Niềng Răng
Niềng răng là gì?
Niềng răng là thiết bị để nắn thẳng răng hoặc dịch chuyển răng nhằm cải thiện khớp cắn và vẻ ngoài của răng cũng như sức khỏe răng miệng nói chung. Loại niềng răng phổ biến nhất là niềng răng mắc cài kim loại truyền thống có sử dụng dây cung, nhưng ngày nay có các phiên bản khác dần dần phổ biến hơn chẳng hạn như niềng răng mắc cài mặt trong (mặt lưỡi) và niềng răng trong suốt.
Niềng răng khá tốn kém, nhưng được nhiều bệnh nhân đánh giá “Niềng răng rất đáng giá”. Răng chen chúc và lệch lạc khớp cắn có thể góp phần gây ra các vấn đề răng miệng như tụt lợi, tiêu xương, sâu răng, mòn răng bất thường, đau đầu, đau hàm, đau khớp. Bằng cách nắn thẳng răng, hàm vào vị trí thích hợp, bạn sẽ cải thiện được toàn bộ sức khỏe răng miệng cũng như cách mà bạn ăn nhai và phát âm.
Ưu điểm và nhược điểm của niềng răng
Ưu điểm
- Nụ cười cân đối giúp “bồi đắp” lòng tự tin
- Không bao giờ là quá già để niềng răng. Quá trình dịch chuyển răng ở người lớn có thể cần nhiều thời gian hơn so với trẻ em bởi vì xương hàm đã cứng hơn khi trưởng thành, nhưng nếu răng chắc khỏe thì có thể dịch chuyển được ở mọi độ tuổi. Trên thực tế, cứ 4 người chỉnh nha thì có 1 người là người trưởng thành (bao gồm cả những người đã từng niềng răng khi là trẻ con nhưng không đeo hàm duy trì sau đó).
- Bên cạnh việc chỉnh sửa khớp cắn tốt hơn và giúp răng đều đặn hơn, niềng răng còn giúp giảm các vấn đề rủi ro về răng miệng trong tương lại như sâu răng, bệnh về lợi và khó ăn nhai.
Nhược điểm
- Niềng răng có thể là một thử thách. Các khí cụ chỉnh nha thường khiến kích ứng hoặc tổn thương mô mềm (môi, má, lưỡi…) và áp lực đặt lên răng để dịch chuyển răng sẽ khiến bệnh nhân bị đau, đặc biệt trong suốt đêm đầu tiên sau mỗi lần điều chỉnh dây cung. Các thuốc giảm đau OTC có thể cải thiện vấn đề này như acetaminophen và ibuprofen.
- Khó làm sạch răng khi sử dụng niềng răng mắc cài truyền thống.
- Tùy thuộc vào loại niềng răng bạn lựa chọn mà khác nhau về thời gian tái khám định kỳ, thường cách nhau khoảng 4-10 tuần
- Sau khi tháo niềng, cần đeo hàm duy trì thường xuyên (gần như suốt quãng đời còn lại) để giữ gìn kết quả điều trị.
- Thực phẩm dẻo hoặc rất cứng hoặc giòn có thể làm hư hại bộ niềng, do đó bạn sẽ phải tránh những thực phẩm này trong suốt thời gian điều trị.
Cơ chế nắn thẳng răng của niềng răng
Niềng răng truyền thống tạo áp lực liên tục lên răng, từ từ dịch chuyển răng đến vị trí phù hợp hơn. Điều này được thực hiện bằng cách gắn các mắc cài kim loại lên răng để chúng giữ dây cung tại chỗ. Dây cung tạo áp lực lên răng để dịch chuyển răng và chúng sẽ được điều chỉnh thường xuyên (thường từ 4 đến 8 tuần mỗi lần) trong suốt quá trình điều trị.
Nếu răng chen chúc quá mức, bác sĩ sẽ tính toán và quyết định cần nhổ một số răng để lấy chỗ dàn thẳng răng. Số lượng răng được nhổ thường khoảng 1-4 răng.
Mất khoảng 2 tiếng đồng hồ để đặt niềng răng vào. Tổng thời gian bao gồm cả công đoạn làm sạch và làm khô răng bởi vì các mắc cài có thể được bảo vệ bằng một loại keo dán đặc biệt. Nếu bạn thường xuyên tới phòng khám kiểm tra răng miệng, bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian chuẩn bị trước khi niềng răng, và sớm bắt đầu đeo niềng.
