10 Cách Giảm Tình Trạng Rụng Tóc, Tóc Thưa Mỏng Và Khô Xơ
Bài viết này sẽ chỉ cho bạn 10 cách giải quyết tận gốc tình trạng rụng tóc, tóc thưa mỏng và khô xơ để mái tóc luôn khỏe đẹp.
Làm thế nào để có mái tóc dày mượt, bồng bềnh?
Để có mái tóc dày, mượt và bồng bềnh, bạn cần khắc phục tận gốc vấn đề về tóc và để biết cách giải quyết thì trước tiên phải tìm hiểu xem vấn đề đó là do nguyên nhân nào gây ra.
Nếu vấn đề là rụng tóc và tóc thưa mỏng thì nguyên nhân có thể là do hormone testosterone, rụng tóc do di truyền, căng thẳng, rụng tóc do bệnh mãn tính, sau phẫu thuật hoặc cũng có thể là do các vấn đề khác như căng thẳng, thiếu dinh dưỡng hay các hành vi gây tổn hại đến tóc và da đầu như gãi đầu quá mạnh, buộc tóc chặt và sử dụng nhiệt hoặc hóa chất lên tóc.
Nguyên nhân mái tóc trở nên khô xơ là do tóc bị tổn hại do tác động của nhiệt từ các phương pháp tạo kiểu tóc như ép tóc, uốn tóc, sấy tóc hoặc do hóa chất trong các sản phẩm làm tóc.
Tóc nhanh bết và da đầu ngứa nhiều có thể là do tuyến bã nhờn dưới da đầu tiết ra quá nhiều dầu, không gội đầu thường xuyên, tóc tiếp xúc nhiều với hóa chất hoặc có thói quen gội đầu bằng nước nóng gây mất cân bằng lượng dầu ở da đầu.
Và nếu vấn đề là tóc mọc chậm thì nguyên nhân có thể là do cơ thể bị thiếu dinh dưỡng hoặc máu lưu thông kém đến nang tóc, khiến cho nang tóc không được cung cấp đủ nguyên liệu để tạo tóc.
Khi đã biết được nguyên nhân gây ra các vấn đề với mái tóc, bạn có thể giải quyết bằng các cách dưới đây để khôi phục lại mái tóc khỏe đẹp.
1. Lựa chọn loại dầu gội phù hợp
Chọn dầu gội đầu phù hợp là điều rất quan trọng trong chăm sóc tóc. Nguyên nhân khiến cho tóc rụng nhiều và trở nên thưa mỏng ở mỗi người là khác nhau. Vì vậy nên để giảm rụng tóc và khôi phục lại mái tóc dày mượt một cách hiệu quả thì cần phải chọn được loại dầu gội phù hợp với nguyên nhân gây rụng tóc.
Dù là nam giới hay phụ nữ thì đều cũng nên chọn những loại dầu gội dịu nhẹ cho tóc và da đầu, tránh các loại dầu gội có chứa hóa chất vì thành phần hóa chất có thể gây kích ứng và làm cho da đầu bị khô. Khi chọn mua dầu gội, bạn nên tránh các thành phần dưới đây:
Chất bảo quản
Có nhiều loại chất bảo quản như paraben, formaldehyde và methylisothiazolinone. Mặc dù các chất bảo quản này không gây hại cho cơ thể nhưng có thể làm tổn thương và kích ứng da đầu. Ở những người bị dị ứng, các loại dầu gội có chứa chất bảo quản sẽ gây ra viêm da tiếp xúc, dẫn đến viêm da đầu và rụng tóc.
Sulfate
Sulfate thường xuất hiện dưới dạng các hợp chất như ammonium lauryl sulfate (ALS) hay sodium lauryl sulphate (SLS).
Cả hai hóa chất này đều là chất hoạt động bề mặt, có tác dụng làm sạch dầu trên tóc và da đầu nhưng lại có thể gây mất cân bằng lượng dầu tự nhiên, khiến cho da đầu bị khô, bong tróc, sinh ra gàu và còn có thể gây dị ứng, phát ban.
Hóa chất thuộc nhóm silicone
Những hóa chất này có công dụng bao phủ lên tóc, làm cho tóc bóng, mượt và dễ chải nhưng không thực sự dưỡng tóc mềm mượt từ gốc. Các hóa chất thuộc nhóm silicone còn có thể gây kích ứng da đầu, bít tắc nang tóc, dẫn đến rụng tóc hoặc sợi tóc bị mảnh, yếu.
Ngoài ra, phải chọn loại dầu gội phù hợp với tình trạng tóc và da đầu.
Nếu bạn có tóc dầu và nhanh bết thì nên sử dụng dầu gội đầu có tác dụng giảm dầu. Nếu đầu nhiều gàu hay có các mảng vảy nhờn màu vàng (gàu ướt) thì nên dùng dầu gội trị gàu và lưu ý chỉ nên dùng 1 - 2 lần/tuần hoặc làm theo hướng dẫn đi kèm sản phẩm.
Nếu tóc khô xơ và da đầu có ít gàu thì nên chọn các loại dầu gội đầu có tác dụng dưỡng ẩm.
Nếu da đầu nhạy cảm và tóc bị hư tổn do hóa chất thì nên dùng dầu gội chứa ít hóa chất, chẳng hạn như dầu gội hữu cơ, dầu gội chứa thành phần từ thiên nhiên hoặc dầu gội dịu nhẹ.
Hiện nay, dầu gội khô đang được rất nhiều người sử dụng vì tính tiện lợi, có thể biến mái tóc bết dính trở nên tơi phồng chỉ trong vòng vài giây nhưng cần lưu ý, sản phẩm này không thể thay thế cho dầu gội thông thường. Dầu gội khô có chứa cồn hoặc các thành phần hoạt tính nguồn gốc từ tinh bột có tác dụng hút dầu và mồ hôi trên tóc, nhờ đó giúp cho tóc bớt bết dính nhưng dầu gội khô không loại bỏ dầu, bụi bẩn và tế bào da chết khỏi da đầu giống như dầu gội thường. Nếu chỉ sử dụng dầu gội khô, những thứ này sẽ tích tụ, khiến da đầu sinh ra gàu, ngứa và tóc trở nên khô cứng, xơ xác.
Bản thân các thành phần có trong dầu gội khô cũng có thể gây tắc nghẽn nang tóc, dẫn đến tình trạng rụng tóc và mỏng tóc. Do đó, chỉ nên sử dụng dầu gội khô như một giải pháp tạm thời vào những ngày tóc bết mà chưa kịp gội đầu chứ không nên lạm dụng. Sau khi dùng dầu gội khô vẫn phải gội đầu bằng dầu gội thường để loại bỏ dầu và bụi bẩn.
2. Sử dụng sản phẩm dưỡng tóc chứa keratin
Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là có tác dụng khắc phục tình trạng tóc khô và hư tổn. Người dùng nên lựa chọn sản phẩm phù hợp dựa trên tình trạng tóc của mình nhưng hãy cẩn thận với một số thành phần như dầu khoáng (mineral oil) và silicone.
Cả hai đều là những thành phần quen thuộc có trong nhiều sản phẩm chăm sóc tóc. Mặc dù dầu khoáng và silicone giúp tóc mềm mại, bóng mượt, vào nếp và dễ chải nhưng không hề khắc phục tận gốc vấn đề tóc hư tổn vì cả hai chỉ phủ một lớp bên ngoài tóc chứ không tác động đến chân tóc.
Hơn nữa, dầu khoáng và silicone có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Do đó, tốt nhất bạn nên chọn sản phẩm chăm sóc tóc có chứa các thành phần thực sự nuôi dưỡng tóc, chẳng hạn như keratin.
Các sản phẩm dưỡng tóc chứa keratin rất phổ biến hiện nay vì giúp phục hồi tóc từ gốc và cho kết quả rõ rệt. Những sản phẩm này có tác dụng bổ sung keratin – thành phần cấu tạo nên sợi tóc để giúp tóc hư tổn thực sự trở nên mềm mại và chắc khỏe hơn, nhờ đó mái tóc sẽ có vẻ dày và bồng bềnh hơn.
Bạn có thể mua sản phẩm dưỡng tóc chứa keratin về tự sử dụng tại nhà hoặc phục hồi tóc bằng liệu pháp phủ keratin tại các salon tóc. Nếu có thể đến salon tóc thì hiệu quả sẽ nhanh và rõ rệt hơn.
3. Gội đầu đúng cách
Gội đầu là việc mà chúng ta vẫn thường làm hàng ngày hoặc cách vài ngày một lần kể từ khi còn nhỏ nhưng không phải ai cũng biết gội đầu đúng cách. Gội đầu đúng cách sẽ rất có lợi cho tóc, không chỉ làm sạch tóc và da đầu mà còn góp phần giúp cho mái tóc khỏe mạnh hơn mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào. Mặt khác, gội đầu sai cách sẽ gây ra nhiều tác hại.
Để tránh gây tổn hại đến sức khỏe của mái tóc, bạn cần lưu ý những điều dưới đây khi gội đầu:
Gội đầu bằng nước mát
Nhiệt độ nước có ảnh hưởng lớn đến tóc và da đầu. Nhiều người thích gội đầu bằng nước ấm vì nước ấm giúp thư giãn và tạo cảm giác tóc sạch hơn nhưng việc gội đầu bằng nước nhiệt độ cao sẽ không tốt cho tóc. Nước ấm sẽ làm mất đi lượng dầu giữ ẩm tự nhiên, khiến tóc và da đầu bị khô, sinh ra gàu và ngứa ngáy.
Chỉ nên gội đầu bằng nước ở nhiệt độ thường để không làm khô tóc, duy trì sự cân bằng dầu trên da đầu và giúp cho tóc mềm mượt, bồng bềnh.
Không gội đầu quá nhiều hay quá ít
Tần suất gội đầu cũng là một yếu tố quan trọng. Nếu gội đầu quá thường xuyên, lượng dầu giữ ẩm tự nhiên sẽ bị mất cân bằng, kết quả là tóc trở nên khô xơ và da đầu bong tróc, sinh ra gàu khô. Nhưng nếu gội đầu quá ít thì dầu, bụi bẩn và tế bào chết sẽ tích tụ trên da đầu, khiến tóc nhờn bết, tạo ra gàu ướt và gây cảm giác ngứa ngáy cùng mùi hôi. Da đầu bẩn còn gây bít tắc nang tóc, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm sinh sôi, dẫn đến viêm da tiết bã (viêm da đầu) và hậu quả là rụng tóc, tóc thưa mỏng.
Không nên gội đầu hàng ngày. Các chuyên gia về tóc và da đầu trên thế giới khuyến nghị nên gội đầu 1 - 2 lần một tuần. Nhưng ở những nơi có khí hậu nóng và độ ẩm cao, tóc sẽ nhanh bết hơn, da đầu cũng ra nhiều mồ hôi và bụi bẩn tích tụ nhiều hơn bình thường. Do đó nên gội đầu khoảng 3 - 4 lần một tuần.
Không gãi mạnh khi gội đầu
Nhiều người có thói quen gãi mạnh khi gội đầu vì cho rằng như vậy mới sạch nhưng gãi sẽ làm tổn thương da đầu và ảnh hưởng đến cả các nang tóc bên dưới. Càng gãi nhiều thì nang tóc sẽ càng yếu. Điều này làm tăng nguy cơ rụng tóc và teo nang tóc.
Nếu da đầu thường xuyên bị ngứa thì phải tìm ra nguyên nhân và giải quyết tận gốc vấn đề. Nếu là do da đầu khô thì cần bổ sung độ ẩm. Nếu là do da đầu quá nhờn thì có thể dùng dầu gội giảm dầu. Còn nếu nguyên nhân gây ngứa da đầu là do một bệnh lý khác thì phải điều trị hoặc kiểm soát bệnh lý đó.
4. Chải tóc đúng cách
Chải tóc tưởng chừng là việc đơn giản nhưng cũng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mái tóc. Đa số mọi người đều cho rằng chỉ cần chải sao cho tóc hết rối là được và đối với những người để tóc ngắn, nếu tóc không rối thì không cần chải. Nhưng những suy nghĩ này là sai lầm.
Chải tóc không chỉ giúp tóc hết rối hay tạo kiểu tóc mà chải tóc đúng cách còn giúp mái tóc chắc khỏe, bồng bềnh hơn và đồng thời loại bỏ các chất bẩn tích tụ trên da đầu trong ngày.
Vậy phải chải tóc như thế nào?
Chải nhẹ nhàng, không kéo tóc mạnh
Giống như việc gãi đầu, chải tóc quá mạnh cũng có thể khiến nang tóc yếu đi. Kéo giật tóc mạnh khi chải sẽ gây rụng tóc và ngoài ra còn làm tổn thương nang tóc.
Do đó, chỉ nên chải nhẹ nhàng, nếu tóc rối thì gỡ từ từ từng chút một. Chải tóc đúng cách còn giúp làm tăng lưu thông máu đến da đầu và nhờ đó cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn cho nang tóc. Khi chải có thể kéo nhẹ tóc để kích thích nang tóc chắc khỏe và giảm rụng tóc nhưng đừng kéo mạnh.
Chải tóc 3 lần một ngày vào sáng, trưa và buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần khoảng 1 phút. Không nên chải quá nhiều để tránh gây rụng tóc.
Không chải khi tóc ướt
Tóc ướt rất yếu và dễ xơ rối. Nếu chải khi tóc còn ướt, tóc sẽ bị gãy hoặc rụng. Tốt nhất nên chờ cho tóc khô rồi mới chải.
Sử dụng lược phù hợp
Nên chọn lược có mật độ răng vừa phải, không quá thưa vì sẽ không thể trải đều tóc và cũng không quá khít vì sẽ khó gỡ tóc rối. Nếu có thể thì nên sử dụng thêm một chiếc lược mát-xa để tăng lưu thông máu ở da đầu và giúp tóc chắc khỏe.
Sử dụng lược chống tĩnh điện hoặc lược gỗ
Lược bằng nhựa có thể tạo ra tĩnh điện trong khi chải, khiến tóc bị rối và xoăn. Nên chọn các loại lược chống tĩnh điện hoặc lược gỗ.
5. Mát-xa đầu
Mát-xa đầu là cách hiệu quả giúp tóc mọc nhanh và dày hơn vì mát-xa có tác dụng kích thích da đầu và giúp máu lưu thông tốt hơn. Khi lưu lượng máu đến da đầu tăng, nang tóc sẽ được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết hơn và do đó sẽ mọc tóc tốt hơn.
Cách mát-xa đầu như sau:
- Cúi đầu xuống thấp hơn thân trên để tăng lượng máu đến da đầu
- Sau đó dùng các đầu ngón tay mát-xa nhẹ nhàng da đầu trong 5 phút.
- Thực hiện điều này hàng ngày. Sau một thời gian, mái tóc sẽ trở nên dày mượt và chắc khỏe hơn.
Mát-xa đầu phù hợp với người có mái tóc thưa mỏng, tóc bị rụng nhiều sau khi ốm hoặc sau khi sinh nở vì nguyên nhân gây rụng tóc ở những nhóm đối tượng này là do một số thay đổi trong cơ thể làm xáo trộn chu kỳ mọc rụng của tóc.
Nói một cách đơn giản, hầu hết các nang tóc trên đầu bị đẩy vào giai đoạn nghỉ ngơi (giai đoạn ngừng mọc tóc) sớm hơn bình thường và khi giai đoạn nghỉ ngơi kết thúc, tóc bị rụng hàng loạt. Theo thời gian, chu kỳ mọc rụng sẽ trở lại bình thường và tóc sẽ mọc lại như trước. Việc mát-xa đầu sẽ giúp thúc đẩy quá trình này.
6. Ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng
Ăn uống đủ chất giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, duy trì hoạt động bình thường của các hệ thống trong cơ thể và giảm nguy cơ rụng tóc, tóc thưa mỏng do mất cân bằng nội tiết tố cũng như là các bệnh lý gây rụng tóc.
Không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, một số loại thực phẩm còn mang lại lợi ích trực tiếp cho mái tóc nhờ chứa thành phần cấu tạo nên tóc hoặc các chất kích thích hoạt động của nang tóc, chẳng hạn như protein, biotin, axit béo omega-3, vitamin C, kẽm và các khoáng chất khác.
Những chất dinh dưỡng này đều có trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên như thịt, rau xanh, thủy hải sản, các sản phẩm từ sữa ít béo… Vì vậy nên nếu cơ thể không có vấn đề về khả năng hấp thụ thì chỉ cần ăn uống đa dạng các nhóm thực phẩm là đủ chứ không cần phải dùng thực phẩm chức năng.
7. Hạn chế sử dụng nhiệt trên tóc
Nhiệt độ cao là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tóc hư tổn và rụng tóc. Nguyên nhân là do nhiệt làm cho keratin trong sợi tóc liên kết với nhau quá chặt, khiến cho tóc trở nên cứng, giòn, biến dạng và dễ gãy rụng.
Do đó, để duy trì mái tóc dày mượt và chắc khỏe thì hãy hạn chế sử dụng nhiệt trên tóc một cách tối đa: không gội đầu bằng nước nóng, không sấy tóc bằng khí nóng, tốt nhất nên hong tóc bằng gió quạt hoặc để tóc khô tự nhiên, nếu cần làm khô tóc nhanh thì chọn chế độ sấy mát và hạn chế các phương pháp tạo kiểu tóc bàng nhiệt như uốn hay duỗi tóc. Nếu cần phải tạo kiểu tóc hay sấy nóng thì nên sử dụng xịt bảo vệ tóc trước để giảm thiểu tác hại của nhiệt lên tóc.
Hấp tóc tại các salon tóc cũng sử dụng nhiệt nhưng tại sao phương pháp này lại giúp phục hồi tóc khô và hư tổn?
Hấp tóc là phương pháp sử dụng hơi nước nóng để làm mở các lớp vảy ở lớp biểu bì của sợi tóc, nhờ đó có thể đưa các dưỡng chất như protein vào sâu bên trong sợi tóc để nuôi dưỡng tóc. Khác với các phương pháp tạo kiểu tóc bằng nhiệt, phương pháp hấp tóc không trực tiếp làm nóng tóc và sau khi hấp, khách hàng sẽ được gội đầu bằng nước mát để đóng các lớp vảy bên ngoài sợi tóc. Kết quả là mái tóc sẽ nên bóng mượt và chắc khỏe.
8. Thường xuyên cắt tỉa đuôi tóc
Đuôi tóc hay ngọn tóc là phần mảnh nhất và yếu nhất của sợi tóc vì đây là phần tóc tồn tại lâu nhất. Ở những người để tóc dài, đuôi tóc có thể có “tuổi đời” 2 – 6 năm. Do đó, đuôi tóc phải tiếp xúc với ánh nắng, ô nhiễm, hóa chất và nhiệt do các phương pháp làm tóc nhiều hơn so với chân tóc. Vì những lý do này nên đuôi tóc rất dễ hư tổn, khô xơ, chẻ ngọn và dễ gãy rụng.
Thường xuyên cắt tỉa đuôi tóc để loại bỏ đi phần tóc bị hư tổn sẽ giúp cho mái tóc có vẻ khỏe mạnh và mượt mà hơn.
9. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (platelet rich plasma) hay liệu pháp PRP là phương pháp tách huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao từ máu và sau đó tiêm lại vào những vùng cần phục hồi tổn thương, chẳng hạn như da đầu. Huyết tương thu được không chỉ có nồng độ tiểu cầu cao hơn gấp nhiều lần so với bình thường mà còn chứa cả yếu tố tăng trưởng, giúp phục hồi nang tóc hư tổn, thúc đẩy hoạt động của nang tóc và kích thích hình thành mạch máu mới ở da đầu để tăng tốc độ mọc tóc và giúp sợi tóc chắc khỏe
Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy một lượng máu nhỏ từ cơ thể của người được điều trị, sau đó cho vào máy ly tâm để tách lấy huyết tương giàu tiểu cầu và tiêm vào da đầu tại những khu vực có tóc thưa mỏng để giảm rụng tóc và thúc đẩy mọc tóc mới. Liệu pháp PRP phù hợp cho cả nam và nữ.
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là một cách hiệu quả để khắc phục tình trạng rụng tóc và khôi phục mái tóc dày. Phương pháp này rất an toàn vì huyết tương giàu tiểu cầu được lấy từ máu của chính người được điều trị và không chứa các hóa chất có hại.
Liệu pháp PRP đã được khoa học chứng minh tính an toàn và hiệu quả. Do đó, ngoài tác dụng kích thích mọc tóc, liệu pháp PRP còn được sử dụng phổ biến trong làm đẹp và y học cho những mục đích khác, chẳng hạn như trẻ hóa da mặt hay hỗ trợ phục hồi chấn thương cơ ở các vận động viên.
Ngoài liệu pháp PRP còn có nhiều phương pháp kích thích mọc tóc khác để điều trị tình trạng rụng tóc và tóc thưa mỏng như:
- Tiêm tế bào gốc nang tóc
- Laser LLLT
- Laser Fotona
10. Cấy tóc tự thân
Cấy tóc hay còn gọi là cấy tóc tự thân là giải pháp để khôi phục mái tóc dày một cách nhanh chóng dành cho những người có mái tóc thưa mỏng nghiêm trọng đến mức nhìn thấy cả da đầu hoặc bị hói. Cấy tóc thường được thực hiện khi thuốc trị rụng tóc và các phương pháp kích thích mọc tóc đều không có tác dụng do nang tóc đã bị teo.
Trong quá trình cấy tóc, các cụm nang tóc khỏe mạnh sẽ được lấy ở vùng sau gáy hoặc sau tai rồi cấy vào vùng có tóc thưa hay hói. Một vài tuần sau khi cấy, những nang tóc này sẽ mọc tóc và khôi phục lại mái tóc như trước. Mặc dù tóc cấy cũng sẽ rụng sau khi kết thúc chu kỳ nhưng sau đó sẽ lại mọc tóc mới giống như tất cả những vùng khác trên đầu.
Cấy tóc chủ yếu được thực hiện cho nam giới. Mặc dù nữ giới cũng có thể cấy tóc nhưng phương pháp này chỉ hiệu quả với những trường hợp bị hói đầu bẩm sinh chứ thường không phù hợp với các trường hợp rụng tóc, hói đầu di truyền.
Lý do là vì tóc ở vùng sau gáy của phụ nữ không phải là tóc vĩnh viễn giống như nam giới. Do đó, sau khi được cấy đến vị trí mới, những sợi tóc này cũng sẽ bị rụng do tác động của gen, nội tiết tố hay lão hóa. Trong một số trường hợp, tóc sau khi cấy còn rụng nhiều hơn trước vì da đầu bị tổn thương.
Tóm tắt bài viết
Có vô số cách để khắc phục tình trạng rụng tóc, mỏng tóc và giúp cho mái tóc dày mượt, bồng bềnh trở lại, trong đó có những cách đơn giản mà bạn có thể tự thực hiện, chẳng hạn như đổi loại dầu gội, điều chỉnh thói quen gội đầu, mát-xa da đầu, giảm căng thẳng hay ăn uống đủ chất. Nếu mới bị rụng tóc mức độ nhẹ thì chỉ cần những cách này là đủ để cải thiện tình trạng mái tóc mà không cần bất cứ phương pháp điều trị nào nhưng điều quan trọng là phải thực hiện đều đặn hàng ngày và duy trì lâu dài thì mới có hiệu quả.
Nếu đã thử hết các cách mà tình trạng rụng tóc, tóc thưa mỏng vẫn không cải thiện thì có thể cân nhắc các phương pháp điều trị kích thích mọc tóc như tiêm huyết tương giàu tiểu cầu. Trong trường hợp tóc không mọc lại dù đã tiêm PRP thì rất có thể nang tóc ở khu vực đó đã bị hỏng vĩnh viễn và giải pháp cuối cùng là cấy tóc.
Công nghệ Laser Fotona trong điều trị rụng tóc, tóc thưa mỏng
Thông thường, mỗi người rụng không quá 100 sợi tóc mỗi ngày. Nếu số lượng tóc rụng nhiều hơn 100 sợi thì có nghĩa là tóc rụng nhiều hơn bình thường và cần phải có cách điều trị ngay. Dưới đây là các nguyên nhân chính gây rụng tóc cùng 10 cách để ngăn ngừa và trị rụng tóc.
Chân tóc là phần rất quan trọng của mỗi sợi tóc. Bất kỳ vấn đề nào xảy ra với chân tóc và da đầu cũng đều có thể ảnh hưởng đến tình trạng tổng thể của mái tóc
Hormone DHT là nguyên nhân chính gây rụng tóc ở nam giới. Có thể điều trị vấn đề này bằng cách ăn uống thực phẩm giàu dinh dưỡng, chăm sóc tốt cho mái tóc và dùng thuốc trị rụng tóc có tác dụng làm giảm lượng DHT để thúc đẩy nang tóc mọc tóc tốt hơn và tóc chắc khỏe hơn
Tóc thưa mỏng ở đỉnh đầu là một vấn đề khá phổ biến. Theo thời gian, tình trạng này sẽ ngày càng trầm trọng và cuối cùng có thể dẫn đến hói. Điều này có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân và các cách khắc phục tóc thưa mỏng ở đỉnh đầu.
- 7 trả lời
- 3333 lượt xem
Nếu phụ nữ tự nhiên đã có mái tóc mỏng và không bị rụng tóc theo thời gian nhưng muốn có được mái tóc dày dặn hơn thì liệu cô ấy có phải phù hợp với quy trình cấy tóc tự thân không?
- 6 trả lời
- 697 lượt xem
Ban đầu tôi cứ tưởng tóc mình đã bị rụng hết hoàn toàn. Nhưng khi nhìn kỹ thì vùng trông như bị hói vẫn có những sợi tóc tơ li ti. Tôi không biết tại sao tóc tơ không mọc thêm nữa nhưng tôi biết nó là tóc tơ và chưa bị rụng. Bây giờ tôi tự hỏi nếu tôi làm cấy tóc thì tóc của tôi vẫn sẽ bị rụng hay là tôi nên nghe theo lời khuyên của bạn và đợi cho tới khi toàn bộ tóc đã rụng hết rồi mới đi cấy tóc? Cảm ơn các bác sĩ đã trả lời.
- 4 trả lời
- 955 lượt xem
Cấy tóc có phải giải pháp lâu dài cho bệnh hói đầu không? Ví dụ, nếu có người cấy tóc vào năm 35 tuổi, thì đến năm 45 tuổi trông tóc tự nhiên đến mức nào, hoặc khi 55 tuổi, 65 tuổi, khi mà tóc vẫn tiếp tục rụng?
- 3 trả lời
- 765 lượt xem
Tôi là nữ, 22 tuổi, tóc thưa, mỏng tự nhiên – cả về đường kính của sợi tóc và số lượng tóc trên đầu. Nếu tôi không thể cấy tóc do tóc thưa toàn bộ đầu, thì hiện nay có phương pháp gì có sẵn hay đang được nghiên cứu để giúp tôi không?
- 4 trả lời
- 797 lượt xem
Tôi đã cấy tóc khoảng ba tháng trước, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả vừa ý, tóc đã mọc được một ít nhưng vẫn rất thưa thớt. Tôi đã cấy 3500 cụm nang tóc, bác sĩ đảm bảo sẽ có kết quả, tuần trước tôi tới gặp bác sĩ để thực hiện phương pháp PRP và điều trị bằng laser, rồi tôi được cho minoxidil và serum để bôi, cộng thêm vài viên thuốc con nhộng dùng trong một tháng. Bác sĩ dặn tôi tới tái khám sau 2 tháng rưỡi để tiến hành thêm một buổi điều trị PRP. Xin hãy cho tôi lời khuyên về tình trạng mọc tóc này, vì hiện tại tóc mọc rất kém.