1

Xét nghiệm VDRL là gì?

Không giống như các phương pháp xét ngiệm khác, xét nghiệm VDRL không phát hiện trực tiếp vi khuẩn gây bệnh giang mai mà kiểm tra kháng thể.
VDRL Test1 Xét nghiệm VDRL là gì?

Xét nghiệm VDRL là gì?

VDRL (viết tắt của Venereal Disease Research Laboratory) là phương pháp xét nghiệm được thực hiện nhằm kiểm tra xem một người có bị bệnh giang mai - một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) hay không. Bệnh giang mai là do vi khuẩn Treponema pallidum (xoắn khuẩn giang mai) gây ra. Vi khuẩn này xâm nhập vào niêm mạc ở miệng hoặc ở bộ phận sinh dục khi một người tiếp xúc với vết loét trên cơ thể của người bệnh trong quá trình hệ tình dục qua đường miệng, đường âm đạo hoặc hậu môn. Xoắn khuẩn giang mai còn lây qua đường máu khi truyền máu, dùng chung bơm kim tiêm và lây từ mẹ sang con.

Không giống như các phương pháp xét ngiệm khác, xét nghiệm VDRL không phát hiện trực tiếp vi khuẩn gây bệnh giang mai mà kiểm tra kháng thể. Kháng thể là một loại protein được sản xuất bởi hệ miễn dịch để chống lại những tác nhân gây hại xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể như vi khuẩn, virus hay độc tố. Việc xét nghiệm tìm các kháng thể này sẽ cho biết liệu một người có bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai hay không.

Vì kiểm tra sự hiện diện của các kháng thể được tạo ra sau khi nhiễm vi khuẩn nên xét nghiệm VDRL vẫn có thể phát hiện được bệnh ngay cả trong những trường hợp không có bất kỳ dấu hiệu nào.

Tìm hiểu thêm về xét nghiệm RPR - một phương pháp xét nghiệm chẩn đoán giang mai khác

Chỉ định

Bác sĩ thường chỉ định làm xét nghiệm VDRL trong những trường hợp có biểu hiện bất thường và nghi ngờ là đã mắc bệnh giang mai. Các biểu hiện bất thường này gồm có:

  • Vết loét nhỏ, tròn và không đau ở bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng hoặc lưỡi
  • Sưng hạch bạch huyết gần vết loét
  • Phát ban da nhưng không ngứa

Ngoài ra, sàng lọc bệnh giang mai còn được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Người thuộc nhóm có nguy cơ cao, ví dụ như quan hệ tình dục không an toàn với một người mới, quan hệ với nhiều người, nam giới quan hệ tình dục đồng tính…
  • Phụ nữ mang thai: cần sàng lọc bệnh giang mai trong lần khám thai đầu tiên. Đây là một quy trình thường quy, không có nghĩa là bác sĩ nghi ngờ thai phụ bị bệnh giang mai. Những phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ cao sẽ cần tiếp tục làm xét nghiệm trong những lần khám thai sau.
  • Những người đang mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như bệnh lậu, nhiễm HIV…
  • Bạn tình có kết quả xét nghiệm dương tính với giang mai.
  • Những người đã điều trị bệnh giang mai cũng nên làm xét nghiệm theo dõi để đảm bảo thuốc có hiệu quả và bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn.

Quy trình thực hiện

Xét nghiệm VDRL không yêu cầu người bệnh phải nhịn ăn hay ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào. Nếu có thì bác sĩ sẽ cho biết trước khi làm xét nghiệm. Phương pháp xét nghiệm VDRL được thực hiện trên mẫu máu hoặc dịch não tủy. Máu thường được lấy từ tĩnh mạch ở nếp gấp khuỷu tay hoặc mu bàn tay. Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng vi khuẩn giang mai đã lây lan đến não và hệ thống thần kinh trung ương (giang mai thần kinh) thì sẽ cần phải làm xét nghiệm trên mẫu dịch não tủy.

Xét nghiệm máu

Bác sĩ buộc dây thun hoặc garô phía trên vị trí cần lấy máu để làm cho tĩnh mạch phình lên và dễ dàng xác định hơn. Sau đó sát khuẩn ở vị trí lấy máu và đưa đầu kim tiêm vào tĩnh mạch rồi rút lượng máu cần thiết. Khi lấy đủ máu, bác sĩ tháo dây garo, ấn bông lên vị trí đâm kim và rút kim. Mẫu máu này sau đó sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm và làm xét nghiệm tìm các kháng thể được cơ thể tạo ra do nhiễm xoắn khuẩn giang mai.

Xét nghiệm dịch não tủy

Dịch não tủy được lấy bằng kỹ thuật chọc dò tủy sống.

Trong quy trình này, bệnh nhân nằm nghiêng và co đầu gối lên trên ngực hoặc ngồi, tùy theo yêu cầu của bác sĩ.

Bác sĩ sẽ sát trùng và tiêm thuốc gây tê tại chỗ vào vị trí cần lấy dịch.

Sau đó, bác sĩ cẩn thận đưa kim vào phần dưới của cột sống (vùng thắt lưng) để hút ra một lượng nhỏ dịch não tủy rồi đem đi làm xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm VDRL

Sau khi phòng thí nghiệm trả kết quả, bác sĩ sẽ giải thích cụ thể với người bệnh.

Kết quả thường có sau từ 3 - 5 ngày.

Kết quả âm tính

Kết quả xét nghiệm âm tính có nghĩa là máu không chứa kháng thể kháng xoắn khuẩn giang mai.

Xét nghiệm máu

Kết quả xét nghiệm VDRL trên mẫu máu âm tính cho thấy không có dấu hiệu bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai.

Thông thường, những người nhận được kết quả âm tính sẽ không cần kiểm tra gì thêm.

Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao mắc bệnh giang mai vẫn nên làm xét nghiệm sàng lọc định kỳ 3 tháng một lần.

Xét nghiệm dịch não tủy

Kết quả xét nghiệm dịch não tủy âm tính chưa đủ để kết luận không mắc bệnh giang mai thần kinh.

Kết quả dương tính

Kết quả dương tính có nghĩa là xét nghiệm VDRL đã phát hiện có các kháng thể kháng xoắn khuẩn giang mai.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm VDRL trên mẫu máu không phải lúc nào cũng chính xác. Khi mắc các bệnh nhiễm trùng khác, chẳng hạn như HIV hoặc viêm phổi, cũng như là các bệnh tự miễn, thì xét nghiệm VDRL cũng có thể cho kết quả dương tính.

Nếu kết quả dương tính thì sẽ cần làm một xét nghiệm khác, chẳng hạn như xét nghiệm kháng thể FTA-ABS. Xét nghiệm này sẽ xác nhận xem có đúng là mắc bệnh giang mai hay không.

Xét nghiệm dịch não tủy

Thông thường, bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm VDRL trên mẫu dịch não tủy khi nghi ngờ một người mắc bệnh giang mai giai đoạn cuối.

Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính thì sẽ cần thực hiện thêm một phương pháp xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu (treponemal test), ví dụ như xét nghiệm FTA-ABS để phát hiện các kháng thể chống lại vi khuẩn Treponema pallidum. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính thì có nghĩa là xoắn khuẩn giang mai đã lây lan vào hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, đôi khi, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm theo quy trình ngược lại, có nghĩa là làm xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu trước. Nếu có kết quả dương tính thì mới tiếp tục thực hiện một phương pháp xét nghiệm tìm kháng thể không đặc hiệu (nontreponemal test), chẳng hạn như xét nghiệm VDRL.

Kết quả dương tính và âm tính giả

Xét nghiệm VDRL không phải lúc nào cũng cho kết quả chính xác. Ví dụ, nếu làm xét nghiệm khi mới bị nhiễm bệnh giang mai dưới 3 tháng thì có thể sẽ có kết quả âm tính giả vì lúc này cơ thể chưa tạo ra đủ lượng kháng thể. Kết quả âm tính giả cũng có thể xảy ra nếu làm xét nghiệm vào giai đoạn cuối. Mặt khác, xét nghiệm có thể cho kết quả dương tính giả trong những trường hợp:

  • Nhiễm HIV
  • Bệnh lyme
  • Bệnh sốt rét
  • Một số loại viêm phổi
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Tiêm chích ma túy
  • Bệnh lao

Trong một số trường hợp, cơ thể không tạo ra kháng thể ngay cả khi đã bị nhiễm vi khuẩn giang mai. Điều này có nghĩa là xét nghiệm VDRL sẽ không chính xác.

Các kháng thể được tạo ra sau khi nhiễm xoắn khuẩn giang mai sẽ ở lại trong cơ thể ngay cả sau khi bệnh đã được điều trị khỏi. Do đó, có thể xét nghiệm sẽ luôn cho kết quả dương tính.

Rủi ro

Xét nghiệm VDRL là một phương pháp an toàn, đơn giản và chi phí thấp để sàng lọc bệnh giang mai. Tuy nhiên, có thể sẽ xảy ra một số vấn đề nhẹ trong quá trình lấy mẫu máu và dịch não tủy ở thắt lưng.

Quá trình lấy máu có thể gây:

  • Đau ở vị trí lấy máu
  • Bầm tím hoặc chảy máu
  • Chóng mặt, hoa mắt

Quá trình chọc dò tủy sống để lấy mẫu dịch não tủy ở thắt lưng có thể gây ra các hiện tượng như:

  • Đau nhức đầu từ nhẹ đến nặng
  • Tê hoặc châm chích ở thắt lưng hoặc chân
  • Đau lưng hoặc đau chân
  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng tại vị trí đâm kim

Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể gặp phải xảy ra các vấn đề nặng hơn do lấy máu hay dịch não tủy, chẳng hạn như viêm tĩnh mạch hoặc nhiễm trùng.

Tóm tắt bài viết

Bệnh giang mai là bệnh có thể chữa khỏi nhưng phải đi khám ngay khi nghi ngờ. Nếu không được điều trị, xoắn khuẩn giang mai có thể lây lan khắp cơ thể, gây tổn hại đến nhiều cơ quan và dẫn đến các biến chứng. Giống như bất kỳ phương pháp xét nghiệm nào khác, xét nghiệm VDRL đôi khi có sai sót nhưng vẫn là một công cụ hữu ích giúp phát hiện bệnh giang mai. Điều quan trọng là phải quan hệ tình dục an toàn để giảm nguy cơ mắc bệnh này và cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Khi nghi ngờ có thể mình đã tiếp xúc với người mắc bệnh thì hãy đi khám ngay lập tức.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
11 điều cần biết về xét nghiệm STD
11 điều cần biết về xét nghiệm STD

Bất cứ ai có quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) hay còn gọi là bệnh xã hội. Do đó, mỗi một người đều phải nhận thức được những rủi ro và biết cách bảo vệ bản thân.

Những ai nên làm xét nghiệm chlamydia?
Những ai nên làm xét nghiệm chlamydia?

Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục rất dễ lây lan nhưng có thể được điều trị một cách dễ dàng, đặc biệt là khi được chẩn đoán sớm.

Xét nghiệm RPR trong chẩn đoán bệnh giang mai
Xét nghiệm RPR trong chẩn đoán bệnh giang mai

Xét nghiệm RPR là một phương pháp nhanh chóng để sàng lọc bệnh giang mai ở những người có nguy cơ cao.

Xét nghiệm FTA-ABS là gì? Khi nào cần thực hiện?
Xét nghiệm FTA-ABS là gì? Khi nào cần thực hiện?

FTA-ABS là một phương pháp xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể chống lại xoắn khuẩn Treponema pallidum – loại vi khuẩn gây ra bệnh giang mai.

Ai cần làm xét nghiệm HIV?
Ai cần làm xét nghiệm HIV?

Phát hiện sớm HIV sẽ có thể điều trị kịp thời, ngăn chặn virus gây tổn hại đến hệ miễn dịch và tránh vô tình lây truyền bệnh sang người khác.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây