác nhận chẩn đoán thì sẽ cần làm những phương pháp xét nghiệm như:
- Nuôi cấy virus: lấy mẫu dịch từ vùng tổn thương và tiến hành kỹ thuật nuôi cấy để tìm sự hiện diện của virus
- Xét nghiệm máu
- Sinh thiết
Có thể dễ dàng xác định mụn trứng cá từ đặc điểm của nốt mụn.
Mụn rộp môi
Mụn rộp môi, hay còn được gọi là herpes môi là những mụn nước nhỏ, mềm, chứa dịch lỏng, thường mọc thành cụm ở viền môi. Trước khi mụn nước xuất hiện, môi sẽ có cảm giác châm chích, ngứa ngáy hoặc nóng. Sau một vài ngày, các mụn nước sẽ vỡ ra, tạo thành vết loét, đóng vảy và biến mất sau khoảng từ 2 đến 4 tuần.
Mụn rộp môi xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Nguyên nhân gây mụn rộp môi
Nguyên nhân gây mụn rộp môi là do nhiễm HSV (virus herpes simplex). Có hai chủng HSV là HSV-1 và HSV-2.
HSV-1 là thủ phạm chính gây mụn rộp ở môi còn HSV-2 chủ yếu gây mụn rộp sinh dục. Tuy nhiên, HSV-1 cũng có thể gây mụn rộp sinh dục và HSV-2 cũng có thể gây mụn rộp môi.
Mụn rộp môi rất dễ lây lan. Một số con đường lây truyền chính gồm có:
- Hôn
- Quan hệ tình dục đường miệng
- Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, khăn lau,…
- Dùng chung dụng cụ ăn uống như cốc, thìa, đũa, ống hút,…
- Ăn chung
- Dùng chung son môi
Virus có thể lây truyền ngay cả khi không có triệu chứng. Tuy nhiên, virus sẽ dễ lây hơn khi đang trong thời gian bùng phát triệu chứng (đang có mụn rộp).
Tác nhân kích hoạt
Không phải ai bị nhiễm HSV-1 cũng bị mụn rộp ở môi. Một số người không bao giờ có triệu chứng hoặc sau khi nhiễm virus, các triệu chứng chỉ bùng phát một lần duy nhất rồi không bao giờ xảy ra nữa nhưng dù là trường hợp nào thì virus vẫn tồn tại trong cơ thể vĩnh viễn. Virus có thể được kích hoạt và gây triệu chứng bất cứ lúc nào. Một số yếu tố kích hoạt gồm có:
- Bệnh tật, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm
- Sốt
- Căng thẳng
- Thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt hay mang thai
- Tiếp xúc với nhiệt độ cao, thời tiết lạnh hoặc khí hậu khô hanh
- Tổn thương da
- Mất nước
- Chế độ ăn thiếu chất
- Thiếu ngủ và mệt mỏi
- Hệ miễn dịch suy yếu
Điều trị
Không thể chữa khỏi bệnh mụn rộp nhưng mỗi khi bùng phát, các triệu chứng sẽ tự biến mất sau khoảng từ 2 đến 4 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu điều trị bằng thuốc kháng virus thì sẽ nhanh khỏi hơn.
Thuốc kháng virus có cả dạng uống và dạng bôi. Thuốc đường uống có tác dụng rút ngắn thời gian bùng phát. Các loại thuốc dạng bôi giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Một số thuốc kháng virus đường uống gồm có:
- acyclovir (Zovirax)
- famciclovir (Famvir)
- Valtrex
Một số thuốc bôi để giảm các triệu chứng mụn rộp môi:
- acyclovir (Zovirax)
- docosanol (Abreva)
- penciclovir (Denavir)
Ngoài dùng thuốc, người bệnh cũng có thể thử những biện pháp dưới đây để giảm các triệu chứng mụn rộp:
- Chườm lạnh
- Uống thuốc giảm đau
- Bôi thuốc giảm đau tại chỗ có chứa lidocain hoặc benzocain
Ngăn ngừa
Vì một khi đã bị mụn rộp thì không có cách nào chữa trị khỏi nên tốt nhất là tránh bị nhiễm HSV.
