Cách điều trị và ngăn ngừa nấm da đầu để giữ da đầu khỏe mạnh
Nấm da đầu không chỉ khiến cho da đầu bị bong tróc, ngứa ngáy khó chịu mà còn làm mất đi sự tự tin và hơn nữa còn có thể gây rụng tóc từng mảng. Rụng tóc từng mảng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ ngoài.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về bệnh nấm da đầu, bao gồm nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa.
Nấm da đầu là gì?
Nấm da đầu hay còn gọi là hắc lào da đầu (tinea capitis) là một bệnh ngoài da do nhiễm nấm gây ra. Tình trạng này có thể xảy ra ở chân tóc, thân tóc, lớp trên của da đầu và thậm chí trên các vùng da khác hoặc trên móng tay, móng chân.
Trong hầu hết các trường hợp, những loại nấm này khiến cho da đầu đóng vảy hoặc bong tróc, ngứa ngáy, rụng tóc nhiều và có thể kèm theo viêm. Những người bị nhiễm nấm thường xuất hiện triệu chứng trong vòng 7 - 14 ngày hoặc không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, tùy thuộc vào hoạt động của hệ miễn dịch.
Do đó, nấm da đầu chủ yếu xảy ra ở trẻ em từ 4 - 14 tuổi hoặc ở người lớn có chức năng miễn dịch yếu, có thể là do bệnh hoặc do tác dụng phụ của các loại thuốc đang dùng.
Loại nấm nào gây bệnh nấm da đầu?
Thủ phạm gây ra bệnh nấm da đầu là các loại nấm thuộc nhóm Dermatophyte. Nhóm nấm này tồn tại tự nhiên trên cơ thể người, các loại vật nuôi trong nhà như chó, mèo và các loại gia súc như trâu, bò. Nấm Dermatophyte còn có ở trong đất.
Mỗi loại nấm Dermatophyte sẽ gây bệnh theo cách hơi khác nhau. Có 2 loại nấm Dermatophyte phổ biến nhất là:
- Trichophyton: Khi bị nhiễm nấm Trichophyton, tóc trở nên giòn và dễ gãy từ chân tóc, tóc rụng thành từng mảng và những mảng này có các chấm đen do tóc nhú lên bề mặt da.
- Microsporum: Đây là một loại nấm được tìm thấy phổ biến trên cơ thể chó và mèo. Vật nuôi có thể không biểu hiện triệu chứng nhưng chúng có thể lây truyền nấm sang cơ thể người. Loại nấm này khiến da đầu bị khô, ngứa, chân tóc bị bạc đi do cấu trúc keratin (chất sừng) bị tổn hại.
Cho dù là do nhiễm loại nấm nào thì nấm da đầu cũng có thể gây rụng tóc từng mảng. Trong hầu hết các trường hợp, tóc sẽ tự mọc lại sau khi điều trị khỏi tình trạng nấm da đầu nhưng nếu da đầu bị nhiễm nấm nghiêm trọng và kèm theo viêm thì có thể sẽ hình thành sẹo. Tóc ở vị trí có sẹo sẽ không thể mọc lại và cách duy nhất để khôi phục lại tóc là cấy tóc.
Nguyên nhân gây nấm da đầu
Nấm da đầu là bệnh có thể lây lan. Nguyên nhân gây nấm da đầu thường là do nhiễm nấm từ môi trường xung quanh, có thể là từ người, từ động vật hay đồ vật trung gian.
1. Lây từ người sang người
Các loại nấm gây bệnh nấm da đầu có thể lây từ người này sang người kia khi tiếp xúc trực tiếp. Điều này thường xảy ra giữa những người sống cùng nhà. Và nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ càng cao nếu như dùng chung vật dụng cá nhân.
Trẻ nhỏ thường bị nhiễm nấm da đầu qua con đường này, đặc biệt là trẻ ở bán trú hoặc đi nhà trẻ. Lý do là vì trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, trẻ tiếp xúc gần với nhau, chơi đùa cùng nhau và hơn nữa, khả năng miễn dịch của trẻ yếu hơn người lớn. Sau khi nhiễm nấm, trẻ thường biểu hiện triệu chứng trong vòng 7 - 14 ngày.
2. Lây từ động vật sang người
Điều này chủ yếu xảy ra ở những người nuôi thú cưng trong nhà như chó, mèo. Nguy nhiễm nấm sẽ càng cao nếu như thường xuyên bế vật nuôi và không rửa tay sau khi chạm vào vật nuôi.
Các loài động vật có thể có hoặc không có triệu chứng nhiễm nấm nhưng dù không có triệu chứng thì chúng vẫn có thể lây nấm sang người.
3. Lây qua đồ vật trung gian
Ngoài lây trực tiếp từ người sang người, các loại nấm gây bệnh nấm da đầu còn có thể lây qua sự tiếp xúc với các đồ vật mang mầm bệnh, chẳng hạn như lược, khăn tắm, mũ hoặc quần áo.
Khi những người bị bệnh nấm da đầu sử dụng những vật dụng này, nấm sẽ bám vào vật dụng và lây sang người khác.
Điều này có thể xảy ra khi sống cùng nhà với người bị nấm da đầu hoặc xảy ra tại các tiệm làm tóc. Nhiều người không biết rằng mình đang bị bệnh nấm da đầu hoặc đang mang mầm bệnh và vô tình lây bệnh cho người khác. Đa số các tiệm làm tóc đều không vệ sinh dụng cụ như lược, kéo sau mỗi lần sử dụng và điều này khiến cho khách hàng có nguy cơ bị lây nấm da đầu từ những khách hàng trước.
Mặc dù có nhiều loại nấm gây bệnh nấm da đầu nhưng không phải ai bị nhiễm những loại nấm này cũng bị nấm da đầu. Nếu da đầu không có vết thương hở, không gãi đầu và nang tóc không bị hở do rụng tóc thì nấm sẽ không thể xâm nhập vào cơ thể. Nhưng chỉ cần có vết thương hở rất nhỏ thì nấm sẽ xâm nhập vào da đầu ngay lập tức.
Tuy nhiên, nguy cơ bị nấm da đầu còn phụ thuộc vào hệ miễn dịch. Nấm không phải là một mầm bệnh nghiêm trọng và hơn nữa, cơ thể chúng ta có khả năng ngăn ngừa và chống lại nhiễm trùng. Do đó, người bị nấm da đầu đa phần là những người có hệ miễn dịch yếu, thường là trẻ nhỏ và người lớn có chức năng miễn dịch suy giảm do bệnh tật hoặc dùng thuốc.
Ai có nguy cơ bị nấm da đầu?
Bênh nấm da đầu không dễ lây lan nhưng có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, chẳng hạn như:
- Trẻ em từ 4 - 14 tuổi. Bệnh nấm da đầu xảy ra phổ biến nhất ở trẻ em mẫu giáo đến tiểu học.
- Sống cùng nhiều người
- Sử dụng chung các vật dụng cá nhân như lược, mũ, khăn, dao cạo râu, quần áo…
- Trong nhà có vật nuôi
- Không có thói quen rửa tay sau khi chạm vào vật nuôi
- Không gội đầu thường xuyên. Đối với hầu hết mọi người, tần suất gội đầu hợp lý là khoảng 3 lần một tuần.
- Có vết thương hở trên da đầu
- Thường xuyên buộc tóc quá chặt, khiến tóc dễ rụng và làm hở nang tóc
- Thường xuyên gãi đầu
- Thường xuyên cắt tóc hay làm tóc ngoài tiệm
- Hệ miễn dịch yếu hoặc bị suy giảm do mắc các bệnh như ung thư, AIDS, viêm da cơ địa,…
- Da đầu thường xuyên bị ẩm ướt, chẳng hạn như do ra nhiều mồ hôi, đội mũ trong thời gian dài hoặc buộc tóc khi tóc ướt
- Sống ở những nơi ẩm thấp và điều kiện vệ sinh kém.
Càng có nhiều yếu tố kể trên thì nguy cơ nấm da đầu càng cao.
Triệu chứng nấm da đầu
Các triệu chứng nấm da đầu thường xuất hiện sau 7 - 14 ngày kể từ khi nhiễm nấm. Các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Xuất hiện các mảng phát ban hình tròn trên da đầu với đường viền sắc nét
- Rụng tóc từng mảng ở vùng phát ban
- Da đầu đóng vảy, bong tróc và nhiều gàu
- Da đầu ngứa dữ dội và nóng rát
- Tóc giòn, dễ gãy rụng do nấm phá hủy cấu trúc keratin của sợi tóc
- Khu vực rụng tóc từng mảng có các chấm đen do chân tóc nhú lên bề mặt da
- Ở trẻ em, nấm da đầu có thể còn kèm theo triệu chứng là nổi hạch to ở cổ hoặc sau tai.
Các triệu chứng của bệnh nấm da đầu sẽ khác nhau tùy theo từng loại nấm và đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Nếu nấm gây bệnh là nấm có độc hoặc hệ miễn dịch hoạt động quá mức thì có thể sẽ gây ra tình trạng viêm nghiêm trọng với các triệu chứng như:
- Da đầu tại vị trí nhiễm nấm có màu đỏ.
- Nổi các mụn mủ nhỏ hoặc áp xe
- Xuất hiện vùng da đầu dày lên, viêm, đỏ và chứa mủ
- Sốt hoặc đau toàn thân
- Khi lành lại, vùng da đầu bị viêm hình thành sẹo và vĩnh viễn không mọc lại tóc
Điều trị nấm da đầu
Nếu nhận thấy tóc bắt đầu rụng thành từng mảng, da đầu nhiều gàu hơn bình thường và có vảy thì nên đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời. Không nên tự mua thuốc về bôi hoặc uống vì nếu không đúng loại thuốc, tình trạng sẽ ngày càng nặng, để lại sẹo trên đầu và vĩnh viễn không thể mọc lại tóc.
Nấm da đầu là bệnh có thể điều trị được. Trong trường hợp nấm da đầu không đi kèm viêm thì có thể điều trị bằng các phương pháp sau:
- Sử dụng dầu gội trị nấm khoảng 3 lần một tuần hoặc cách ngày kết hợp bôi thuốc mỡ trị nấm lên da đầu.
- Sử dụng thuốc trị nấm da đầu đường uống kết hợp thuốc trị nấm dạng bôi hoặc dầu gội trị nấm. Thuốc trị nấm đường uống có thể tác động đến chân tóc tốt hơn.
Không cần thiết phải cắt ngắn hay cạo tóc trước khi điều trị. Chỉ cần uống thuốc, bôi thuốc và gội đầu theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Tình trạng nhiễm nấm thường sẽ biến mất sau khoảng 6 - 12 tuần dùng thuốc nhưng thường phải sau 4 đến 6 tháng thì tóc mới mọc lại bình thường.
Có thể sử dụng các phương pháp kích thích mọc tóc sau khi điều trị khỏi nhiễm nấm để tóc mới mọc lại nhanh hơn, dày hơn và chắc khỏe hơn. Có rất nhiều phương pháp kích thích mọc tóc, từ các phương pháp tự nhiên mà bạn có thể tự thực hiện tại nhà như ăn uống đủ chất, uống bổ sung các chất có lợi cho tóc cho đến những phương pháp điều trị chuyên sâu như liệu pháp PRP, tiêm tế bào gốc nang tóc hay laser Fotona.
Trong trường hợp da đầu không có sẹo nhưng tóc không mọc lại hoặc mọc lại kém sau khi điều trị khỏi nấm da đầu thì có thể nang tóc đã bị suy yếu do các nguyên nhân khác, chẳng hạn như do nồng độ hormone DHT tăng cao. Nếu vậy thì có thể thử dùng các loại thuốc trị rụng tóc như finasteride.
Trong trường hợp nấm da đầu đi kèm viêm nặng do hệ miễn dịch phản ứng quá mức thì bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh và thuốc ức chế miễn dịch để làm giảm các triệu chứng.
Nếu da đầu bị viêm nặng thì không được vội vàng điều trị ngay. Sau khi lành lại, vùng da đầu bị tổn thương có thể sẽ hình thành sẹo lớn và tóc sẽ không bao giờ mọc lại được nữa. Những trường hợp này sẽ phải cấy tóc để khôi phục lại tóc và nếu như vết sẹo quá dày thì cấy tóc cũng sẽ không hiệu quả.
Vì vậy nên nếu thấy da đầu có dấu hiệu bị viêm thì phải đi khám ngay để được hướng dẫn điều trị đúng cách giúp vết thương nhanh lành hơn và giảm nguy cơ bị sẹo trên da đầu.
Nếu tóc không mọc thì có thể khắc phục bằng phương pháp cấy tóc tự thân.
Phòng ngừa nấm da đầu
Nhìn chung, có thể giảm nguy cơ bị nấm da đầu bằng các cách sau đây:
- Gội đầu thường xuyên để giữ cho tóc và da đầu luôn sạch sẽ.
- Rửa tay sau khi chạm vào động vật hoặc đất.
- Tránh tiếp xúc với động vật có biểu hiện nhiễm bệnh hoặc phải rửa tay thật kỹ sau mỗi lần tiếp xúc.
- Đưa thú cưng đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Không gãi đầu mạnh.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.
- Giữ cho cơ thể khỏe mạnh, không để hệ miễn dịch bị suy yếu
- Giữ vệ sinh cho trẻ nhỏ
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và vệ sinh các vật dụng dùng chung
Nếu có thành viên trong gia đình hoặc ai đó sống cùng bị nấm da đầu thì cần thực hiện những điều sau đây để bản thân và những người khác không bị lây bệnh:
- Những người chưa có triệu chứng nấm da đầu nên khám bác sĩ và đưa cả vật nuôi đến bác sĩ thú ý để kiểm tra để phát hiện sớm tình trạng nhiễm nấm.
- Kể cả không bị nhiễm nấm thì những người khác trong gia đình cũng nên sử dụng dầu gội trị nấm 2 - 3 lần một tuần trong 6 tuần để phòng bệnh.
- Dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa cẩn thận.
- Người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với những người khác và không dùng chung đồ đạc cho đến khi điều trị khỏi. Giặt khăn bằng nước nóng và sau đó phơi khô dưới nắng hoặc sấy khô. Vệ sinh lược bằng cách ngâm trong nước giặt khoảng một giờ. Thực hiện liên tục trong 3 ngày để đảm bảo loại bỏ hết nấm trên các vật dụng.
- Rửa tay kỹ sau khi đụng chạm lên cơ thể người bệnh.
Tóm tắt bài viết
Nấm da đầu là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn có hệ miễn dịch yếu. Nấm da đầu gây rụng tóc từng mảng, ngứa, nhiều gàu và có thể khiến da đầu bị viêm và mưng mủ.
Nấm da đầu là bệnh có thể điều trị được. Càng điều trị sớm thì bệnh sẽ càng nhanh khỏi, nguy cơ hình thành sẹo thấp và tóc càng dễ mọc lại. Nếu phát hiện các dấu hiệu của bệnh nấm da đầu thì cần đi khám ngay trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng.
Tóc chẻ ngọn là một vấn đề về tóc rất phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tóc chẻ ngọn là dấu hiệu của mái tóc yếu và dễ gãy rụng, do đó cần có biện pháp khắc phục sớm để ngăn ngừa rụng tóc và tóc thưa mỏng. Vậy tóc chẻ ngọn là gì? Do những nguyên nhân nào gây ra? Và phải phục hồi tóc bằng cách nào? Bài viết này sẽ giải đáp mọi thắc mắc về tóc chẻ ngọn.
Đôi khi, hiện tượng da đầu và tóc có nhiều vảy trắng không đơn giản chỉ là gàu do da đầu bị khô mà rất có thể là do một vấn đề tiềm ẩn khiến cho da đầu bị bong tróc. Vậy da đầu bị bong tróc là do đâu? Làm thế nào để phân biệt gàu do da đầu khô và các nguyên nhân khác gây bong tróc da đầu? Điều trị tình trạng bong tróc bằng cách nào?
Tiêm PRP có thể kích thích các nang tóc và làm chậm tốc độ rụng tóc.
Giống như tóc, lông mày cũng có thể bị rụng và thưa đi hoặc ngừng phát triển. Bạn có thể gặp phải vấn đề này vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là các nguyên nhân gây rụng lông mày và các phương pháp điều trị.
Bệnh hói đầu có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới
- 3 trả lời
- 895 lượt xem
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là được 6 tháng kể từ khi tôi cấy tóc, nhưng có một số khoảng trống và độ dày tóc không theo kịp tiến độ. Tuần trước tôi cũng điều trị một buổi bằng huyết tương giàu tiểu cầu. Độ dày và khoảng cách các cụm nang tóc của tôi có cải thiện thêm trong những tháng tới không?
- 14 trả lời
- 4313 lượt xem
Tôi 23 tuổi sắp sang tuổi 24. Tôi có khuôn mặt trẻ con baby đến mức không thể chịu được. Trông tôi không giống với độ tuổi của mình, luôn trẻ hơn khoảng 5,6 tuổi. Lúc nào tôi cũng được nhận xét là có khuôn mặt trẻ con, điều này làm tôi rất mệt mỏi. Tôi không thể mọc bất kỳ sợi lông nào trên mặt, hoặc nếu có thì chỉ sau 1 tuần lại láng mịn. Nghĩa là tôi không thể để kiểu ria mép goatee hay thậm chí là một bộ râu mà thực sự khiến tôi cảm thấy tốt hơn. Có cách nào để kích thích mọc râu trên mặt không?
- 9 trả lời
- 1932 lượt xem
Tôi có một vị trí mất tóc ở ngay bên trên tai. Vùng tóc mai của tôi trông có vẻ cao hơn và gần như biến mất. Một bên đường viền chân tóc thực sự trông không còn rõ nét từ trước khi tôi thực hiện căng da mặt, trong khi bên kia hoàn toàn bình thường. Giờ tôi có thể làm gì để khắc phục tình trạng này?
- 8 trả lời
- 4896 lượt xem
Tôi ghét vầng trán quá cao của mình và tự hỏi liệu có thể thu gọn nó bằng quy trình cấy tóc không, hạ thấp đường viền chân tóc xuống được không?
- 8 trả lời
- 1364 lượt xem
Mái tóc của tôi đang mỏng dần đi, tôi không muốn mình bị hói. Có những biện pháp điều trị nào giúp ngăn ngừa rụng tóc và phục hồi tóc?