Lỡ bóp mụn rộp môi có sao không?
Mụn rộp môi là gì?
Mụn rộp môi hay herpes môi là những nốt mụn nước nhỏ, mềm, có chứa dịch lỏng hình thành trên hoặc xung quanh môi. Các mụn nước này thường mọc theo cụm. Nhưng một khi chúng vỡ ra thì sẽ tạo thành một vết loét lớn.
Mụn rộp môi là do virus herpes simplex loại 1 (HSV-1) gây ra. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 67% dân số trên toàn thế giới bị nhiễm chủng virus này.
Khi đã bị nhiễm herpes thì virus sẽ tồn tại trong các tế bào thần kinh vĩnh viễn. Sau khi vào cơ thể, virus có thể không hoạt động và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ gây triệu chứng duy nhất một lần rồi không bao giờ tái phát nữa. Nhưng cũng có nhiều người phải trải qua những đợt bùng phát triệu chứng thường xuyên.
Những nốt mụn rộp xuất hiện trên mặt sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên chắc chắn nhiều người sẽ muốn bóp cho chúng vỡ ra và nhanh lành hơn. Tuy nhiên, tuyệt đối không được làm vậy.
Dưới đây là lý do tại sao và những phương pháp trị mụn rộp môi đúng cách.
Điều gì xảy ra khi bóp vỡ mụn rộp?
Sau khi hình thành, mụn rộp sẽ tự vỡ ra rồi tạo thành vết loét, đóng vảy và cuối cùng bong ra mà không để lại sẹo. Quá trình này diễn ra trong thời gian khoảng 2 tuần.
Việc cạy hay bóp mụn sẽ làm gián đoạn quá trình tự lành lại ở vùng tổn thương và dẫn đến một số vấn đề như:
- Hình thành thêm mụn rộp: Virus gây mụn rộp rất dễ lây lan. Một khi chất dịch ở bên trong nốt mụn chảy ra ngoài thì virus sẽ theo đó lan đến các khu vực của cơ thể và còn có thể lây sang người khác.
- Nhiễm trùng: Mụn nước vỡ ra sẽ trở thành vết thương hở, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và virus khác xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng. Điều này sẽ làm cho vết thương càng bị viêm loét nặng hơn và làm chậm quá trình lành lại.
- Hình thành sẹo: Mụn rộp thường không để lại sẹo khi tự vỡ nhưng việc nặn sẽ dẫn đến viêm nhiễm và dễ để lại sẹo hơn.
- Đau đớn: Bình thường mụn rộp vốn đã gây đau đớn. Việc bóp sẽ gây kích ứng và càng đau đớn dữ dội hơn, đặc biệt là khi bị nhiễm trùng.
Nếu hệ miễn dịch bị suy yếu do còn có các vấn đề sức khỏe khác hoặc đang trong quá trình điều trị một số bệnh thì nguy cơ xảy ra những vấn đề nghiêm trọng khi bóp mụn rộp sẽ càng cao hơn.
Nếu đang bị một vấn đề về da khiến da có vết nứt hoặc vết trầy xước, chẳng hạn như bệnh viêm da cơ địa hoặc bệnh vẩy nến thì HSV từ nốt mụn rộp sẽ dễ dàng xâm nhập vào những vết thương hở này và dẫn đến những vấn đề như bệnh chín mé do herpes và viêm giác mạc do herpes.
Điều trị mụn rộp môi đúng cách
Có nhiều biện pháp để đẩy nhanh quá trình lành mụn rộp như:
- Bôi thuốc trị mụn rộp: Nên bôi ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên của mụn rộp, chẳng hạn như nóng, ngứa hay châm chích. Điều này sẽ giúp triệu chứng nhanh khỏi hơn. Có thể mua thuốc bôi trị mụn rộp tại hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Chọn những loại thuốc có thành phần benzyl alcohol hoặc docosanol.
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn: Nếu mụn rộp và vết loét gây đau thì có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen.
- Chườm lạnh: Bọc túi nước đá trong khăn sạch hoặc dùng túi chườm áp lên vùng bị tổn thương. Cách này giúp giảm đau, giảm ngứa, sưng đỏ và cảm giác nóng rát mà mụn rộp gây ra.
- Dưỡng ẩm: Khi vết loét bắt đầu đóng vảy thì hãy thoa một chút sáp dầu (Vaseline), kem dưỡng ẩm dịu nhẹ hoặc son dưỡng môi để làm mềm vảy và giảm tình trạng khô, nứt nẻ.
- Dùng thuốc kháng virus: Nếu thường xuyên bị nổi mụn rộp thì nên đến gặp bác sĩ để được kê thuốc kháng virus đường uống hoặc thuốc bôi. Những loại thuốc này giúp mụn rộp nhanh lành hơn. Một số loại thuốc gồm có acyclovir (Zovirax), valacyclovir (Valtrex), penciclovir (Denavir) và famciclovir (Famvir).
- Rửa tay thường xuyên: Để tránh lây lan virus thì cố gắng không đụng vào nốt mụn rộp. Sau khi bôi thuốc thì phải rửa tay ngay để virus không lây lan sang vị trí khác của cơ thể và sang người khác.
Bao lâu thì mụn rộp sẽ khỏi?
Tốc độ mụn rộp môi lành lại ở mỗi người là khác nhau nhưng thông thường, nếu không điều trị thì mụn rộp sẽ biến mất trong vòng từ vài ngày đến 2 tuần. Nếu quá 15 ngày mà vùng tổn thương vẫn chưa lành hẳn hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch do những nguyên nhân như đang điều trị ung thư, dùng thuốc ức chế miễn dịch hay bị HIV/AIDS thì cần đi khám bác sĩ.
HSV-2 là một loại virus lây truyền qua đường tình dục và chủ yếu gây ra bệnh mụn rộp sinh dục (herpes sinh dục).
Sau khi bị nhiễm HSV thì sẽ có một giai đoạn ủ bệnh. Đó là khoảng thời gian từ khi bị nhiễm virus cho đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Da đột nhiên nổi mẩn và đi kèm hiện tượng đau rát, ngứa ngáy khiến nhiều người lo lắng không biết liệu đó có phải là dấu hiệu của bệnh herpes hay không. Mặc dù đây đúng là những biểu hiện của bệnh herpes nhưng ngoài ra còn có nhiều vấn đề khác cũng gây ra biểu hiện tương tự.