Triệu chứng và phương pháp chăm sóc trong giai đoạn cuối của suy tim
Suy tim xảy ra khi tim không còn khả năng bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Suy tim giai đoạn cuối là giai đoạn nặng nhất, người bệnh có khả năng gặp các triệu chứng ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
Ở giai đoạn này, nhiều người không còn có thể tiếp tục được điều trị bằng các phương pháp từng hiệu quả trước đây và khả năng phải đối mặt với nguy cơ tử vong. Vì vậy, điều trị sẽ chủ yếu tập trung vào việc làm giảm triệu chứng và hạn chế số lần nhập viện cũng như các can thiệp y khoa không cần thiết.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các triệu chứng của suy tim giai đoạn cuối, tuổi thọ trung bình của người bệnh, các cách nâng cao sức khỏe tinh thần, cải thiện cảm xúc, hỗ trợ vấn đề tâm linh cũng như khả năng tham gia các thử nghiệm lâm sàng.
Các triệu chứng của suy tim giai đoạn cuối
Theo một bài đánh giá năm 2017, những người bị suy tim tiến triển đến giai đoạn cuối có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài, bao gồm:
- Khó thở
- Giảm khả năng vận động thể chất
- Mệt mỏi
- Khó chịu ở bụng
- Phù nề (sưng)
- Giảm kích thước và sức mạnh của cơ bắp
- Rối loạn nhịp tim
Ở giai đoạn này, lượng máu không đủ để duy trì hoạt động của các cơ quan quan trọng như thận và gan, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn.
Bài đánh giá năm 2017 cũng chỉ ra rằng người bị suy tim giai đoạn cuối thường phải nhập viện thường xuyên và không còn phù hợp với các liệu pháp điều trị tiêu chuẩn cho suy tim.
Tuổi thọ trung bình khi mắc suy tim giai đoạn cuối
Theo một bài đánh giá năm 2018, tuổi thọ trung bình của người được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối chỉ khoảng từ 6–12 tháng. Trong 6 tháng cuối đời, người bệnh thường phải nhập viện và thực hiện các thủ thuật y khoa thường xuyên.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Nếu được chẩn đoán mắc suy tim giai đoạn cuối, bạn nên cân nhắc đến phương pháp chăm sóc cuối đời. Đây là hình thức chăm sóc tập trung vào việc hỗ trợ những vấn đề thực tế (như các nhu cầu hàng ngày, chăm sóc làm giảm triệu chứng) và tư vấn về mặt cảm xúc.
Hãy thảo luận với bác sĩ về những vấn đề mà bản thân thấy lo lắng, chẳng hạn như:
- Lo âu hoặc trầm cảm
- Gặp nhiều khó khăn khi sức khỏe thể chất và tinh thần bị suy giảm
- Bồn chồn
- Những suy tư, lo lắng về ý nghĩa cuộc sống hoặc những người thân yêu
Một số người cũng có thể muốn tìm đến những chuyên gia được gọi là “Doula”. Họ là những người được đào tạo để hỗ trợ, đồng hành và an ủi người bệnh ở giai đoạn cuối đời.
Những chuyên gia Doula sẽ chăm sóc bệnh nhân, hỗ trợ về cảm xúc và tâm linh bằng các cách như:
- Tạo cơ hội để người bệnh nói về cái chết một cách cởi mở, tự nhiên
- Giúp người bệnh suy ngẫm và bày tỏ về ý nghĩa của cuộc sống mà họ đã trải qua và những gì họ sẽ để lại
- Hỗ trợ thực hiện các thực hành tâm linh
- Thảo luận và hỗ trợ kế hoạch chăm sóc cuối đời
- Giúp đỡ các hoạt động thực tế hàng ngày
- Giúp những người chăm sóc có thời gian để nghỉ ngơi
- Giúp người nhà bệnh nhân ổn định tinh thần, vượt qua nỗi đau trong giai đoạn đầu sau khi bị mất đi người thân.
The International End of Life Doula Association, tạm dịch là Hiệp hội Doula Cuối Đời Quốc tế, cung cấp danh sách các doula tại các bang và địa phương tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cũng cung cấp các tài liệu tham khảo liên quan đến các vấn đề và phương pháp chăm sóc cuối đời.
Các phương pháp điều trị cho suy tim giai đoạn cuối
Hầu hết các phương pháp điều trị suy tim giai đoạn cuối đều tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng. Các triệu chứng phổ biến và phương pháp điều trị bao gồm:
- Khó thở: cung cấp oxy, sử dụng thuốc opioid, thuốc lợi tiểu, hoặc benzodiazepine
- Đau ngực: dùng opioid và nitrat
- Táo bón: bổ sung nước và sử dụng thuốc nhuận tràng
- Buồn nôn, chán ăn: dùng thuốc chống nôn
- Mất ngủ: thực hiện liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) điều trị chứng mất ngủ
- Lo âu và trầm cảm: liệu pháp tâm lý hoặc thuốc chống trầm cảm
Trong một số trường hợp, vẫn có thể thực hiện các liệu pháp như sử dụng thiết bị hỗ trợ thất trái (VAD) hoặc ghép tim. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện thực hiện các biện pháp này. Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ cung cấp thông tin chính xác và đưa ra phương pháp phù hợp nhất với tình trạng của bạn.
Chăm sóc bằng hospice có bắt buộc cho suy tim giai đoạn cuối không?
Hospice thường được khuyến nghị cho những người mắc suy tim giai đoạn cuối. Gia đình có thể không đủ khả năng chăm sóc bệnh nhân ở mức cần thiết, nhưng hospice có thể đảm bảo bệnh nhân được các chuyên gia y tế chăm sóc liên tục trong suốt 24 giờ.
Tùy theo nhu cầu của người bệnh, chăm sóc hospice có thể được thực hiện tại nhà, nhưng một số người có thể cần điều trị nội trú. Hãy trao đổi với bác sĩ để xác định phương án phù hợp nhất cho gia đình bạn.
Các thử nghiệm lâm sàng cho phương pháp điều trị suy tim mới
Nếu bạn quan tâm đến việc tham gia thử nghiệm lâm sàng cho các phương pháp điều trị suy tim mới, hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể cung cấp thông tin về các thử nghiệm lâm sàng mới nhất và đánh giá giúp bạn xem có thể tham gia hay không.
Bạn có thể truy cập trang web của Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NHLBI) để tìm kiếm các thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu quan sát do NHLBI hỗ trợ.
Ngoài ra, bạn có thể tìm danh sách các nghiên cứu đang cần người tham gia tại ClinicalTrials.gov.
Kết luận
Suy tim giai đoạn cuối là giai đoạn suy tim tiến triển nặng nhất, người bệnh có triệu chứng ngay cả khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng bao gồm khó thở, mệt mỏi và rối loạn nhịp tim.
Tuổi thọ trung bình của người mắc suy tim giai đoạn cuối thường từ 6–12 tháng. Trong thời gian này, người bệnh có thể cân nhắc đến phương pháp chăm sóc cuối đời với sự hỗ trợ từ các Doula – những chuyên gia được đào tạo để đồng hành và hỗ trợ bệnh nhân các vấn đề thực tế, cảm xúc lẫn tâm linh.
Dù vẫn có một số phương pháp để điều trị suy tim giai đoạn cuối, nhưng chúng chỉ tập trung vào việc làm giảm nhẹ triệu chứng. Tuy nhiên, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về khả năng tham gia các thử nghiệm lâm sàng cho phương pháp điều trị mới và xem xét điều kiện tham gia.
Mệt mỏi hơn, khó thở hơn, ngực khó chịu hơn là những triệu chứng phổ biến chỉ ra rằng suy tim có thể đang tiến triển nặng hơn.
Các triệu chứng suy tim xuất hiện sớm thường không rõ ràng và dễ bị bỏ qua. Cần nhận biết được những triệu chứng này và hẹn gặp bác sĩ ngay nếu phát hiện mình có dấu hiệu mắc suy tim.
Khó thở và đau ngực là hai trong số những triệu chứng suy tim biểu hiện rõ rệt và sớm nhất. Tuy nhiên, còn có những triệu chứng khác ít phổ biến hơn nhưng vẫn chỉ ra các vấn đề với chức năng tim.
Suy tim sung huyết (CHF) thường tiến triển qua bốn giai đoạn với các triệu chứng khác nhau. Giai đoạn suy tim có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị và tuổi thọ của bệnh nhân.
CRT là một thủ thuật phẫu thuật mà trong đó, bác sĩ cấy máy tạo nhịp tim vào cả hai bên tim (phải và trái) để giúp các buồng tim co bóp đồng bộ và cải thiện chức năng bơm máu của tim. Phương pháp này thường được áp dụng trong các trường hợp suy tim nặng mà các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về đối tượng sử dụng CRT, đồng thời chỉ ra những lợi ích cũng như rủi ro khi sử dụng phương pháp này.