1

Cà phê có thực sự khiến cơ thể chậm phát triển không?

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về việc liệu cà phê có an toàn đối với độ tuổi thanh thiếu niên hay không vì thức uống này được cho là ảnh hưởng tiêu cực đến xương và gây cản trở sự tăng trưởng, phát triển.
Cà phê có thực sự khiến cơ thể chậm phát triển không? Cà phê có thực sự khiến cơ thể chậm phát triển không?

Cà phê là một trong những loại đồ uống chứa caffeine được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới nhờ có tác dụng giúp tỉnh táo, tăng năng lượng và hương thơm hấp dẫn.

Trên thực tế, mức tiêu thụ cà phê trên thế giới cao hơn nhiều so với bất kỳ loại đồ uống chứa caffeine nào khác như nước tăng lực, trà và nước ngọt có ga. Loại đồ uống này còn đem lại một số lợi ích cho sức khỏe như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, sa sút trí tuệ, một số bệnh ung thư,…

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về việc liệu cà phê có an toàn đối với độ tuổi thanh thiếu niên hay không vì thức uống này được cho là ảnh hưởng tiêu cực đến xương và gây cản trở sự tăng trưởng, phát triển.

Dưới đây là kết quả của một số nghiên cứu về tác động của cà phê đến sự phát triển của cơ thể và mức tiêu thụ an toàn.

Caffeine và sự tăng trưởng

Có ý kiến cho rằng thanh thiếu niên (13 – 19 tuổi) không nên uống cà phê vì cà phê sẽ làm chậm sự phát triển của cơ thể.

Tuy nhiên, chưa hề có bằng chứng nào cho thấy cà phê có tác động tiêu cực đến chiều cao.

Một nghiên cứu đã theo dõi 81 học sinh nữ trong độ tuổi từ 12 - 18 trong vòng 6 năm. Các nhà nghiên cứu không phát hiện thấy bất kỳ sự khác biệt nào về sức khỏe xương ở những người tiêu thụ caffeine và không tiêu thụ caffeine. (1)

Không ai biết chính xác nguyên nhân nào dẫn đến lời đồn về tác hại nói trên của cà phê nhưng khả năng là do chất caffeine trong loại đồ uống này.

Một vài nghiên cứu trước đây cho thấy caffeine có thể làm giảm sự hấp thụ canxi – một khoáng chất cần thiết cho độ chắc khỏe của xương. (2)

Có lẽ chính vì vậy nên nhiều người cho rằng cà phê sẽ khiến xương không thể phát triển hoàn toàn ở độ tuổi vị thành niên.

Tuy nhiên, caffeine chỉ làm giảm sự hấp thụ canxi ở mức độ rất nhẹ và hơn nữa, có thể dễ dàng bù lại bằng cách thêm 1 – 2 thìa sữa vào cà phê.

Như vậy là uống cà phê sẽ không gây cản trở sự tăng trưởng của cơ thể.

Tóm tắt: Caffeine trong cà phê có thể làm giảm nhẹ sự hấp thụ canxi và cản trở phần nào sự phát triển của xương ở độ tuổi thanh thiếu niên nhưng điều này là không đáng kể. Không hề có bằng chứng nào cho thấy uống cà phê sẽ hạn chế sự tăng trưởng.

Các tác hại khác của cà phê

Mặc dù cà phê không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển nhưng có thể gây ra một số vấn đề khác.

Ảnh hưởng đến giấc ngủ

Caffeine trong cà phê có tác dụng làm tăng sự tỉnh táo và mức năng lượng nhưng lại cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Ở thanh thiếu niên, caffeine tồn tại trong cơ thể lâu hơn nhiều so với người trưởng thành nên tác dụng này cũng kéo dài hơn.

Một nghiên cứu kéo dài 2 tuần ở 191 học sinh trung học đã đánh giá mối liên hệ giữa giấc ngủ và lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày. Lượng caffeine mà những người tham gia nghiên cứu tiêu thụ dao động trong khoảng từ 0 – 800 miligam/ngày. Kết quả cho thấy lượng caffeine tiêu thụ càng nhiều thì chất lượng giấc ngủ vào ban đêm càng giảm và cảm giác buồn ngủ, uể oải vào ban ngày càng tăng. (3)

Hơn nữa, những người thiếu ngủ có mức độ tập trung, năng suất học tập thấp hơn và ăn nhiều đồ ngọt hoặc thực phẩm giàu calo hơn. Đây là một yếu tố làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

Tác hại của đường trong thức uống chứa cà phê

Nhiều loại thức uống chứa cà phê như bạc xỉu, latte có một lượng đường lớn. Lượng đường này đến từ các thành phần như sữa đặc, kem béo, xi-rô hoặc đường cát được thêm trực tiếp vào đồ uống.

Tiêu thụ nhiều đường bổ sung sẽ làm cho lượng đường trong máu (đường huyết) tăng cao hơn so với đường tự nhiên có trong các loại thực phẩm như trái cây, rau củ. Lý do là bởi trái cây và rau củ còn có chứa cả chất xơ và các chất dinh dưỡng có lợi khác giúp giảm thiểu sự gia tăng mức đường huyết sau ăn.

Tiêu thụ nhiều đường bổ sung có thể dẫn đến béo phì, bệnh tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Vì lý do này nên Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ nhỏ không nên tiêu thụ quá 6 thìa cà phê (khoảng 25 gram) đường bổ sung mỗi ngày. (4)

Một số loại đồ uống chứa cà phê có tới gần 70 gram đường bổ sung và gần 500 calo.

Tóm tắt: Thanh thiếu niên tiêu thụ nhiều caffeine có thể sẽ bị thiếu ngủ, điều này dẫn đến hiệu suất học tập kém và tăng nhu cầu ăn đồ ngọt, nhiều calo. Thêm nữa, đường bổ sung trong nhiều loại thức uống chứa cà phê có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như béo phì.

Các thành phần có lợi trong cà phê

Cà phê có chứa một số chất có lợi cho sức khỏe, gồm có:

  • Caffeine: là thành phần tạo nên tác dụng kích thích thần kinh của cà phê. Caffeine giúp cải thiện hiệu suất thể thao và giảm nguy cơ mắc một số bệnh như bệnh Alzheimer.
  • Axit chlorogenic: hợp chất này có tác dụng như một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi tác hại của gốc tự do. Hợp chất này còn giúp kiểm soát cân nặng.
  • Diterpene: nhóm hợp chất này có c kháng khuẩn và chống viêm. Các nghiên cứu cho thấy diterpene còn có đặc tính chống ung thư.
  • Trigonelline: nghiên cứu cho thấy rằng trigonelline giúp làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường.

Một bản đánh giá tổng hợp 201 nghiên cứu đã cho thấy thường xuyên uống cà phê giúp làm giảm nguy cơ ung thư, tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh gan và bệnh thận. (5)

Tóm tắt: Cà phê chứa một số thành phần có lợi cho sức khỏe. Các nghiên cứu quan sát cho thấy uống cà phê giúp làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.

Lượng tiêu thụ an toàn

Người lớn có thể tiêu thụ tới 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương với 4 đến 5 cốc (240 ml) cà phê.

Tuy nhiên, trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai nên tiêu thụ ít hơn do sự khác biệt về quá trình trao đổi chất và đây là những nhóm đối tượng nhạy cảm hơn với caffeine.

Ngoài ra, cần lưu ý mức giới hạn này là tổng lượng caffeine từ tất cả các nguồn chứ không chỉ riêng cà phê.

Caffeine còn có trong trà, nước ngọt, nước tăng lực và sô cô la. Dưới đây là khuyến nghị về mức tiêu thụ caffeine đối với thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai.

Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (the American Academy of Pediatrics) khuyến nghị thanh thiếu niên chỉ nên tiêu thụ tối đa 100 mg caffeine mỗi ngày, tương đương với khoảng một cốc cà phê 240 ml.

Bộ Y tế Canada đưa ra mức giới hạn lượng caffeine tiêu thụ đối với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên như sau: (6)

  • 4 – 6 tuổi: 45 mg/ngày
  • 7 - 9 tuổi: 62.5 mg/ngày
  • 10 – 12 tuổi: 85 mg/ngày
  • 12 - 18 tuổi: 2.5 mg cho mỗi kg cân nặng

Phụ nữ mang thai

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Bộ Y tế Canada khuyến nghị phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc đang cố gắng thụ thai nên hạn chế lượng caffeine tiêu thụ ở mức 300 mg mỗi ngày, tương đương với khoảng 2 - 3 cốc mỗi ngày.

Tiêu thụ trên 300 mg caffeine mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và sinh con bị nhẹ cân.

Tóm tắt: Người trưởng thành khỏe mạnh có thể tiêu thụ 4 - 5 cốc cà phê 240 ml mỗi ngày nhưng trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ có thai nên tiêu thụ ít hơn.

Các cách tăng cường sự phát triển của xương

Chiều cao của cơ thể phần lớn được quyết định bởi gen di truyền nhưng chế độ ăn uống không đủ chất và thiếu hụt dinh dưỡng có thể gây chậm phát triển.

Có thể tối ưu phát triển của xương, ngăn ngừa loãng xương và các vấn đề về xương trong tương lai bằng cách thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất và tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Ở hầu hết mọi người, sự phát triển của xương đạt mức tối đa vào cuối tuổi thanh thiếu niên đến đầu độ tuổi 20. Do đó, đây là giai đoạn lý tưởng nhất để tạo nền tảng cho một bộ xương chắc khỏe sau này.

Chế độ dinh dưỡng

Canxi và vitamin D là hai chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe xương.

Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, hỗ trợ cấu trúc và chức năng của xương. Trên thực tế, 99% lượng canxi của cơ thể tập trung trong xương và răng.

Canxi có trong nhiều loại thực phẩm nhưng một số nguồn phổ biến nhất là sữa và các sản phẩm từ sữa.

Mặt khác, chỉ có rất ít thực phẩm tự nhiên chứa nhiều vitamin D nhưng hiện nay nhiều sản phẩm đã được bổ sung thêm loại vitamin này, ví dụ như nước ép trái cây đóng hộp, sữa, sữa chua và ngũ cốc ăn sáng.

Vitamin D cũng được tạo ra tự nhiên trong cơ thể khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tập tạ

Nâng tạ sẽ tạo áp lực lên các cơ. Các cơ sẽ thích ứng với điều này bằng cách tăng khối lượng và sức mạnh.

Nếu không gây áp lực thì các cơ sẽ không thay đổi và thậm chí là giảm dần khối lượng, đồng thời trở nên suy yếu theo thòi gian.

Điều này cũng áp dụng với cấu trúc xương. Nâng tạ gây áp lực lên xương và khiến cho xương dần trở nên chắc khỏe hơn.

Độ tuổi thanh thiếu niên có thể tập các bài tập giúp tăng cơ và sự chắc khỏe của xương như nâng tạ nhẹ, tập với máy tại phòng gym, dây kháng lực hoặc sử dụng chính trọng lượng của cơ thể với các bài tập body weight.

Tóm tắt: Chiều cao phần lớn do gen di truyền quyết định và đây là một yếu tố không có cách nào thay đổi được. Tuy nhiên, có thể tăng cường sự phát triển của xương bằng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và thói quen tập thể dục đều đặn.

Tóm tắt bài viết

Cà phê được cho là làm giảm sự tăng trưởng ở tuổi thanh thiếu niên nhưng không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh điều này.

Tuy nhiên, độ tuổi này cũng không nên uống cà phê thường xuyên. Uống quá nhiều cà phê có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Nhiều loại thức uống chứa cà phê còn có lượng đường lớn và điều này sẽ gây hại cho sức khỏe.

Miễn là tiêu thụ trong phạm vi an toàn thì cà phê sẽ mang lại một số lợi ích.

Có thể cải thiện sức khỏe xương bằng một chế độ ăn uống đủ chất và tập thể dục thường xuyên.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: cà phê
Tin liên quan
Vitamin C có thực sự phòng ngừa được cảm lạnh không?
Vitamin C có thực sự phòng ngừa được cảm lạnh không?

Bổ sung vitamin C được cho là một cách để phòng ngừa và điều trị cảm lạnh. Điều này có đúng hay không?

Chất phụ gia propylene glycol trong thực phẩm có an toàn không?
Chất phụ gia propylene glycol trong thực phẩm có an toàn không?

Propylene glycol là một chất thường được sử dụng làm phụ gia thực phẩm hoặc thành phần trong nhiều loại mỹ phẩm và sản phẩm vệ sinh cá nhân.

Canxi hydroxit trong thực phẩm có gây hại cho sức khỏe không?
Canxi hydroxit trong thực phẩm có gây hại cho sức khỏe không?

Canxi hydroxit có nhiều ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả sản xuất thực phẩm. Chất này thường được sử dụng trong quá trình sản xuất rau củ muối chua đóng hộp, mục đích là để làm cho sản phẩm giòn hơn.

Vitamin A có thực sự trị được mụn trứng cá không?
Vitamin A có thực sự trị được mụn trứng cá không?

Vitamin A có tác dụng trị mụn trứng cá nhưng còn tùy thuộc vào nguồn gốc và dạng vitamin A được sử dụng. Ăn thực phẩm giàu vitamin A giúp cải thiện làn da từ bên trong còn các sản phẩm bôi da chứa vitamin A sẽ tác động trực tiếp vào mụn trứng cá.

Có cần thiết phải tránh các loại thực phẩm chứa carrageenan không?
Có cần thiết phải tránh các loại thực phẩm chứa carrageenan không?

Carrageenan có thể gây hại cho sức khỏe, ví dụ như làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây đầu hơi, hội chứng ruột kích thích và thậm chí là làm tăng nguy cơ ung thư.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm
cdxd ngắn có bị hội chứng người lùn không ạ
  •  2 năm trước
  •  0 trả lời
  •  687 lượt xem

dạ chào bác sĩ . em bé hiện tại sa được 37 tuần . cdxd chi có 55 , 2kg1 vây có bị hội chứng người lùn k ạ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây