Xét nghiệm FTA-ABS là gì? Khi nào cần thực hiện?
Xét nghiệm FTA-ABS là gì?
Xét nghiệm FTA-ABS là viết tắt của Fluorescent Treponemal Antibody Absorption, có nghĩa là xét nghiệm hấp thụ kháng thể treponema huỳnh quang. Đây là một phương pháp xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể chống lại xoắn khuẩn Treponema pallidum – loại vi khuẩn gây ra bệnh giang mai.
Giang mai là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, chủ yếu lây khi tiếp xúc trực tiếp với các vết loét hay còn gọi là săng giang mai. Các vết loét này thường xuất hiện trên dương vật, âm đạo, hậu môn hoặc miệng nhưng không phải lúc nào cũng biểu hiện rõ. Do đó mà nhiều người không biết rằng mình đã bị nhiễm bệnh trong suốt một thời gian dài.
Xét nghiệm FTA-ABS không phát hiện xoắn khuẩn giang mai và kiểm tra sự hiện diện của kháng thể chống lại vi khuẩn này trong máu. Kháng thể là các protein đặc biệt do hệ miễn dịch tạo ra để đối phó với các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, nấm hay chất độc. Những tác nhân gây hại này được gọi chung là kháng nguyên. Sau khi bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể tương ứng để chống lại.
Chỉ định
Xét nghiệm FTA-ABS thường được thực hiện sau khi các xét nghiệm sàng lọc bệnh giang mai khác, chẳng hạn như xét nghiệm RPR và xét nghiệm VDRL cho kết quả dương tính. Xét nghiệm FTA-ABS giúp xác nhận kết quả của các xét nghiệm khác có chính xác hay không.
Bác sĩ cũng chỉ định làm xét nghiệm FTA-ABS trong những trường hợp có các biểu hiện, triệu chứng của bệnh giang mai, chẳng hạn như:
- Có những vết loét nhỏ, hình tròn trên bộ phận sinh dục, miệng hoặc hậu môn
- Phát ban không ngứa trên bàn tay và bàn chân
- Sốt
- Rụng tóc
- Đau khớp
- Sưng hạch bạch huyết
Xét nghiệm FTA-ABS cũng có thể được thực hiện ở những người đang trong quá trình điều trị cho một bệnh lây qua đường tình dục khác và ở phụ nữ đang mang thai. Ở phụ nữ mang thai, nếu không được điều trị thì bệnh giang mai sẽ lây truyền sang thai nhi và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hoặc thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Những người sắp kết hôn cũng nên làm xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây qua đường tình dục, bao gồm cả bệnh giang mai.
Cần chuẩn bị gì?
Không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi làm xét nghiệm FTA-ABS. Tuy nhiên, vẫn nên cho bác sĩ biết nếu như đang dùng bất kỳ loại thuốc chống đông máu nào, chẳng hạn như warfarin vì những loại thuốc này có thể gây chảy nhiều máu khi lấy máu. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ cần ngừng dùng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Xét nghiệm FTA-ABS được thực hiện như thế nào?
Xét nghiệm FTA-ABS là một xét nghiệm máu nên trước tiên cần lấy một mẫu máu nhỏ. Máu thường được lấy từ tĩnh mạch ở bên trong khuỷu tay. Quy trình gồm có các bước như sau:
- Buộc một sợi dây garo quanh cánh tay để làm cho tĩnh mạch nổi lên và dễ nhìn thấy hơn.
- Sát trùng vị trí lấy máu bằng cồn để tránh bị nhiễm trùng.
- Chọc kim tiêm vào tĩnh mạch đã xác định và rút ra một lượng máu nhỏ. Bệnh nhân sẽ chỉ cảm thấy hơi nhói khi kim đâm vào nhưng không đau đớn.
- Khi đã lấy đủ lượng máu, tháo dây garo, ấn bông lên vị trí lấy máu và nhanh chóng rút kim.
- Sau đó, mẫu máu được bơm vào một ống nghiệm vô trùng và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
- Bệnh nhân được hẹn ngày trả kết quả.
Rủi ro
Giống như các phương pháp xét nghiệm máu khác, xét nghiệm FTA-ABS không có rủi ro gì nghiêm trọng. Bệnh nhân sẽ chỉ hơi đau và bầm tím nhẹ tại vị trí kim đâm vào da. Trong một số ít trường hợp, tĩnh mạch bị sưng lên sau khi lấy máu. Tình trạng này được gọi là viêm tĩnh mạch và chỉ là một hiện tượng tạm thời, có thể khắc phục dễ dàng bằng cách chườm ấm liên tục hàng ngày. Những người bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng các loại thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin hoặc aspirin sẽ bị hiện tượng chảy máu nhiều sau khi lấy mẫu máu.
Khi bất cứ hiện tượng nào trong số này tiếp diễn trong một thời gian dài mà không hết thì cần đi khám ngay.
Kết quả xét nghiệm FTA-ABS
Kết quả âm tính
Kết quả xét nghiệm FTA-ABS âm tính có nghĩa là không phát hiện thấy sự hiện diện của các kháng thể kháng vi khuẩn Treponema pallidum trong máu. Điều đó có nghĩa là hiện không bị bệnh giang mai và trước đây cũng chưa bao giờ bị nhiễm bệnh.
Kết quả dương tính
Kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là tìm thấy sự hiện diện của các kháng thể chống lại vi khuẩn Treponema pallidum trong máu. Như vậy có nghĩa là đã từng hoặc đang bị bệnh giang mai. Xét nghiệm sẽ cho kết quả dương tính ngay cả khi bệnh giang mai đã được điều trị khỏi.
Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính và bệnh giang mai mới chỉ ở giai đoạn đầu hay giai đoạn 2 thì có thể điều trị được tương đối đơn giản. Phương pháp điều trị thường là tiêm thuốc kháng sinh penicillin. Penicillin là một trong những loại thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi nhất và có hiệu quả trong điều trị bệnh giang mai. Sau khi điều trị, bệnh nhân sẽ cần làm xét nghiệm máu để theo dõi 3 tháng một lần trong vòng một năm đầu tiên và sau đó một năm thì tiếp tục xét nghiệm lại lần nữa để đảm bảo rằng bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn.
Tuy nhiên, nếu có kết quả xét nghiệm dương tính và bệnh giang mai đã tiến triển sang giai đoạn 3 hay giai đoạn cuối thì lúc này, vi khuẩn đã gây tổn hại đến các cơ quan và không thể phục hồi lại được nữa. Điều này có nghĩa là việc điều trị có khả năng là sẽ không hiệu quả.
Trong một số trường hợp, xét nghiệm cho kết quả dương tính giả, có nghĩa là phát hiện thấy kháng thể kháng vi khuẩn Treponema pallidum mặc dù không hề bị bệnh giang mai. Nguyên nhân dẫn đến điều này có thể là do đang mắc một bệnh khác cũng do loại vi khuẩn này gây ra, chẳng hạn như bệnh ghẻ cóc hoặc pinta. Bệnh ghẻ cóc là một bệnh nhiễm trùng lâu dài ở xương, khớp và da. Pinta là một bệnh xảy ra ở da.
Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ giải thích cụ thể và yêu cầu làm xét nghiệm lại nếu nghi ngờ kết quả không chính xác.
Bất cứ ai có quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) hay còn gọi là bệnh xã hội. Do đó, mỗi một người đều phải nhận thức được những rủi ro và biết cách bảo vệ bản thân.
Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục rất dễ lây lan nhưng có thể được điều trị một cách dễ dàng, đặc biệt là khi được chẩn đoán sớm.
Phần lớn những người mắc chlamydia đều không có triệu chứng nhưng bệnh sẽ vẫn âm thầm gây tổn hại cho cơ thể.
Bệnh lậu ở miệng hiếm khi gây ra triệu chứng và thường khó phát hiện. Điều này có thể dẫn đến việc điều trị muộn, làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác và phát sinh biến chứng.
Không giống như các phương pháp xét ngiệm khác, xét nghiệm VDRL không phát hiện trực tiếp vi khuẩn gây bệnh giang mai mà kiểm tra kháng thể.