Để ngăn ngừa mụn rộp môi thì nên hạn chế tiếp xúc thân mật với người khác, đặc biệt là những người đang bị nổi mụn nước và không dùng chung vật dụng cá nhân, gồm có dụng cụ ăn uống, son môi và khăn lau. Hãy rửa tay thường xuyên và không chạm tay lên mặt.
Để ngăn ngừa mụn rộp ở trẻ sơ sinh thì cần tránh để người lớn hôn lên mặt trẻ.
Mụn trứng cá
Mụn trứng cá là những nốt mụn nhỏ, có thể có đầu trắng, đầu đen hoặc không nhìn thấy đầu.
Mụn trứng cá có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên mặt nhưng thường là trán, hai bên má và cằm. Ngoài ra, mụn cũng có thể mọc ở xung quanh miệng và nhiều vị trí khác trên cơ thể như vai, sau lưng, tai,...
Nguyên nhân gây mụn trứng cá
Nguyên nhân hình thành mụn trứng cá là do lỗ chân lông bị bít tắc bởi tế bào da chết hoặc dầu ( hay còn được gọi là bã nhờn). Dầu được tạo ra bởi tuyến bã nhờn trong lỗ chân lông, sau đó được đẩy lên bề mặt để giữ ẩm cho da và lông/tóc. Khi dầu thừa và tế bào da chết tích tụ lại thì sẽ làm bít tắc lỗ chân lông và vi khuẩn gây mụn (P. acnes) sẽ bắt đầu phát triển mạnh, dẫn đến nổi mụn trứng cá.
Ban đầu, mụn trứng cá thường có đầu trắng và sau đó chuyển sang đầu đen do tiếp xúc với không khí và bị oxy hóa.
Mụn trứng cá thường xảy ra ở độ tuổi dậy thì và người trẻ tuổi nhưng cũng có thể xuất hiện ở cả trẻ sơ sinh và người lớn tuổi.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nổi mụn trứng cá gồm có:
- Có người thân trong gia đình cũng bị mụn trứng cá
- Không tẩy trang và rửa mặt sạch vào buổi tối, khiến lỗ chân lông bị bít tắc
- Ăn nhiều đồ ngọt
- Đang dùng các loại thuốc như corticosteroid
- Sắp đến kỳ kinh nguyệt, đang mang thai hoặc trong độ tuổi dậy thì. Sự thay đổi nội tiết tố vào những giai đoạn này làm tăng nguy cơ hình thành mụn trứng cá.
- Căng thẳng thần kinh
- Không giống như mụn rộp, mụn trứng cá không lây.
Trị mụn trứng cá
Có nhiều phương pháp trị mụn trứng cá khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của tình trạng mụn. Với mụn trứng cá thể nhẹ đến vừa thì có thể tự điều trị bằng các sản phẩm trị mụn không kê đơn kết hợp với thói quen chăm sóc da, gồm có rửa mặt 2 lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt phù hợp với loại da và dùng những sản phẩm dưỡng dành cho da mụn. Khi bị mụn thì nên chọn những sản phẩm có chứa tinh dầu tràm trà (tea tree oil) hoặc kẽm (zinc). Đây là những thành phần có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm và giảm mụn trứng cá.
Ngoài ra, cần lưu ý:
- Sử dụng kem chống nắng không chứa dầu để tránh làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Tẩy trang sạch trước khi đi ngủ
- Không dùng mỹ phẩm chứa thành phần gây bí lỗ chân lông.
- Gội đầu thường xuyên. Nếu có tóc dài thì dầu trên tóc sẽ dễ dính lên mặt và góp phần gây nổi mụn.
Nếu bị mụn trứng cá thể nặng thì cần đi khám bác sĩ da liễu để được kê các loại thuốc trị mụn mạnh hơn.
Ngăn ngừa
Điều quan trọng nhất để ngăn ngừa mụn trứng cá là phải giữ cho da mặt sạch sẽ bằng cách:
- Rửa mặt 2 lần mỗi ngày và tẩy trang kỹ vào cuối ngày để loại bỏ mỹ phẩm trang điểm, kem chống nắng, dầu thừa và bụi bẩn.
- Không chạm tay lên mặt.
- Thường xuyên vệ sinh cọ trang điểm
Ngoài ra, không dùng những sản phẩm dưỡng da và đồ trang điểm có thành phần gây bít tắc lỗ chân lông.
Nếu thường xuyên bị nổi mụn thì sẽ cần tiếp tục điều trị sau khi da đã sạch mụn để ngăn ngừa mụn quay trở lại. Nên dùng những sản phẩm có chứa thành phần như:
- Benzoyl peroxide – có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn
- Salicylic acid – một loại axit có tác dụng loại bỏ tế bào chết và giúp lỗ chân lông thông thoáng
- Lactic acid và glycolic acid - loại bỏ các tế bào da chết gây bít tắc lỗ chân lông
- Lưu huỳnh (sulfur) – cũng có tác dụng loại bỏ tế bào chết
- Kẽm (zinc) – kháng khuẩn, giảm tiết dầu và ngăn ngừa mụn
Có thể trị khỏi không?
Mụn rộp là bệnh không thể trị khỏi nhưng thuốc kháng virus sẽ giúp các triệu chứng nhanh hết hơn, rút ngắn thời gian, mức độ nghiêm trọng và tần suất các đợt bùng phát. Nếu mụn rộp gây ngứa ngáy, nóng rát hay đau đớn dữ dội và/hoặc kèm theo các triệu chứng như sưng hạch bạch huyết và sốt cao thì cần đi khám bác sĩ ngay để kiểm tra. Trong những trường hợp có triệu chứng nặng hoặc các đợt bùng phát xảy ra quá thường xuyên thì sẽ cần dùng thuốc kháng virus hàng ngày trong thời gian dài.
Mụn trứng cá cũng là vấn đề rất khó trị dứt điểm. Tuy nhiên, có thể tự điều trị mụn trứng cá thể nhẹ đến vừa bằng các sản phẩm thích hợp. Cần đi khám nếu bị mụn trứng cá nặng và đã dùng các sản phẩm trị mụn thông thường nhưng không hiệu quả.
Tóm tắt bài viết
Mụn rộp môi và mụn trứng cá có thể trông giống nhau nhưng mỗi vấn đề đều có những đặc điểm riêng biệt. Mụn rộp thường xuất hiện ở trên rìa môi và mọc thành đám nhỏ trong khi mụn trứng cá thường mọc đơn lẻ ở bất cứ đâu trên mặt và có đầu trắng hoặc đầu đen. Nguyên nhân và cách điều trị hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau.
Hầu hết các trường hợp nhiễm HSV đều không có triệu chứng, vì vậy nên nhiều người mang virus mà không hề hay biết và tiếp tục lây truyền virus sang người khác.
Sẩn đỏ và mụn nước ở vùng quanh bộ phận sinh dục có thể là dấu hiệu của mụn rộp hay herpes nhưng cũng có thể chỉ là lông mọc ngược. Vậy làm thế nào để phân biệt được?
Các tổn thương ở khoang miệng do bệnh mụn rộp và loét miệng thông thường trông khá giống nhau nên sẽ dễ bị nhầm lẫn nhưng thực ra đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Điểm khác biệt giữa HPV và HSV là gì? Chúng đều có thể gây ra các vùng tổn thương ở bộ phận sinh dục nhưng đôi khi, cả hai loại virus này đều không biểu hiện triệu chứng.
Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi bị nhiễm virus hoặc virus cũng có thể ở trạng thái không hoạt động suốt nhiều năm trong cơ thể.