1

Abatacept: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Abatacept được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp ở người trưởng thành, viêm khớp tự phát thiếu niên và viêm khớp vảy nến ở người trưởng thành.
Abatacept: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ Abatacept: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cảnh báo quan trọng

  • Tiêm vắc xin sống: Người bệnh không nên tiêm vắc xin sống giảm độc lực trong thời gian sử dụng abatacept và trong ít nhất 3 tháng sau khi ngừng thuốc. Abatacept làm suy giảm hệ miễn dịch nên hệ miễn dịch sẽ không thể phản ứng một cách bình thường sau khi tiêm vắc xin sống. Điều này có thể dẫn đến mắc bệnh sau khi tiêm vắc xin.
  • Bệnh lao: Hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh bị bệnh lao (TB) hoặc xét nghiệm tiêm dưới da xác định lao cho kết quả dương tính hoặc gần đây mới tiếp xúc gần với người bị bệnh lao. Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm bệnh lao trước khi sử dụng abatacept. Các triệu chứng thường gặp của bệnh lao gồm có:
    • Ho kéo dài dai dẳng
    • Sụt cân
    • Sốt
    • Đổ mồ hôi vào ban đêm
  • Viêm gan B tái hoạt động: Ở những người bị bệnh viêm gan B tiềm ẩn, sử dụng abatacept có thể khiến cho virus viêm gan B tái hoạt động. Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm viêm gan B trước và trong thời gian điều trị bằng loại thuốc này.

Abatacept là thuốc gì?

Abatacept là một loại thuốc kê đơn có dạng dung dịch lỏng được sử dụng theo hai cách:

  • Tiêm dưới da: thuốc có dạng bơm tiêm chứa sẵn thuốc. Người bệnh có thể tự tiêm thuốc tại nhà sau khi được nhân viên y tế hướng dẫn cách tiêm.
  • Truyền tĩnh mạch: thuốc có dạng bột được đựng trong lọ dùng một lần. Bột thuốc được trộn với dung dịch và truyền qua đường tĩnh mạch. Người bệnh phải đến cơ sở y tế để truyền thuốc.

Abatacept hiện chỉ có dạng biệt dược là Orencia chứ không có dạng thuốc gốc.*

Chỉ định

Abatacept được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp ở người trưởng thành, viêm khớp tự phát thiếu niên và viêm khớp vảy nến ở người trưởng thành.

Cơ chế tác dụng

Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp tự phát thiếu niên và viêm khớp vảy nến là những bệnh tự miễn xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào bình thường của cơ thể. Điều này gây viêm và sưng đau khớp. Abatacept thuộc nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD). Các loại thuốc trong nhóm này làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, nhờ đó ngăn hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh, giúp giảm viêm và sưng đau khớp, đồng thời ngăn xương và khớp bị tổn thương thêm.

Cách sử dụng thuốc

Mặc dù abatacept còn có thể được sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch nhưng bài viết này sẽ chỉ tập trung vào dạng tiêm.

Dạng thuốc, liều dùng và tần suất sử dụng thuốc thực tế sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi tác của người bệnh
  • Mục đích sử dụng thuốc
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
  • Các bệnh lý khác đang mắc
  • Phản ứng với liều đầu tiên

Dạng bào chế và hàm lượng

Biệt dược: Orencia

Dạng bào chế: Dung dịch lỏng để tiêm dưới da

  • Hình thức: bút tiêm tự động
  • Hàm lượng: 125 mg/mL
  • Hình thức: bơm tiêm chứa sẵn thuốc đơn liều
  • Hàm lượng: 50 mg/0,4 ml, 87,5 mg/0,7 ml và 125 mg/ml

Dưới đây là các mức liều dùng áp dụng cho abatacept dạng tiêm dưới da. Liều dùng thuốc khi truyền tĩnh mạch khác với dạng tiêm dưới da.

Liều dùng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp ở người lớn

Liều dùng thông thường là 125 mg, tiêm một lần mỗi tuần.

Liều dùng để điều trị bệnh viêm khớp vảy nến

Liều dùng cho người lớn (18 64 tuổi)

Liều dùng thông thường là 125 mg, tiêm một lần mỗi tuần.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 17 tuổi)

Abatacept không được sử dụng để điều trị viêm khớp vảy nến ở người dưới 18 tuổi.

Liều dùng để điều trị bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên

Liều dùng cho trẻ từ 2 – 17 tuổi

Liều dùng được xác định dựa trên khối lượng cơ thể. Thuốc thường được tiêm một lần mỗi tuần.

  • Đối với trẻ nặng từ 10kg – 25kg: Liều thông thường là 50 mg.
  • Đối với trẻ nặng từ 25 kg đến dưới 50 kg: Liều thông thường là 87,5 mg.
  • Đối với trẻ nặng từ 50 kg trở lên: Liều thông thường là 125 mg.

Liều dùng cho trẻ từ 0 - 1 tuổi

Abatacept dạng tiêm dưới da chưa được nghiên cứu ở trẻ dưới 2 tuổi.

Dùng thuốc theo đúng chỉ định

Cả bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm khớp tự phát thiếu niên và viêm khớp vảy nến đều là những bệnh mạn tính nên người bệnh sẽ phải sử dụng các loại thuốc điều trị như abatacept về lâu dài. Người bệnh phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc không theo đúng chỉ định có thể gây ra những vấn đề không mong muốn.

Nếu hoàn toàn không dùng thuốc: Nếu không dùng thuốc, các triệu chứng của bệnh sẽ không được kiểm soát và ngày càng trầm trọng thêm. Các khớp và xương có thể bị hỏng vĩnh viễn.

Nếu dùng thuốc không đều hoặc không đúng lịch: Điều quan trọng là phải tiêm thuốc đều đặn đúng lịch thì thuốc mới có hiệu quả tối ưu. Nếu không tiêm thuốc đúng lịch, tình trạng bệnh sẽ không được kiểm soát tốt và các triệu chứng cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Nếu ngừng dùng thuốc: Nếu ngừng dùng thuốc, các triệu chứng sẽ tái phát hoặc trở nên nặng hơn.

Cần làm gì nếu quên tiêm thuốc? Người bệnh cần tiêm thuốc mỗi tuần một lần. Nếu quên tiêm thuốc, hãy tiêm càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Nhưng nếu đã gần đến giờ tiêm liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và tiêm liều tiếp theo như bình thường. Không tiêm liều tiếp theo sớm lên hoặc tiêm hai liều cùng lúc.

Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu các triệu chứng bệnh thuyên giảm thì có nghĩa là thuốc có hiệu quả. Khớp sẽ bớt sưng đau và cứng, người bệnh sẽ có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày dễ dàng hơn.

Tác dụng phụ của abatacept

Abatacept không gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.

Tác dụng phụ phổ biến

Các tác dụng phụ phổ biến của abatacept gồm có:

  • Đau đầu
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên
  • Đau họng
  • Buồn nôn

Nếu những tác dụng phụ này chỉ ở mức độ nhẹ thì thường sẽ tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì người bệnh cần báo cho bác sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh gặp tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian điều trị bằng abatacept. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu như các triệu chứng có vẻ nguy hiểm. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của abatacept và các triệu chứng gồm có:

  • Nhiễm trùng (mắc mới hoặc tình trạng nhiễm trùng hiện tại trở nên nặng thêm), gồm có nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng đường tiết niệu. Các triệu chứng nhiễm trùng gồm có:
    • Sốt
    • Ớn lạnh
    • Mệt mỏi
    • Ho
    • Các triệu chứng giống như cúm
    • Da nóng đỏ, sưng tấy và chạm lên thấy đau
  • Phản ứng dị ứng. Các triệu chứng gồm có:
    • Da mẩn đỏ
    • Sưng mặt, mí mắt, môi hoặc lưỡi
    • Sưng lưỡi, cổ họng, khó thở
  • Ung thư: Đã có báo cáo về một số trường hợp sử dụng abatacept bị ung thư. Nhưng chưa rõ loại thuốc này có phải là nguyên nhân gây ung thư hay không.

Tương tác thuốc

Abatacept có thể tương tác với các loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược mà người bệnh đang dùng. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hoạt động của thuốc trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Trước khi bắt đầu sử dụng abatacept, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng để tránh xảy ra tương tác thuốc.

Dưới đây là một số loại thuốc và vắc xin có thể tương tác với abatacept.

Thuốc sinh học

Abatacept là một loại thuốc sinh học. Người bệnh sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng cao hơn nếu dùng abatacept cùng với các loại thuốc sinh học khác để điều trị bệnh viêm khớp. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • infliximab
  • etanercept
  • adalimumab

Vắc xin sống

Không tiêm vắc xin sống giảm độc lực trong thời gian sử dụng abatacept và ít nhất 3 tháng sau khi ngừng thuốc. Vắc xin sống giảm độc lực có chứa virus đã được làm suy yếu. Do abatacept làm suy yếu hệ miễn dịch nên hệ miễn dịch sẽ không thể bảo vệ cơ thể khỏi virus sau khi tiêm vắc xin. Ví dụ về các loại vắc-xin sống giảm độc lực gồm có:

  • Vắc xin phòng cúm dạng xịt mũi
  • Vắc xin phòng sởi, quai bị và rubella
  • Vắc-xin phòng thủy đậu

Cảnh báo về abatacept

Abatacept có một số cảnh báo.

Dị ứng

Abatacept có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:

  • Sưng cổ họng hoặc lưỡi
  • Khó thở
  • Nổi mề đay

Nếu người bệnh gặp những triệu chứng này khi sử dụng sulfasalazine, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Không được tiếp tục dùng abatacept nếu đã từng bị dị ứng với loại thuốc này. Tiếp tục dùng thuốc khi đã bị dị ứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cảnh báo đối với người mắc một số bệnh lý nhất định

Đối với người bị nhiễm trùng: Abatacept có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng. Nếu người bệnh đang bị nhiễm trùng, bất kể là nhiễm trùng nhẹ như nhiễm trùng vết thương hay nhiễm trùng toàn thân như cảm cúm thì cũng cần cần phải cho bác sĩ biết.

Đối với người mắc bệnh lao: Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu bị bệnh lao phổi, xét nghiệm tiêm dưới da xác định lao cho kết quả dương tính hoặc gần đây mới tiếp xúc gần với người bị bệnh lao. Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm lao trước khi sử dụng abatacept. Ở những người mắc bệnh lao, sử dụng abatacept có thể khiến cho bệnh lao nặng hơn và không thể kiểm soát được. Điều này có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng của bệnh lao gồm có:

  • Ho dai dẳng
  • Sụt cân
  • Sốt
  • Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm

Đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Ở những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), sử dụng abatacept có thể khiến cho bệnh tái phát và khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, ví dụ như khó thở và ho.

Đối với người bị viêm gan B: Ở những người bị bệnh viêm gan B tiềm ẩn, sử dụng abatacept có thể khiến cho virus viêm gan B tái hoạt động. Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm viêm gan B trước và trong thời gian điều trị bằng loại thuốc này.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

Đối với phụ nữ mang thai: Hiện chưa có nghiên cứu về việc sử dụng abatacept ở phụ nữ mang thai nên chưa rõ sử dụng thuốc trong thời gian mang thai có an toàn hay không. Nếu đang mang thai hoặc dự định có thai thì người bệnh cần cho bác sĩ biết trước khi kê thuốc để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp. Nói chung, chỉ nên sử dụng abatacept trong thời gian mang thai khi lợi ích lớn hơn rủi ro.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Do chưa có nghiên cứu được thực hiện trên phụ nữ đang cho con bú nên chưa rõ abatacept có đi vào sữa mẹ hay không. Nếu có thì thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh bú mẹ. Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu đang cho con bú để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.

Lưu ý quan trọng khi dùng abatacept

Bảo quản thuốc

  • Abatacept cần được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2°C - 8°C (36°F - 46°F). Không để thuốc trong ngăn đông.
  • Để thuốc trong hộp đựng gốc. Tránh để thuốc ở nơi có ánh sáng chiếu.

Mang thuốc theo khi đi xa

  • Nếu phải đi xa trong khoảng thời gian tiêm thuốc, người bệnh cần mang thuốc theo. Bơm tiêm abatacept cần được bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C - 8°C (36°F - 46°F) cho đến khi sử dụng. Không đông lạnh thuốc.
  • Do phải sử dụng bơm kim tiêm để tiêm abatacept nên trước khi đi máy bay, hãy tìm hiểu về quy định của hãng bay về việc mang theo bơm kim tiêm trong hành lý.
  • Để thuốc trong hành lý xách tay. Không để trong hành lý ký gửi.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
  • Để thuốc trong hộp đựng gốc còn nguyên nhãn để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.

Cách tiêm thuốc

Người bệnh có thể tự tiêm thuốc tại nhà hoặc nhờ người thân tiêm hộ. Người bệnh và người nhà sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn cách tiêm thuốc. Cần tiêm thuốc đúng theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn.

Nên thay đổi vị trí tiêm mỗi lần tiêm. Có thể tiêm thuốc ở đùi hoặc bụng. Không tiêm thuốc ở những vùng da đang bị tổn thương, nhạy cảm, bầm tím, sưng đỏ hoặc có sẹo.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cimzia (certolizumab) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng cho người lớn để điều trị bệnh vảy nến thể mảng, bệnh Crohn và một số loại viêm khớp, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.

Flurbiprofen dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Flurbiprofen dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Flurbiprofen có dạng viên uống và dạng thuốc nhỏ mắt. Flurbiprofen dạng viên nén được sử dụng để điều trị các triệu chứng thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.

Golimumab: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Golimumab: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Golimumab là một loại thuốc tiêm được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp và viêm loét đại tràng.

Actemra: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Actemra: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Actemra là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm động mạch tế bào khổng lồ, bệnh phổi kẽ, viêm khớp vô căn thiếu niên thể đa khớp và một số bệnh khác.

Sulfasalazine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Sulfasalazine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Sulfasalazine là thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp ở người lớn, viêm khớp dạng thấp thiếu niên và viêm loét đại tràng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây