1

10 nguyên nhân hàng đầu gây tăng cân và béo phì

tang can 10 nguyên nhân hàng đầu gây tăng cân và béo phì

Béo phì là một trong những vấn đề sức khỏe lớn nhất trên thế giới.

Béo phì thường đi kèm đến một số tình trạng liên quan, được gọi chung là hội chứng chuyển hóa, gồm có cao huyết áp, lượng đường trong máu cao, mỡ bụng và nồng độ cholesterol, triglyceride cao.

Những người mắc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2 cao hơn nhiều so với những người có cân nặng bình thường.

Trong những thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu đã tìm ra các nguyên nhân gây bệnh béo phì và cách phòng ngừa, điều trị.

Béo phì có thật sự hoàn toàn do thiếu ý chí trong ăn uống?

Nhiều người nghĩ rằng tăng cân và béo phì là do bản thân người đó thiếu ý chí trong việc ăn uống và ăn vô độ, không để ý đến cân nặng.

Điều đó không hoàn toàn đúng. Mặc dù tăng cân, béo phì phần lớn là kết quả của hành vi ăn uống và lối sống không lành mạnh, ví dụ như ăn quá nhiều carb, ngồi nhiều, thiếu vận động… nhưng một số người lại gặp khó khăn trong việc kiểm soát việc ăn uống của mình.

Ăn quá nhiều được thúc đẩy bởi các yếu tố sinh học khác nhau như di truyền và hormone. Vì thế, một số người có khuynh hướng dễ tăng cân hơn so với những người khác.

Tất nhiên, mọi người có thể khắc phục nhược điểm về di truyền của mình bằng cách thay đổi lối sống và hành vi. Thay đổi lối sống đòi hỏi ý chí quyết tâm và sự kiên trì.

Tuy nhiên, hành vi không hoàn toàn được quyết định bởi sức mạnh của ý chí. Còn có rất nhiều yếu tố khác chi phối những hành động hàng ngày của chúng ta.

Dưới đây là 10 yếu tố không liên quan đến ý chí làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì.

1. Di truyền

Cân nặng bị ảnh hưởng nhiều bởi gen di truyền. Những người có bố mẹ bị béo phì có nguy cơ bị vấn đề này cao hơn so với những người mà bố mẹ có cân nặng bình thường.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là béo phì hoàn toàn được xác định từ trước. Những gì chúng ta ăn uống hàng ngày cũng có ảnh hưởng lớn đến gen nào được biểu hiện và gen nào không.

Béo phì bắt đầu trở nên phổ biến như hiện nay kể từ khi chế độ ăn uống của con người có nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, không lành mạnh. Các gen trong cơ thể không thay đổi nhưng môi trường và các tín hiệu được gửi đến gen thì có sự thay đổi.

Hiểu một cách đơn giản, các thành phần di truyền ảnh hưởng đến nguy cơ tăng cân của chúng ta. Các nghiên cứu được thực hiện ở các cặp song sinh cùng trứng đã chứng minh điều này rất rõ ràng.

Tóm tắt: Một số người có nguy cơ tăng cân và béo phì cao hơn do ảnh hưởng bởi gen di truyền.

2. Đồ ăn chế biến sẵn

Những thực phẩm qua chế biến quá nhiều chính là thủ phạm chính gây gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì trong xã hội hiện đại.

Những sản phẩm này được sản xuất công nghiệp với giá thành rẻ, để được lâu và hương vị thơm ngon.

Tất cả những đặc điểm này đều đánh trúng vào tâm lý của người tiêu dùng.

Tại sao đồ ăn chế biến sẵn lại gây tăng cân? Vì khiến chúng ta ăn quá nhiều và có chứa các thành phần không lành mạnh.

Hầu hết các loại thực phẩm chế biến sẵn đều không giống với thực phẩm toàn phần (whole food) hay thực phẩm tự nhiên.

Tóm tắt: Những loại thực phẩm chế biến sẵn đều có chứa những thành phần không tốt cho sức khỏe và khiến chúng ta ăn quá nhiều, dẫn đến thừa cân, béo phì.

3. Chứng nghiện ăn uống

Các loại đồ ăn vặt nhiều đường, nhiều chất béo sẽ kích thích hệ thần kinh tưởng thưởng của não bộ. Hệ thần kinh tưởng thưởng là một mạng lưới truyền dẫn thần kinh của não, là khu vực tạo ra cảm giác vui vẻ khi có kích thích thỏa mãn ham muốn, ví dụ như đồ ăn ngon và khiến cho chúng ta ăn nhiều hơn.

Những loại đồ ăn vặt này có thể được so sánh với các chất gây nghiện như rượu, cocaine, nicotine và cần sa.

Đồ ăn vặt thực sự có thể gây nghiện ở một số người, khiến những người này mất khả năng kiểm soát hành vi ăn uống của bản thân, tương tự như những người nghiện rượu bị mất khả năng kiểm soát hành vi uống rượu bia.

Nghiện là một vấn đề phức tạp rất khó để vượt qua. Khi bị nghiện một thứ gì đó, bạn sẽ mất đi sự tự do lựa chọn và các phản ứng sinh hóa trong não bắt đầu tạo ra ham muốn ăn uống mãnh liệt, không thể cưỡng lại.

Tóm tắt: Một số người bị thèm ăn mãnh liệt hay nghiện ăn uống, chủ yếu là những món đồ ăn vặt nhiều đường, nhiều chất béo kích thích hệ thần kinh tưởng thưởng trong não bộ.

4. Chiến thuật quảng cáo

Mỗi ngày, các công ty thực phẩm lại cho ra đời những sản phẩm mới và đem theo đó là những chiêu quảng cáo hấp dẫn. Điều này ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của chúng ta. Khi phải lựa chọn giữa một món đồ ăn lành mạnh và không lành mạnh thì chắc hẳn đa số mọi người đều chọn món không lành mạnh.

Ngoài ra, hiểu được tâm lý e ngại của nhiều người về tác hại của những thực phẩm này, các công ty còn thường thêm vào sản phẩm của mình những cụm từ như “ít đường”, “ít béo” hay “dành cho người ăn kiêng”,… Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhiều những sản phẩm này vẫn sẽ gây béo phì.

Tệ hơn, nhiều sản phẩm còn nhắm mục tiêu đến trẻ em - nhóm đối tượng rất dễ bị hấp dẫn bởi những thứ bắt mắt, ngon miệng và còn chưa nhận thức được về giá trị dinh dưỡng hay nguy cơ béo phì.

Do đó mà hiện nay, ngày càng có nhiều trẻ em bị thừa cân, béo phì, tiểu đường và nghiện đồ ăn vặt từ rất sớm trước khi đủ lớn để tự có ý thức trong việc ăn uống.

Tóm tắt: Thói quen tiêu dùng của chúng ta bị chi phối rất nhiều bởi chiến lược quảng cáo của các công ty thực phẩm. Nhiều quảng cáo nhắm vào trẻ em – nhóm đối tượng vốn chưa thể phân biệt chế độ ăn uống lành mạnh và không lành mạnh.

5. Kháng insulin

Insulin là một loại hormone rất quan trọng có vai trò điều chỉnh sự tích trữ năng lượng và nhiều vai trò khác trong cơ thể.

Một trong những chức năng chính của insulin là đưa đường từ máu vào trong các tế bào. Tại đây, đường được chuyển hóa thành năng lượng.

Chế độ ăn không lành mạnh hiện nay làm tăng nguy cơ kháng insulin. Đây là tình trạng mà các tế bào không phản ứng tốt với inulin và không lấy đường vào từ máu một cách hiệu quả, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Điều này khiến cho cơ thể tiếp tục sản xuất thêm insulin. Nồng độ insulin tăng cao trên toàn cơ thể khiến chất béo được tích trữ trong các tế bào mỡ thay vì được sử dụng làm năng lượng.

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng mức insulin cao là nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì.

Một trong những cách tốt nhất để giảm nồng độ insulin trong cơ thể là cắt giảm lượng carb tinh chế (reined carb) hay carb đơn giản và đồng thời tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn.

Điều này giúp chúng ta cảm thấy no và tự động giảm được lượng calo nạp vào nên sẽ giảm cân dễ dàng hơn mà không cần phải tính toán lượng calo hay cắt giảm khẩu phần ăn.

Tóm tắt: Mức insulin cao và kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì. Để giảm mức insulin thì hãy giảm lượng carb tinh chế và ăn nhiều chất xơ hơn.

6. Một số loại thuốc

Nhiều loại thuốc đi kèm tác dụng phụ là gây tăng cân.

Ví dụ, thuốc chống trầm cảm có thể khiến người dùng bị tăng cân nhẹ theo thời gian.

Một số loại thuốc khác cũng gây ra vấn đề tương tự gồm có thuốc trị tiểu đường và thuốc chống loạn thần.

Những loại thuốc này gây thay đổi chức năng của cơ thể và não bộ, làm giảm tỷ lệ trao đổi chất hoặc tăng cảm giác thèm ăn.

Tóm tắt: Một số loại thuốc có thể gây tăng cân do giảm lượng calo bị đốt cháy hoặc tăng cảm giác thèm ăn.

7. Kháng leptin

Leptin là một loại hormone cũng đóng vai trò quan trọng ở những người béo phì.

Hormone này được sản xuất bởi các tế bào mỡ nên nồng độ trong máu sẽ tăng lên khi có nhiều mỡ trong cơ thể. Vì lý do này nên những người bị béo phì có mức leptin đặc biệt cao.

Ở những người khỏe mạnh, mức leptin cao giúp làm giảm cảm giác thèm ăn. Khi hoạt động bình thường, hormone này sẽ cho não bộ biết lượng chất béo đang được tích trữ.

Vấn đề là leptin không hoạt động bình thường ở những người béo phì vì nó không thể vượt qua hàng rào máu não – lớp màng được tạo thành từ các tế bào nội mô có nhiệm vụ ngăn cản phần lớn các phân tử từ máu thâm nhập vào bên trong não.

Tình trạng này được gọi là kháng leptin và khiến một người bị mất đi khả năng kiểm soát sự thèm ăn, làm cho tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng nặng hơn.

Tóm tắt: Leptin - một loại hormone làm giảm cảm giác thèm ăn – thường không hoạt động bình thường ở nhiều người béo phì và dẫn đến ngày càng ăn nhiều hơn.

8. Sự sẵn có của thực phẩm

Một yếu tố khác ảnh hưởng đáng kể đến cân nặng và vòng eo của mọi người hiện nay là lượng thực phẩm sẵn có đã tăng mạnh so với trước đây.

Thực phẩm, đặc biệt là đồ ăn vặt, có bán ở khắp mọi nơi, từ các cửa hàng tạp hóa nhỏ cho đến những siêu thị lớn. Tại các siêu thị, những sản phẩm này còn được đặt ở vị trí dễ thấy nhất để thu hút sự chú ý của người mua hàng.

Ngoài tính phổ biến, đồ ăn vặt còn thường có giá rất rẻ mà bất cứ ai cũng có thể mua được.

Đa số những thực phẩm này đều không tốt cho sức khỏe. Đó là lý do tại sao ngày số lượng người bị thừa cân, béo phì lại cao hơn nhiều so với trước.

Tóm tắt: Mức độ sẵn có và giá thành rẻ của những loại đồ ăn vặt là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì.

9. Đồ ăn chứa nhiều đường

Hàm lượng đường cao chính là một trong những vấn đề lớn nhất của chế độ ăn uống hiện đại ngày nay.

Khi tiêu thụ quá mức, đường làm thay đổi sự cân bằng hormone và các phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Điều này góp phần dẫn đến tăng cân.

Đường có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn gồm có hai loại, một nửa là glucose và một nửa là fructose. Chúng ta tiêu thụ glucose từ nhiều loại thực phẩm khác nhau, gồm có cả các nguồn tinh bột tự nhiên nhưng phần lớn fructose đến từ đường bổ sung trong thực phẩm chế biến sẵn.

Tiêu thụ quá nhiều fructose có thể gây ra tình trạng kháng insulin và tăng nồng độ insulin trong máu. Loại đường này cũng không tạo được cảm giác no giống như glucose.

Vì tất cả những lý do này nên đường góp phần làm tăng sự tích trữ mỡ và cuối cùng gây béo phì.

Tóm tắt: Lượng đường quá cao trong các thực phẩm chế biến sẵn là một trong những nguyên nhân chính gây béo phì.

10. Thông tin sai lệch

Không ít người đang hiểu chưa đúng về sức khỏe và dinh dưỡng.

Có nhiều lý do dẫn đến điều này và một lý do chính là những nguồn thông tin sai lệch. Công nghệ hiện đại giúp chúng ta có thể tiếp cận đến lượng thông tin khổng lồ trên mạng nhưng không phải thông tin nào trong đó cũng đúng.

Nhiều trang web có những bài viết cung cấp thông tin chưa được khoa học kiểm chứng, không chuẩn xác hay thậm chí sai lệch hoàn toàn về sức khỏe và dinh dưỡng.

Bên cạnh đó còn các thông tin đã quá cũ, không còn đúng với thói quen sống và chế độ ăn hiện tại.

Các công ty thực phẩm cũng góp phần trong tình trạng nhiễu loạn thông tin này. Một số quảng cáo về các sản phẩm, chẳng hạn như sản phẩm ăn kiêng giảm cân, không chính xác, khiến người tiêu dùng hiểu sai.

Việc nghe theo những thông tin sai lệch sẽ khiến chúng ta có lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh, dẫn đến tăng cân và khiến cho quá trình giảm cân không hiệu quả. Do đó, cần biết chọn lọc thông tin và xây dựng thói quen ăn uống, sinh hoạt cho phù hợp.

Tóm tắt: Thông tin sai lệch góp phần gây tăng cân ở nhiều người và còn có thể khiến cho việc giảm cân trở nên khó khăn.

Tóm tắt bài viết

Không phải lúc nào nguyên nhân gây tăng cân cũng là do bản thân thiếu ý thức trong chế độ ăn uống. Nguy cơ tăng cân, béo phì còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố không thể kiểm soát được. Nhưng cũng không thể vì thế mà buông thả thói quen ăn uống của mình.

Mặc dù không thể làm chủ hoàn toàn cách thức hoạt động của cơ thể nhưng bạn có thể kiểm soát thói quen ăn uống và lối sống.

Kể cả khi có một số bệnh lý, vấn đề sức khỏe gây cản trở hay vốn có nguy cơ béo phì cao hơn bình thường, ví dụ như do gen di truyền thì việc thực hiện chế độ ăn uống khoa học, kết hợp thói quen tập thể dục đều đặn và lối sống lành mạnh cũng vẫn có thể giảm tối đa nguy cơ thừa cân, béo phì.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: nguyên nhân, hàng đầu
Tin liên quan
Phát ban Keto: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Phát ban Keto: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Phát ban Keto là một hiện tượng có thể xảy ra khi ăn kiêng Keto.

8 nguyên nhân không giảm cân khi ăn Keto
8 nguyên nhân không giảm cân khi ăn Keto

Chế độ ăn kiêng Keto là một phương pháp giảm cân rất hiệu quả. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến một số người không đạt được mục tiêu khi thực hiện chế độ ăn này.

Top 12 Nguyên Nhân Gây Tích Mỡ Bụng Bạn Không Ngờ Tới
Top 12 Nguyên Nhân Gây Tích Mỡ Bụng Bạn Không Ngờ Tới

Nguyên nhân gây tích mỡ bụng bạn không ngờ tới. Việc tích tụ mỡ bụng nhiều sẽ dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh về chuyển hóa, tim mạch, thậm chí ung thư... Chi tiết theo dõi tiếp nội dung nhé

Nguyên nhân và các cách giảm mỡ vùng eo
Nguyên nhân và các cách giảm mỡ vùng eo

Mỡ thừa vùng eo là một vấn đề phổ biến hiện nay do nhiều nguyên nhân gây ra như lối sống hay chế độ ăn uống.

Nguyên nhân nào gây rụng tóc khi giảm cân?
Nguyên nhân nào gây rụng tóc khi giảm cân?

Giảm cân, đặc biệt là giảm cân quá nhanh, có thể đi kèm với một số vấn đề không mong muốn, chẳng hạn như rụng tóc.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây