1

5 loại viêm khớp thường xảy ra ở vai

Vai là một trong những bộ phận chuyển động nhiều nhất trên cơ thể và vì lý do này nên khớp vai có nguy cơ bị viêm và hao mòn cao hơn so với nhiều khớp khác. Có nhiều loại viêm khớp khác nhau có thể xảy ra ở vai, mỗi loại là do nguyên nhân khác nhau gây nên nhưng điểm chung là đều gây đau nhức và giảm khả năng chuyển động của khớp.
5 loại viêm khớp thường xảy ra ở vai 5 loại viêm khớp thường xảy ra ở vai

Theo Học viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (the American Academy of Orthopaedic Surgeons - AAOS), 5 loại viêm khớp xảy ra phổ biến nhất ở vai là viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm khớp sau chấn thương, hoại tử vô mạch và viêm khớp do rách cơ chóp xoay.

Viêm khớp dạng thấp

Một loại viêm khớp rất phổ biến ở vai là viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Đây là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm mô khớp, khiến cho khớp bị viêm. Bệnh viêm khớp dạng thấp thường có tính đối xứng, có nghĩa là xảy ra ở các khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể. Những người bị viêm khớp dạng thấp ở vai thường có triệu chứng ở cả hai vai. Các triệu chứng thường gặp của viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Sưng, đau và nóng ở khớp
  • Cứng khớp vai, khó cử động, đặc biệt là vào buổi sáng
  • Nốt thấp khớp – những cục cứng hình thành dưới da ở những vị trí phải chịu áp lực như khuỷu tay, khớp ngón tay hoặc khớp vai
  • Mệt mỏi, sụt cân hoặc sốt

Ngoài vai, viêm khớp dạng thấp còn có thể xảy ra ở bàn tay, cổ tay, bàn chân và nhiều vị trí khác trên cơ thể.

Ở người bị viêm khớp dạng thấp, tình trạng viêm xảy ra ở niêm mạc khớp, khiến cho khớp bị sưng, đau và cứng. Nếu không được điều trị, viêm khớp dạng thấp sẽ dần dần gây mòn đầu xương vai và biến dạng khớp vai theo thời gian.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp (osteoarthritis) là dạng viêm khớp phổ biến nhất và xảy ra do sự hao mòn sụn trong khớp. Khi không còn sụn, hai đầu xương trong khớp sẽ cọ xát với nhau, gây đau đớn, cứng khớp và giảm khả năng cử động của khớp.

Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở khớp vai cũng như nhiều khớp khác trên cơ thể như đầu gối, bàn tay và hông. Theo AAOS, người trên 50 tuổi có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn.

Cơn đau do thoái hóa khớp thường tăng lên mỗi khi cử động.

Nếu không được điều trị, bệnh thoái hóa khớp sẽ ngày càng trở nên trầm trọng, gây yếu cơ, mất ổn định khớp và mất khả năng vận động.

Viêm khớp sau chấn thương

Khi bị gãy xương hoặc trật khớp vai, người bệnh có nguy cơ mắc phải một dạng viêm khớp gọi là viêm khớp sau chấn thương (post-traumatic arthritis). Thông thường, khớp bị viêm sau chấn thương có thể tự phục hồi nhưng tình trạng này có thể trở thành mạn tính nếu các triệu chứng kéo dài trên 6 tháng.

Nếu viêm khớp sau chấn thương không được điều trị, xương bên trong khớp có thể cứng lại và biến dạng.

Hoại tử vô mạch

Mặc dù đa phần xảy ra ở hông nhưng hoại tử vô mạch (hay còn được gọi là hoại tử xương) có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào trong cơ thể. Tình trạng này xảy ra khi xương không được cung cấp đủ máu và các tế bào xương bị chết đi. Theo thời gian, xương dần dần bị xẹp xuống, làm tổn thương lớp sụn bao bọc ở đầu xương và dẫn đến viêm khớp.

Hoại tử vô mạch làm gián đoạn sự lưu thông máu đến đầu xương cánh tay và điều này có thể dẫn đến viêm khớp vai.

Có nhiều nguyên nhân gây hoại tử vô mạch, ví dụ như lạm dụng steroid, uống quá nhiều rượu, chấn thương và bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm. Trong một số trường hợp, hoại tử vô mạch xảy ra mà không rõ nguyên nhân. Loại hoại tử vô mạch này được gọi là hoại tử vô mạch vô căn.

Nếu không được điều trị, tình trạng hoại tử vô mạch sẽ tiến triển, gây tổn thương và đau xương nghiêm trọng, có thể phải can thiệp điều trị bằng phẫu thuật.

Viêm khớp vai do rách chóp xoay

Chóp xoay vai nối bả vai với xương cánh tay thông qua các gân và cơ. Chấn thương chóp xoay vai là một vấn đề rất phổ biến và có thể dẫn đến viêm khớp. Dạng viêm khớp này được gọi là viêm khớp do rách chóp xoay.

Khi chóp xoay bị rách, khớp vai sẽ bị mất tính ổn định và khả năng cử động. Nếu chóp xoay không thể lành lại hoặc nếu vết rách quá lớn, sụn và xương sẽ bị tổn thương, dẫn đến viêm khớp vai do rách chóp xoay.

Loại viêm khớp vai đặc biệt này gây đau và giảm khả năng cử động nghiêm trọng nếu không được điều trị. Khi bị viêm khớp vai do rách chóp xoay, người bệnh sẽ không thể giơ cánh tay lên cao.

Chẩn đoán viêm khớp vai

Dấu hiệu đầu tiên của viêm khớp vai là đau. Loại cơn đau, mức độ, phạm vi đau và thời gian bị đau là khác nhau. Ví dụ, một số người bị đau sâu ở khớp vai, trong khi một số khác lại bị đau lan rọng đến một bên cổ.

Cử động vai khó khăn cũng là một triệu chứng điển hình của viêm khớp vai. Đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm khớp vai đã trở nên nặng hơn.

Nếu bạn bị chấn thương nặng ở vùng vai hoặc khớp vai bị cứng hoặc đau kéo dài dai dẳng ở vai thì nên đi khám. Đầu tiên, bác sĩ thường sẽ đánh giá cơn đau, tình trạng yếu cơ và phạm vi chuyển động của khớp.

Sau đó, bạn sẽ phải chụp X-quang để bác sĩ kiểm tra tình trạng xương.

Cuối cùng, bác sĩ có thể sẽ tiêm thuốc gây tê tại chỗ vào khớp bị đau. Nếu cơn đau tạm thời thuyên giảm thì có khả năng là viêm khớp.

Khi nào cần đi khám?

Tình trạng đau và cứng khớp do viêm khớp vai sẽ trở nên trầm trọng hơn theo thời gian nếu như không được điều trị. Do đó, khi nhận thấy các triệu chứng thì không được bỏ qua mà phải đi khám ngay. Điều trị sớm sẽ dễ dàng hơn và giúp ngăn ngừa hỏng khớp vĩnh viễn. Có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm các triệu chứng viêm khớp vai và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Điều trị viêm khớp vai

Các loại viêm khớp xảy ra ở vai đều có thể điều trị được. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào loại viêm khớp, triệu chứng và mức độ tiến triển của bệnh. Các phương pháp điều trị chính gồm có:

  • Vật lý trị liệu để cải thiện phạm vi chuyển động của khớp vai
  • Chườm nóng hoặc lạnh: thực hiện vài lần một ngày, mỗi lần 20 đến 30 phút. Cách này giúp giảm viêm và sưng đau.
  • Duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ít đường, ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (như nước ngọt và thực phẩm chế biến sẵn) vì những loại thực phẩm này sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng và tình trạng viêm ở khớp.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen để giảm viêm và đau.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm, chẳng hạn như methotrexate để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Tiêm corticoid, chẳng hạn như cortisone trực tiếp vào vai để tạm thời làm giảm viêm và đau.

Đôi khi, viêm khớp vai cần điều trị bằng phẫu thuật. Tùy thuộc vào loại viêm khớp và mức độ nghiêm trọng, các loại phẫu thuật để điều trị viêm khớp vai gồm có:

  • Nội soi khớp: Viêm khớp nhẹ có thể được điều trị bằng thủ thuật nội soi khớp. Bác sĩ sẽ rạch các đường nhỏ trên da và đưa ống nội soi vào “làm sạch” khớp. Camera ở đầu ống nội soi sẽ giúp bác sĩ quan sát bên trong khớp. Thủ thuật này giúp giảm đau do viêm khớp.
  • Phẫu thuật thay khớp: Loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khớp vai bị hỏng do viêm và thay bằng khớp nhân tạo.
  • Cắt bỏ khớp: Bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ khớp khi các giải pháp khác đều không khả thi. Đầu xương cánh tay hoặc các bộ phận giả khác đã được lắp trước đó sẽ bị tháo bỏ, nguyên nhân thường là do nhiễm trùng hoặc ca phẫu thuật trước đó không thành công.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Viêm khớp tự phát thiếu niên là gì?
Viêm khớp tự phát thiếu niên là gì?

Viêm khớp tự phát thiếu niên, hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên, là loại viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ em. Viêm khớp là một tình trạng với các triệu chứng đặc trưng là cứng, sưng và đau ở các khớp.

Điều Trị Viêm Khớp Bằng Dầu Cá Và Omega-3 (EPA Và DHA)
Điều Trị Viêm Khớp Bằng Dầu Cá Và Omega-3 (EPA Và DHA)

Điều trị viêm khớp bằng dầu cá và omega-3 (EPA và DHA). Nhờ tác dụng giảm viêm nên dầu cá có lợi cho những người bị bệnh viêm khớp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây