1

Vôi hóa (canxi hóa) có phải là do ăn quá nhiều canxi?

Vôi hóa là sự tích tụ canxi trong mô cơ thể. Sự tích tụ canxi có thể tạo thành các nốt cứng ở nhiều bộ phận như mô mềm, động mạch, tim, não, thận, tuyến vú, khớp và gân.
Vôi hóa (canxi hóa) có phải là do ăn quá nhiều canxi? Vôi hóa (canxi hóa) có phải là do ăn quá nhiều canxi?

Vôi hóa là gì?

Vôi hóa hay canxi hóa là tình trạng xảy ra khi canxi tích tụ trong mô cơ thể, mạch máu hoặc các cơ quan. Sự tích tụ này khiến cho mô cứng lại và làm gián đoạn các quá trình bình thường trong cơ thể. Canxi được vận chuyển theo máu và có trong mọi tế bào. Do đó, tình trạng vôi hóa có thể xảy ra ở hầu hết các bộ phận của cơ thể.

Theo Học viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (National Academy of Medicine), khoảng 99% canxi trong cơ thể tập trung trong răng và xương. 1% còn lại lưu thông trong máu, cơ, dịch ngoại bào và các mô khác của cơ thể.

Một số bệnh khiến cho canxi tích tụ ở những nơi bất thường. Theo thời gian, lượng canxi tích tụ sẽ ngày một tăng và gây ra nhiều vấn đề. Do đó, cần phải phát hiện và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng.

Các dạng vôi hóa

Sự vôi hóa có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau khắp cơ thể, gồm có:

  • Tiểu động mạch và đại động mạch (động mạch nhỏ và lớn)
  • Van tim
  • Não bộ (vôi hóa nội sọ)
  • Khớp và gân, chẳng hạn như khớp đầu gối và gân chóp xoay
  • Các mô mềm như vú, cơ và mỡ
  • Thận, bàng quang và túi mật

Sự tích tụ một lượng nhỏ canxi là hiện tượng vô hại. Đó là phản ứng của cơ thể với phản ứng viêm, chấn thương hoặc các quá trình sinh học. Tuy nhiên, khi tích tụ nhiều, tình trạng vôi hóa sẽ cản trở chức năng của các cơ quan và ảnh hưởng đến mạch máu.

Theo Khoa Tim mạch tại Trường Y khoa UCLA, hầu hết người trên 60 tuổi đều có canxi lắng đọng trong mạch máu.

Nguyên nhân gây vôi hóa

Có nhiều yếu tố góp phần gây ra sự vôi hóa:

  • Nhiễm trùng
  • Rối loạn chuyển hóa canxi gây tăng canxi máu (quá nhiều canxi trong máu)
  • Rối loạn di truyền hoặc bệnh tự miễn ảnh hưởng đến hệ xương khớp và mô liên kết
  • Viêm mạn tính

Nhiều người cho rằng sự vôi hóa xảy ra do chế độ ăn có quá nhiều canxi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của trường Y Harvard đã chỉ ra rằng canxi trong chế độ ăn uống không hề liên quan đến hiện tượng vôi hóa. (1)

Chế độ ăn nhiều canxi cũng không phải nguyên nhân gây sỏi thận. Hầu hết sỏi thận hình thành từ canxi oxalat. Ở những người bị sỏi canxi oxalat, cơ thể giải phóng nhiều canxi vào nước tiểu hơn bình thường và điều này xảy ra ngay cả khi chế độ ăn chỉ có ít canxi.

Chẩn đoán vôi hóa

Vôi hóa thường được chẩn đoán bằng phương pháp chụp X-quang. X-quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn sử dụng bức xạ điện từ để chụp ảnh các cơ quan nội tạng. Bác sĩ có thể phát hiện sự vôi hóa ngay lập tức khi quan sát hình ảnh X-quang.

Ngoài ra cũng có thể cần phải xét nghiệm máu. Ví dụ, trong trường hợp bị sỏi thận, xét nghiệm máu sẽ giúp kiểm tra chức năng thận tổng thể.

Đôi khi, sự tích tụ canxi được phát hiện ở vùng bị ung thư. Thông thường, mẫu mô bị vôi hóa sẽ được kiểm tra để xem nguyên nhân có phải do ung thư hay không. Bác sĩ tiến hành sinh thiết (sử dụng một cây kim nhỏ để lấy mẫu mô), sau đó gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Nếu không phát hiện thấy tế bào ung thư thì có thể kết luận vôi hóa là lành tính.

Vôi hóa tuyến vú

Vôi hóa tuyến vú xảy ra khi canxi tích tụ trong mô mềm của vú. Có hai dạng vôi hóa tuyến vú chính là nốt vôi hóa lớn và nốt vôi hóa nhỏ (vi vôi hóa).

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), nốt vôi hóa lớn chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trên 50 tuổi. Nam giới cũng có thể bị vôi hóa tuyến vú nhưng không phổ biến như ở phụ nữ. (2)

Vôi hóa tuyến vú xảy ra do một số nguyên nhân khác nhau như chấn thương hoặc phẫu thuật vú, dịch tiết hoặc mảnh vỡ tế bào, nhiễm trùng, viêm, giãn ống dẫn sữa, u nang tuyến vú, ung thư vú hoặc xạ trị điều trị ung thư.

Hầu hết các trường hợp vôi hóa tuyến vú đều không phải ung thư, đặc biệt là những trường hợp nốt vôi hóa lớn.

Vi vôi hóa cũng đa phần không phải là ung thư nhưng một số dạng vi vôi hóa có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú.

Các nốt vôi hóa tuyến vú quá nhỏ nên không thể phát hiện được khi tự khám vú mà đa số đều được phát hiện trong quá trình chụp X-quang tuyến vú. Bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám nếu có nốt vôi hóa cần phải kiểm tra lại.

Bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết để kiểm tra các nốt vôi hóa đáng ngờ. Đôi khi sẽ cần thực hiện tiểu phẫu cắt nốt vôi hóa để phân tích kỹ hơn.

Chụp X-quang tuyến vú thường xuyên ở độ tuổi thích hợp giúp phát hiện sớm tình trạng vôi hóa tuyến vú. Vấn đề càng được phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công sẽ càng cao.

Điều trị vôi hóa

Việc điều trị vôi hóa phụ thuộc vào một số yếu tố:

  • Vị trí bị tích tụ canxi
  • Nguyên nhân gây ra
  • Các biến chứng phát sinh nếu có

Sau khi chẩn đoán vôi hóa, bác sĩ sẽ yêu cầu tái khám định kỳ để phát hiện kịp thời các biến chứng. Vôi hóa tiểu động mạch thường không nguy hiểm.

Các van tim cũng có thể bị vôi hóa. Những trường hợp vôi hóa van tim sẽ phải phẫu thuật để mở hoặc thay van nếu sự tích tụ canxi gây ảnh hưởng đến chức năng của van tim.

Các phương pháp điều trị sỏi thận cũng giúp phá vỡ canxi tích tụ trong thận. Thuốc lợi tiểu thiazide thường được sử dụng để ngăn ngừa sự hình thành sỏi canxi trong tương lai. Loại thuốc lợi tiểu này làm giảm lượng canxi trong nước tiểu.

Canxi tích tụ trong khớp và gân không phải lúc nào cũng gây triệu chứng đau đớn nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng cử động và gây khó chịu. Phương pháp điều trị vôi hóa khớp và gân thường là thuốc chống viêm và chườm đá để làm dịu cảm giác đau. Nếu cơn đau không thuyên giảm thì sẽ cần tiến hành phẫu thuật.

Ngăn ngừa vôi hóa

Những người trên 65 tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ để làm xét nghiệm máu theo dõi nồng độ canxi cùng với các xét nghiệm cần thiết khác.

Những người dưới 65 tuổi và có dị tật tim bẩm sinh hoặc các vấn đề liên quan đến thận có nguy cơ bị vôi hóa cao hơn so với những người khỏe mạnh ở cùng độ tuổi. Những người này cũng nên xét nghiệm định kỳ để phát hiện vôi hóa sớm.

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng canxi trong cơ thể. Thuốc giảm cholesterol, thuốc điều trị cao huyết áp và liệu pháp hormone thay thế là những loại thuốc phổ biến làm thay đổi cách mà cơ thể sử dụng canxi. Nếu được kê bất kỳ loại thuốc nào trong số này hoặc các phương pháp điều trị khác ảnh hưởng đến nồng độ canxi thì cần hỏi bác sĩ về nguy cơ vôi hóa.

Việc thường xuyên uống bổ sung canxi cacbonat sẽ làm tăng nguy cơ tích tụ canxi. Các vấn đề về thận hoặc tuyến cận giáp (4 tuyến nhỏ ở đằng sau của tuyến giáp) cũng có thể khiến nồng độ canxi trong máu tăng quá cao.

Nhu cầu canxi mỗi ngày của cơ thể thay đổi theo độ tuổi. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống bổ sung canxi.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ vôi hóa ở tim và các động mạch chính. Đó có thể là nguyên nhân tại sao hút thuốc là một yếu tố nguy cơ lớn của bệnh tim mạch. Bỏ thuốc lá mang lại cả lợi ích tức thì và lợi ích về lâu dài, đặc biệt là đối với tim, mạch máu và não bộ.

Hiện chưa có cách nào được chứng minh là có thể ngăn ngừa hoàn toàn sự vôi hóa vì đó là kết quả của nhiều quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể. Bỏ thuốc lá và thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ vôi hóa, tùy thuộc vào vị trí tích tụ canxi. Một số điều chỉnh về thói quen ăn uống sẽ giúp ngăn ngừa sỏi thận.

Vôi hóa có điều trị khỏi được không?

Bản thân tình trạng vôi hóa không tự gây ra các triệu chứng. Vấn đề này thường được phát hiện khi chụp X-quang vì những lý do khác. Nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào làm tăng nguy cơ vôi hóa thì nên đi khám thường xuyên để có thể phát hiện ngay từ sớm. Ví dụ, nguy cơ vôi hóa sẽ tăng cao nếu mắc bệnh tim, bệnh thận hoặc hút thuốc lá.

Khả năng điều trị thành công sẽ phụ thuộc vào vị trí và mức nghiêm trọng của tình trạng vôi hóa. Các nốt vôi hóa cứng sẽ làm gián đoạn các quá trình quan trọng trong não và tim. Sự tích tụ canxi trong mạch máu có thể dẫn đến bệnh mạch vành.

Tóm tắt bài viết

Vôi hóa là sự tích tụ canxi trong mô cơ thể. Sự tích tụ canxi có thể tạo thành các nốt cứng ở nhiều bộ phận như mô mềm, động mạch, tim, não, thận, tuyến vú, khớp và gân. Mặc dù vôi hóa không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng đau đớn nhưng nếu không được phát hiện và điều trị, vôi hóa có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Việc điều trị phụ thuộc vào vị trí, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây tích tụ canxi.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tăng canxi máu: Điều gì xảy ra khi cơ thể có quá nhiều canxi?
Tăng canxi máu: Điều gì xảy ra khi cơ thể có quá nhiều canxi?

Tăng canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu quá cao. Canxi là khoáng chất cần thiết cho sức khỏe xương, răng cũng như là hoạt động của các cơ quan, tế bào, cơ và dây thần kinh. Canxi còn có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu.

Canxi san hô: Lợi ích, liều lượng và tác dụng phụ
Canxi san hô: Lợi ích, liều lượng và tác dụng phụ

Canxi từ san hô được cho là có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, từ giúp xương chắc khỏe hơn, giảm các triệu chứng viêm khớp cho đến ngăn ngừa ung thư và bệnh Parkinson.

8 điều cơ bản cần biết về canxi
8 điều cơ bản cần biết về canxi

Canxi là một chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần cho nhiều chức năng cơ bản. Nhưng cụ thể canxi có những vai trò gì, có trong những loại thực phẩm nào, cơ thể cần bao nhiêu canxi mỗi ngày và những vấn đề nào có thể xảy ra nếu bị thiếu canxi?

Có nên uống canxi photphat không?
Có nên uống canxi photphat không?

Xương và răng được cấu tạo từ canxi photphat - một hợp chất của canxi và phốt pho. Vậy liệu rằng bổ sung canxi photphat có giúp cho xương chắc khỏe hơn không?

Những ai cần uống bổ sung canxi?
Những ai cần uống bổ sung canxi?

Ở đa số mọi người, chế độ ăn uống hàng ngày có thể đáp ứng đủ nhu cầu canxi. Tuy nhiên, những người mà chế độ ăn có quá ít canxi nên cân nhắc việc dùng viên uống bổ sung.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây