Những điều cần biết về hóa trị và suy tim
Hóa trị tuy là một trong những liệu pháp chính để điều trị ung thư nhưng cũng đi kèm với những rủi ro và tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm cả nguy cơ suy tim.
Hãy cùng tìm hiểu ảnh hưởng của hóa trị đến tim và các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ này.
Hóa trị có gây suy tim không?
Một số loại thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch, khiến tim nhiễm độc (cardiotoxicity).
Tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng mà nguy cơ này có thể tăng cao hơn. Ví dụ, theo Hiệp hội Tim mạch Châu Âu, nồng độ cao doxorubicin có thể gây nhiễm độc tim ở gần một nửa số bệnh nhân điều trị ung thư.
Suy tim là một trong những tình trạng gây nhiễm độc tim nghiêm trọng nhất, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm máu hiệu quả như bình thường.
Một số thuốc hóa trị có thể làm tổn thương cơ tim, khiến tim dần dần yếu đi và làm việc kém hiệu quả hơn. Nguy cơ này sẽ cao hơn ở những người mắc bệnh tim mạch (các bệnh ảnh hưởng đến tim hoặc mạch máu).
Theo một nghiên cứu năm 2023, những người được điều trị hóa trị dựa trên anthracycline (như doxorubicin) để chữa ung thư vú hoặc ung thư hạch có nguy cơ mắc suy tim trong vòng 1 năm sau điều trị cao hơn 20 lần so với dân số nói chung.
Tuy nhiên, chỉ một số ít bệnh nhân hóa trị phát triển suy tim. Trong cùng nghiên cứu, 1,81% bệnh nhân hóa trị phát triển suy tim sau 1 năm, con số này tăng lên 10,75% sau 20 năm, so với 4,98% ở những người không mắc ung thư.
Các ảnh hưởng khác của hóa trị đến tim
Ngoài suy tim, nhiễm độc tim do hóa trị có thể gây ra các tình trạng sau:
- Rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều)
- Tăng huyết áp (huyết áp cao)
- Viêm cơ tim
- Bệnh động mạch vành
- Bệnh van tim
- Viêm màng ngoài tim (viêm lớp màng bao quanh tim)
Những loại thuốc hóa trị gây hại cho tim
Các thuốc hóa trị có thể gây nhiễm độc tim bao gồm:
- Anthracycline (doxorubicin, epirubicin)
- Thuốc chống chuyển hoá (capecitabine, 5-fluorouracil)
- Tác nhân alkyl hóa (cyclophosphamide, cisplatin)
- Thuốc ức chế phân bào (vincristine, vinblastine, paclitaxel, docetaxel)
Dấu hiệu tổn thương tim hoặc suy tim do hóa trị
Tổn thương tim do hóa trị thường tiến triển dần dần. Vì vậy, việc tái khám định kỳ và nhận biết các triệu chứng là rất quan trọng.
Triệu chứng có thể gặp:
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Phù (tích tụ dịch gây sưng)
- Ngực bị đau, áp lực hoặc khó chịu
- Ho dai dẳng (đặc biệt là ho ra đờm màu trắng hoặc hồng nhạt)
Dấu hiệu cũng có thể được phát hiện qua các xét nghiệm như:
- Siêu âm tim (echocardiogram): Siêu âm tim đánh giá hoạt động của tim và các van tim, đo phân suất tống máu (ejection fraction). Phân suất tống máu thấp hơn mức bình thường có thể là dấu hiệu suy tim.
- Xét nghiệm máu: Một số chỉ số trong máu như peptide natri lợi niệu nhóm B (BNP) có thể báo hiệu suy tim.
- Điện tâm đồ (ECG): Ghi lại hoạt động điện của tim, giúp phát hiện bất thường.
- Chụp cộng hưởng từ tim (MRI tim): Cung cấp hình ảnh chi tiết của tim, phát hiện tổn thương.
- Quét MUGA: Đánh giá khả năng bơm máu của hai buồng tim dưới (tâm thất).
Điều trị suy tim do hóa trị
Suy tim phát triển do hóa trị thường được điều trị bằng cách kết hợp sử dụng thuốc điều trị tim mạch và điều chỉnh kế hoạch điều trị ung thư.
Các loại thuốc hỗ trợ điều trị nhiễm độc tim là:
- Thuốc chẹn beta (beta-blocker)
- Thuốc ức chế men chuyển (ACEi)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB)
Người bị suy tim có thể tiếp tục hóa trị không?
Nhiều người bị suy tim vẫn có thể tiếp tục hóa trị, nhưng cần có kế hoạch điều trị cẩn thận. Bác sĩ chữa ung thư và bác sĩ tim mạch sẽ phối hợp để lựa chọn phác đồ hóa trị giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương cho tim.
Làm thế nào để giảm nguy cơ suy tim do hóa trị?
Bạn có thể giảm nguy cơ suy tim trong quá trình hóa trị bằng cách:
- Duy trì thăm khám bác sĩ thường xuyên
- Ăn uống cân bằng
- Vận động vừa phải nếu có thể
- Tránh hút thuốc và uống rượu
- Kiểm soát các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp
Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thuốc phòng ngừa biến chứng tim mạch trong quá trình hóa trị.
Tiên lượng cho người bị suy tim do hóa trị
Tiên lượng cho người bị suy tim do hóa trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương tim và phương pháp điều trị.
Phát hiện và điều trị sớm có thể giúp cải thiện tiên lượng rất nhiều. Khi được chăm sóc tốt, nhiều bệnh nhân suy tim vẫn có thể sống được thêm nhiều năm.
Câu hỏi thường gặp
Có thể hồi phục tổn thương tim do hóa trị không?
Theo một bài tổng quan năm 2021, suy tim do hóa trị có thể hồi phục hoặc không. Dù tổn thương không hồi phục, bạn vẫn có thể quản lý triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng thêm khi được điều trị phù hợp.
Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe tim mạch trong quá trình hóa trị?
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch trong hóa trị, hãy duy trì vận động, ăn uống lành mạnh, tránh thuốc lá và rượu, đồng thời thực hiện theo dõi tim định kỳ.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc để giúp phòng ngừa suy tim. Hãy thông báo ngay cho bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào nghi là suy tim.
Làm thế nào để tăng cường sức khỏe tim mạch sau hóa trị?
Sau hóa trị, tiếp tục duy trì các thói quen lành mạnh để tăng cường sức khỏe tim. Ngoài việc duy trì chế độ ăn cân bằng, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về việc bắt đầu một chế độ tập thể dục với các bài tập tốt cho tim mạch.
Hóa trị có thể gây ra vấn đề tim mạch lâu dài không?
Trong một nghiên cứu năm 2023, nguy cơ phát triển suy tim sau hóa trị anthracycline trong vòng 20 năm so với dân số nói chung cao hơn nhiều.
Các tác dụng khác của nhiễm độc tim cũng có thể xảy ra trong nhiều năm sau khi điều trị kết thúc. Vì thế, cần theo dõi thường xuyên và duy trì lối sống lành mạnh ngay cả khi hóa trị đã kết thúc.
Kết luận
Hóa trị tuy là một trong những phương pháp điều trị ung thư được sử dụng phổ biến nhất nhưng cũng có thể gây ra các rủi ro cho tim. Hiểu rõ những rủi ro này và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe tim mạch trong và sau điều trị.
Hãy theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên, thực hiện các kiểm tra định kỳ, và đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ về bất kỳ điều gì bản thân thấy lo lắng. Khi được chăm sóc tốt, bạn có thể tiếp tục chiến đấu với ung thư và đồng thời cũng bảo vệ được trái tim khỏe mạnh nhất có thể.
Suy tim phải xảy ra khi phần tim có trách nhiệm bơm máu đến phổi để nhận oxy bị suy giảm chức năng. Triệu chứng thường gặp của suy tim phải là tình trạng sưng ở mắt cá chân, cẳng chân, bàn chân hoặc bụng.
Suy tim mất bù (decompensated heart failure - DHF) là tình trạng các triệu chứng suy tim trở nên nghiêm trọng đến mức cần được can thiệp y tế ngay lập tức. Khó thở là triệu chứng phổ biến nhất của DHF.
Sau khi chẩn đoán mắc suy tim, bệnh nhân thường sẽ gặp các vấn đề về rối loạn cảm xúc, thậm chí bị trầm cảm.
Suy tim sung huyết là một bệnh lý tiến triển mãn tính ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim