Xạ hình thận là gì?
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thận khác gồm có chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp X-quang, siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI).
Trong quá trình chụp xạ hình thận, kỹ thuật viên tiêm một chất gọi là đồng vị phóng xạ vào tĩnh mạch của bệnh nhân. Đồng vị phóng xạ giải phóng tia gamma. Máy quét sẽ phát hiện tia gamma từ bên ngoài cơ thể.
Máy quét sẽ quét qua khu vực thận, theo dõi đồng vị phóng xạ và đánh giá cách thận xử lý đồng vị phóng xạ. Máy quét sẽ kết hợp với máy tính để tạo ra hình ảnh.
Hình ảnh này sẽ cho thấy chi tiết cấu trúc và chức năng của thận dựa trên cách mà thận tương tác với đồng vị phóng xạ.
Hình ảnh thu được từ xạ hình thận giúp phát hiện những bất thường cả về cấu trúc lẫn chức năng của thận. Điều này giúp bác sĩ chẩn đoán vấn đề về thận ở giai đoạn đầu mà không cần sử dụng các kỹ thuật xâm lấn hay phẫu thuật.
Mục đích của chụp xạ hình thận
Xạ hình thận giúp xác định các vấn đề về chức năng thận.
Thận có các chức năng sau:
- Lọc máu để loại bỏ các chất thải, ví dụ như urê
- Duy trì sự cân bằng các hóa chất, chẳng hạn như natri và kali trong máu
- Tạo ra erythropoietin – hormone thúc đẩy sự sản xuất hồng cầu
- Sản xuất renin – hormone giúp kiểm soát huyết áp
- Tạo ra calcitriol - một hormone thúc đẩy quá trình hấp thu canxi
Sự suy giảm chức năng thận thường xảy ra từ từ và ban đầu không có triệu chứng. Trong nhiều trường hợp, tình trạng suy giảm chức năng thận được phát hiện tình cờ qua xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu định kỳ.
Xạ hình thận giúp xác định nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận. Nguyên nhân có thể là do bệnh tật, tắc nghẽn hoặc chấn thương thận.
Xạ hình thận giúp phát hiện nhiều vấn đề khác nhau. Xạ hình thận đánh giá chức năng thận bằng cách theo dõi dòng chảy đồng vị phóng xạ cũng như mức độ mà thận hấp thụ và chuyển đồng vị phóng xạ.
Xạ hình thận còn cho thấy những bất thường về cấu trúc, kích thước hoặc hình dạng của thận.
Xạ hình thận giúp xác định và đánh giá:
- Sự giảm lưu lượng máu đến thận
- Tăng huyết áp động mạch thận
- U trong thận
- Áp xe
- Suy thận
- Hiệu quả của các phương pháp điều trị bệnh thận
- Thải ghép sau ghép thận
Chuẩn bị trước khi chụp xạ hình thận
Thông thường, người bệnh không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi chụp xạ hình thận. Người bệnh vẫn có thể ăn uống bình thường và thường không cần phải dùng thuốc an thần.
Nếu như đang dùng bất kỳ loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn nào thì người bệnh cần cho bác sĩ biết.
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xạ hình thận, ví dụ như:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc ức chế men chuyển để điều trị bệnh tim mạch và cao huyết áp
- Thuốc chẹn beta để điều trị bệnh tim mạch và cao huyết áp
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), ví dụ như aspirin hoặc ibuprofen
Bác sĩ sẽ yêu cầu ngừng các loại thuốc này một thời gian trước khi chụp xạ hình thận.
Quy trình chụp xạ hình thận
Xạ hình thận là một thủ thuật ngoại trú, có nghĩa là người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày mà không cần phải ở lại bệnh viện. Quá trình chụp xạ hình thận sẽ được thực hiện tại khoa Y học hạt nhân của bệnh viện.
Tùy thuộc vào lý do cần chụp xạ hình thận mà quá trình thực hiện có thể kéo dài từ 45 phút đến 3 giờ. Nếu người bệnh mắc chứng sợ không gian hẹp thì hãy cho kỹ thuật viên biết vì máy quét sẽ áp sát cơ thể trong quá trình chụp xạ hình.
Trước khi bắt đầu, người bệnh cần phải cởi bỏ toàn bộ quần áo, trang sức, răng giả và tất cả các đồ vật bằng kim loại trên cơ thể để tránh gây cản trở quá trình chụp.
Sau đó, người bệnh thay đồ và nằm lên bàn.
Kỹ thuật viên đưa kim vào tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cánh tay của người bệnh để truyền đồng vị phóng xạ vào cơ thể. Lúc này, người bệnh có thể sẽ cảm thấy hơi nhói.
Sau khi truyền đồng vị phóng xạ, người bệnh sẽ nằm chờ một lúc để thận xử lý đồng vị phóng xạ.
Máy quét sẽ phát hiện các tia gamma từ đồng vị phóng xạ và tạo ra hình ảnh của khu vực. Bất kỳ chuyển động nào cũng có thể làm thay đổi hoặc làm mờ hình ảnh nên người bệnh cần nằm bất động trong suốt quá trình máy quét tạo hình ảnh.
Nếu mục đích chụp xạ hình thận là để kiểm tra cao huyết áp thì người bệnh sẽ được cho dùng thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE). Điều này nhằm mục đích so sánh thận trước và sau khi thuốc được hấp thụ.
Nếu mục đích chụp xạ hình thận là để kiểm tra tình trạng tắc nghẽn thận thì người bệnh sẽ được cho dùng thuốc lợi tiểu để thúc đẩy nước tiểu chảy qua thận. Điều này sẽ giúp bác sĩ phát hiện những gì đang cản trở dòng nước tiểu.
Nếu cần phải chụp xạ hình thận khi bàng quang trống, kỹ thuật viên sẽ đặt ống thông tiểu vào niệu đạo của người bệnh để dẫn nước tiểu trong bàng quang ra ngoài.
Sau khi hoàn tất quá trình chụp xạ hình, kỹ thuật viên sẽ tháo kim truyền tĩnh mạch và ống thông. Sau đó, người bệnh có thể quay lại gặp bác sĩ để trao đổi lịch trả kết quả và ra về.
Người bệnh thường có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường ngay sau khi chụp xạ hình thận. Đồng vị phóng xạ sẽ được đào thải khỏi cơ thể một cách tự nhiên. Hãy uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên để đẩy nhanh quá trình này.
Rủi ro của chụp xạ hình thận
Y học hạt nhân rất an toàn. Mặc dù sử dụng đồng vị phóng xạ nhưng chụp xạ hình có mức độ tiếp xúc với phóng xạ thấp hơn so với chụp X-quang. Người bệnh chỉ phải tiếp xúc với một lượng phóng xạ nhỏ và tập trung chủ yếu ở vùng thận. Đồng vị phóng xạ sẽ được đào thải khỏi cơ thể một cách tự nhiên trong vòng 24 giờ.
Phóng xạ liều thấp được sử dụng trong y học hạt nhân không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực về lâu dài nào.
Mặc dù chỉ tiếp xúc với phóng xạ ở mức tối thiểu và trong thời gian ngắn nhưng nếu người bệnh đang mang thai hoặc nghi ngờ bản thân có thai thì cần cho bác sĩ biết. Ngoài ra cũng cần cho bác sĩ biết nếu người bệnh đang cho con bú để đảm bảo rằng sữa mẹ không bị nhiễm phóng xạ.
Không giống như thuốc cản quang được dùng trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như chụp X quang, đồng vị phóng xạ ít có nguy cơ gây dị ứng hơn. Phản ứng dị ứng với đồng vị phóng xạ rất hiếm khi xảy ra. Xạ hình thận là một lựa chọn an toàn cho những người bị dị ứng thuốc cản quang.
Tuy nhiên, quá trình truyền đồng vị phóng xạ có thể gây đau, sưng đỏ, chảy máu và bầm tím.
Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu các vấn đề này kéo dài không hết sau khi chụp xạ hình. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Một số người cảm thấy khó chịu hoặc đau mỏi người khi phải nằm bất động một thời gian dài.
Người bệnh cũng có thể sẽ cảm thấy chóng mặt khi đứng dậy. Nhưng cảm giác chóng mặt và khó chịu này chỉ kéo dài khoảng vài giây.
Ý nghĩa kết quả chụp xạ hình thận
Bác sĩ chuyên khoa sẽ giải thích kết quả chụp xạ hình cho người bệnh.
Kết quả chụp xạ hình thận bất thường có thể chỉ ra:
- Suy thận
- U lành tính hoặc ác tính trong thận
- Tắc nghẽn động mạch thận do chấn thương
- Tắc nghẽn gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang
- Nhiễm trùng thận
- Tăng huyết áp động mạch thận
- Vấn đề phát sinh sau ghép thận, ví dụ như thải ghép
Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số bước kiểm tra để làm rõ kết quả. Kích thước và hình dạng thận sẽ ảnh hưởng đến kết quả chụp xạ hình thận. Cấu trúc thận bất thường có thể dẫn đến giải thích kết quả không chính xác. Do đó, đôi khi sẽ phải kiểm tra thêm để xác nhận kết quả.
Ngoài ra, do ảnh chụp xạ hình thận không thể hiện sự khác biệt giữa u lành tính và u ác tính nên sẽ cần thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán khác để đưa ra kết luận chính xác.
Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.
Viêm cầu thận hay viêm thận là một bệnh lý nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức. Có hai loại viêm cầu thận là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn.