6 yếu tố nguy cơ lạc nội mạc tử cung
Nội dung chính của bài viết
- Tiền sử gia đình, chu kỳ kinh nguyệt nhiều, kinh nguyệt trào ngược là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung.
- Ngoài ra, vấn đề tuổi tác, vấn đề ở hệ miễn dịch hay từng phẫu thuật vùng chậu cũng là những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ gây bệnh này.
- Biết được các yếu tố làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung có thể giúp phụ nữ giảm thiểu được rủi ro và có kế hoạch đi khám định kỳ để phát hiện bệnh ngay từ sớm.
Giới thiệu
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mà mô niêm mạc tử cung (lớp mô ở bề mặt bên trong của tử cung) phát triển ở những nơi khác trên khắp cơ thể mà phổ biến nhất là ở vùng chậu.
Triệu chứng của lạc nội mạc tử cung ở mỗi người là khác nhau. Một số phụ nữ phải trải qua những cơn đau đớn dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày trong khi có những người lại không hề gặp phải triệu chứng nào cả.
Theo thống kê, hơn 11% phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44 bị lạc nội mạc tử cung. Mặc dù bệnh lý phụ khoa này có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh sản nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố nguy cơ
1. Tiền sử gia đình
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lạc nội mạc tử cung có thể di truyền. Nếu có người thân trong gia đình bị lạc nội mạc tử cung thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao gấp 7 đến 10 lần so với những người không có tiền sử gia đình bị bệnh.
Lạc nội mạc tử cung thường chủ yếu di truyền qua các thế hệ trong gia đình ruột thịt (bà, mẹ và các con gái). Nhưng nếu có người thân trong họ hàng ví dụ như chị em họ bị lạc nội mạc tử cung thì cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
2. Đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt
Càng có kinh nguyệt nhiều thì nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung sẽ càng cao. Cụ thể, nguy cơ mắc bệnh này tăng cao hơn bình thường ở những phụ nữ:
- Mỗi kỳ kinh cách nhau dưới 28 ngày
- Bắt đầu có kinh nguyệt lần đầu tiên trước 12 tuổi
- Mỗi kỳ kinh kéo dài từ 7 ngày trở lên
Mang thai sẽ tạm thời chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt, do đó làm giảm số lần có kinh và giảm nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung. Ở những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung và mang thai thành công thì các triệu chứng thường giảm đi hoặc biến mất trong thai kỳ nhưng sẽ quay trở lại sau khi sinh.
3. Kinh nguyệt trào ngược
Một trong những giả thuyết về nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung là kinh nguyệt trào ngược – tình trạng mà kinh nguyệt không thoát ra ngoài ra âm đạo mà chảy ngược qua ống dẫn trứng vào vùng chậu.Những mảng mô niêm mạc tử cung trong máu kinh sẽ bám vào nhiều vị trí khác nhau trong vùng chậu. Do đó mà những vấn đề làm tăng, chặn hoặc chuyển hướng dòng chảy kinh sẽ làm tăng nguy cơ cơ lạc nội mạc tử cung, ví dụ như:
- Tăng sản xuất estrogen
- Những khối u lành trong tử cung, ví dụ như u xơ hoặc polyp
- Bất thường trong cấu trúc của tử cung, cổ tử cung hoặc âm đạo
- Tắc nghẽn trong cổ tử cung hoặc âm đạo
- Rối loạn co thắt tử cung
4. Vấn đề ở hệ miễn dịch
Những vấn đề bất thường ở hệ miễn dịch có thể góp phần làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung. Nếu hệ miễn dịch suy yếu thì sẽ không thể phát hiện ra và tiêu diệt những mô niêm mạc tử cung phát triển sai vị trí. Điều này sẽ dẫn đến các vấn đề như tổn thương, viêm và hình thành sẹo.
5. Từng phẫu thuật ở vùng chậu
Trong một số quy trình phẫu thuật được thực hiện ở vùng chậu như sinh mổ hoặc cắt tử cung, mô niêm mạc tử cung có thể bị đưa đến những vị trí khác, ví dụ như quanh vết mổ.
Nếu những mô này không bị hệ miễn dịch phát hiện ra và phá hủy thì sẽ dẫn đến lạc nội mạc tử cung.
6. Tuổi tác
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý có liên quan đến tế bào niêm mạc tử cung nên bất kỳ phụ nữ nào có kinh nguyệt đều có thể gặp phải vấn đề này. Mặc dù vậy nhưng lạc nội mạc tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi 20 và 30.
Một trong những giả thuyết được đưa ra để lý giải cho điều này là 20 đến 30 là độ tuổi mà đa số phụ nữ lập gia đình và sinh con nên sẽ dễ phát hiện ra vô sinh – một trong những triệu chứng chính của lạc nội mạc tử cung. Nhiều phụ nữ không hề có triệu chứng đau đớn khi đến kỳ kinh nguyệt nên chỉ phát hiện ra lạc nội mạc tử cung khi đi khám do cố gắng trong thời gian dài mà không thể thụ thai.
Biện pháp giảm nguy cơ
Vì đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lạc nội mạc tử cung nên rất khó để phòng ngừa.
Tuy nhiên, phụ nữ có thể giảm nguy cơ bằng cách giảm lượng estrogen trong cơ thể.
Một trong những chức năng của estrogen là làm dày niêm mạc tử cung. Nồng độ estrogen càng cao thì niêm mạc tử cung càng dày và càng ra nhiều máu khi đến kỳ kinh nguyệt mà kinh nguyệt ra nhiều là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung.
Để cân bằng nồng độ hormone và duy trì mức estrogen ở mức thấp hoặc bình thường thì cần giữ cho cơ thể ở trạng thái khỏe mạnh bằng những cách như:
- Tập thể dục thường xuyên
- Ăn những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và tránh những thực phẩm gây hại
- Hạn chế đồ uống có cồn và caffeine
Nếu đang dùng thuốc tránh thai thì nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc chuyển sang một loại có chứa ít estrogen hơn.
Mặc dù các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung ở mỗi phụ nữ là khác nhau nhưng có rất nhiều cách để giảm bớt các cơn đau.
Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo là một trong những loại lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng và gây đau đớn nhất.
Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là dạng ít gặp hơn nhiều so với các dạng lạc nội mạc tử cung khác.
Cắt đốt nội mạc tử cung là một trong những giải pháp điều trị kinh nguyệt ra nhiều (cường kinh) và không thể kiểm soát được bằng thuốc.
Lạc nội mạc tử cung có triệu chứng điển hình là đau vùng chậu hay đau bụng dưới và thắt lưng, gây cản trở công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.