10 cách khắc phục và ngăn ngừa tóc chẻ ngọn
Tóc chẻ ngọn là gì?
Tóc chẻ ngọn là một vấn đề xảy ra khi tóc bị hư tổn, lớp bên ngoài của sợi tóc bị phá hủy và lớp tóc yếu hơn bên trong bị tách ra. Tóc chẻ ngọn chủ yếu xảy ra ở những người có tóc dài vì phần đuôi tóc của tóc dài đã tồn tại được nhiều năm, do đó phải tiếp xúc với ánh nắng, khói bụi, nhiệt độ cao và hóa chất nhiều hơn so với tóc ngắn.
Tóc chẻ ngọn có phần đuôi tóc khô xơ, chuyển màu, dễ rối và dễ gãy rụng, khiến cho mái tóc trở nên xơ xác. Mặc dù những vấn đề này chủ yếu xảy ra ở đuôi tóc nhưng để khắc phục tóc chẻ ngọn và khôi phục mái tóc chắc khỏe thì cần phải chăm sóc toàn bộ mái tóc và da đầu.
Những nguyên nhân khiến tóc bị chẻ ngọn
Tóc chẻ ngọn là do tóc bị hư tổn, lớp biểu bì bên ngoài (lớp cutin) của sợi tóc bị phá hủy, dần dần bị vỡ hoặc bong ra và lớp giữa (lớp cortex) trở nên thiếu gắn kết và bị tách rời.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tóc chẻ ngọn chủ yếu là do các hành vi gây hại cho tóc và chăm sóc tóc không đúng cách.
Tóc không được chăm sóc tốt
Mái tóc của chúng ta phải tiếp xúc với nắng gió hàng ngày và nếu không được chăm sóc tốt thì sẽ dần trở nên khô xơ và rất dễ bị chẻ ngọn.
Các cách chăm sóc tóc cơ bản là gội đầu khoảng 3 - 4 lần một tuần, sử dụng dầu xả để dưỡng tóc thường xuyên và không để tóc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.
Sử dụng nhiệt trên tóc
Nhiệt độ cao từ máy sấy tóc hay các phương pháp tạo kiểu tóc như uốn, ép là một nguyên nhân làm suy yếu cấu trúc keratin (chất sừng) của tóc.
Keratin là một thành phần quan trọng của tóc, nằm ở lớp giữa của tóc và được tạo ra từ các chuỗi protein. Các chuỗi protein này liên kết với nhau, tạo thành chuỗi dài và hình thành nên sợi tóc.
Nếu bị nhiệt phá hủy, cấu trúc keratin sẽ bị mất đi độ bền chắc, trở nên giòn, dễ gãy và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tóc bị chẻ ngọn.
Sử dụng hóa chất trên tóc
Giống như nhiệt, hóa chất cũng ảnh hưởng đến cấu trúc của sợi tóc.
Các loại thuốc duỗi và uốn tóc có cơ chế là loại bỏ đi một số liên kết trong sợi tóc để làm cho tóc trở nên thẳng hoặc uốn cong theo hình dạng mong muốn. Điều này làm thay đổi cấu trúc tự nhiên của tóc.
Thuốc nhuộm tóc thay đổi màu tóc bằng cách tác động đến sắc tố ở lớp giữa của tóc và cũng làm suy yếu cấu trúc tự nhiên của sợi tóc.
Khi cấu trúc tự nhiên thay đổi, tóc sẽ trở nên suy yếu. Các loại hóa chất còn phá hủy lớp ngoài cùng hay lớp biểu bì của sợi tóc và làm cho tóc dễ bị chẻ ngọn hơn.
Ngoài thuốc uốn, duỗi hay nhuộm uốn, một số thành phần trong các sản phẩm chăm sóc tóc cũng có thể khiến tóc bị chẻ ngọn, chẳng hạn như chất bảo quản, chất hoạt động bề mặt như SLS và silicone. Những thành phần này có thể làm giảm lượng dầu tự nhiên giữ ẩm cho tóc, khiến cho sợi tóc trở nên khô xơ và dễ chẻ ngọn.
Ma sát
Các hành động tạo ra ma sát lên tóc như chải đầu hay lau tóc bằng khăn có thể khiến tóc bị hư tổn và làm tăng nguy cơ tóc chẻ ngọn.
Việc thường xuyên chải đầu hoặc dùng khăn lau tóc quá mạnh sẽ làm cho tóc dần bị yếu đi và phá hủy lớp biểu bì của tóc.
Tóc sẽ càng dễ bị hư tổn nếu như chải đầu hoặc lau tóc khi tóc ướt. Lý do là bởi độ ẩm làm suy yếu các liên kết của tóc. Lúc này, việc chải hay vò mạnh sẽ làm cho sợi tóc bị kéo dài ra đến 30% so với độ dài bình thường. Khi khô, tóc sẽ trở nên yếu hơn trước.
Môi trường và thời tiết
Ánh nắng mặt trời, độ ẩm và nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của tóc.
Độ ẩm và nhiệt độ ảnh hưởng đến độ ẩm của tóc và da đầu. Thời tiết khô lạnh sẽ khiến tóc dễ bị khô xơ và chẻ ngọn.
Ánh nắng mặt trời có thể làm hỏng cấu trúc của tóc vì tia cực tím trong ánh nắng gây hình thành các gốc tự do và các gốc tự do sẽ phá hủy cấu trúc keratin.
Sắc tố melanin trong tóc có vai trò bảo vệ tóc khỏi tác hại của ánh nắng nhưng khi tiếp xúc với nắng quá lâu, sắc tố bị phá hủy và màu tóc thay đổi từ đen sang vàng nâu.
Khi tóc không còn sắc tố melanin thì sẽ càng dễ bị tổn hại do ánh nắng. Theo thời gian, cấu trúc keratin của tóc trở nên suy yếu, khiến tóc giòn, dễ gãy rụng và chẻ ngọn.
Các dạng tóc chẻ ngọn
Tóc chẻ ngọn được chia thành nhiều dạng, tùy thuộc vào mức độ hư tổn của tóc và hình dạng của ngọn tóc như sau:
Tóc chẻ ngọn ít (dạng mini)
Đây là giai đoạn đầu của tóc chẻ ngọn. Phần đuôi tóc tách thành hai nhánh nhỏ với độ sâu không quá 0,5 cm. Nguyên nhân là do cấu trúc của sợi tóc không còn chắc khỏe và tóc quá khô xơ.
Dạng tóc chẻ ngọn này có thể phục hồi bằng cách dùng các sản phẩm dưỡng tóc thường xuyên và tránh các yếu tố gây chẻ ngọn tóc.
Tóc chẻ ngọn hình chữ Y
Tóc bị chẻ ngọn nặng hơn một chút so với giai đoạn đầu, đuôi tóc tách thành hai nhánh với độ sâu khoảng 1 cm trở lên.
Nguyên nhân gây tóc chẻ ngọn hình chữ Y thường là do mái tóc vốn hư tổn thường xuyên bị ma sát, chẳng hạn như chải đầu, lau tóc mạnh hoặc chà xát qua lại trên gối khi ngủ.
Có thể khắc phục dạng tóc chẻ ngọn này bằng cách dùng các sản phẩm dưỡng tóc, chải tóc và lau tóc nhẹ nhàng để giảm ma sát lên tóc, dùng vỏ gối mềm mại hơn hoặc cắt tỉa phần tóc bị hư tổn.
Tóc chẻ ba
Nguyên nhân của dạng tóc chẻ ngọn này là do tóc bị mất nước trầm trọng, khiến cho đuôi tóc tách thành nhiều nhánh. Cách khắc phục cũng giống như tóc chẻ ngọn hình chữ Y nhưng thường khó phục hồi hơn. Nếu không phục hồi được thì nên cắt bỏ phần tóc bị chẻ ngọn.
Tóc chẻ ngọn hình cây
Đuôi tóc tách thành nhiều nhánh giống như hình dạng chiếc cây. Thông thường, một bên sợi tóc bị hư tổn nặng hơn và tách thành nhiều nhánh hơn so với bên còn lại.
Nguyên nhân của tóc chẻ ngọn hình cây là do tóc bị khô nghiêm trọng và bị phá hủy liên tục trong thời gian dài. Giải pháp là cắt đi phần đuôi tóc vì lúc này tóc đã quá hư tổn và không thể phục hồi được nữa.
Tóc chẻ hình ngọn nến
Lớp biểu bì của sợi tóc bị mất đi đáng kể và để lộ ra lớp giữa. Do lớp giữa của tóc yếu nên sợi tóc sẽ ngày càng bị hư tổn nặng. Nguyên nhân thường là do tóc phải tiếp xúc với hóa chất mạnh trong thời gian dài.
Do sợi tóc đã bị mất đi lớp biểu bì nên không thể phục hồi. Nếu tóc bị chẻ ngọn dạng này thì giải pháp duy nhất là cắt tỉa đuôi tóc. Tuy nhiên sau đó vẫn phải chăm sóc tóc và tránh tiếp xúc với hóa chất để ngăn ngừa tóc tiếp tục bị chẻ ngọn.
Tóc thắt nút
Thực ra, dạng này không hẳn là tóc chẻ ngọn vì sợi tóc tự thắt nút chứ không bị tách thành nhiều nhánh ở phần đuôi giống như các dạng tóc chẻ ngọn khác nhưng đây vẫn là một dạng tóc hư tổn và khiến tóc dễ gãy rụng. Khi chải đầu hoặc cọ xát lên tóc, tóc sẽ càng thắt nút chặt và cuối cùng bị gãy tại vị trí nút thắt.
Tóc thắt nút thường xảy ra ở những người có tóc xoăn.
Nên chải đầu thường xuyên để tóc không bị rối nhưng lưu ý chỉ chải nhẹ nhàng và nếu tóc bị rối thì hãy từ từ gỡ từng chút một.
10 cách khắc phục và ngăn ngừa tóc chẻ ngọn
1. Dưỡng tóc bằng dầu argan
Dầu argan là một nguồn cung cấp vitamin E, axit béo omega 6 và 9 dồi dào. Ngày nay, dầu argan được sử dụng rất phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da và tóc nhờ công dụng giữ ẩm của loại dầu này. Ngoài ra, dầu argan còn có tác dụng giảm viêm.
Dầu argan sẽ giúp tóc mềm mượt, bổ sung độ ẩm, ngăn tóc bị khô xơ và hư tổn do nhiệt. Dưỡng tóc bằng dầu argan là một cách hiệu quả để phục hồi tóc chẻ ngọn.
2. Không gội đầu bằng nước ấm
Nhiều người có thói quen gội đầu bằng nước ấm vì điều này tạo cảm giác thư giãn và tóc sạch hơn so với gội bằng nước lạnh. Tuy nhiên, thói quen này rất hại cho sức khỏe mái tóc. Gội đầu bằng nước ấm làm hở các lớp vảy trên thân tóc, tạo điều kiện cho bụi bẩn hoặc hóa chất tích tụ và dễ dàng phá hủy lớp bên trong của sợi tóc.
Ngoài ra, gội đầu bằng nước ấm còn làm mất đi lượng dầu giữ ẩm tự nhiên ở tóc và da đầu, khiến tóc bị khô xơ, chẻ ngọn và da đầu bong tróc, sinh ra gàu.
Do đó, chỉ nên gội đầu bằng nước mát.
3. Dùng dầu xả khi gội đầu
Sử dụng dầu xả là một cách rất đơn giản để khắc phục tình trạng tóc chẻ ngọn. Dầu xả giúp dưỡng ẩm, nuôi dưỡng và phục hồi tóc hư tổn. Cách sử dụng dầu xả hiệu quả như sau:
Chọn loại dầu xả phù hợp với loại tóc và điều kiện thời tiết. Nếu tóc khô thì bạn nên mua dầu xả có công thức dưỡng ẩm sâu. Còn nếu tóc nhanh bết hoặc thời tiết ẩm ướt thì chỉ cần sử dụng dầu xả loại thông thường là đủ.
Sau khi xả sạch bọt dầu gội, lấy một lượng dầu xả vừa đủ và thoa lên tóc. Chờ 2 - 3 phút rồi xả sạch bằng nước.
Nếu tóc thường rất nhanh bết thì có thể dùng dầu xả trước khi gội với dầu gội. Cách này giúp dưỡng tóc mềm mượt mà không làm tóc bị bết dính.
Lưu ý, không thoa dầu xả lên da đầu vì dầu xả sẽ gây bít tắc các nang tóc, dẫn đến nổi mụn, sợi tóc bị mảnh đi và dễ rụng.
4. Dưỡng tóc bằng các nguyên liệu tự nhiên
Đây là cách chăm sóc tóc được rất nhiều người sử dụng vì nguyên liệu dễ kiếm, giá rẻ, có thể thực hiện tại nhà và an toàn, lành tính do không có hóa chất.
Một số nguyên liệu tự nhiên sử dụng khá phổ biến để cấp ẩm và phục hồi tóc hư tổn, chẻ ngọn là dầu dừa lên men, dầu ô liu, mật ong, sữa chua và quả bơ.
Tuy nhiên, trước khi dùng một nguyên liệu mới để dưỡng tóc, bạn nên bôi lên vùng da ở bên trong cánh tay để thử phản ứng dị ứng. Tất cả các nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên đều có thể gây dị ứng giống như hóa chất. Dị ứng da đầu có thể dẫn đến rụng tóc.
5. Lau tóc bằng khăn sợi nhỏ
Khăn sợi nhỏ giúp tóc khô nhanh hơn, nhờ đó hạn chế phải sử dụng máy sấy tóc. Ngoài ra, khăn sợi nhỏ có bề mặt mềm mại nên sẽ giảm ma sát với tóc.
6. Sấy mát
Khí nóng từ máy sấy sẽ làm cho tóc bị khô xơ và dễ chẻ ngọn. Do đó, nếu muốn dùng máy sấy để làm khô tóc thì nên chọn chế độ sấy mát. Trước khi sấy nên lau xơ tóc bằng khăn sợi nhỏ để tóc khô nhanh hơn.
Nếu cần sấy nóng thì trước tiên nên thoa serum, dầu hoặc xịt bảo vệ tóc để giảm thiểu tác hại của nhiệt lên tóc.
7. Chỉ sấy chân tóc
Phần đuôi tóc thường mảnh và yếu hơn phần chân tóc. Vì vậy, khi sấy khô tóc thì chỉ nên sấy ở chân tóc và để đuôi tóc tự khô hoặc hong bằng quạt. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tóc chẻ ngọn.
8. Không chải đầu khi tóc ướt
Khi bị ướt, tóc trở nên yếu hơn bình thường. Vì thế nên chải đầu khi tóc còn ướt sẽ rất dễ làm tóc bị hư tổn và chẻ ngọn. Sau khi gội đầu hãy chờ cho tóc khô rồi mới chải. Chải đầu khi tóc khô không chỉ giúp ngăn ngừa tóc hư tổn mà còn dễ gỡ tóc rối hơn.
9. Hạn chế sử dụng hóa chất lên tóc
Các loại hóa chất như thuốc nhuộm, thuốc tẩy tóc, thuốc uốn hay duỗi tóc sẽ làm thay đổi cấu trúc sợi tóc, khiến cho tóc dần bị yếu đi, xơ xác và chẻ ngọn. Nên hạn chế sử dụng các loại hóa chất này để bảo vệ tóc khỏi hư tổn. Nếu tóc đã bị hư tổn và chẻ ngọn do dùng quá nhiều hóa chất thì giải pháp là cắt bỏ phần tóc bị hỏng, sau đó ngừng dùng hóa chất và dưỡng tóc để duy trì mái tóc mềm mượt, chắc khỏe.
10. Cắt phần đuôi tóc chẻ ngọn
Đây là một giải pháp nhanh chóng để khắc phục tóc chẻ ngọn trong những trường hợp tóc đã bị hư tổn nặng đến mức không thể phục hồi. Sau khi cắt cần chú ý dưỡng tóc và tránh các yếu tố gây hại đến tóc để tóc không tiếp tục bị chẻ ngọn.
Bạn có thể đến tiệm cắt tóc hoặc tự cắt tại nhà. Nên cắt vuông góc với sợi tóc vì cắt chéo sẽ làm cho phần đuôi tóc dễ bị chẻ ngọn. Cắt khoảng 0,5 - 1 cm hoặc cho đến khi không còn tóc chẻ ngọn.
Một số câu hỏi thường gặp về tóc chẻ ngọn
Có nên cắt tóc chẻ ngọn không?
Bạn có thể cắt đi những phần tóc bị chẻ ngọn. Đây là một giải pháp khắc phục tóc chẻ ngọn nhanh chóng nhưng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
Mặc dù tóc sẽ không còn chẻ ngọn sau khi cắt nhưng nếu không chăm sóc và tránh các hành vi gây hại cho tóc thì tóc sẽ tiếp tục bị chẻ ngọn.
Do đó, sau khi cắt cần điều chỉnh các hành vi gây hại cho tóc và chú ý dưỡng tóc để ngăn ngừa tình trạng tóc chẻ ngọn về lâu dài.
Tóc chẻ ngọn có phải do thiếu chất không?
Tóc chẻ ngọn cũng có thể là do cơ thể bị thiếu một số vitamin và chất dinh dưỡng, mà thường là những loại vitamin giúp tóc chắc khỏe, chẳng hạn như vitamin B7 (biotin), vitamin C hay vitamin A – loại vitamin giúp bảo vệ các tế bào khỏi gốc tự do.
Ngoài vitamin, thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác như protein, kẽm hoặc axit béo omega-3 cũng có thể dẫn đến tình trạng tóc chẻ ngọn.
Tóm tắt bài viết
Tóc chẻ ngọn là một vấn đề rất phổ biến. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tóc chẻ ngọn là một dấu hiệu cho thấy mái tóc đang bị hư tổn và rất dễ gãy rụng. Nếu nhận thấy tóc bị chẻ ngọn thì cần điều chỉnh các thói quen gây hại cho tóc và chú ý dưỡng tóc để phục hồi lại mái tóc chắc khỏe.
Nấm da đầu là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn có hệ miễn dịch yếu. Nấm da đầu gây rụng tóc từng mảng, ngứa, nhiều gàu và có thể khiến da đầu bị viêm và mưng mủ.
Hói đầu do di truyền là căn bệnh di truyền không có thuốc chữa trị tận gốc. Nhưng nó có thể được điều trị bằng cách giảm các yếu tố làm tăng rụng tóc, như giảm hormone DHT hoặc giữ cho tóc của bạn khỏe mạnh để giúp tóc chống lại tác động của gen hói đầu di truyền.
Thông thường, mỗi người rụng không quá 100 sợi tóc mỗi ngày. Nếu số lượng tóc rụng nhiều hơn 100 sợi thì có nghĩa là tóc rụng nhiều hơn bình thường và cần phải có cách điều trị ngay. Dưới đây là các nguyên nhân chính gây rụng tóc cùng 10 cách để ngăn ngừa và trị rụng tóc.
Một trong những lý do mà nhiều người không tiêm vắc xin phòng Covid-19 là vì lo sợ bị rụng tóc. Trên thực tế, không phải ai cũng bị rụng tóc sau khi tiêm vắc xin và cho dù có xảy ra thì tình trạng rụng tóc cũng không nghiêm trọng và hoàn toàn có thể điều trị được. Trong nhiều trường hợp, tình trạng rụng tóc tự hết sau một thời gian. Tại sao tóc lại bị rụng sau khi tiêm vắc xin Covid-19? Có biểu hiện ra sao? Và điều trị bằng cách nào?
Tóc thưa mỏng ở đỉnh đầu là một vấn đề khá phổ biến. Theo thời gian, tình trạng này sẽ ngày càng trầm trọng và cuối cùng có thể dẫn đến hói. Điều này có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân và các cách khắc phục tóc thưa mỏng ở đỉnh đầu.
- 9 trả lời
- 1951 lượt xem
Tôi có một vị trí mất tóc ở ngay bên trên tai. Vùng tóc mai của tôi trông có vẻ cao hơn và gần như biến mất. Một bên đường viền chân tóc thực sự trông không còn rõ nét từ trước khi tôi thực hiện căng da mặt, trong khi bên kia hoàn toàn bình thường. Giờ tôi có thể làm gì để khắc phục tình trạng này?
- 8 trả lời
- 1382 lượt xem
Mái tóc của tôi đang mỏng dần đi, tôi không muốn mình bị hói. Có những biện pháp điều trị nào giúp ngăn ngừa rụng tóc và phục hồi tóc?
- 0 trả lời
- 1895 lượt xem
Thưa bác sĩ, trán của tôi khá cao so với tỉ lệ gương mặt, nó khiến mặt tôi trông to hơn, dài hơn và già hơn. Tôi đang rất phân vân về các phương pháp hạ đường chân tóc, gọt trán hay cấy tóc để khiến trán tôi trông nhỏ hơn. Phương pháp nào sẽ có thể hạ thấp trán đến tối đa và có hiệu quả lâu dài nhất ạ? Tôi muốn hạn chế cảm giác đau đớn nhất có thể thì nên lựa chọn phương pháp nào ạ? Liệu sau khi tôi làm xong thì mặt tôi trông có ngắn hơn, nhỏ hơn không và phần đỉnh đầu (cranial top) có cao hơn không ạ? (hiện tại tôi có phần trán quá cao nên high cranial top không phù hợp với tôi, và hiện tại tôi cũng có phần đỉnh đầu thấp (low cranial top) nhưng tôi muốn sau khi trán tôi ngắn lại thì phần đỉnh đầu của tôi sẽ cao hơn và liệu có phương pháp nào có thể làm được điểu đó không ạ? Nó sẽ khiến gương mặt tôi trông nhỏ hơn và trẻ hơn). Các bác sĩ thường gợi ý cho bệnh nhân làm phương pháp nào ạ?
- 14 trả lời
- 4802 lượt xem
Rõ ràng là bất cứ ai xem xét phẫu thuật cấy tóc đều hi vọng có thể cải thiện được ngoại hình của mình, nhưng nhiều người trong chúng ta làm mà không cần để ý tới nhiều vấn đề khác. Riêng tôi, tôi đang tự hỏi không biết bao lâu sau đó có thể thoải mái ra ngoài khu vực công cộng mà không cần phải che giấu tình trạng phẫu thuật của mình (như đội mũ) hoặc không còn dấu vết bị lộ rõ.
- 14 trả lời
- 4334 lượt xem
Tôi 23 tuổi sắp sang tuổi 24. Tôi có khuôn mặt trẻ con baby đến mức không thể chịu được. Trông tôi không giống với độ tuổi của mình, luôn trẻ hơn khoảng 5,6 tuổi. Lúc nào tôi cũng được nhận xét là có khuôn mặt trẻ con, điều này làm tôi rất mệt mỏi. Tôi không thể mọc bất kỳ sợi lông nào trên mặt, hoặc nếu có thì chỉ sau 1 tuần lại láng mịn. Nghĩa là tôi không thể để kiểu ria mép goatee hay thậm chí là một bộ râu mà thực sự khiến tôi cảm thấy tốt hơn. Có cách nào để kích thích mọc râu trên mặt không?