1

Liệu pháp Tái đồng bộ Tim (CRT) là gì?

CRT là một thủ thuật phẫu thuật mà trong đó, bác sĩ cấy máy tạo nhịp tim vào cả hai bên tim (phải và trái) để giúp các buồng tim co bóp đồng bộ và cải thiện chức năng bơm máu của tim. Phương pháp này thường được áp dụng trong các trường hợp suy tim nặng mà các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về đối tượng sử dụng CRT, đồng thời chỉ ra những lợi ích cũng như rủi ro khi sử dụng phương pháp này.
Hình ảnh 45 Liệu pháp Tái đồng bộ Tim (CRT) là gì?

Khi nào cần đến liệu pháp tái đồng bộ tim?

Bác sĩ có thể đề nghị CRT cho những người bị suy tim ở mức trung bình đến nặng và không cải thiện sau khi áp dụng các phương pháp điều trị khác.

Trường hợp cần CRT thường là người bị suy tim với phân suất tống máu giảm (HFrEF), hay còn gọi là suy tim tâm thu. Phân suất tống máu đo lường lượng máu mà tâm thất trái bơm ra mỗi lần co bóp. Nếu phân suất tống máu là 36% hoặc thấp hơn, cùng với các dấu hiệu khác thì bác sĩ có thể sẽ khuyến nghị CRT.

CRT, còn được gọi là tạo nhịp tim hai buồng, nhằm khắc phục tình trạng hai bên tim trái và phải không đập đồng bộ. Phương pháp này giúp tái đồng bộ hai buồng tim, từ đó cải thiện hiệu quả bơm máu.

Lợi ích của liệu pháp tái đồng bộ tim

Tác dụng chính của CRT là giúp tim đập đều để bơm máu hiệu quả hơn đến các bộ phận khác của cơ thể.

CRT có thể làm giảm được các triệu chứng suy tim, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng đó bao gồm:

  • Khó thở khi thực hiện các hoạt động thường ngày, như đi bộ.
  • Ho.
  • Mệt mỏi, yếu sức.
  • Buồn nôn.
  • Sưng phù chân, bàn chân và mắt cá chân.
  • Cổ trướng (tích nước trong bụng).

Những người đủ điều kiện và được thực hiện CRT có thể nhập viện ít hơn và cải thiện được kết quả điều trị.

Quy trình thực hiện liệu pháp tái đồng bộ tim

Trong quá trình CRT, bác sĩ sẽ tạo một vết mổ nhỏ để cấy máy tạo nhịp tim vào ngực, ngay dưới xương đòn. Thiết bị này khá nhỏ, kích thước tương đương đồng xu nửa đô la Mỹ.

Máy tạo nhịp tim có ba dây dẫn, giúp theo dõi nhịp tim và truyền xung điện để đồng bộ các buồng tim.

Rủi ro của liệu pháp tái đồng bộ tim

Trước khi thực hiện CRT, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng, bao gồm:

  • Đau, đỏ hoặc đổi màu da, sưng tại vị trí cấy.
  • Sốt và ớn lạnh.

Khoảng 3,3% (1 trong 30) người thực hiện CRT bị nhiễm trùng, có thể xảy ra trong vòng 6 tháng sau thủ thuật.

Các rủi ro và biến chứng khác bao gồm:

  • Chảy máu tại vị trí phẫu thuật.
  • Tụ máu (máu tích tụ dưới da giống vết bầm).
  • Thiết bị lệch khỏi vị trí.
  • Tổn thương mạch máu.
  • Thủng xoang vành (hiếm gặp).
  • Tràn khí màng phổi hoặc xẹp phổi (hiếm gặp).

Chuẩn bị cho liệu pháp tái đồng bộ tim

CRT là một loại phẫu thuật. Trong vài ngày trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu và khám lâm sàng để đảm bảo rằng bạn phù hợp với phương pháp này.

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn:

  • Nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước phẫu thuật.
  • Tạm ngừng sử dụng thuốc chống đông máu. Hãy thảo luận kỹ với bác sĩ về vấn đề này.

Tại bệnh viện, bạn sẽ được tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nhân viên y tế cũng sẽ vệ sinh vùng ngực bằng dung dịch sát khuẩn.

Sau khi cấy thiết bị CRT

Sau khi bác sĩ phẫu thuật cấy thiết bị CRT, bạn có thể được về nhà trong vòng vài giờ. Một số người có thể cần ở lại bệnh viện qua đêm.

Sau khi cấy, bác sĩ sẽ khuyên bạn hạn chế cử động cánh tay ở bên cấy thiết bị để tránh làm thiết bị lệch vị trí. Hạn chế các hoạt động như nâng vật nặng hoặc giơ tay qua vai trong vài tuần.

Bạn có thể hoạt động gần như bình thường trở lại sau vài ngày. Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa điện sinh lý tim về những điều cần tránh hoặc hạn chế sau thủ thuật.

CRT là một loại máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Bạn sẽ cần tái khám định kỳ để đảm bảo thiết bị hoạt động bình thường.

Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn nên sử dụng các thiết bị điện cách xa máy CRT ít nhất 15 cm (6 inches), chẳng hạn như điện thoại di động, tai nghe hoặc lò vi sóng.

Bạn cũng có thể cần tránh chụp cộng hưởng từ (MRI), xạ trị và một số thủ thuật y tế khác. Hãy luôn mang theo thẻ ghi chép máy tạo nhịp tim và thông báo với nhân viên y tế, bao gồm cả nha sĩ, để họ điều chỉnh các xét nghiệm hoặc phương pháp điều trị khi cần.

Khi đi du lịch, mang theo thẻ ghi chép máy tạo nhịp tim cũng rất quan trọng vì thiết bị có thể kích hoạt máy dò kim loại tại các điểm kiểm tra an ninh. Khi đó bạn cần có thẻ ghi chép để giải thích với nhân viên an ninh.

Liệu pháp tái đồng bộ tim có hiệu quả như thế nào?

Với khả năng đồng bộ hóa hoạt động bơm máu của hai buồng tim trái và phải, CRT thường được coi là một phương pháp điều trị hiệu quả cho một số tình trạng suy tim.

Những thủ thuật như CRT phù hợp nhất đối với các trường hợp mà tình trạng suy tim tiến triển và không điều trị được bằng các phương pháp khác như dùng thuốc hay thay đổi lối sống.

Tuy nhiên, CRT đôi khi không phải là giải pháp tối ưu với một số người. Theo nghiên cứu năm 2020, khoảng 30% người bệnh không đủ điều kiện để điều trị bằng phương pháp này vì nó khá tốn kém.

Trường hợp nào không nên thực hiện liệu pháp tái đồng bộ tim?

CRT có thể sẽ không phù hợp trong các trường hợp:

  • Có các triệu chứng nhẹ.
  • Không gặp vấn đề về đồng bộ nhịp tim giữa hai buồng tim trái và phải.
  • Mắc suy tim tâm trương.
  • Suy tim mất bù.
  • Bị rối loạn chảy máu.
  • Đang bị nhiễm trùng cấp tính.
  • Mắc chứng sa sút trí tuệ.

Ngoài ra, bác sĩ có thể không khuyến nghị CRT đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính hoặc ung thư cần chăm sóc giảm nhẹ, hoặc có khả năng chỉ còn sống được chưa tới 1 năm.

Tuổi thọ của người sử dụng thiết bị CRT là bao lâu?

Hiện tại chưa có cách chữa trị suy tim, nhưng các phương pháp điều trị như CRT có thể giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Rất khó để xác định cụ thể việc người bệnh sẽ sống thêm được bao lâu sau khi thực hiện CRT vì tỷ lệ thành công còn phục thuộc vào các yếu tố như tình trạng sức khỏe tổng thể và tuổi tác tại thời điểm phẫu thuật.

Tuy nhiên, một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng năm 2019 ước tính rằng tuổi thọ của người dùng CRT có thể kéo dài hơn 7 năm.

Các câu hỏi thường gặp

Sự khác nhau giữa máy tạo nhịp tim và liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT) là gì?

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị được bác sĩ cấy vào để điều trị rối loạn nhịp tim. Loại thiết bị này có thể được dùng tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong khi đó, CRT là phương pháp cấy một loại máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để giúp các buồng tim dưới (tâm thất) đập đồng bộ.

Máy tạo nhịp tim CRT (hay máy tạo nhịp hai buồng thất) có ba dây dẫn điều khiển cả tâm thất phải và trái. Trong khi đó, các máy tạo nhịp tim thông thường chỉ có một hoặc hai dây dẫn và thường được gắn vào một bên của tim.

Tỷ lệ sống sót khi thực hiện liệu pháp tái đồng bộ tim là bao nhiêu?

Mặc dù tỷ lệ sống sót chính xác của CRT phụ thuộc vào tuổi tác và sức khỏe tổng thể nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng phương pháp này có thể giúp tăng tuổi thọ của người bệnh suy tim thêm vài tháng hoặc vài năm.

Chi phí của liệu pháp tái đồng bộ tim là bao nhiêu?

Chi phí của CRT có thể khác nhau, phụ thuộc vào chế độ bảo hiểm, nhà cung cấp dịch vụ, và khu vực nơi bạn sống, với tổng chi phí có thể lên đến vài nghìn đô la.

Kết luận

Liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT) hay tạo nhịp hai buồng là một thủ thuật cấy máy tạo nhịp tim để điều trị rối loạn nhịp tim trong một số tình trạng suy tim. Đây là phương pháp khá hiệu quả và có thể cải thiện được triệu chứng cũng như chất lượng cuộc sống.

Hãy trao đổi với bác sĩ nếu các triệu chứng suy tim trở nên trầm trọng hơn và bạn muốn cân nhắc thêm các phương pháp khác. Bác sĩ sẽ xác định xem bạn có đủ điều kiện thực hiện CRT hay không và phân tích các lợi ích cũng như rủi ro liên quan.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây