Phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
AIDS là gì?
Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là một hội chứng bệnh lý do Virút gây suy giảm miễn dịch (HIV) gây ra, làm cho cơ thể mất sức đề kháng với các vi sinh vật gây bệnh và những vi sinh vật bình thường không gây bệnh trở thành gây bệnh, tạo ra các nhiễm trùng cơ hội, làm cho ung thư dễ phát triển và có những thương tổn do chính HIV gây ra.
Dịch tễ học
- HIV thuộc họ Lentivirus và mang tất cả các đặc điểm cấu trúc của nhóm này. Dưới kính hiển vi điện tử, nó là một phần tử có đường kính 100 nm, có vỏ bọc với một nhân chứa ARN và các protein bên trong.
- HIV vào cơ thể sẽ xâm nhập vào tế bào lympho T, đại thực bào, bạch cầu đơn nhân và một số tế bào khác sau đó phát triển trong các tế bào này. Tuỳ thuộc từng loại tế bào mà các tế bào bị nhiễm HIV có thể bị tiêu huỷ hoặc bị tổn thương ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau.
- HIV là Virút dễ chết, bị bất hoạt nhanh bởi các tác nhân lý hoá chẳng hạn như nước Javen (chết trong 1’); cồn 70o (chết trong 1’); formaldehyte 0,1% (chết sau 30′ – 1 giờ), 560C (trong 30′), 1000C (1 phút) nhưng tia cực tím không diệt được HIV.
Nguồn bệnh
Nguồn bệnh là người nhiễm HIV ở tất cả các giai đoạn.
Đường lây
Cho đến nay, người ta đã thấy HIV có trong tinh dịch, dịch âm đạo, máu và các sản phẩm của máu, nước bọt, nước mắt, dịch não tuỷ, sữa mẹ. Tuy nhiên chỉ 3 đường lây của HIV được xác định:
Lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn:
Nguy cơ lây truyền cao ở các nhóm tình dục đồng giới nam, người có bệnh truyền qua đường sinh dục khác. Khả năng truyền từ nam sang nữ cao hơn từ nữ sang nam. Tính chung trên Thế giới thì lây truyền do quan hệ tình dục khác giới chiếm 71%, do quan hệ tình dục đồng giới chiếm 15%.
Lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu:
- Truyền máu và các chế phẩm của máu mà không kiểm soát sạchHIV.
- Lây qua tiêm chích ma tuý: khả năng lây nhiễm liên quan với số lần tiêm chích, sử dụng dụng cụ tiêm chích cho nhiều người.
- Lây truyền do tai nạn nghề nghiệp.
Lây truyền từ mẹ sang con:
HIV có thể lây truyền qua nhau thai trong thời kỳ bào thai, chuyển dạ đẻ và qua sữa mẹ sau khi sinh có cho con bú.
Phòng chống lây nhiễm thế nào?
Phòng chống lây qua đường tình dục
- Giáo dục tình dục lành mạnh, tình yêu chung thuỷ.
- Giáo dục tình dục an toàn, cổ vũ dùng bao cao su.
- Khống chế nạn mại dâm, xử lý nghiêm khắc chủ chứa.
- Có chương trình điều trị và dự phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục kết hợp với chương trình chống lây lan HIV.
Phòng chống lây qua đường máu
Qua máu
- Kiểm tra HIV tất cả các mẫu máu truyền bằng kỹ thuật tin cậy nhất.
- Hiến máu tự nguyện.
Qua sản phẩm của máu
- Các sản phẩm của máu phải kiểm tra HIV chặt chẽ.
- Các tổ chức bán các sản phẩm của máu phải có giấy xác nhận sản phẩm đã được kiểm tra HIV.
Qua tiêm chích và các dụng cụ y tế
- Ngăn chặn buôn bán ma tuý, các ổ chích ma tuý và đặc biệt là dùng bơm kim tiêm chung.
- Cai nghiện và tạo việc làm cho người nghiện ma tuý.
- Tuân thủ nguyên tắc tiệt trùng trong thực hành y học, bơm kim tiêm 1 lần.
- Giáo dục và quy định nguyên tắc tiệt trùng các dụng cụ chuyên gia như xăm mình, bấm lỗ tai.
Phòng chống lây nhiễm qua cho tinh dịch và ghép cơ quan
Xét nghiệm sàng lọc kỹ người cho tinh dịch, cơ quan.
Phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con
Phác đồ điều trị dự phòng
- Mẹ đến khám thai, xác định nhiễm HIV trước tuần 28-36
- Mẹ đến khám thai và xác định nhiễm HIV sau tuần 36 nhưng chưa chuyển dạ
- Mẹ đến khám thai và xác định nhiễm HIV ngay trước khi chuyển dạ
Các biện pháp khác
- Trước đẻ: tư vấn hỗ trợ tinh thần, thảo luận với người mẹ về cách sinh và nuôi con.
- Trong khi đẻ: đảm bảo vô trùng tuyệt đối khi đỡ đẻ, không rạch màng ối sớm, hạn chế can thiệp gây chảy máu đường sinh dục trong thời gian sinh, chỉ mổ lấy thai khi có chỉ định về sản khoa, tránh các can thiệp có thể làm tổn thương thai nhi, tắm ngay cho trẻ sau sinh.
- Sau đẻ: tư vấn cho mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ, xem xét chỉ định điều trị cho mẹ, theo dõi và xét nghiệm HIV cho con.
Phòng nhiễm HIV cho nhân viên y tế
- Rửa tay xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, nếu da bị tổn thương thì không trực tiếp săn sóc bệnh nhân.
- Đeo găng tay khi tiếp xúc với bệnh phẩm máu hoặc dịch của cơ thể bệnh nhân.
- Kim tiêm, dao mổ và những thiết bị sắc nhọn khác phải được cầm cẩn thận để tránh làm bị thương.
- Mặc quần áo, tạp dề bảo vệ và phải thay đổi sau mỗi lần dùng; dùng kính bảo vệ mắt, đeo khẩu trang khi làm các phẫu thuật, thủ thuật.
- Tránh hồi sức miệng – miệng mà thay bằng các phương tiện hồi sức khác.
- Trong quá trình khám nghiệm tử thi tất cả bệnh nhân, các nhân viên cần phải mang quần áo bảo vệ.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Các biểu hiện ngoài da của HIV là gì? Khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu do nhiễm HIV thì sẽ rất dễ mắc phải các vấn đề về da gây phát ban, lở loét và các dạng tổn thương da khác.
Mặc dù y học đã có nhiều tiến bộ trong việc kiểm soát HIV và nguồn thông tin về loại virus này đã rất phổ biến nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng.
Các bước tiến trong phương pháp xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán và điều trị đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người nhiễm HIV.
Nhận biết những thay đổi bất thường trên móng tay, móng chân ở người nhiễm HIV sẽ rất có ích cho việc điều trị. Một số thay đổi là dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm HIV đã tiến triển sang giai đoạn cuối.
Cụm từ HIV/AIDS thường đi liền với nhau nên khiến nhiều người hiểu nhầm. Thực chất, HIV và AIDS là hai khái niệm khác nhau.