5 cách giảm nguy cơ biến chứng khi bị suy tim trái
Suy tim và biến chứng có thể xảy ra
Suy tim làm tăng nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác, trong đó có tổn thương thận và gan. Nó cũng có thể dẫn đến nhịp tim bất thường hoặc các vấn đề về van tim.
Khi được chẩn đoán suy tim, điều đó có nghĩa là tim không còn bơm máu hiệu quả như trước. Suy tim có thể khởi phát ở bên trái hoặc bên phải của tim.
Có nhiều loại suy tim khác nhau, nhưng suy tim bên trái phổ biến hơn, bao gồm suy tim tâm thu và suy tim tâm trương. Cả hai loại này đều làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng tương tự nhau, chẳng hạn như suy tim bên trái thường dẫn đến suy tim bên phải.
Nếu phải sống chung với suy tim, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng liên quan, bắt đầu từ việc tuân thủ kế hoạch điều trị và thay đổi lối sống lành mạnh.
Hãy đọc tiếp để tìm hiểu thêm về cách giảm nguy cơ gặp phải biến chứng và các mẹo đơn giản để kiểm soát suy tim.
Tuân thủ kế hoạch điều trị
Một trong những cách quan trọng nhất để giảm nguy cơ biến chứng do suy tim là lên kế hoạch và duy trì kế hoạch điều trị do bác sĩ chỉ định.
Khi tình trạng bệnh được quản lý tốt, nguy cơ bệnh tiến triển nặng sẽ giảm đi. Bạn cũng sẽ cảm thấy khoẻ mạnh hơn khi dùng thuốc đúng theo hướng dẫn và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, vấn đề nhớ uống thuốc hàng ngày hoặc quản lý chi phí điều trị vẫn còn rất quan ngại. Theo một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine, chỉ 52% trong số 178.102 bệnh nhân suy tim tại Hoa Kỳ uống thuốc đều đặn.
Nếu bạn gặp khó khăn về tài chính, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm các phương pháp điều trị thay thế ít tốn kém hơn. Nếu hay quên uống thuốc đúng giờ, bạn có thể đặt báo thức hàng ngày hoặc nhờ người thân nhắc nhở.
Sử dụng ứng dụng quản lý sức khỏe
Quản lý tình trạng suy tim có thể khá phức tạp, nhưng các ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể hỗ trợ bạn theo dõi liệu trình thuốc, lịch hẹn, triệu chứng và tình trạng sức khỏe tinh thần.
Hiệp hội Suy Tim Hoa Kỳ cung cấp một ứng dụng miễn phí mang tên Heart Failure Storylines, và còn nhiều ứng dụng khác để bạn có thể lựa chọn.
Một nghiên cứu năm 2018 tổng hợp 18 báo cáo trước đó về các ứng dụng di động hỗ trợ bệnh nhân suy tim đã cho thấy những ứng dụng này rất hữu ích trong việc giúp người bệnh cải thiện tình trạng sức khỏe và tiết kiệm chi phí.
Chế độ ăn tốt cho sức khỏe tim mạch
Việc chọn lựa thực phẩm tốt cho tim là một phần quan trọng trong quản lý suy tim. Bác sĩ có thể gợi ý bạn nên gặp chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một kế hoạch ăn uống phù hợp.
Hai chế độ ăn uống thường được khuyến nghị cho bệnh nhân suy tim là:
- DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension): Giúp kiểm soát huyết áp.
- Chế độ ăn Địa Trung Hải: Hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Một đánh giá năm 2017 cho thấy chế độ ăn DASH hoặc chế độ ăn Địa Trung Hải có thể mang lại lợi ích lớn cho người suy tim như cải thiện chức năng tim.
Nếu không muốn tuân theo chế độ ăn cụ thể, bạn có thể tập trung vào việc lựa chọn tiêu thụ những thực phẩm lành mạnh. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị nên thực hiện một số nguyên tắc quan trọng như:
- Giảm: Natri, chất béo bão hòa, cholesterol và đường. Tốt nhất là không tiêu thụ chất béo chuyển hoá (chất béo trans).
- Tăng cường: Rau củ, trái cây, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Chọn các sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo.
Trao đổi với bác sĩ và bắt đầu kế hoạch tập thể dục
Bác sĩ có thể khuyến nghị tập thể dục như là một phần của kế hoạch quản lý suy tim. Hãy trao đổi với bác sĩ về mức độ vận động phù hợp với bản thân và nên bắt đầu tập luyện như thế nào. Tùy theo tình trạng sức khỏe của bạn, bác sĩ cũng sẽ có thể khuyến nghị chương trình phục hồi chức năng tim.
Đối với nhiều người, đi bộ là bài tập thích hợp trong giai đoạn đầu khi quản lý suy tim. Khi thể lực được cải thiện, bạn có thể tăng thời gian hoặc tốc độ đi bộ. Nếu gặp khó khăn, hãy trao đổi với bác sĩ để được hỗ trợ.
Một số chương trình có thể bao gồm các bài tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT), kết hợp giữa luyện tập nặng và nghỉ ngơi ngắn.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy HIIT có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân suy tim khi kết hợp với các bài tập truyền thống. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử phương pháp này.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần và tìm sự hỗ trợ
Khi bị suy tim, căng thẳng tinh thần có thể khiến việc duy trì sức khỏe trở nên khó khăn hơn. Theo Cleveland Clinic, căng thẳng và trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch, như đau ngực hoặc cơn đau tim. Tuy nhiên, chính suy tim cũng có thể là nguyên nhân gây căng thẳng, thậm chí dẫn đến trầm cảm.
Nếu bạn đang gặp phải cảm xúc tiêu cực, lo âu hoặc căng thẳng, hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ sẽ có thể giới thiệu cho bạn các dịch vụ sức khỏe tâm thần gần nơi bạn sống. Hoặc bạn cũng có thể tự tìm đến các chuyên gia tâm lý hoặc nhà trị liệu.
Việc tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần từ những người thân yêu cũng rất quan trọng. Hãy chia sẻ với gia đình, bạn bè và cho họ biết rằng bạn muốn trò chuyện. Ngoài ra, bạn có thể tham gia các nhóm hỗ trợ. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) có cung cấp mạng lưới hỗ trợ trực tuyến đáng tin cậy cho bệnh nhân suy tim.
Các biến chứng của suy tim
Biến chứng của suy tim có thể rất nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, điều quan trọng là cần thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ mắc phải những biến chứng này.
Một số biến chứng phổ biến nhất là:
- Rối loạn nhịp tim: Còn gọi là loạn nhịp, có thể làm tim đập nhanh hơn hoặc đập không đều, khiến máu dễ tụ lại và hình thành cục máu đông. Các cục máu đông này có thể gây đột quỵ, cơn đau tim hoặc thuyên tắc phổi, đe dọa đến tính mạng.
- Vấn đề về van tim: Suy tim có thể làm thay đổi kích thước tim và gây áp lực lên bốn van tim, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của chúng.
- Tổn thương thận: Lưu lượng máu đến thận giảm có thể gây tổn thương hoặc thậm chí suy thận. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần chạy thận nhân tạo.
- Tổn thương gan: Suy tim làm tăng áp lực lên gan, có thể gây sẹo và ảnh hưởng đến chức năng gan.
Kết luận
Để cải thiện sức khỏe, việc giảm nguy cơ biến chứng từ suy tim là một phần rất quan trọng. Tuân thủ kế hoạch điều trị, duy trì chế độ ăn uống tốt cho tim mạch, tập thể dục và chăm sóc sức khỏe tinh thần đều có thể mang lại hiệu quả tích cực.
Nếu bạn lo lắng về các biến chứng do suy tim, hãy trao đổi với bác sĩ để biết thêm về các biện pháp giúp giảm thiểu nguy cơ.
Mệt mỏi hơn, khó thở hơn, ngực khó chịu hơn là những triệu chứng phổ biến chỉ ra rằng suy tim có thể đang tiến triển nặng hơn.
Suy tim là khi tim không còn khả năng bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Các yếu tố nguy cơ gây suy tim bao gồm yếu tố về thói quen lối sống, như hút thuốc và uống rượu, và những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi, như tuổi tác và tiền sử gia đình.
Hiện tại chưa có phương pháp chữa khỏi suy tim giai đoạn cuối, nhưng một số phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm triệu chứng và cải thiện được chất lượng cuộc sống.
Các triệu chứng suy tim xuất hiện sớm thường không rõ ràng và dễ bị bỏ qua. Cần nhận biết được những triệu chứng này và hẹn gặp bác sĩ ngay nếu phát hiện mình có dấu hiệu mắc suy tim.
Sau khi chẩn đoán mắc suy tim, bệnh nhân thường sẽ gặp các vấn đề về rối loạn cảm xúc, thậm chí bị trầm cảm.