Những Điều Cần Biết Về Suy Tim Phải
Suy tim là thuật ngữ chung chỉ tình trạng yếu cơ tim khiến tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Có nhiều loại suy tim, mỗi loại có nguyên nhân và biến chứng riêng.
Mặc dù các phương pháp điều trị đều có sự khác biệt, nhưng thường tiếp cận một cách toàn diện để duy trì sức khỏe của toàn bộ hệ tim mạch. Tiên lượng của người mắc suy tim phải phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như thời gian bắt đầu điều trị.
Mặc dù suy tim phải đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng, nhưng có thể quản lý được bệnh này bằng cách kết hợp sử dụng thuốc, thay đổi lối sống và đôi khi là phẫu thuật.
Suy Tim Phải là gì?
Suy tim là khi cơ tim đã yếu đi và không còn cung cấp đủ máu cho các bộ phận của cơ thể. Tim vẫn bơm máu nhưng không hiệu quả và đủ mạnh như bình thường.
Suy tim phải xảy ra khi phần tim có trách nhiệm bơm máu đến phổi để nhận oxy bị suy giảm chức năng. Máu sau khi được oxy hoá sẽ di chuyển khắp cơ thể để cung cấp oxy cho các cơ quan, cơ bắp và các mô khác. Do một số trường hợp, chẳng hạn như suy tim trái, tâm thất phải có thể gặp khó khăn trong việc bơm máu hiệu quả đến phổi, làm suy yếu dần theo thời gian.
Điều này khiến cơ thể không nhận đủ lượng máu giàu oxy cần thiết để hoạt động, và các biến chứng ảnh hưởng đến các cơ quan khác có thể phát sinh.
Suy tim trái là gì?
Suy tim trái là tình trạng phổ biến hơn so với suy tim phải. Nó xảy ra khi tâm thất trái phải bơm mạnh hơn bình thường để cung cấp đủ máu giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
Có hai loại suy tim trái:
- Suy tim với phân suất tống máu bảo tồn, có nghĩa là tâm thất trái không còn giãn đủ để chứa đầy lượng máu cần thiết giữa các nhịp tim hoặc phải làm việc với áp lực cao hơn nhiều.
- Suy tim với phân suất tống máu giảm, có nghĩa là tâm thất trái không thể co bóp đúng cách và tim không có đủ sức để bơm máu ra ngoài cơ thể.
Các Triệu Chứng Của Suy Tim Phải
Tình trạng tích nước gây sưng tấy ở bàn chân và đôi khi ở bụng là triệu chứng phổ biến và dễ nhận biết của suy tim phải. Tuy nhiên, còn một số triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện:
- Khó thở, đặc biệt khi nằm thẳng
- Ho
- Chóng mặt
- Khó tập trung và lú lẫn
- Mệt mỏi và thiếu năng lượng
- Tăng cân đột ngột
- Mất cảm giác thèm ăn
- Đau bụng
- Thay đổi trong việc tiểu tiện (như đi tiểu nhiều hơn, tiểu khó,...)
- Phù nề hoặc đầy hơi ở bụng
Triệu Chứng Suy Tim Trái
- Các triệu chứng suy tim trái có thể có đôi chút khác biệt. Dưới đây là một số triệu chứng của suy tim trái:
- Khó thở
- Ho
- Ho hoặc khó thở khi vận động
- Khó thở khi ngủ (PND)
Khi Nào Cần gặp bác sĩ
Nếu thấy sưng ở mắt cá chân, cẳng chân, bàn chân hoặc bụng, hãy đi gặp bác sĩ. Trong bất kỳ tình huống nào, nếu bị khó thở, bạn cũng cần phải đến bác sĩ để kiểm tra.
Sưng phù, mệt mỏi và khó thở là một số dấu hiệu của suy tim phải mà không nên bỏ qua.
Hãy gọi 115 hoặc đến ngay trung tâm cấp cứu nếu thấy:
- Khó thở đột ngột cùng với đau ngực hoặc tim đập loạn nhịp
- Ho có đờm lẫn máu và khó thở
- Ngất xỉu
- Tim đập nhanh hoặc không đều
Nguyên Nhân Gây Suy Tim Phải
Có nhiều yếu tố có thể làm yếu tim và gây ra suy tim.
Các tình trạng làm tổn thương tim, như nhồi máu cơ tim, hoặc khiến tim phải làm việc vất vả hơn, như bệnh van tim, có thể dẫn đến hậu quả tương tự nhau. Suy tim phải cũng có thể xảy ra do bệnh phổi hoặc tăng huyết áp động mạch phổi.
Suy tim phải thường xảy ra do suy tim trái. Khi phần bên trái của tim yếu đi, máu có thể tích tụ trong các buồng tim. Điều này làm tăng áp lực trong các mạch máu dẫn máu đến phổi, một tình trạng được gọi là tăng huyết áp động mạch phổi.
Để bù đắp lại, phần tim bên phải phải làm việc vất vả hơn. Cuối cùng, tim phải yếu đi do phải làm việc quá sức, dẫn đến suy tim phải.
Suy tim phải cũng có thể xảy ra do van tim phải bị hở hoặc bị hỏng, chẳng hạn như van ba lá bị hở (hở van ba lá).
Các yếu tố nguy cơ cụ thể gây suy tim phải là:
- Tuổi tác, tuổi càng cao, chức năng tim càng suy yếu
- Tiền sử gia đình có người mắc suy tim và các bệnh tim khác
- Lạm dụng rượu hoặc các loại thuốc, hút thuốc, hoặc chế độ ăn mất cân bằng
- Các tình trạng khác có liên quan, bao gồm bệnh tim mạch, huyết áp cao, béo phì, chứng ngưng thở khi ngủ và ung thư (một số phương pháp điều trị ung thư có thể làm tổn thương tim)
Các Phương Pháp Điều Trị Suy Tim Phải
Phương pháp điều trị suy tim phải phù hợp phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Điều trị suy tim phải thường bao gồm việc sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc, các biện pháp thay đổi lối sống và có thể là cấy các thiết bị hỗ trợ khả năng bơm máu của tim. Ngoài ra, điều trị suy tim trái cũng rất quan trọng nếu đây là nguyên nhân dẫn đến suy tim phải.
Thuốc
Dưới đây là một số loại thuốc thường được kê đơn để điều trị suy tim phải:
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu giúp loại bỏ lượng nước và natri dư thừa khỏi cơ thể. Kiểm soát lượng chất lỏng bằng thuốc lợi tiểu là rất cần thiết để duy trì khả năng bơm máu của tâm thất phải trong mỗi nhịp tim. Các loại thuốc lợi tiểu đặc biệt, gọi là thuốc lợi tiểu giữ kali, có thể giảm thiểu lượng kali bị mất đi do giảm lượng nước.
- Thuốc giãn mạch: Những loại thuốc này giúp thư giãn các mạch máu, giúp tim không phải làm việc quá sức và ngăn ngừa các hóa chất làm yếu tim. Hai loại thuốc giãn mạch thường được kê đơn là thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARBs) và thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE).
- Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta giúp làm chậm nhịp tim, giảm bớt áp lực cho cơ tim.
- Digoxin: Digoxin là một loại thuốc giúp tăng cường khả năng bơm máu của tim. Thuốc này thường được sử dụng trong các trường hợp suy tim nặng nhiều hơn.
- Thuốc giãn mạch phổi: Trong các trường hợp tăng huyết áp phổi gây suy tim phải, loại thuốc này giúp làm giãn các mạch máu dẫn đến phổi để giảm tải cho tim.
Lối sống
Để giúp tim hoạt động hiệu quả, cần thực hiện những biện pháp thay đổi lối sống sau đây:
- Không hút thuốc
- Duy trì cân nặng hợp lý, theo dõi cân nặng tại nhà để phát hiện tình trạng bị tăng cân do tích nước
- Tuân thủ chế độ ăn cân bằng, ít natri
- Hạn chế lượng nước tiêu thụ
- Tập thể dục thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ
Sử dụng thiết bị hỗ trợ
Đối với những trường hợp suy tim phải nặng hơn, bạn có thể cần cấy một thiết bị dưới da để hỗ trợ cải thiện chức năng tim.
Có thể sử dụng máy bơm tim cơ học như một thiết bị hỗ trợ tâm thất hoặc một trái tim nhân tạo hoàn toàn để cải thiện khả năng bơm máu của tim.
Trong một số trường hợp có thể cần phẫu thuật để sửa chữa một khiếm khuyết tim bẩm sinh gây ra suy tim hoặc sửa chữa van tim bị rối loạn chức năng. Đối với các trường hợp suy tim nặng, có thể cần phải ghép tim nếu các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả.
Phòng Ngừa
Mặc dù có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến suy tim nhưng bạn vẫn có thể thực hiện một số biện pháp để phòng ngừa bệnh như:
- Không hút thuốc
- Tập thể dục
- Không uống hoặc hạn chế uống rượu
- Tránh tiêu thụ hoặc hạn chế tiêu thụ caffeine
- Thực hiện chế độ ăn tốt cho tim mạch
- Theo dõi huyết áp
- Quản lý căng thẳng
- Theo dõi các triệu chứng tiềm ẩn và thông báo cho bác sĩ
Tiên Lượng Cho Người Bị Suy Tim Phải
Suy tim phải là một tình trạng kéo dài suốt đời, và hiện tại chưa có cách chữa trị hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thể kiểm soát được triệu chứng và duy trì chất lượng cuộc sống khá tốt.
Điều quan trọng là cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ và tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định.
Bạn cũng cần cho bác sĩ biết nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng mới nào và cần quản lý các tình trạng bệnh lý khác có thể góp phần gây suy tim hoặc làm suy tim trầm trọng thêm. Những tình trạng này có thể là:
- Huyết áp cao
- Ngưng thở khi ngủ
- Tiểu đường
- Bệnh phổi
- Bệnh thận
- Béo phì
- Hình thành cục máu đông trong phổi
Những tiến bộ trong việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ cơ học cho thấy các phương pháp điều trị suy tim phải sẽ có thể tiếp tục cứu sống và kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân.
Câu Hỏi Thường Gặp
Suy tim phải phổ biến như thế nào?
Suy tim phải chiếm 2,2% trường hợp mắc suy tim. Suy tim nói chung xảy ra ở 6,2 triệu người trưởng thành tại Hoa Kỳ.
Tuổi thọ của người bị suy tim phải là bao nhiêu?
Tuổi thọ của người bị suy tim phải sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, độ tuổi và thói quen sống. Tuy nhiên, tiên lượng đối với bệnh nhân suy tim phải thường không khả quan.
Suy tim trái có thể gây ra suy tim phải không?
Suy tim trái có thể gây ra suy tim phải, hai tình trạng này thường có ảnh hưởng đến nhau. Suy tim trái khiến tâm thất trái phải làm việc vất vả hơn để bơm máu đến cơ thể một cách hiệu quả. Điều này ảnh hưởng đến khả năng bơm máu vào phổi của tâm thất phải. Hầu hết các trường hợp suy tim phải là do biến chứng từ suy tim trái.
Kết luận
Suy tim là bệnh khá phổ biến, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
Tuy nhiên, bạn có thể phòng ngừa suy tim hoặc giảm nhẹ các triệu chứng nếu bệnh xảy ra bằng các biện pháp cụ thể như thay đổi lối sống, chẳng hạn như không hút thuốc, kiểm soát huyết áp cao và tập thể dục thường xuyên.
Phối hợp chặt chẽ với bác sĩ và dùng thuốc theo đúng chỉ định có thể giúp kéo dài tuổi thọ của người bị suy tim phải.
Suy tim trái và suy tim phải có các triệu chứng khác nhau. Ví dụ, người bị suy tim trái có thể bị khó thở còn người bị suy tim phải có thể cảm thấy tim đập nhanh. Một số người có thể bị suy tim ở cả hai bên và các triệu chứng của cả hai loại suy tim cũng xuất hiện đồng thời.
Suy tim sung huyết là một bệnh lý tiến triển mãn tính ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim
Suy tim tâm thu xảy ra khi tim co bóp không hiệu quả. Còn đối với suy tim tâm trương, tim không thể giãn ra giữa các nhịp đập. Cả hai loại này đều có thể dẫn đến suy tim phải.
Các thủ thuật y khoa khác nhau, như bắc cầu động mạch vành hoặc can thiệp động mạch vành qua da, có thể giúp điều trị các nguyên nhân cơ bản gây suy tim. Một số trường hợp có thể cần cấy thiết bị dưới da để hỗ trợ tim, thậm chí là ghép tim.