Bệnh mụn rộp có lây trong thời gian ủ bệnh không?
Nguyên nhân
Mụn rộp hay herpes là bệnh do một trong hai loại virus herpes simplex (HSV) gây ra:
- Virus herpes simplex loại 1 hay HSV-1: là nguyên nhân chính gây ra mụn rộp ở môi với triệu chứng là nổi mụn nước và vết loét xung quanh miệng. Chủng HSV này thường lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp (ví dụ như hôn) hoặc dùng chung các vật dụng như son dưỡng môi, dụng cụ ăn uống với người bệnh. HSV-1 cũng có thể gây mụn rộp sinh dục.
- Virus herpes simplex loại 2 hay HSV-2: chủ yếu gây mụn rộp sinh dục với triệu chứng là nổi mụn rộp và vết loét trên bộ phận sinh dục. HSV-2 thường lây truyền qua đường tình dục và cũng có thể lây nhiễm vào miệng và gây mụn rộp môi.
Cả mụn rộp môi và mụn rộp sinh dục đều có thời gian ủ bệnh nhất định.
Thời gian ủ bệnh là bao lâu?
Sau khi bị nhiễm HSV thì sẽ có một giai đoạn ủ bệnh. Đó là khoảng thời gian từ khi bị nhiễm virus cho đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Thời gian ủ bệnh khi nhiễm HSV-1 và HSV-2 là như nhau, từ 2 đến 12 ngày. Ở hầu hết các trường hợp thì triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khoảng từ 3 đến 6 ngày.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC thì phần lớn những người bị nhiễm HSV đều chỉ có các triệu chứng nhẹ đến mức không để ý hoặc bị nhầm là các vấn đề về da khác. Do đó mà bệnh mụn rộp có thể không bị phát hiện trong suốt nhiều năm liền.
Mụn rộp có thể lây trong thời gian ủ bệnh không?
Khả năng một người lây HSV cho người khác trong vòng vài ngày đầu tiên sau nhiễm virus là rất thấp. Nhưng vì còn có thời gian ủ bệnh và không phải lúc nào cũng xuất hiện triệu chứng ngay sau khi kết thúc ủ bệnh nên hầu hết mọi người đều không thể xác định được chính xác thời điểm bị nhiễm virus.
Vì không có triệu chứng nên nhiều người không biết mình đã bị nhiễm HSV và tiếp túc lây truyền sang người khác.
Giai đoạn không hoạt động của HSV
Khi bị bệnh mụn rộp thì người bệnh sẽ trải qua những giai đoạn có triệu chứng (được gọi là giai đoạn bùng phát) xen kẽ với những giai đoạn không có triệu chứng (giai đoạn virus không hoạt động). Vào giai đoạn bùng phát, các triệu chứng như nổi mụn nước và vết loét sẽ xuất hiện. Trung bình, mỗi người bị mụn rộp phải trải qua từ 2 đến 4 đợt bùng phát mỗi năm nhưng cũng có nhiều người không hề gặp phải triệu chứng nào trong suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, một khi đã bị nhiễm HSV thì virus có thể lây truyền ngay cả khi đang ở trong giai đoạn không hoạt động, không có mụn rộp và các triệu chứng khác. Mặc dù nguy cơ virus lây truyền trong khoảng thời gian này sẽ thấp hơn so với khi đang bùng phát triệu chứng nhưng không phải là không thể xảy ra. HSV cũng có thể lây khi đang trong quá trình điều trị.
Tóm tắt bài viết
Hiện tại chưa có cách chữa khỏi bệnh mụn rộp. Khi đã bị nhiễm HSV thì virus sẽ ở trong cơ thể vĩnh viễn và có thể lây sang người khác, ngay cả trong thời gian không hoạt động.
Sau khi kết luận là bệnh mụn rộp thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc kháng virus để làm giảm nguy cơ lây truyền. Kể cả khi không có triệu chứng thì cũng cần quan hệ tình dục an toàn bằng cách dùng bao cao su hoặc màng chắn miệng. Khi đang trong thời gian bùng phát triệu chứng thì phải tránh mọi sự tiếp xúc da và không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.
Đa phần herpes môi không phải vấn đề nghiêm trọng. Các mụn nước và vết loét sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, herpes ở môi có thể dẫn đến một số biến chứng.
HSV chủ yếu lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp với người mang virus. Bạn có thể bị lây mụn rộp ở miệng khi tiếp xúc với nốt mụn rộp hoặc dịch miệng (ví dụ như nước bọt) của người mắc bệnh.
Herpes là một bệnh vô cùng dễ lây nhưng khả năng bị nhiễm virus HSV khi ngồi trên bồn cầu là rất thấp vì khi ở bên ngoài cơ thể, virus chỉ sống được trong khoảng thời gian rất ngắn.
HSV-2 là một loại virus lây truyền qua đường tình dục và chủ yếu gây ra bệnh mụn rộp sinh dục (herpes sinh dục).
Những phụ nữ bị mụn rộp sinh dục và đang mang thai cần điều trị bằng liệu pháp ức chế virus nhằm giảm nguy cơ lây truyền virus sang con trong khi sinh và giảm khả năng phải sinh mổ.