Các Loại Tinh Dầu Giúp Làm Dịu Và Phục Hồi Da Cháy Nắng
Có thể chữa cháy nắng bằng tinh dầu không?
Tiếp xúc lâu với ánh nắng mà không có biện pháp bảo vệ da sẽ khiến cho da bị cháy nắng hay bỏng nắng. Có nhiều mức độ cháy nắng nhưng dù chỉ bị cháy nắng nhẹ cũng đủ gây đau rát và tổn thương da.
Làn da bị cháy nắng có thể được làm dịu và phục hồi bằng nhiều biện pháp khác nhau và một trong số đó là sử dụng tinh dầu.
Tinh dầu là chất lỏng được chiết xuất từ các loài thực vật, có chứa các hợp chất thực vật ở nồng độ cao. Tinh dầu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và vì có đặc tính chữa lành, giảm đau cùng các đặc tính có lợi khác nên một số loại tinh dầu được sử dụng để làm dịu da cháy nắng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chưa có đủ bằng chứng chứng minh tác dụng trị cháy nắng của tinh dầu và vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Khi sử dụng tinh dầu, điều quan trọng là phải sử dụng đúng cách. Nếu không sử dụng đúng cách, tinh dầu không những không có lợi mà còn gây hại. Tuyệt đối không được nuốt tinh dầu. Nhiều loại tinh dầu có chứa các chất gây hại khi đi vào bên trong cơ thể. Hơn nữa, việc nuốt tinh dầu có thể gây tổn thương niêm mạc miệng, thực quản, ruột và các bộ phận khác trong đường tiêu hóa. Tinh dầu có nồng độ hợp chất thực vật rất cao nên phải pha loãng trước khi sử dụng. Có thể pha loãng tinh dầu với:
- Nước: phù hợp khi dùng máy khuếch tán tinh dầu vào không khí.
- Dầu nền: nếu bôi tinh dầu lên da hoặc dùng để tắm thì trước tiên phải pha loãng tinh dầu với dầu nền. Một số loại dầu nền không mùi phù hợp để pha loãng tinh dầu gồm có: dầu bơ, dầu hạnh nhân, dầu nụ tầm xuân và dầu jojoba. Bôi thử hỗn hợp sau khi pha lên một vùng da nhỏ trước khi bôi lên mặt hoặc bôi trên một vùng da rộng.
Các loại tinh dầu giúp làm dịu da cháy nắng
Tinh dầu cúc la mã
Hãy thử dùng tinh dầu cúc La Mã (chamomile) để làm dịu vết cháy nắng. Đây là một trong hai loại hoa cúc nổi tiếng có tác dụng làm dịu da. Tinh dầu cúc La Mã thường được sử dụng trong liệu pháp mùi thơm, các sản phẩm dưỡng da và trang điểm. Pha một vài giọt tinh dầu vào bồn tắm để làm giảm đau rát và ửng đỏ ở vùng da bị cháy nắng hoặc dùng máy khuếch tán tinh dầu vào không khí để thư giãn.
Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng các loại kem dưỡng da có chứa chiết xuất hoa cúc La Mã.
Tinh dầu bạc hà
Tinh dầu bạc hà (methol) có tác dụng làm mát, giảm đau và nóng rát khi da bị bỏng nắng nhẹ. Pha loãng một lượng nhỏ tinh dầu bạc hà với dầu nền hoặc tìm các sản phẩm dưỡng da có chứa thành phần này. Ngừng sử dụng ngay khi nhận thấy bất kỳ phản ứng bất thường nào trên da sau khi thoa tinh dầu bạc hà.
Tinh dầu trà xanh
Tinh dầu trà xanh (green tea) chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho da. Những chất chống oxy hóa này giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím (UV) và phục hồi da sau khi bị cháy nắng. (1) Bôi các sản phẩm dưỡng da có chứa tinh dầu trà xanh sẽ giúp bổ sung chất chống oxy hóa cho da. Các chất chống oxy hóa có thể đi sâu xuống những lớp da bên dưới và giúp phục hồi da sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ngay cả khi không bị cháy nắng.
Tinh dầu oải hương
Tinh dầu hoa oải hương (lavender) có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Loại tinh dầu này đã được chứng minh là có tác dụng giảm lo âu và giảm đau. Pha vài giọt tinh dầu oải hương với dầu nền và thoa hỗn hợp lên da có thể giúp làm dịu vết cháy nắng. Ngoài ra, ngửi hoa oải hương tươi trong vài phút hoặc khuếch tán tinh dầu vào không khí sẽ giúp thư giãn trong thời gian điều trị cháy nắng.
Tinh dầu cúc vạn thọ
Tinh dầu cúc vạn thọ (marigold) có thể giúp làm giảm viêm trên da. Cúc vạn thọ đã được chứng minh là có đặc tính chống oxy hóa. Một nghiên cứu vào năm 2012 cho thấy rằng các hợp chất trong loài hoa này có thể bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV. (2)
Có thể dùng các loại kem dưỡng hoặc lotion có chứa chiết xuất cúc vạn thọ để bảo vệ và làm dịu làn da sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Tinh dầu tràm trà
Tinh dầu tràm trà (tea tree) được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề về da, bao gồm cả mụn trứng cá. Loại tinh dầu này được công nhận là có khả năng kháng nấm và kháng khuẩn. (3) Tuy nhiên, nên đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng tinh dầu tràm trà nếu bị nhiễm trùng sau khi bị cháy nắng nghiêm trọng.
Tinh dầu tràm trà có trong nhiều loại kem dưỡng có tác dụng dưỡng ẩm, trị mụn, làm dịu và phục hồi da. Chỉ nên bôi tinh dầu tràm trà ngoài da và tuyệt đối không được nuốt.
Lưu ý khi chữa cháy nắng bằng tinh dầu
Phải hết sức thận trọng khi sử dụng tinh dầu. Dưới đây là một số điều quan trọng cần lưu ý:
- Tinh dầu có nồng độ thành phần hoạt tính cao nên phải luôn pha loãng trước khi sử dụng.
- Mới có rất ít nghiên cứu khoa học về công dụng của tinh dầu trong điều trị các vấn đề sức khỏe và hiện chưa có hướng dẫn chính thức về việc sử dụng tinh dầu.
- Hiện chưa có quy chuẩn nào để đánh giá chất lượng của các loại tinh dầu.
- Tinh dầu có thể gây kích ứng hoặc dị ứng da. Nên bôi thử tinh dầu sau khi pha loãng lên một vùng da nhỏ trước khi thoa lên vùng da bị cháy nắng. Ngừng sử dụng ngay lập tức nếu nhận thấy da bị mẩn đỏ, châm chích, ngứa ngáy hay nóng rát sau khi bôi tinh dầu.
- Tinh dầu không an toàn cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
- Một số loại tinh dầu có thể khiến da nhạy cảm hơn và dễ bị tổn thương do tia cực tím khi tiếp xúc với ánh nắng, ví dụ như tinh dầu chiết xuất từ vỏ cam quýt.
Khi bị cháy nắng mức độ vừa đến nặng với các biểu hiện dưới đây thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị:
- Có vết phồng rộp lớn
- Vùng da cháy nắng không lành sau vài ngày
- Sốt cao
- Đau đầu
- Đau nhức cơ thể, ớn lạnh và suy nhược
Một số triệu chứng kể trên là dấu hiệu cho thấy vùng da cháy nắng đã bị nhiễm trùng và cần phải can thiệp điều trị ngay để tránh bị tổn thương da nghiêm trọng.
Tóm tắt bài viết
Nếu bị cháy nắng nhẹ thì có thể thử dùng tinh dầu để làm dịu da và giảm các triệu chứng như ửng đỏ hay đau rát. Cần thận trọng khi sử dụng tinh dầu để chữa cháy nắng. Nếu dùng không đúng cách, da sẽ càng bị tổn thương nặng thêm. Để chăm sóc da hiệu quả có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng da có chứa tinh dầu hoặc pha loãng tinh dầu nguyên chất với dầu nền và thoa lên da. Ngoài ra, khuếch tán tinh dầu vào không khí là một cách hiệu quả để giúp cho cơ thể được thư giãn.
Nếu bị cháy nắng nghiêm trọng thì cần đến bệnh viện để được điều trị chứ không nên tự ý điều trị tại nhà.
>>> Xem thêm: Lợi ích của exosome trong chăm sóc da và điều trị vấn đề về da
Bên cạnh các lợi ích chính, axit béo omega-3 còn được cho là có thể giúp trị mụn trứng cá nhờ có tác dụng chống viêm.
Dầu dừa giàu axit lauric – một loại axit béo có thể làm dịu da bị kích ứng. Vì dầu dừa đã được nghiên cứu về công dụng giảm sưng tấy nên có thể loại dầu này cũng có hiệu quả đối với các triệu chứng của bệnh trứng cá đỏ trên mũi, má và bên dưới mắt.
Để da tiếp xúc với tia cực tím (UV) trong ánh nắng mặt trời quá lâu sẽ khiến da bị bỏng nắng. Có nhiều cách tự nhiên để làm dịu làn da đang bị tổn thương do ánh nắng và một trong những cách đó là sử dụng dầu dừa. Dầu dừa có công dụng dưỡng ẩm và và điều trị mọt số vấn đề về da nhưng liệu dầu dừa có thực sự giúp phục hồi da bỏng nắng hay không?
Dầu dừa đang ngày càng được sử dụng phổ biến trong nấu ăn và ngoài ra, loại dầu này còn đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực làm đẹp nhờ có nhiều đặc tính có lợi, chẳng hạn như dưỡng ẩm, làm dịu da và bảo vệ tóc khỏi hư tổn. Thậm chí, dầu dừa còn được cho là có thể giúp làm giảm nếp nhăn.
Axit lauric trong dầu dừa có tác dụng tiêu diệt chấy. Mặc dù dầu dừa không hiệu quả bằng các loại dầu gội và thuốc trị chấy nhưng lại ít độc hại hơn. Nếu bạn có da quá nhạy cảm và không sử dụng được các sản phẩm chứa hóa chất thì có thể thử dầu dừa xem sao.