Thời gian niềng răng của mỗi người là khác nhau. Kế hoạch điều trị trung bình thường từ 18 - 22 tháng và không có gì là bất thường nếu niềng răng cần 36 tháng hoặc lâu hơn (trường hợp khớp cắn phức tạp).
Các bộ phận của niềng răng
Niềng răng gồm có những bộ phận sau:
- Mắc cài (bracket) là những hình vuông nhỏ được gắn trực tiếp vào mặt trước của mỗi răng bằng một chất gắn kết đặc biệt hoặc gắn với band (khâu chỉnh nha). Mắc cài có nhiệm vụ giữ dây cung di chuyển răng. Có nhiều loại mắc cài khác nhau, gồm có loại làm bằng thép không gỉ, gốm có màu giống với màu răng hoặc nhựa – đây là loại thường được lựa chọn vì không quá gây mất thẩm mỹ. Đôi khi, mắc cài được gắn vào mặt sau của răng để che bớt đi niềng răng.
- Khâu chỉnh nha (band) được làm từ thép không rỉ, nhựa trong suốt hoặc vật liệu trùng màu răng, được gắn vào răng bằng một chất gắn kết đặc biệt. Khâu chỉnh nha được quấn quanh mỗi răng, đóng vai trò như mỏ neo cho mắc cài. Loại khâu trong suốt hay trùng màu răng thường có tính thẩm mỹ cao hơn nhưng lại có giá cao hơn so với loại làm bằng thép không gỉ. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần dùng khâu chỉnh nha, một số người có thể chỉ cần đến mắc cài mà không cần khâu.
- Thun tách kẽ (spacer) là bộ phận được đặt vào giữa các răng để tạo ra khoảng cách nhỏ giữa các răng trước khi đeo khâu. Xem video
- Dây cung (arch wire) được gắn vào các mắc cài và có vai trò định hướng sự dịch chuyển của răng. Dây cung có thể được làm từ kim loại hoặc nhựa trong suốt hoặc vật liệu trùng với màu răng. Xem video
- Chun buộc (elastic tie/elastic ligature), là những vòng tròn nhỏ bằng cao su hoặc dây kim loại để cố định dây cung với các mắc cài. Xem video
- Các dây lò xo (spring) có thể được đặt trên dây cung giữa các mắc cài để kéo, đẩy, mở hay đóng khoảng cách giữa các răng. Xem video
- Chun kéo (elastic band, chain elastic) được gắn với những đầu móc trên mắc cài và được đeo giữa hàm trên và hàm dưới theo nhiều cách khác nhau. Chúng tạo áp lực để di chuyển hàm trên xuống phía dưới để các răng khớp với nhau. Xem video
- Headgear là một dụng cụ bằng kim loại được sử dụng để di chuyển răng hàm trên, chỉnh sửa vấn đề sai khớp cắn và tạo thêm chỗ nếu như hàm có quá nhiều răng.
Đối tượng phù hợp để niềng răng
Nha sĩ thường kiểm tra các sai lệch răng và khớp cắn khi bệnh nhân ở độ tuổi từ 8 đến 14 tuổi, nhưng bạn có thể niềng răng ở bất kỳ độ tuổi nào. Răng có thể mọc chen chúc quá mức, hoặc thiếu khoảng trống hoặc xô lệch miễn là răng khỏe mạnh. Một số bệnh nhân có vấn đề khớp cắn sâu, khớp cắn ngược hoặc thậm chí là khớp cắn chéo. Một số khác bị chứng rối loạn khớp thái dương hàm, và niềng răng có thể giúp kéo hàm về đúng vị trí.
Một số bệnh lý như hở hàm ếch cũng có thể niềng răng về mặt y tế. Thêm vào đó, nếu bạn bị mất răng do các bệnh di truyền, niềng răng có thể giúp nắn thẳng những răng hiện tại và đóng khoảng trống.
Niềng răng có một hoặc nhiều mão răng (trồng răng implant, bọc răng sứ,..) thường không phải là vấn đề. Bác sĩ chỉnh nha sẽ sử dụng một chất dính khác để đảm bảo mắc cài có thể gắn chặt vào mão răng. Nếu bạn bị bệnh về lợi, nứt răng, hoặc sâu răng, nha sĩ sẽ giải quyết các tình trạng đó trước khi niềng răng.
Nếu bạn dễ bị dị ứng, hãy cho bác sĩ biết thông tin đó. Một số khí cụ chỉnh nha được làm từ thép không gỉ kết hợp với titan, có thể kích thích sự nhạy cảm với niken, nhưng có những chất/kim loại thay thế. Ngoài ra, nếu bạn bị dị ứng với latex, điều quan trọng là nha sĩ sẽ không sử dụng găng tay latex hoặc bất kỳ thiết bị nào có chứa thành phần latex trong suốt quá trình điều trị.
Những người bị cứng khớp răng (ankylosis), một bệnh lý hiếm mà trong đó chân răng hợp nhất với xương, sẽ không nhận được kết quả tốt từ niềng răng, đơn giản bởi vì răng không thể dịch chuyển. Trong khi đó, các răng xung quanh nó sẽ bắt đầu dịch chuyển, dẫn đến sự liên kết khác nhau.
Xem thêm: Độ tuổi tốt nhất để niềng răng
Trông bạn sẽ thế nào khi niềng răng?
Việc niềng răng ngày nay trở nên thoải mái hơn và ít gây chú ý hơn xưa. Các khí cụ chỉnh nha nhỏ hơn, ít mắc cài hơn, dây cung cũng ít bị lộ hơn (trong khi đạt hiệu quả hơn). Bạn có thể lựa chọn mắc cài bạc, vàng, sứ hoặc nhựa trong suốt (giá thành khác nhau). “Nếu niềng răng của bạn có màu trùng với màu răng thì chúng càng khó nhìn ra”.
Niềng răng không làm thay đổi khuôn mặt của bạn, nhưng nếu bạn được chỉ định nhổ răng, bạn có thể nhận thấy bị hóp má về sau. Nếu bạn nhận thấy môi của bạn trông to hơn hoặc căng hơn, điều này đơn giản bởi vì chúng bị niềng răng đẩy ra và chỉ là tạm thời
Mẹo: Không những đắt tiền hơn, niềng răng mắc cài sứ còn có thể làm hỏng bề mặt răng. Chúng cũng có thể tạo ra ma sát giữa dây cung và mắc cài, có thể làm tăng thời gian điều trị.
Xem thêm: Có cần nhổ răng khi niềng răng không?
Rủi ro khi niềng răng
Nhìn chung, niềng răng rất an toàn. Khi đeo niềng, bạn cần chú ý làm sạch kẽ răng và vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh tích tụ mảng bám, sâu răng và bệnh về lợi. Máy tăm nước là một đồ dùng được nhiều người đeo niềng lựa chọn để làm sạch những khoảng trống nhỏ giữa các răng.
Áp lực và sức căng của niềng răng có thể gây tái hấp thu chân răng (chân răng ngắn hơn) – điều này có nghĩa là răng kém ổn định. Theo nghiên cứu, nó có khả năng xảy ra cao gấp 4 lần so với không niềng răng. Tuy nhiên, rủi ro là thấp, xảy ra chỉ 1-5% tổng số răng.
Răng có nguy cơ “chạy lại” nếu bạn không đeo hàm duy trì sau khi tháo niềng. Điều đó có nghĩa là răng của bạn có thể từ từ dịch chuyển lại về vị trí ban đầu và dễ gặp tình trạng răng chen chúc, khớp cắn sâu hoặc hô vẩu hoặc răng sắp xếp lộn xộn.
Nếu bạn lo lắng bị hỏng niềng răng trong khi đeo niềng, hãy tuân thủ các hướng dẫn về chế độ ăn uống và cách chăm sóc răng miệng hàng ngày. Tới phòng khám để được làm sạch răng 2 lần/năm.
Mẹo: Bởi vì niềng răng nắn chỉnh lại và làm thẳng răng để phù hợp với hàm, nên nhiều người thấy tật nghiến răng của họ đã được loại bỏ.
Xem thêm: Nguyên nhân gây hóp má khi niềng răng
Chăm sóc răng miệng khi đeo niềng răng
Khi niềng răng, vệ sinh răng miệng là việc làm cần thiết và quan trọng. Đánh răng và xỉa răng có thể gặp một chút khó khăn khi đeo niềng, vì nó mất thời gian và phải tiếp cận từng cái răng. Trước khi đánh răng, bạn nên súc miệng với một vài ngụm nước để “nới lỏng” phần thức ăn bám trên răng. Sau đó, đặt đầu bàn chải nghiêng 45 độ để chải đường viền nướu. Để chải các mắc cài, đưa bàn chải từ trên xuống và chải phần phía trên của mắc cài. Lặp lại như thế để chải phần dưới của mắc cài với hướng bàn chải từ dưới lên.
Chỉ nha khoa là dễ nhất nếu bạn sử dụng loại chỉ nha khoa chỉnh nha. Kéo chỉ nha khoa vào kẽ răng và kéo chạm tới đường viền nướu, lặp lại ở từng kẽ răng. Bác sĩ Tâm khuyên bạn sử dụng nước súc miệng hoặc súc miệng sau khi đánh răng và nên đầu tư một chiếc máy tăm nước Waterpik. “Súc miệng và sử dụng máy tăm nước có thể mang lại nhiều lợi ích bởi vì chỉ nha khoa không thể tiếp cận được mọi ngóc ngánh. Máy tăm nước sẽ giúp bạn loại bỏ mọi vụn thức ăn dư thừa mà bàn chải đánh răng và chỉ nha khoa có thể không loại bỏ được”.
Tùy thuộc vào loại niềng răng mà bạn đeo, các lựa chọn tẩy trắng răng có thể đa dạng hoặc bị hạn chế. Những người chọn niềng răng mắc cài mặt trong hoặc sử dụng các khay niềng răng tháo lắp đều có đủ tất cả những lựa chọn tẩy trắng răng như người không đeo niềng, bao gồm quy trình tẩy trắng răng chuyên nghiệp tại phòng khám và tẩy trắng răng tại nhà như dùng kem đánh răng và các miếng dán trắng răng.
Nếu bạn đang niềng răng truyền thống, không nên tẩy trắng răng dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi vì đế mắc cài che phủ 1 phần răng – phần đó sẽ không được làm trắng, hơn nữa, niềng răng bằng kim loại có thể bị oxy hóa và đổi màu khi gặp các sản phẩm tẩy trắng.
Các thực phẩm nên ăn khi niềng răng
Có nhiều loại thực phẩm thân thiện với niềng răng, và nếu bạn yêu cầu, bác sĩ chỉnh nha sẽ liệt kê cho bạn một danh sách chi tiết. Trong khi phần lớn các thực phẩm được khuyến cáo là đồ mềm như trứng, yến mạch, khoai tây nghiền và kem, bạn cũng có thể ăn một số protein nạc và hầu hết các loại rau củ hấp hoặc nấu chín. Thực phẩm mềm rất có ích cho răng miệng vốn đang bị đau của bạn, bởi hoạt động ăn nhai sẽ nhẹ nhàng hơn. Sô cô la cũng là một lựa chọn tốt và hãy đảm bảo súc miệng ít nhất 30 phút sau khi uống cà phê để tránh ngả màu răng.
Bạn có thể nhai kẹo cao su khi đeo niềng răng truyền thống, nhưng nếu bạn đang đeo khí cụ nong hàm thì không nên ăn kẹo cao su. Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ có một danh sách các loại kẹo cao su không đường được chấp nhận bao gồm Eclipse, Extra, Ice Breakers Ice Cubes, Orbit, và Trident không đường. Kẹo cao su không đường thực sự giúp răng bạn được sạch hơn bằng cách tăng lượng nước bọt ở trong miệng.
Bạn nên tránh ăn các loại hạt, bỏng ngô, kẹo taffy (kiểu kẹo kéo) và các loại kẹo cứng hoặc giòn. Bỏ qua các kẹo dẻo, thịt bò/thịt trâu khô, khoai tây chiên và ngô nguyên bắp.
Một số loại thực phẩm yêu thích nằm trong nhóm “nửa này nửa nọ”. Chẳng hạn như, nếu bạn ăn phần lớp vỏ cứng của pizza, bạn có thể bị hư hại bộ niềng. Khi ăn burger, bạn cần cắt thành nhiều miếng nhỏ và miếng steak (bít-tết) có thể dai hoặc quá dai đối với bạn. Nếu bơ đậu phộng quá dính thì đừng cố gắng ăn nó.
Mẹo: Mặc dù gặm nguyên quả táo hoặc củ cà rốt có thể nằm trong danh sách bị hạn chế, nhưng chúng sẽ ổn nếu được cắt nhỏ hoặc thái thành từng lát mỏng.
Niềng răng khi đang mang thai có được không?
Bạn có thể niềng răng khi đang mang thai nhưng sức khỏe răng miệng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nội tiết trong cơ thể. Kết quả là, bạn sẽ bị viêm lợi và sưng lợi khi mang thai. Nhiều người sẽ phát triển các u cục nhỏ màu hồng hoặc đỏ ở trên lợi trong tam cá nguyệt thứ 2 (bầu tháng thứ 4,5,6). Chúng thực sự không phải là ung thư và sẽ biến mất sau khi sinh em bé, nhưng những u cục này gây khó chịu, đặc biệt khi đeo niềng. Một số mẹ bầu đã phẫu thuật cắt bỏ chúng, nhưng nha sĩ cũng có thể sử dụng laser Nd:YAG để loại bỏ các khối sưng nề đó một cách nhẹ nhàng mà không gây chảy máu.
Nếu bạn thèm thuồng các loại thực phẩm không được khuyến cáo (như các loại hạt cứng hoặc kẹo), hãy tìm kiếm đồ ăn nhẹ thay thế - loại có mùi vị tương tự hoặc thành phần dinh dưỡng tương đương, mà không làm ảnh hưởng tới mắc cài hoặc dây cung.
Niềng răng có đau không?
Khi mới đeo niềng hoặc sau mỗi lần điều chỉnh dây cung và mắc cài, bạn sẽ cảm thấy đau. Khi răng dịch chuyển, bạn cũng cảm thấy đau. Tình trạng này có thể gây khó chịu nhưng sau một thời gian bạn sẽ quen dần và chịu đựng được. Các thuốc giảm đau OTC có thể giúp bạn thoải mái hơn.
Nếu đầu dây cung hoặc mắc cài chọc/cọ vào má hoặc lợi của bạn, nha sĩ hoặc bác sĩ chỉnh nha sẽ gắn sáp chỉnh nha để bọc lại. Vê tròn sáp chỉnh nha (cỡ hạt đậu) rồi bọc lên bất kỳ vị trí sắc nhọn nào của mắc cài hay dây cung khiến bạn khó chịu. Điều này đặc biệt hữu ích nếu bạn dễ hình thành các vết loét, trầy xước.
Xem thêm: 6 mẹo cấp cứu niềng răng tại nhà hoặc đi du lịch
Khi nào bắt đầu đeo thun kéo liên hàm?
Để điều chỉnh khớp cắn hoặc nắn chỉnh răng của bạn, bác sĩ chỉnh nha sẽ sử dụng thun kéo liên hàm – 1 đầu móc vào hook của mắc cài ở hàm trên và 1 đầu móc vào hook của mắc cài ở hàm dưới. Một số người bắt đầu đeo thun kéo liên hàm chỉ sau vài lần thăm khám điều chỉnh, trong khi một số người bắt đầu đeo vào cuối năm đầu tiên niềng răng. Đây là một phần quan trọng trong điều chỉnh răng, vì vậy hãy chuẩn bị để cam kết đeo thun kéo suốt 24 giờ mỗi ngày cho đến khi nhận được hướng dẫn khác từ bác sĩ.
Đeo thun kéo vào tất cả các ngày, 24 giờ/ngày, cả lúc ăn và lúc ngủ. Bạn chỉ nên tháo ra khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa, và ngay sau đó móc thun mới lại.
Thun kéo liên hàm không gây đau, mặc dù bạn cảm thấy căng/thắt chặt hàm khi mới đeo
Bởi vì thun kéo liên hàm bị mất hiệu quả và sức căng nên bạn cần thay thun kéo mới từ 3-4 lần mỗi ngày và ít nhất là 12 tiếng thay 1 lần.
Điều gì xảy ra khi tháo niềng?
Thời gian tháo niềng có thể mất 1 tiếng đồng hồ. Bác sĩ chỉnh nha sẽ sử dụng những chiếc kìm đặc biệt để gỡ bỏ mắc cài ra khỏi răng. Lượng chất dính còn dư trên răng sẽ được loại bỏ bằng cách đánh bóng răng, giống như khi bạn làm sạch răng chuyên nghiệp.
Nhiều người không bị đau khi tháo niềng, nhưng họ thực sự cảm thấy răng “nhầy nhụa” và lợi có thể bị viêm. Sau một tuần đánh răng và dùng chỉ nha khoa, các tác dụng phụ này sẽ giảm đi.
Đừng tự tháo niềng ở nhà, bởi vì bạn có thể bị hỏng hoặc gãy răng, hoặc bị đau.
Sau khi tháo niềng, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn hàm duy trì, để giữ cho răng khỏi dịch chuyển. Hầu hết mọi người cần đeo hàm duy trì tháo lắp toàn thời gian khoảng 6 tháng đến 1 năm, sau đó giảm xuống chỉ cần đeo hàng tối. Dần dần, bạn sẽ đeo hàm duy trì vài lần mỗi tuần trong khi ngủ.
Một lựa chọn khác là hàm duy trì vĩnh viễn, là một dây cung kim loại được gắn vào mặt sau của răng để ngăn ngừa răng dịch chuyển. Nó là một dây cung làm từ thép không gỉ, mỏng, xoắn, được gắn vào mặt sau của 6 chiếc răng cửa. Hàm duy trì này thực sự không vĩnh viễn. Bạn cần phải thay nó một vài lần trong suốt cuộc đời, bởi vì nó bị hao mòn. Một số bác sĩ chỉnh nha khuyên sử dụng thêm hàm duy trì tháo lắp, ngoài hàm duy trì vĩnh viễn vì như thế tất cả răng đều được bảo vệ.
Hãy hỏi bác sĩ để biết cách tự thay lắp thun kéo.
Không tăng gấp đôi độ đàn hồi, ngay cả khi bạn bị quên 1 ngày không đeo. Tăng gấp đôi độ đành hồi thực sự làm chậm dịch chuyển răng. (Răng dịch chuyển nhanh khi có lực nhẹ liên tục tác động lên).
Đeo thun kéo liên hàm bán thời gian có thể làm răng chống lại sự nắn thẳng và tồi tệ hơn, răng sẽ bị đau do liên tục trải qua cùng một giai đoạn điều chỉnh.
Các lựa chọn thay thế cho niềng răng mắc cài kim loại
Ngày nay, niềng răng truyền thống nhỏ hơn, nhẹ hơn và lộ ít kim loại hơn so với trước kia, nhưng đối với nhiều người, họ vẫn cảm thấy quá lộ liễu. Dưới đây là một số lựa chọn thay thế có thể bạn sẽ thích hơn:
- Niềng răng trong suốt, như Invisalign, đòi hỏi bệnh nhân cần đeo một loạt các khay niềng trong suốt (thường 18-30 khay) để dịch chuyển răng. Mỗi khay niềng sẽ dịch chuyển răng vào vị trí tốt hơn so với khay niềng trước đó. Mặc dù các khay niềng trong suốt nhưng hầu hết mọi người cần đeo các hạt attachment nhỏ cùng màu với răng – các hạt này có thể gây chú ý (mặc dù vẫn ít bị lộ hơn niềng răng truyền thống). Bạn nên tháo khay niềng khi ăn uống, nếu không, chúng sẽ bị mòn theo thời gian.
- Niềng răng mắc cài mặt lưỡi, như Niềng răng Incognito và iBraces, tương tự với niềng răng mắc cài kim loại truyền thống để nắn thẳng răng, chỉ khác là mắc cài và dây cung được gắn ở mặt sau của răng nên không bị lộ.
Chi phí niềng răng
Có nhiều mức chi phí niềng răng khác nhau. Một số công ty bảo hiểm có thể sẽ hỗ trợ chi trả một phần phí niềng răng cho khách hàng nên hãy hỏi chi tiết bên bảo hiểm về chính sách hỗ trợ này.
- Thông tin về bảng giá Niềng Răng
- Hỏi đáp về Niềng Răng
- Video Niềng Răng của các khách hàng
- Hình ảnh trước sau Niềng Răng
- 1 trả lời
- 735 lượt xem
Tôi bị vẩu nên đang phải niềng răng. Bác sĩ nói với tôi là cần phải nhổ đi 4 chiếc răng số 4 nên tôi thấy hơi lo. Nếu bắt buộc phải nhổ và không ảnh hưởng gì đến mặt thì cũng không sao nhưng tôi nghe nói là nếu nhổ răng thì miệng sẽ bị nhỏ lại mà miệng tôi bây giờ vốn đã nhỏ lắm rồi. Hiện tại tôi đang đeo niềng được 17 tháng rồi, nếu nhổ răng thì mất bao lâu mới có thể kéo các răng lại được? Và có thực sự cần phải nhổ răng không?
- 1 trả lời
- 1071 lượt xem
Tôi đã mút ngón tay suốt 24 năm và vẫn đang cố gắng dừng lại. Thực sự mong muốn các kết quả tốt nhất, nhanh nhất có thể và cũng là một phương pháp giúp tôi không phải phẫu thuật hàm.
- 4 trả lời
- 3213 lượt xem
Tôi đã dùng niềng răng kim loại (có mắc cài) để điều chỉnh vấn đề răng hô và thu hẹp răng thưa nhưng sau khi tháo niềng tôi lại không dùng hàm duy trì. Vì thế, hiện tại các răng lại bắt đầu xuất hiện khoảng trống. Tôi đã tháo niềng được vài năm và không biết bây giờ nên làm gì. Liệu niềng răng trong suốt Invisalign (không mắc cài) có phải là giải pháp tốt nhất đối với vấn đề của tôi không? Tôi có thể cần dùng hàm duy trì không?
- 1 trả lời
- 836 lượt xem
Các bác sĩ cho tôi hỏi niềng răng có những nhược điểm gì?
- 1 trả lời
- 2134 lượt xem
Tôi 31 tuổi và có một chiếc răng nanh bị mọc lệch lên trên và bị xoay. Tôi đã đi gặp bác sĩ và được khuyên là nhổ một chiếc răng tiền hàm ở hàm trên bên trái, sau đấy thì niềng răng nhưng tôi không muốn phải đeo niềng kim loại thì liệu có thể chọn niềng trong suốt Invisalign không?
- 1 trả lời
- 1050 lượt xem
Răng nanh ở hàm trên của em bị mọc lệch thì có cách nào để xử lý? Em không muốn phải đeo niềng kim loại đâu nên muốn biết còn có lựa chọn nào khác không ạ?
- 1 trả lời
- 671 lượt xem
Tôi đã đi gặp hai bác sĩ và đều được khuyên là phải nhổ răng. Một bác sĩ bảo là phải nhổ đi chiếc răng khôn ở hàm trên để kéo các răng vào bên trong. Bác sĩ kia lại bảo là nhổ răng tiền hàm ở hàm trên bên trái và mài đi vài răng ở hàm dưới để nắn thẳng các răng. Tôi không biết nên chọn phương án nào nữa. Tôi muốn nắn thẳng hàm răng và điều chỉnh đường midline. Ngoài ra, tôi còn có vấn đề khớp cắn và cằm hơi lệch nữa thì nên chọn phương án nào?
- 1 trả lời
- 1078 lượt xem
Bác sĩ nói là em cần dùng khí cụ nong rộng hàm và cho dùng loại tháo lắp nhưng em đang không biết là loại này có hiệu quả được như loại gắn cố định không. Em có một câu hỏi nữa là em trên 20 tuổi rồi thì khí cụ nong rộng hàm có còn cải thiện được đường hô hấp nữa không? Ngoài ra, em còn có vấn đề khớp cắn hở nữa.
- 1 trả lời
- 1612 lượt xem
Em có 2 răng cửa thưa và chìa ra ngoài thế kia, hàm dưới hơi chìa 1 tí; khớp cắn ok nhưng Thái dương bị hóp sẵn ạ. Em đi khám bsi tư vấn 2 phương án: 1. Là nhổ 4r hàm nhỏ lấy khoảng kéo, 4 răng số 8 thì theo dõi nhổ sau; thì có thể mặt nghiêng niềng xong sẽ đẹp hơn, cằm Vline hơn. Nhưng em gầy lắm, 42 kg, cơ địa cực khó tăng cân. Thái dương lại hóp sẵn nên e sợ nhổ răng sẽ bị hóp nặng thêm lại như cái hình xương chéo người ta sơn ngoài cột điện, sợ mặt sẽ không đẹp dù răng có đẹp lên. 2. Nhổ ngay 4 răng số 8, và cắt kẽ, kết hợp chỉnh cung răng, đóng khe thưa, thì chỉ giảm hô được tầm 30% nhưng vì mặt nghiêng không hô mà chỉ cười nghiêng thì chìa ra thôi, cho nên 30% vẫn chấp nhận được. Tuy nhiên, không biết xong thì sẽ thành thế nào. Mong các bác sĩ tư vấn thêm ạ
- 1 trả lời
- 1353 lượt xem
Tôi bị khớp cắn sâu nên đang phải niềng răng. Đến giờ là được 7 tháng rồi. Bác sĩ nói là cứ nắn thẳng răng trước rồi mới phải nhổ răng sau. Điều này có cần thiết không?
- 1 trả lời
- 1213 lượt xem
Tôi định sẽ trồng răng Implant do bị mất một chiếc răng tiền hàm nhưng tôi còn bị khớp cắn sâu nên tôi cũng muốn niềng răng nữa. Vậy tôi nên niềng răng trước hay trồng răng Implant trước?
- 1 trả lời
- 782 lượt xem
Em đang niềng răng và có một mắc cài bị bung ra. Như thế liệu có làm sao không và có cần đi thay luôn không?
- 1 trả lời
- 2568 lượt xem
Em đã đeo niềng được gần hai năm rồi và trước đó có nong rộng hàm. Em sắp tháo niềng đến nơi rồi mà hai răng cửa vẫn còn thưa như trong ảnh. Hàm dưới thì được rồi, chỉ có hàm trên là bị thưa thôi. Em nên làm gì bây giờ?
- 1 trả lời
- 1498 lượt xem
Giữa hai răng cửa của tôi có một khoảng hở khoảng 1mm, khiến tôi rất không tự tin khi cười. Ngoài ra, tôi còn có vấn đề khớp cắn sâu (hàm trên nhô về phía trước) và vài răng ở hàm dưới cũng hơi thưa nữa. Thế thì tôi có cần phải niềng răng không?
- 1 trả lời
- 832 lượt xem
Mình 24 tuổi, đang định niềng, tình trạng hơi hô nhẹ để ý kĩ mới thấy. Bác sĩ tư vấn mình 2 phương án: 1. Niềng không nhổ xoay răng đúng vị trí thì thời gian ~1 năm nhưng k hết hô 2. Niềng có nhổ 4 răng số 4 thì hết hô, thời gian > 2 năm & chi phí nhiều hơn p.a 1 Mong các bác sĩ tư vấn với ạ. Ngoài ra nếu nhổ răng số 4 thì có giúp cung hàm gọn lại k? Cháu nhai nhiều 1 bên hàm bây giờ thành 1 bên to 1 bên nhỏ :((
- 1 trả lời
- 846 lượt xem
Em 20 tuổi, răng em có bị hô hàm trên, em muốn niềng không biết là nên niềng nguyên hàm hay chỉ một hàm trên thôi?
- 1 trả lời
- 946 lượt xem
Chào các bác sĩ, Em mới niềng răng được 1 tháng do bị khớp cắn sâu. Bác sĩ đưa ra ba lựa chọn là đeo thun liên hàm, lò xo kim loại hoặc nhổ đi 2 răng tiền hàm ở hàm trên, trong đó nếu nhổ răng thì sẽ rút ngắn được thời gian đeo niềng nên em đã chọn phương án này. 2 ngày nữa là em sẽ nhổ răng nhưng vẫn rất lo, không biết có rủi ro gì hay không.
- 1 trả lời
- 727 lượt xem
E muốn hỏi 1 chút là răng em bị khập khiễng thế này thì có phải niềng ko ạ? E chỉ muốn mài đi cái đó rồi ốp răng khác vào có đc ko ạ?
- 5 trả lời
- 7166 lượt xem
Liệu môi trên có bị nhỏ đi sau khi nhổ răng và niềng răng để chữa vẩu không?
- 1 trả lời
- 1929 lượt xem
E vừa tháo niềng khoảng 2 tháng nhưng ko thường xuyên đeo hàm duy trì, bây giờ e mới phát hiện răng phía trong cùng lệch rất nhiều, vậy đeo hàm duy trì có chỉnh lại đi ko ạ??