6 điều cần biết về sống chung với suy tim và sức khỏe tâm thần
Tổng quan
Sống chung với suy tim có thể là một thách thức, cả về thể chất lẫn tinh thần. Sau khi được chẩn đoán mắc suy tim, người bệnh có thể trải qua nhiều cảm xúc khác nhau.
Họ thường cảm thấy sợ hãi, thất vọng, buồn bã hoặc lo âu. Không phải ai cũng trải qua những cảm giác này, chúng có thể xuất hiện rồi biến mất hoặc kéo dài. Đối với một số người, các loại thuốc điều trị suy tim có thể gây ra trầm cảm. Với những người khác, việc sống chung với suy tim có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng kiểm soát căng thẳng tâm lý và cảm xúc.
Suy tim có nhiều loại khác nhau, bao gồm suy tim tâm thu, suy tim tâm trương, hoặc suy tim sung huyết. Dù bạn có mắc loại suy tim nào thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần đều tương tự nhau.
Dưới đây là 6 điều bạn cần biết về mối liên hệ giữa suy tim và sức khỏe tâm thần.
Suy tim thường dẫn đến trầm cảm
Sức khỏe tâm thần và các bệnh mãn tính có mối liên hệ mật thiết. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (National Institute of Mental Health), việc mắc các bệnh mãn tính như suy tim sẽ làm gia tăng nguy cơ trầm cảm.
Một nghiên cứu năm 2015 công bố trên Annals of Behavioral Medicine cho thấy có tới 30% người mắc bệnh tim mạch bị trầm cảm.
Bác sĩ Ileana Piña, Giám đốc Quốc gia về suy tim tại Detroit Medical Center, cho biết hơn 35% bệnh nhân suy tim đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm lâm sàng.
Suy tim có thể làm các triệu chứng trầm cảm nặng thêm
Nếu bạn đã từng bị trầm cảm, việc biết mình mắc suy tim có thể làm các triệu chứng hiện tại trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo Tiến sĩ L.A. Barlow, nhà tâm lý học tại Detroit Medical Center, sức khỏe tinh thần của người bệnh có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do sau khi chẩn đoán mắc suy tim, họ phải đối mặt với quá nhiều thay đổi trong cuộc sống.
Bà giải thích: “Khi được chẩn đoán suy tim, cuộc sống thường sẽ thay đổi đáng kể. Điều này thường dẫn đến trầm cảm.” Người bệnh có thể cảm thấy cuộc sống bị bó hẹp, gặp khó khăn trong việc tuân thủ kế hoạch điều trị, hoặc phụ thuộc nhiều hơn vào người chăm sóc. Thêm vào đó, một số loại thuốc như thuốc chẹn beta (beta-blocker) có thể làm trầm cảm nặng hơn hoặc gây ra trầm cảm.
Dấu hiệu sớm của vấn đề sức khỏe tâm thần
Những dấu hiệu sớm của các vấn đề như trầm cảm thường được gia đình nhận ra đầu tiên.
Theo Tiến sĩ Barlow, một dấu hiệu phổ biến của trầm cảm là mất hứng thú với những điều bản thân đã từng rất thích. Một dấu hiệu khác là giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, tức là gặp khó khăn trong việc quản lý các khía cạnh của cuộc sống hằng ngày.
Vì người mắc suy tim có thể trải qua nhiều cảm xúc khác nhau nên việc xác định khi nào thì những cảm xúc này là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn (như trầm cảm) có thể khá khó khăn.
Do đó, bà khuyến nghị những người mắc bệnh mãn tính như suy tim, đặc biệt là người mới được chẩn đoán, nên thực hiện đánh giá sức khỏe tâm thần ban đầu. Điều này giúp họ chuẩn bị tinh thần rằng bản thân sẽ phải trải qua những cảm xúc thường đi kèm với bệnh mãn tính.
Bà giải thích: “Mọi người thường có xu hướng che giấu và không biết cách để quản lý những cảm xúc này. Nếu cứ giấu đi những tổn thương về mặt cảm xúc mà những căn bệnh mãn tính này gây ra thì bệnh nhân chắc chắn có thể dẫn bị trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Cần tìm đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần để được đánh giá, từ đó có thể hiểu và điều chỉnh thói quen sống dựa theo nguyên nhân gây ra tình trạng.”
Chẩn đoán sớm có thể giúp cải thiện tình trạng đáng kể
Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tâm thần, dù là trầm cảm, lo âu, hay vấn đề khác, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Tiến sĩ Barlow nhấn mạnh rằng việc chẩn đoán sớm là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị các vấn đề tâm thần và suy tim.
Can thiệp sớm có thể giúp bạn kịp thời điều chỉnh lối sống và được đánh giá cũng như lên kế hoạch điều trị tâm lý phù hợp với các vấn đề cảm xúc đi kèm với bệnh mãn tính như suy tim.
Tuân thủ kế hoạch điều trị
Trầm cảm hoặc lo âu không được chẩn đoán hay điều trị có thể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện kế hoạch điều trị suy tim.
Bác sĩ Piña giải thích rằng những tình trạng này có thể khiến bạn khó duy trì việc dùng thuốc đúng liều, đúng giờ hoặc gặp bác sĩ đều đặn. Do đó, bà khuyến nghị các bác sĩ tim mạch nên cố gắng nhận biết sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân, đặc biệt là trầm cảm và lo âu.
Ngoài ra, Cleveland Clinic lưu ý rằng những thói quen sống thường có thể dẫn đến trầm cảm, như hút thuốc, ít vận động, uống quá nhiều rượu, chế độ ăn không lành mạnh, hoặc thiếu gắn kết xã hội, cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch điều trị suy tim.
Các nguồn hỗ trợ hữu ích
Có rất nhiều người cũng phải học cách thích nghi với việc sống chung với suy tim. Vì thế hãy nhớ rằng bạn không hề đơn độc.
Tiến sĩ Barlow cho biết có nhiều nhóm hỗ trợ, các chuyên gia sức khỏe tâm thần cá nhân, và thậm chí là những chuyên gia sức khỏe tâm thần chuyên hỗ trợ người mắc bệnh mãn tính.
Vì bệnh mãn tính có thể ảnh hưởng đến cả gia đình nên bà khuyến khích các thành viên thân thiết trong gia đình và người chăm sóc cũng nên tìm kiếm các nhóm hỗ trợ hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) là một nguồn hữu ích để bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.
Kết luận
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bất kỳ loại suy tim nào, nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm cũng có thể tăng lên. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn lo lắng rằng suy tim đang ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý hoặc cảm xúc của mình. Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn cách tìm kiếm các dịch vụ tư vấn hoặc hỗ trợ sức khỏe tâm thần phù hợp.
Suy tim xảy ra khi tim trở nên yếu đi hoặc cứng hơn và không còn bơm máu hiệu quả như bình thường. Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ đánh giá triệu chứng, tiến hành khám lâm sàng và có thể sử dụng nhiều xét nghiệm cần thiết.
Suy tim phải xảy ra khi phần tim có trách nhiệm bơm máu đến phổi để nhận oxy bị suy giảm chức năng. Triệu chứng thường gặp của suy tim phải là tình trạng sưng ở mắt cá chân, cẳng chân, bàn chân hoặc bụng.
Suy tim mất bù (decompensated heart failure - DHF) là tình trạng các triệu chứng suy tim trở nên nghiêm trọng đến mức cần được can thiệp y tế ngay lập tức. Khó thở là triệu chứng phổ biến nhất của DHF.
Hầu hết những người trải qua hóa trị đều sẽ không mắc suy tim. Tuy nhiên, một số loại thuốc hóa trị có thể làm tăng đáng kể nguy cơ suy tim và các vấn đề tim mạch khác.
Suy tim sung huyết là một bệnh lý tiến triển mãn tính ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim