Các bệnh về tĩnh mạch và cách điều trị
Các bệnh về tĩnh mạch là gì?
Các bệnh về tĩnh mạch có điểm chung là các tĩnh mạch ở bàn chân và cẳng chân không thể thực hiện chức năng một cách bình thường. Vậy, chức năng bình thường của tĩnh mạch là gì?
Nói một cách đơn giản, tĩnh mạch có nhiệm vụ bơm máu về tim. Tuy nhiên, theo thời gian, các van trong tĩnh mạch có thể bị suy yếu, đặc biệt là các van ở tĩnh mạch chi dưới vì chúng phải chống lại trọng lực lớn để đẩy máu về phía tim. Các van này có chức năng giữ cho máu chảy theo một hướng và khi chúng bị suy yếu thì máu sẽ chảy ngược trở lại và cuối cùng ứ đọng trong các đường tĩnh mạch ở cẳng chân, bàn chân.
Ban đầu, dấu hiệu của các vấn đề ở tĩnh mạch thường chỉ là nổi những mạch máu khó coi trên bề mặt da nhưng nếu không khắc phục thì sau một thời gian, vấn đề sẽ tiến triển thành những bệnh nguy hiểm hơn, ví dụ như huyết khối tĩnh mạch sâu.
Các bệnh tĩnh mạch phổ biến
Suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch bị phình lên, có màu xanh hoặc tía và nổi trên bề mặt da. Những tĩnh mạch này cũng có thể nằm sâu bên dưới da, nơi mà chúng ta không thể nhìn thấy được. Những người mắc chức suy giãn tĩnh mạch thường có tiền sử gia đình bị vấn đề tương tự. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ mang thai và những người làm công việc phải đứng lâu như y tá, giáo viên, bán hàng... Ngoài gây mất thẩm mỹ, suy giãn tĩnh mạch còn khiến người bệnh gặp những triệu chứng như đau, mỏi, ngứa, nóng, sưng, chuột rút và chân không yên.
Tĩnh mạch mạng nhện
Tĩnh mạch mạng nhện là những mạch máu nhỏ, mảnh, nằm rất gần bề mặt da. Các tĩnh mạch này hình thành do nguyên nhân tương tự như suy giãn tĩnh mạch. Sự ứ đọng máu khiến cho một số tĩnh mạch không còn thực hiện chức năng được như bình thường và nổi lên bề mặt da thành cụm trông giống như mạng nhện, có màu đỏ, xanh dương, xanh lá hoặc tím.
Tĩnh mạch mạng nhện có kích thước nhỏ hơn nhiều so với suy giãn tĩnh mạch và thường không gây đau đớn nhưng nếu xảy ra ở sâu hơn bên dưới thì vẫn có thể gây cảm giác khó chịu. Nhiều người bị cả suy giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng nhện cùng một lúc.
Nổi tĩnh mạch bàn tay
Trong hầu hết các trường hợp, các tĩnh mạch nổi ở mu bàn tay là điều hoàn toàn bình thường và không đáng lo ngại. Hiện tượng này xảy ra khi da bị chùng và mỏng đi do tuổi tác, khiến các tĩnh mạch nổi lên rõ hơn và có vẻ như to ra. Chúng chỉ hơi khó coi chứ không phải là bệnh. Mặc dù vậy nhưng nhiều người vẫn tìm đến các phương pháp điều trị vì lý do thẩm mỹ.
Nổi tĩnh mạch mặt
Các tĩnh mạch nổi trên mặt có kích thước, màu sắc rất đa dạng, từ các mạch máu rất mảnh màu đỏ hoặc tím cho đến các mạch máu lớn hơn và có màu xanh. Các tĩnh mạch nhỏ thường xuất hiện trên má, mũi và cằm. Nguyên nhân thường là do bệnh trứng cá đỏ (rosacea) và tổn thương do ánh nắng mặt trời. Mạch máu lớn hơn thường nổi ở hai bên thái dương và ở quai hàm. Đây cũng chính là thủ phạm gây ra quầng thâm bên dưới mắt. Những tĩnh mạch nổi ở vùng mặt đa phần không gây đau đớn hay khó chịu và thường được điều trị chỉ vì lý do thẩm mỹ.
Huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis) là sự hình thành cục máu đông (huyết khối) trong các tĩnh mạch sâu. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở các tĩnh mạch lớn nằm sâu bên trong cẳng chân và đùi. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể đe dọa đến tính mạng nếu cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến phổi. Hiện tượng nổi các tĩnh mạch gần bề mặt da có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng này.
Nhiều người bị suy giãn tĩnh mạch gặp triệu chứng đau, sưng phù, nặng nề và mỏi chân. Trong một số trường hợp, các tĩnh mạch ở chân còn có thể bị viêm và đau – đây là một tình trạng gọi là viêm tĩnh mạch nông (superficial phlebitis). Đôi khi viêm tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch nông (superficial vein thrombosis) xảy ra cùng một lúc. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Archives of Dermatology chỉ ra rằng 1/4 số người bị huyết khối tĩnh mạch nông cũng bị cả huyết khối tĩnh mạch sâu.
Nguyên nhân
Có nhiều yếu tố khác nhau khiến một người gặp phải các vấn đề về tĩnh mạch nêu trên. Dưới đây là một số yếu tố phổ biến nhất.
Ngồi nhiều
Khi ngồi một chỗ trong một thời gian dài thì áp lực lên đôi chân sẽ tăng lên và các tĩnh mạch phải làm việc vất vả hơn để chống lại trọng lực và đưa máu trở về tim. Nếu điều này tiếp diễn lâu ngày sẽ dẫn đến các vấn đề về tĩnh mạch hoặc khiến cho vấn đề hiện tại càng thêm nghiêm trọng hơn.
Với nhiều người, ngồi lâu khi làm việc là điều không thể tránh khỏi nhưng hãy tạo thói quen đứng dậy sau mỗi 30 phút và đi lại loanh quanh trong vài phút để máu lưu thông bình thường. Nếu không thể đứng dậy thì hãy thường xuyên nâng cao chân khi ngồi việc, mỗi lần chỉ cần vài giây. Điều này cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các tĩnh mạch ở chân.
Lão hóa
Mặc dù suy giãn tĩnh mạch và các bệnh về tĩnh mạch khác không chỉ xảy ra ở những người lớn tuổi nhưng quá trình lão hóa tự nhiên là một trong những yếu tố góp phần dẫn đến chứng giãn tĩnh mạch. Theo một nghiên cứu, cứ 2 người trên 50 tuổi thì có 1 người bị vấn đề này.
Tiền sử gia đình
Gen di truyền cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ bị các vấn đề về tĩnh mạch. Nếu có người thân ruột thịt bị giãn tĩnh mạch hay tĩnh mạch mạng nhện thì khả năng gặp phải bệnh tương tự sẽ cao hơn nhiều so với những người không có tiền sử gia đình.
Mặc dù không có cách nào có thể thay đổi gen, tính chất công việc ít vận động và chống lại sự lão hóa nhưng hoàn toàn có thể thực hiện những thay đổi nhỏ trong cuộc sống để làm giảm nguy cơ gặp phải các bệnh về tĩnh mạch.
Biện pháp ngăn ngừa
Dưới đây là một số biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất:
- Nếu phải ngồi lâu thì hãy đứng dậy và đi bộ sau mỗi 30 phút, có thể chỉ cần đi lại xung quanh bàn làm việc.
- Cố gắng dành thời gian đi bộ hai lẫn mỗi ngày, mỗi lần từ 20 - 30 phút vào buổi sáng và buổi tối
- Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng
- Duỗi chân thường xuyên trong suốt cả ngày
- Tránh mặc quần áo quá chật vì điều này sẽ chèn ép lên các mạch máu và làm giảm sự lưu thông máu
- Uống nhiều nước
- Nâng cao chân bất cứ khi nào có thể
Hiện nay đã có nhiều phương pháp để xử lý các vấn đề về tĩnh mạch. Đa số những phương pháp này đều không xâm lấn hoặc xâm lấn mức độ tối thiểu và gần như không cần thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào vấn đề gặp phải và mức độ nghiêm trọng. Dưới đây là một số phương pháp được sử dụng phổ biến nhất để xử lý các bệnh tĩnh mạch:
- Đốt bằng sóng cao tần
- Laser nội tĩnh mạch
- Tiêm (chích) xơ tĩnh mạch
- Các phương pháp điều trị khác, ví dụ như mang tất nén và công nghệ Veinwave
Mặc dù các bệnh về tĩnh mạch gây ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài và đôi khi còn gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng đa phần không quá đáng ngại. Miễn là biết cách giữ cho các mạch máu luôn ở trạng thái khỏe mạnh và can thiệp điều trị ngay từ sớm khi mới có dấu hiệu không bình thường thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa được những vấn đề này.
Biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị tĩnh mạch mạng nhện
Suy giãn tĩnh mạch là những tĩnh mạch bị phình to, xoắn, nổi trên bề mặt da và thường có màu xanh hoặc tím. Điều này xảy ra khi các van trong tĩnh mạch bị hỏng, khiến cho máu chảy ngược thay vì chảy về phía tim và ứ đọng lại.
Nhờ công nghệ hiện đại ngày nay mà việc điều trị các vấn đề ở tĩnh mạch đã trở nên vô cùng đơn giản, ít đau đớn, thời gian hồi phục nhanh chóng và an toàn hơn nhiều so với trước đây.
Mặc dù suy giãn tĩnh mạch không phân biệt tuổi tác và có thể xảy ra ở cả những người trẻ tuổi nhưng khi bắt đầu có tuổi thì chắc chắn sẽ dễ mắc bệnh hơn.
Loét là một vấn đề gây đau đớn, khó chịu, đặc biệt là khi xảy ra ở những vị trí di chuyển nhiều như chân. Loét tĩnh mach là một dạng loét khá phổ biến và thường xuất hiện ở vùng mắt cá chân.
- 7 trả lời
- 1800 lượt xem
Tôi có các đường tĩnh mạch màu xanh nổi rõ ở bắp chân (không phải giãn tĩnh mạch). Phương pháp nào có thể điều trị tình trạng này hiệu quả nhất?
- 5 trả lời
- 1103 lượt xem
Cách xử lý các đường tĩnh mạch ở bàn chân
- 8 trả lời
- 2067 lượt xem
Da của tôi khá trắng và tôi đã thử điều trị bằng liệu pháp IPL nhưng không có hiệu quả. Không biết có phải do chuyên viên đã chọn nhầm chế độ thiết lập hay do da tôi quá dày và cần loại laser mạnh hơn. Tôi muốn tìm một phương pháp có thời gian hồi phục ngắn nhất có thể.
- 9 trả lời
- 1893 lượt xem
Tôi cần chọn phương pháp nào để xử lý các đường tĩnh mạch mạng nhện đỏ bắt đầu xuất hiện xung quanh mũi?
- 6 trả lời
- 2731 lượt xem
Có loại laser nào có thể thu nhỏ các đường tĩnh mạch trên mặt không?