Các yếu tố nguy cơ gây suy tim là gì?
Suy tim sung huyết, hay còn gọi là suy tim, xảy ra khi tim trở nên yếu hơn hoặc cứng lại. Tim không thể bơm máu hiệu quả, khiến máu bị tích tụ lại trong các tĩnh mạch. Điều này khiến mô phình lên, thường là ở bàn chân. Dịch cũng có thể tích tụ trong phổi gây khó thở.
Suy tim đôi khi xảy ra do cơn nhồi máu cơ tim, huyết áp cao không được kiểm soát, hoặc cục máu đông hình thành trong phổi.
Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển suy tim. Trong đó, một số yếu tố có thể kiểm soát được, trong khi những yếu tố khác thì không. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện được nhiều biện pháp để giảm nguy cơ của mình.
Yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát và không thể kiểm soát
Suy tim thường có thể được chẩn đoán do một tình trạng khác khiến tim phải làm việc quá sức, đôi khi không thể kiểm soát hay thay đổi được tình trạng này. Đây được gọi là yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát.
Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện nhiều biện pháp để giúp giảm nguy cơ suy tim, đặc biệt là thay đổi lối sống, một yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được.
Yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được
Một số thói quen sống có thể làm tim dần yếu đi:
- Thường xuyên sử dụng chất kích thích và uống rượu
- Lối sống ít vận động
- Hút thuốc
Một số tình trạng sức khỏe cũng có thể ảnh hưởng xấu đến tim. Nếu được điều trị tích cực, bạn có thể hạn chế được tổn thương tim.
Các tình trạng làm tăng nguy cơ suy tim có thể điều trị được là:
- Huyết áp cao (tăng huyết áp)
- Tiểu đường
- Bệnh tim mạch vành
- Bệnh tuyến giáp
- Béo phì
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ
- Rung nhĩ
- Bệnh van tim
Yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát được
Một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây suy tim là tuổi tác. Tuổi càng cao, tim càng suy yếu.
Các yếu tố nguy cơ gây suy tim không thể kiểm soát khác là:
- Tiền sử gia đình: Nếu bạn có người thân mắc suy tim, nguy cơ mắc suy tim của bạn sẽ tăng lên đáng kể. Có một số gen cụ thể có thể làm tăng nguy cơ mắc suy tim. Trong đó, có loại gen có thể cần được kiểm tra qua xét nghiệm di truyền ở các thành viên khác trong gia đình để xác định xem họ có mang những gen này hay không.
- Tiền sử bệnh lý: Một số tình trạng sức khỏe, như từng bị nhồi máu cơ tim hoặc bệnh tuyến giáp, có thể làm tăng nguy cơ suy tim.
- Giới tính: Cả nam và nữ đều có thể mắc suy tim, nhưng nam giới thường bị suy tim ở độ tuổi trẻ hơn, trong khi nữ giới thường có triệu chứng nặng hơn.
- Chủng tộc: Người da đen có nguy cơ mắc suy tim cao hơn so với người thuộc các chủng tộc khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể là do sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe và các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị suy tim. Có rất nhiều biện pháp bạn có thể làm để giúp giảm nguy cơ của mình.
Cách giảm nguy cơ suy tim
Một trong những biện pháp hữu ích nhất để giảm nguy cơ suy tim là thực hiện lối sống tốt cho tim mạch bằng cách:
- Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách hoạt động thể chất đều đặn và áp dụng chế độ ăn lành mạnh cho tim mạch, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải.
- Tập thể dục vào tất cả hoặc hầu hết các ngày trong tuần. Đặt mục tiêu là 150 phút mỗi tuần tập thể dục với cường độ vừa phải và 2 ngày tập luyện để tăng cường sức mạnh cơ bắp.
- Nếu bạn hút thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp bỏ thuốc. Bác sĩ có thể giúp bạn xây dựng một kế hoạch cai thuốc phù hợp.
- Nếu mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, bạn có thể giúp điều chỉnh nhịp thở bằng cách sử dụng máy CPAP vào ban đêm.
Thăm khám bác sĩ thường xuyên và thông báo cho bác sĩ kể cả khi các phương pháp điều trị có hiệu quả hoặc không hiệu quả. Bạn cũng có thể trao đổi với bác sĩ về việc tham gia chương trình phục hồi chức năng tim. Phục hồi chức năng tim là một chương trình giúp những người mắc các bệnh tim nâng cao hiểu biết về các bài tập thể dục, chế độ ăn uống và các biện pháp thay đổi lối sống khác có thể giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Kết luận
Suy tim là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm giảm đáng kể các yếu tố nguy cơ gây suy tim bằng cách kiểm soát một số yếu tố nguy cơ và phối hợp với bác sĩ để ngăn ngừa hoặc điều trị hiệu quả các vấn đề tiềm ẩn.