Các triệu chứng mụn rộp sinh dục ở phụ nữ
Mụn rộp sinh dục là gì?
Mụn rộp sinh dục hay herpes sinh dục là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) do virus herpes simplex (HSV) gây ra. Bệnh này lây truyền phổ biến nhất khi quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ đường miệng, đường hậu môn hoặc đường âm đạo.
Cả virus herpes simplex loại 1 (HSV-1) và virus herpes simplex loại 2 (HSV-2) đều có thể gây ra mụn rộp ở miệng (hay còn gọi là mụn rộp môi) và ở bộ phận sinh dục nhưng mụn rộp sinh dục đa phần là do HSV-2 gây ra. Có thể phải vài năm sau khi nhiễm virus thì mới xuất hiện triệu chứng.
Khi bị mụn rộp sinh dục thì có rất nhiều cách để điều trị triệu chứng, kiểm soát các đợt bùng phát và giúp cuộc sống không bị ảnh hưởng.
Các triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh mụn rộp sinh dục sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của mỗi đợt bùng phát. Các triệu chứng mà mỗi người gặp phải cũng không giống nhau. Thậm chí, triệu chứng ở đợt bùng phát sau có thể khác đợt bùng phát trước.
Các triệu chứng ban đầu thường xuất hiện trong khoảng từ 2 đến 12 ngày sau khi bị nhiễm virus herpes simplex. Sau khi nhiễm virus thì người bệnh thường sẽ trải qua hai giai đoạn là:
- Giai đoạn không triệu chứng: Đã bị nhiễm virus nhưng không có bất cứ thay đổi bất thường nào.
- Giai đoạn bùng phát: Trong thời gian đầu của đợt bùng phát, các triệu chứng mụn rộp sinh dục thường chỉ ở mức độ nhẹ. Càng về sau thì các triệu chứng càng trở nên nặng hơn. Các vết loét sẽ lành lại trong vòng từ 3 đến 7 ngày.
Người bệnh ban đầu sẽ có cảm giác châm chích hay ngứa nhẹ ở xung quanh bộ phận sinh dục rồi nổi một số sẩn nhỏ hay mụn nước.
Những mụn nước này cũng gây ngứa và đau. Sau một thời gian hoặc khi gãi, mụn nước sẽ bị vỡ và chảy dịch rồi trở thành những vết loét đau đớn, đặc biệt là khi bị đụng phải. Những vết loét sẽ đóng vảy rồi lành lại.
Mụn nước có thể xuất hiện ở bất cứ đâu như:
- Âm hộ
- Cửa âm đạo
- Cổ tử cung
- Mông
- Đùi trên
- Hậu môn
- Niệu đạo
Vào đợt bùng phát đầu tiên, người bệnh thường sẽ gặp các triệu chứng giống như bị cúm, gồm có:
- Đau đầu
- Người mệt mỏi, uể oải
- Nhức mỏi cơ thể
- Ớn lạnh
- Sốt
Sưng hạch bạch huyết xung quanh bẹn, cánh tay hoặc cổ họng
Đợt bùng phát đầu tiên thường là nghiêm trọng nhất. Các mụn nước sẽ gây ngứa hoặc đau dữ dội và các vết loét có thể xuất hiện ở nhiều vị trí xung quanh bộ phận sinh dục.
Những đợt bùng phát sau đó sẽ nhẹ hơn. Cơn đau và cảm giác ngứa sẽ không còn dữ dội nữa và vết loét cũng lành lại nhanh hơn. Người bệnh sẽ không gặp phải các triệu chứng giống như cúm giống như lần đầu tiên.
Con đường lây truyền
Mụn rộp sinh dục lây truyền khi quan hệ tình dục đường miệng, đường hậu môn hoặc đường âm đạo với người bị bệnh mà không sử dụng biện pháp bảo vệ. Nguy cơ lây truyền sẽ cao nhất vào khoảng thời gian đang có triệu chứng.
Khi tiếp xúc với mụn rộp thì virus sẽ xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc. Đây là lớp mô mỏng bao phủ bề mặt bên trong của nhiều bộ phận trên cơ thể như mũi, miệng và bộ phận sinh dục.
Sau đó, virus xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể bằng vật liệu DNA hoặc RNA tạo nên chúng. Điều này cho phép chúng có thể trở thành một phần của tế bào và tự phân chia, tái tạo cùng với tế bào.
Chẩn đoán
Dưới đây là một số cách mà bác sĩ sử dụng để chẩn đoán bệnh mụn rộp sinh dục:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ quan sát những dấu hiệu bên ngoài như mụn nước, vết loét, sưng hạch bạch huyết và kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể.
- Xét nghiệm máu: Lấy mẫu máu và tiến hàn phân tích. Phương pháp này sẽ cho biết nồng độ kháng thể trong máu mà cơ thể tạo ra để chống lại HSV. Nồng độ kháng thể sẽ tăng cao khi bị nhiễm HSV, đặc biệt là khi đang trong đợt bùng phát triệu chứng.
- Nuôi cấy virus: Lấy mẫu dịch chảy ra từ vết loét hoặc từ mụn nước và phân tích để tìm sự hiện diện của vật liệu virus HSV-2 và xác nhận chẩn đoán.
- Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR): Đầu tiên, lấy mẫu máu hoặc mẫu mô từ vết loét. Sau đó, làm xét nghiệm PCR với DNA thu được từ mẫu để kiểm tra sự hiện diện của vật chất virus trong máu - đây được gọi là tải lượng virus. Xét nghiệm này giúp xác nhận chẩn đoán nhiễm HSV và xác định loại virus bị nhiễm là HSV-1 hay HSV-2.
Biện pháp điều trị
Không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn mụn rộp sinh dục nhưng có nhiều phương pháp điều trị các triệu chứng và ngăn chặn hoặc giảm tần suất các đợt bùng phát tiếp theo.
Thuốc kháng virus là phương pháp chính để điều trị mụn rộp sinh dục.
Các loại thuốc kháng virus có tác dụng ngăn chặn virus nhân lên bên trong cơ thể, giảm nguy cơ lây truyền và hạn chế tối đa bùng phát triệu chứng. Một số loại thuốc kháng virus được sử dụng phổ biến để điều trị mụn rộp sinh dục gồm có:
- valacyclovir (Valtrex)
- famciclovir (Famvir)
- acyclovir (Zovirax)
Thông thường, chỉ cần dùng thuốc khi bắt đầu nhận thấy triệu chứng bệnh. Nhưng những trường hợp mà các triệu chứng xảy ra thường xuyên hoặc quá nghiêm trọng thì sẽ cần dùng thuốc kháng virus hàng ngày.
Ngoài thuốc kháng virus thì người bệnh có thể dùng thêm các loại thuốc giảm đau như ibuprofen (Advil) để làm dịu cảm giác đau đớn, khó chịu.
Ngoài ra, có thể giảm sưng đau và viêm trong thời gian bùng phát triệu chứng bằng những cách đơn giản như bọc túi nước đá trong khăn sạch và áp lên vùng sinh dục.
Phòng ngừa mụn rộp sinh dục
Dưới đây là một số biện pháp để tránh bị nhiễm và lây truyền mụn rộp sinh dục:
- Yêu cầu đối phương đeo bao cao su và sử dụng các biện pháp bảo vệ khác khi quan hệ tình dục. Điều này giúp tránh sự tiếp xúc với vùng da ở bộ phận sinh dục và chất dịch có nhiễm virus. Cần nhớ rằng, không phải chỉ khi xuất tinh mới lây bệnh mà việc đụng chạm vào vùng da có HSV cũng có thể dẫn đến nhiễm virus.
- Xét nghiệm thường xuyên để kiểm tra xem có bị nhiễm HSV hay không.
- Không quan hệ với nhiều người: càng quan hệ với nhiều người thì nguy cơ nhiễm HSV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác sẽ càng cao.
- Không thụt rửa và sử dụng các sản phẩm có mùi thơm cho vùng kín: Thụt rửa sẽ phá vỡ sự cân bằng hệ vi sinh vật khỏe mạnh trong âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Tóm tắt bài viết
Mụn rộp sinh dục là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến do HSV gây ra. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhiễm virus này cũng có triệu chứng nên cần đi khám và làm xét nghiệm ngay nếu nghi ngờ mình đã tiếp xúc với người bị bệnh.
Mặc dù chưa có cách chữa trị khỏi nhưng các loại thuốc kháng virus sẽ giúp giảm tối đa mức độ nghiêm trọng và tần suất các đợt bùng phát triệu chứng mụn rộp sinh dục.
Cần nhớ rằng, HSV vẫn có thể lây truyền ngay cả khi không có triệu chứng nên cần quan hệ tình dục an toàn để tránh bị nhiễm hoặc lây virus sang người khác.
Hiện chưa có cách chữa trị herpes môi và các triệu chứng có thể tái phát đột ngột mà không hề có dấu hiệu báo trước.
Giống như herpes sinh dục, herpes hậu môn cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác. Khả năng lây truyền sẽ cao nhất khi có mụn nước và vết loét ở trong hoặc xung quanh hậu môn.
Viêm giác mạc do herpes là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương giác mạc dẫn đến mù lòa. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời khi bị nhiễm HSV thì hoàn toàn có thể được kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại cho giác mạc.
Herpes lưỡi là một vấn đề do HSV gây ra. Các vết loét thường sẽ tự khỏi và sau một thời gian mới xuất hiện trở lại.
Sau khi phơi nhiễm với virus herpes thì có thể phải sau từ 2 đến 12 ngày thì các triệu chứng mới xuất hiện và phát hiện được bằng các phương pháp xét nghiệm.