1

Giang mai thần kinh có nguy hiểm không?

Giang mai thần kinh là một trong các biến chứng của bệnh giang mai.
Giang mai thần kinh có nguy hiểm không? Giang mai thần kinh có nguy hiểm không?

Giang mai thần kinh là gì?

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét hay còn gọi là săng giang mai. Căn bệnh này đã được phát hiện và nghiên cứu từ cách đây hàng trăm năm trước, ít nhất là từ đầu thế kỷ 16. Bệnh giang mai có thể trị khỏi được và cũng rất dễ phòng ngừa. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số quốc gia trên thế giới lại có sự gia tăng số ca mắc bệnh giang mai, đặc biệt là ở nhóm phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi và nam giới từ 35 đến 39 tuổi.

Nếu bệnh giang mai không được điều trị, người mắc sẽ có nguy cơ bị giang mai thần kinh. Đây là bệnh xảy ra khi vi khuẩn giang mai lây lan đến hệ thần kinh, đặc biệt là não bộ và tủy sống. Giang mai thần kinh có thể đe dọa đến tính mạng.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Treponema pallidum là vi khuẩn gây ra bệnh giang mai và sau đó là giang mai thần kinh. Giang mai thần kinh thường phát triển sau khoảng 10 đến 20 năm kể từ khi bị nhiễm vi khuẩn. Bị nhiễm HIV hoặc giang mai không được điều trị là những yếu tố chính làm tăng nguy cơ bị giang mai thần kinh.

Các dạng giang mai thần kinh

Có 5 dạng giang mai thần kinh:

Giang mai thần kinh không triệu chứng

Đây là dạng giang mai thần kinh phổ biến nhất, thường xảy ra trước khi các triệu chứng của bệnh giang mai biểu hiện rõ rệt. Ở dạng này, người bệnh không gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào.

Giang mai thần kinh màng não

Dạng giang mai thần kinh này có thể xảy ra từ vài tuần cho đến vài năm sau khi một người bị nhiễm bệnh. Các dấu hiệu, triệu chứng chính gồm có:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Cứng cổ
  • Đau đầu

Giang mai thần kinh màng não còn có thể gây mất thính lực hoặc thị lực.

Giang mai thần kinh mạch máu - màng não

Đây là dạng nghiêm trọng hơn của giang mai thần kinh màng não. Những người bị dạng này thường bị đột quỵ ít nhất một lần.

Trong số những người bị giang mai thần kinh thì có khoảng 10 đến 12% là dạng này. Đột quỵ có thể xảy ra trong vòng vài tháng đầu tiên sau khi nhiễm bệnh hoặc cũng có thể phải sau vài năm mới xảy ra.

Giang mai thần kinh dạng sa sút trí tuệ

Dạng này có thể xảy ra sau vài chục năm kể từ khi bị bệnh giang mai và có thể gây ra các vấn đề về lâu dài. Tuy nhiên, đây là một dạng khá hiếm gặp hiện nay vì những tiến bộ trong công nghệ sàng lọc, điều trị và phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nếu mắc phải, người bị giang mai thần kinh dạng sa sút trí tuệ sẽ gặp một số vấn đề như:

  • Ảo giác
  • Suy giảm trí nhớ, khả năng tư duy, đánh giá
  • Thay đổi tâm trạng thất thường
  • Không kiểm soát được cảm xúc
  • Thay đổi tính cách
  • Giảm khả năng ngôn ngữ

Bệnh Tabes

Dạng giang mai thần kinh này cũng rất hiếm gặp. Nếu có thì thường bắt đầu ảnh hưởng đến tủy sống sau 20 năm hoặc lâu hơn kể từ khi nhiễm bệnh. Các dấu hiệu, triệu chứng gồm có:

  • Khó giữ thăng bằng
  • Mất điều hòa (thất điều) – tình trạng giảm sự phối hợp cơ, ảnh hưởng đến các chuyển động của cơ thể
  • Tiểu không tự chủ
  • Mất khả năng đi lại bình thường
  • Vấn đề về thị lực
  • Đau ở bụng, cánh tay và chân

Chẩn đoán giang mai thần kinh

Có một số phương pháp để chẩn đoán bệnh giang mai thần kinh.

Khám lâm sàng

Để biết một người có bị giang mai thần kinh hay không, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng bước đánh giá phản xạ cơ và kiểm tra xem có cơ nào bị teo hay không.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp phát hiện bệnh giang mai thần kinh giai đoạn giữa. Có nhiều loại xét nghiệm máu khác nhau giúp phát hiện có đang bị bệnh hoặc đã từng nhiễm bệnh trước đây hay không.

Xét nghiệm dịch não tủy

Nếu nghi ngờ bệnh giang mai thần kinh giai đoạn cuối thì bác sĩ sẽ chỉ định chọc dò tủy sống. Thủ thuật này nhằm lấy mẫu dịch xung quanh não bộ và tủy sống. Mẫu dịch này sẽ được xét nghiệm để xác định phạm vi lây lan của vi khuẩn giang mai và lên kế hoạch điều trị.

Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X để quan sát các mặt cắt ngang và các góc độ khác nhau của cơ thể.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): bệnh nhân nằm trong một máy chụp có dạng hình ống có chứa nam châm lớn tạo ra từ trường mạnh. Máy sẽ đưa sóng vô tuyến qua cơ thể và hiển thị hình ảnh rõ nét của các cơ quan bên trong.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh này cho phép bác sĩ kiểm tra tủy sống, não và cuống não để phát hiện dấu hiệu của bệnh giang mai thần kinh.

Phương pháp điều trị

Bệnh giang mai và giang mai thần kinh được điều trị bằng thuốc kháng sinh penicillin dạng tiêm hoặc dạng uống. Một liệu trình điều trị thông thường kéo dài 10 đến 14 ngày. Penicillin thường được kết hợp với thuốc kháng sinh probenecid và ceftriaxone. Trong một số trường hợp, người bệnh phải nhập viện điều trị.

Khi hoàn thành điều trị, người bệnh sẽ cần xét nghiệm máu sau 3 và 6 tháng. Sau đó nên xét nghiệm máu định kỳ hàng năm trong 3 năm tiếp theo. Bác sĩ sẽ tiếp tục làm xét nghiệm dịch não tủy 6 tháng một lần để theo dõi nồng độ protein và tế bào lympho.

Giang mai thần kinh đặc biệt phổ biến ở những người bị nhiễm HIV. Lý do là bởi các vết loét sẽ tạo điều kiện cho HIV xâm nhập. Hơn nữa, sự tương tác giữa vi khuẩn Treponema pallidum với HIV sẽ khiến việc điều trị giang mai trở nên khó khăn hơn.

Những người bị cả giang mai thần kinh và HIV sẽ phải tiêm penicillin nhiều mũi hơn và khả năng phục hồi hoàn toàn sẽ thấp hơn.

Khả năng phục hồi

Khả năng phục hồi phụ thuộc vào dạng bệnh giang mai thần kinh mắc phải và thời điểm bệnh được phát hiện, điều trị. Penicillin sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và ngăn chúng gây tổn hại thêm đến cơ thể nhưng không thể phục hồi được những vấn đề đã xảy ra. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhẹ thì sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh, sức khỏe người bệnh sẽ trở lại bình thường.

Nếu nghiêm trọng thì tình trạng sức khỏe sẽ cải thiện sau khi điều trị nhưng thường không trở lại như trước được nữa.

Phòng ngừa bệnh giang mai

Để tránh bị giang mai thần kinh thì phải ngăn ngừa bệnh giang mai ngay từ đầu. Vì giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục nên cách tốt nhất để phòng ngừa là quan hệ tình dục an toàn. Bao cao su là cách hữu hiệu nhất để giảm nguy cơ bị bệnh giang mai cũng như là các bệnh lây qua đường tình dục khác. Tuy nhiên, bao cao su không thể bảo vệ được 100% vì vi khuẩn, virus gây bệnh vẫn có thể lây truyền khi tiếp xúc với những khu vực mà bao cao su không che phủ.

Rất nhiều người bị giang mai mà không biết vì bệnh không có triệu chứng trong suốt nhiều năm đầu. Đôi khi, các vết loét lại bắt đầu xuất hiện chỉ vài tuần hoặc vài tháng sau khi nhiễm vi khuẩn. Mặc dù những vết loét sẽ tự lành nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể. Sau đó, người bệnh sẽ bị nổi các nốt ban màu nâu đỏ, sần sùi, không ngứa tại vị trí nhiễm vi khuẩn ban đầu hoặc trên một bộ phận khác của cơ thể.

Nếu như có quan hệ tình dục thì hãy thường xuyên đi xét nghiệm các bệnh xã hội như giang mai. Bệnh giang mai rất dễ lây truyền sang người khác qua tiếp xúc da và lây từ mẹ sang con khi mang thai.

Các triệu chứng khác của bệnh giang mai còn có:

  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau đầu
  • Rụng tóc
  • Sụt cân
  • Người mệt mỏi
  • Đau nhức cơ

Hãy đi khám ngay khi có bất kỳ biểu hiện nào trong số này và nghi ngờ có thể mình đã nhiễm bệnh. Càng được chẩn đoán sớm thì khả năng khỏi bệnh sẽ càng cao và nguy cơ xảy ra biến chứng càng thấp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh giang mai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh giang mai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh giang mai là một bệnh rất khó phát hiện vì có không ít người bị bệnh mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào trong suốt nhiều năm kể từ lúc phơi nhiễm.

Quan Hệ Bằng Tay Có Lây Bệnh Xã Hội Hay Không?
Quan Hệ Bằng Tay Có Lây Bệnh Xã Hội Hay Không?

Quan hệ bằng tay có lây bệnh xã hội hay không? Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) hay bệnh xã hội không chỉ lây qua quan hệ thâm nhập mà còn có thể lây qua cả những hình thức quan hệ khác, trong đó có cả quan hệ bằng tay.

Ngứa hậu môn có phải là triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục không?
Ngứa hậu môn có phải là triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục không?

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như mụn rộp hậu môn, bệnh lậu, mụn cóc hậu môn và rận mu có thể gây ngứa hậu môn kèm với một số triệu chứng khác.

Ghẻ có lây qua đường tình dục không?
Ghẻ có lây qua đường tình dục không?

Ghẻ là một bệnh da liễu rất dễ lây và có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Ghẻ có thể lây qua quan hệ tình dục và bất cứ hình thức tiếp xúc da trực tiếp nào.

Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng có phải là bệnh lây qua đường tình dục không
Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng có phải là bệnh lây qua đường tình dục không

Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng là một bệnh truyền nhiễm phổ biến. Mặc dù được coi là một bệnh lây qua đường tình dục nhưng quan hệ tình dục không phải con đường lây truyền duy nhất.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây